Bài viết sau đây trích từ bài đăng trên trang cá nhân Facebook của KTS NGUYỄN HUY KHANH (Phó Tổng giám đốc TỔNG CÔNG TY TƯ VẤN XÂY DỰNG VIỆT NAM - CTCP - VNCC ) |
Hôm nay, 27/4 là ngày vui là ngày Hội của giới KTS VN. Vừa phấn khởi lại vừa lo lắng cho tương lai của nghề chính là tâm trạng của tôi bây giờ. Điều tôi lo là sắp tới số lượng KTS bỏ nghề sẽ vô cùng lớn. Lý do rất đơn giản thôi, là vì những người có nhu cầu thiết kế nhà ở trong khoảng 10 năm tới sẽ không còn cần đến kiến trúc sư nữa 😞
Chuyện này liệu có vô lý? Tôi xin khẳng định là không. Nguyên nhân chính của việc “thất nghiệp hàng loạt” sắp tới này là do sự phát triển công nghệ của thế giới hiện nay đã đến mức có thể làm chuyển dịch và thay thế lực lượng lao động của rất nhiều ngành nghề mà trong đó có nghề Kiến trúc của ta. Việc chuyển dịch này ảnh hưởng đặc biệt đến những công việc mà nội hàm chính mang tính logic hay cụ thể hơn là ở những công đoạn hay chu trình sản xuất không đòi hỏi quá nhiều sự sáng tạo.
Trong giới Kiến trúc sư Việt Nam hiện nay, đa số KTS vẫn theo trào lưu truyền thông, nói nhiều về cuộc cách mạng 4.0 với viễn cảnh đầy màu hồng, như kiểu là “Thiết kế kiến trúc trong thời đại 4.0” “ định hướng đào tạo KTS đáp ứng CN 4.0“ “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong kiến trúc và quy hoạch đô thị” v.v.. nhưng chưa thấy ai lưu ý rằng chính cuộc cách mạng 4.0 này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nghề nghiệp của mình theo hướng TIÊU CỰC.
Cá nhân tôi cho rằng Cuộc cách mạng 4.0 sẽ trở thành một kẻ mà tiếng Anh gọi là Serial Killer -“ sát thủ hàng loạt” lạnh lùng đối với nghề chúng ta đang theo đuổi.
Để khẳng định nhận định này tôi sẽ cố gắng chứng minh một cách ngắn gọn như sau:
Như chúng ta đã biết Cách mạng công nghiệp 4.0 viết tắt là CN 4.0 được xây dựng trên 4 nền tảng công nghệ chủ chốt: Một là internet vạn vật - IoT (1), Hai là Trí tuệ nhân tạo -AL (2), Ba là Dữ liệu lớn - Big Data (3), Bốn là Điện toán đám mây - Cloud Computing (4).(Chi tiết về 4 công nghệ này xem phần chú thích cuối bài).
Bây giờ, chúng ta cùng hình dung về một người có nhu cầu xây nhà hoặc trang trí nhà của mình sau 5 đến 10 năm tới họ sẽ cần phải làm gì ?
Xin thưa, khi đó việc duy nhất mà họ phải làm là cầm trên tay một thiết bị đã rất phổ biến với mọi công dân trong xã hội, đó là smartphone hoặc máy tính bảng. Khi có nhu cầu, họ sẽ khởi động 1 ứng dụng (application) với cái tên có thể là THIẾT KẾ NHÀ Ở. Rồi sau một vài lần “trò chuyện” bằng giọng nói cùng một vài lần ấn nút họ có thể được gửi đến ngay một hồ sơ thiết kế đầy đủ để xây dựng hay trang trí ngôi nhà của mình (giống như việc bác Google đang trả lời mọi câu hỏi của chúng ta như hiện nay).
Điều này có thể hiện thực không ? Chắc chắn là có! Tại sao có thể làm được như vậy ư ?
Vấn đề khó khăn nhất của việc khách hàng cần đến các KTS chính là vấn đề GIAO DIỆN hay “giao tiếp”, cụ thể là: giữa việc đưa ra nhu cầu, với tiếp nhận và mô phỏng lại nhu cầu dưới dạng hình vẽ - bản vẽ để có thể hiểu và hình dung, và ngược lại đưa ra các giải pháp thiết kế bằng hình vẽ để hiểu rồi làm cơ sở để chấp thuận và ra quyết định xây dựng.
Đến nay, công nghệ đã giải quyết được vấn đề này, Công nghệ Nhận dạng và Xử lý tiếng nói (5) sẽ bùng phát thay đổi hoàn toàn phương thức nhập dữ liệu trong thời đại CN 4.0., hỗ trợ giao diện những con người và các hệ thống máy móc. Gần đây, ai cũng biết người dùng smartphone đã quen với việc gửi đi các tin nhắn dạng ký tự (text) bằng chính giọng nói của mình thay cho việc lọ mọ gõ từng ký tự trên bàn phím hoặc giữ phím record (ghi âm) rồi gửi đi các file lời nói. Những ứng dụng với cái tên như Siri, Google Voice hay Cortana đã trở nên quen thuộc cùng 1 biểu tượng micro chung trên màn hình trên quy mô toàn cầu. Và như vậy, chỉ rất sớm thôi, bàn phím sẽ dần biến mất, toàn bộ việc nhập dữ liệu sẽ thay thế bằng giọng nói. Công nghệ nhận dạng giọng nói đã phát triển đến mức mà từ nay cho phép bất cứ ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng các ứng dụng tin học mà không hề cần biết chữ và không cần học ngoại ngữ (6).
Khi khâu khó khăn nhất này đã được vượt qua được thì việc đưa ra giải pháp thiết kế bằng hình ảnh chỉ còn là một vấn đề mang tính trình tự thủ tục. Cụ thể như sau:
Và cứ như vậy, chủ nhà có thể có một bản thiết kế theo ý mình mà không cần đến một KTS bằng da bằng thịt.
Để hiểu sâu hơn ta có thể thấy App là một ứng dụng tổng hợp bao gồm : Trí tuệ Nhân tạo - AL(2) chạy trên nền điện toán đám mây (4) được lập trình về mặt công năng (nguyên lý thiết kế) kết hợp với sử dụng dữ liệu (hình ảnh) toàn cầu (3) để có thể sắp xếp các không gian các phòng, cung cấp các kiểu mẫu, các loại vật liệu, các chi tiết dưới dạng hình ảnh rồi gửi trở lại cho chủ nhà những hình vẽ mô tả những gì mà chủ nhà muốn cùng với một vài lựa chọn tối ưu. Như vậy AL đã thay cho KTS đưa ra vài giải pháp thiết kế cho chủ nhà lựa chọn. AL còn cho phép máy tính học từ những nhà thiết kế các nguyên lý thiết kế thông qua quá trình tạo ra bản vẽ - hình vẽ của các nhà thiết kế thực hiện trên nền tảng dữ liệu đám mây. Tương tự với giải pháp cảnh quan hay nội thất cũng sẽ được thực hiện như vậy...
...
Trong thời đại 4.0, các KTS hành nghề giống như các robot, tức là chỉ biết ”thuộc bài” và biết vẽ theo ý chủ nhà sẽ bị thay thế bởi chính Công nghệ. Những KTS “sống sót” là những người có khả năng sáng tạo, có quan niệm và triết lý sống riêng, có cảm xúc và cách diễn đạt cảm xúc một cách khác biệt ...
Và
“Nếu chúng ta là ROBOT chúng ta sẽ bị ROBOT tiêu diệt” là thông điệp tôi muốn gửi đến các KTS hôm nay nhân ngày 27/4.
Hy vọng thông điệp này giúp ích đối anh chị em đồng nghiệp!
Thân ái!
19/04/27
KTS. Nguyễn Huy Khanh
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Internet_Vạn_Vật
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%AD_tuệ_nhân_tạo
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Dữ_liệu_lớn
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Điện_toán_đám_mây
(5)https://vi.wikipedia.org/wiki/Nhận_dạng_tiếng_nói
(6) Phần mềm phiên dịch đa ngôn ngữ được tích hợp trong smart phone, sắp tới đa số mọi người có thể không cần học ngoại ngữ.
LIÊN KẾT |