magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Nguyễn Hiền Thư
Cấp 7 - 24127 điểm
CHUYỆN THIẾT KẾ
Công tác Bảo tồn cảnh quan Kiến trúc đô thị và những nỗ lực của Tp HCM hiện nay

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, TP HCM đã và đang lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc – cảnh quan đô thị mang tính lịch sử – văn hóa của các thời kỳ phát triển với nhiều trường phái khác nhau. Các yếu tố này tạo nên cho TP một hệ thống di sản đô thị phong phú, đa dạng.

Trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1986, TP HCM nói riêng và cả nước nói chung phải đối mặt với những khó khăn, thử thách từ công cuộc tái thiết và phát triển đất nước sau 2 cuộc chiến tranh. Cũng vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan mà trong giai đoạn này, công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc (chủ yếu là công tác bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa) hầu như chỉ do Sở Văn hóa – Thông tin phụ trách. Cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn còn tương đối ít (chủ yếu áp dụng Pháp lệnh 14 LCT/HĐNN năm 1984 về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, Nghị định 288/HĐBT và Thông tư số 206/VH-TT). Thêm vào đó, do nền kinh tế khó khăn cũng như những lý do về công tác quản lý nhà nước nên một số di tích đã bị xuống cấp; đồng thời ý thức bảo tồn các cảnh quan kiến trúc công trình tiêu biểu (nhất là các biệt thự cổ, công sở có kiến trúc đẹp…) chưa cao nên đã làm phá hủy một số công trình có giá trị. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là do cơ chế quản lý và nền kinh tế mang tính bao cấp, khép kín nên cảnh quan kiến trúc của thành phố trong thời gian này chưa bị phá vỡ nhiều.

 

Thương xá TAX trước đây

 

 

Chợ Bến Thành trước đây

Giai đoạn từ năm 1986 đến thời gian gần đây:

Sự thay đổi cơ chế quản lý bao cấp sang thị trường đã tạo những thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Cùng với sự phát triển năng động của mô hình kinh tế thị trường, bên cạnh một số di tích đã bị xuống cấp, nhiều công trình tiêu biểu như các biệt thự cổ, công sở có kiến trúc đẹp, thậm chí cả các ô phố – dãy phố đã bị phá bỏ hoặc đang đứng trước nguy cơ bị thay đổi. Xét về mặt “Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị”, như một số chuyên gia đã nhận xét: Đây là thời kỳ mà các thách thức đặt ra cho công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị lớn hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây. Các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị đã có những sự thay đổi nhất định trong nhận thức đối với công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Những quy định pháp luật về xây dựng, quy hoạch – kiến trúc và bảo tồn di tích từng bước được soạn thảo và ban hành nhiều hơn, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Một số văn bản pháp luật có liên quan đã được ban hành như: Luật Di sản Văn hóa năm 2002 (được bổ sung điều chỉnh năm 2010), Luật Xây dựng năm 2003Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, do quá trình phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa nhanh ở thành phố nên hệ thống di tích, cảnh quan kiến trúc cũng xuống cấp hay biến đổi nhanh hơn.Trong khi đó, việc quản lý còn nhiều chồng chéo giữa các cấp ngành và khá bị động.

Một trong những lý do mà công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại TP.HCM trong một thời gian dài thiếu hiệu quả, thậm chí “dậm chân” tại chỗ là do có một “khoảng trống” giữa những chuyên gia và những người làm công tác chỉ đạo – quản lý lĩnh vực này. Bên cạnh đó, còn phải nhắc tới một số tác động mang tính nhạy cảm mà cơ chế kinh tế thị trường “thiếu kiểm soát” tạo ra.

 

Nhà hát TP.HCM sau khi trùng tu

 

 

Bưu điện TP HCM sau khi trùng tu

Trong những năm gần đây, một số chuyên gia, những người rất tâm huyết và có sự hiểu biết nhất định trong lĩnh vực bảo tồn kiến trúc cảnh quan đô thị đã có điều kiện tham gia vào công tác quản lý nhà nước về quy hoạch – kiến trúc nên công việc đã được tập trung nghiên cứu để thúc đẩy nhanh hơn. Bằng kết quả của một số đề tài nghiên cứu cộng với sự giúp đỡ tích cực của các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia Pháp đến từ Trung tâm Paddi, chúng tôi đã tổng hợp và đề xuất để TP.HCM phê duyệt Quyết định “Về ban hành Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM” và “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM”.

Chương trình xác định rõ những mục tiêu cụ thể:

  • Xác định các yêu cầu, đối tượng và quan điểm định hướng trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn Thành phố.

  • Đề xuất các giải pháp, chính sách để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn Thành phố, đồng thời hỗ trợ cho quá trình đầu tư xây dựng, phát triển Thành phố.

  • Điều phối việc thực hiện công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn Thành phố một cách đồng bộ, hiệu quả.

Chương trình cũng xác định rõ các nội dung và thời gian thực hiện (9 nội dung):

  • Xác định danh mục các công trình kiến trúc nghệ thuật, quần thể kiến trúc và các công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu theo Luật Di sản văn hóa.

  • Xác định đối tượng kiến trúc cảnh quan đô thị cần bảo tồn trên địa bàn TP.HCM.

  • Xác định những khu vực kiến trúc cảnh quan đô thị cần bảo tồn.

  • Xây dựng các quy định chung trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn Thành phố.

  • Xây dựng các quy chế bảo tồn cảnh quan kiến trúc với các đối tượng (khu vực, công trình…)

  • Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn.

  • Tổ chức xây dựng trang web bảo tồn cảnh quan kiến trúc cho TP.HCM (Kết nối với các dự án khác cùng mục tiêu).

  • Nghiên cứu thành lập một đơn vị tập trung về công tác quản lý bảo tồn cảnh quan kiến trúc thành phố (tạm gọi là Cơ quan Bảo tồn và Phát triển).

  • Tổ chức các lớp tập huấn, đoàn thăm quan, học tập kinh nghiệm ở một số thành phố trong và ngoài nước.

Chương trình này cũng đã xác định rõ 3 cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức triển khai thực hiện 9 nội dung trên là Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Văn hóa – Thể thao, Viện Nghiên cứu phát triển. Sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã tổ chức triển khai với kết quả khá tốt được 6/9 nội dung công việc, các nội dung còn lại đang chờ kết quả xét duyệt kinh phí nên hy vọng sẽ triển khai trong những tháng tới. Như đã phân tích ở trên, đây là thời điểm mang tính quyết định cho việc TP.HCM thực hiện thành công công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị với một đội ngũ chuyên gia tâm huyết và sự giúp đỡ hết mình của các chuyên gia Pháp.

Trong thời gian vừa qua, một trong những vấn đề bức xúc nhất liên quan tới công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại TP.HCM là việc hàng loạt chủ đầu tư xin phép tháo dỡ một số các biệt thự cũ để xây dựng mới (TP.HCM hiện có khoảng 1300 biệt thự cũ). Khác với nhiều thành phố, rất nhiều biệt thự cũ tại TP.HCM là sở hữu tư nhân nên việc chậm xử lý (cho hoặc không cho phép tháo dỡ để xây dựng mới, công trình được cho phép xây dựng mới sẽ như thế nào…) có ảnh hưởng lớn tới dư luận xã hội. Vì vậy, nên cùng lúc với việc triển khai đồng bộ “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM”, chúng tôi tách riêng mảng biệt thự cũ để ưu tiên nghiên cứu xử lý. Công việc này khá phức tạp, đòi hỏi các chuyên gia có uy tín, khách quan, công tâm, xử lý một cách khoa học thì mới nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội và nhất là của các chủ nhân các biệt thự. Về mặt khoa học, theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và kiên trúc, phần lớn các biệt thự tại TP.HCM là biệt thự cũ, khá ít các biệt thự cổ nên chúng tôi đã xác định hướng bảo tồn chính các biệt thự cũ này là bảo tồn về mặt không gian kiến trúc cảnh quan. Một cách cụ thể hơn là bên cạnh việc bảo tồn các biệt thự cổ, cố gắng gìn giữ lại không gian thưa, thoáng với nhiều cây xanh của mảng biệt thự cũ. Như vậy, sẽ cho phép có những sự biến đổi nhất định, phù hợp với từng khu vực.

Sơ đồ phân tích công tác phân loại biệt thự cũ tại TP.HCM

Trong sơ đồ cho thấy rõ việc tách các công trình biệt thự để ưu tiên tập trung nghiên cứu xử lý từ nội dung 2 của Chương trình trên là “Xác định các đối tượng kiến trúc cảnh quan cần bảo tồn”. Trên cơ sở đó, TP.HCM thành lập “Hội đồng phân loại biệt thự” gồm các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan, các nhà quản lý đô thị… Hội đồng này sẽ phân loại các biệt thự trên cơ sở hồ sơ của từng biệt thự đã được “Tổ kỹ thuật” kiểm kê và đánh giá. Các thành viên của “Tổ kỹ thuật” này là các KTS đã được tham gia các khóa tập huấn do các chuyên gia Pháp đến từ Trung tâm PADDI hỗ trợ. Trong thời gian đầu, khi tiến hành công tác kiểm kê các biệt thự cũ, các chuyên gia Pháp đã cùng tham dự. Cũng trong thời gian này, một tổ khác là “Tổ soạn thảo quy định” cũng đã được thành lập để nghiên cứu “Quy định quản lý công trình xây dựng trên các khu đất biệt thự cũ thuộc nhóm không cần bảo tồn”. Như vậy, đối với các biệt thự cũ được “Hội đồng phân loại biệt thự” xác định không cần bảo tồn sẽ sử dụng Quy định trên để xử lý cấp phép xây dựng ngay. Còn đối với các biệt thự cũ cần bảo tồn sẽ được xử lý theo một quy định khác cũng đang được tiến hành nghiên cứu.

Với những nỗ lực trên, TP.HCM hy vọng sẽ sớm thực hiện được việc vừa bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, vừa cải tạo để phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

 

Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

 

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ