magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Hoang Phuc
Cấp 4 - 638 điểm
CHUYỆN THIẾT KẾ
Nghệ thuật kiến trúc cảnh vườn trong kiến trúc cung đình thời Nguyễn

ThS.KTS Đỗ Thị Thanh Mai

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2016)

Triều Nguyễn (1802-1945) là triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, là triều đại kế thừa được những tinh hoa về văn hóa, kiến trúc của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử. Hệ thống kiến trúc cung đình thời Nguyễn đã có những bước phát triển đột khởi, tạo nên một bản sắc riêng, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc và cách tổ chức không gian vườn. Chính đặc điểm này đã làm cho Huế – kinh đô của triều Nguyễn trở thành một điển hình của lối kiến trúc đô thị – cảnh quan, nổi tiếng đẹp và thơ mộng. Tháng 12/1993, quần thể kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới với những đánh giá đặc biệt về giá trị cảnh quan và lịch sử.

Trong bài viết này, tác giả bước đầu phân tích, đánh giá vai trò và đặc điểm của nghệ thuật kiến trúc vườn trong kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng làm nên cá tính và phong cách riêng của kiến trúc cung đình Huế – di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam.

 

Khái lược về lịch sử hình thành vườn cung đình Huế

Triều Nguyễn được thành lập chính thức vào năm 1802, sau khi chúa Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước; cũng năm này ông lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long và chính thức chọn Huế để xây dựng kinh đô. Việc quy hoạch và xây dựng kinh đô Huế diễn ra hơn 30 năm, kéo dài qua hai triều vua là Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1841). Kinh đô Huế là một phức hệ kiến trúc phong phú và hoàn chỉnh, bao gồm thành trì, cung điện, đàn miếu, chùa quán, lăng tẩm, cầu cống, thủy hệ, vườn ngự, hành cung… Bên cạnh hệ thống kiến trúc cung đình còn có hệ thống phủ đệ của thân vương, hoàng tử, công chúa; dinh thự, nhà vườn của quan lại; hệ thống chùa chiền Phật giáo; hệ thống nhà thờ Thiên chúa giáo; hệ thống kiến trúc dân gian… Có thể nói đó là phức hệ kiến trúc phong phú và hoàn chỉnh nhất trong các kinh đô của Việt Nam thời kỳ chế độ quân chủ, và cũng là hệ thống kiến trúc – di sản còn bảo tồn được tốt nhất của Việt Nam cho đến ngày nay.

Có một đặc điểm rất dễ nhận diện về kiến trúc truyền thống Huế nói chung và kiến trúc cung đình Huế nói riêng. Đó là cách quy hoạch tổ chức không gian đặc biệt coi trọng yếu tố cảnh quan, phong thủy, là cách đưa thiên nhiên trở thành một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong các công trình kiến trúc mà thường được gọi ngắn gọn là lối kiến trúc vườn. Chính vì vậy, nói đến kiến trúc Huế tức là nói đến kiến trúc phong cảnh vườn: Nhà vườn, chùa vườn, lăng vườn, thậm chí cung điện vườn. Nhưng điển hình nhất, thể hiện tinh túy nhất phong cách kiến trúc phải là hệ thống kiến trúc phong cảnh vườn cung đình – vườn ngự của triều Nguyễn. Đó thực sự là một thành tựu nổi bật và mang tính đột phá trong lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật vườn cảnh Việt Nam.

Thực ra, vườn cung đình Huế đã hình thành và có những bước phát triển trước đó hàng trăm năm trong thời kỳ các chúa Nguyễn chọn Huế làm thủ phủ xứ Đàng Trong. Theo các tư liệu lịch sử, năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan chọn đất làng Kim Long dưới chân chùa Thiên Mụ để xây dựng thủ phủ thì phong cách kiến trúc vườn đã xuất hiện ngay trong phủ chúa. Từ năm 1687-1775, khi thủ phủ Đàng Trong được dời về làng Phú Xuân thì loại hình kiến trúc vườn cảnh đã hình thành rõ nét. Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng mô tả về Đô thành Phú Xuân của chúa Nguyễn: “Ở vườn hậu uyển thì có non bộ, đá lạ, hồ vuông, hào cong, cầu vòng, thủy tạ” 1. Một nhân chứng khác là giáo sĩ Jean Koffler, người được mời làm bác sĩ riêng của chúa Nguyễn Phúc Khoát cũng mô tả trong hồi ký của mình về một khu vườn lớn trồng nhiều loại kỳ hoa dị thảo ngay trong phủ chúa 2.

Tuy nhiên, phải đến khi triều Nguyễn xây dựng Huế trở thành kinh đô của cả nước Việt Nam thống nhất, vườn cung đình mới có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành một loại hình kiến trúc riêng biệt. Theo thống kê, trong thời kỳ đỉnh cao, tại kinh đô Huế, triều Nguyễn có đến hơn 30 khu vườn cung đình với các quy mô khác nhau nhưng đều là những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của dòng kiến trúc phong cảnh.

Vườn ngự uyển Thiệu Phương trên tranh kính thời Nguyễn

 

Nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển và biến đổi của hệ thống vườn cung đình thời Nguyễn, có thể chia làm 3 giai đoạn:

– Thời kỳ hình thành, tương đương với thời vua Gia Long (1802-1820). Đây là thời kỳ manh nha hình thành một số vườn trong và ngoài hoàng cung. Thành tựu lớn nhất của giai đoạn này là Thiên Thọ lăng, một khu lăng tẩm mênh mông rộng hơn 2800 ha, mang đặc điểm của vườn sinh thái phong thủy.

– Thời kỳ phát triển và đạt đỉnh cao (1820-1883), tương ứng với 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Đây là thời kỳ xuất hiện hàng loạt khu vườn với nhiều quy mô, phong cách và tính chất khác nhau, trong đó có cả loại hình cung uyển (ngự uyển trong cung), biệt cung, ly cung, vườn lăng…

– Thời kỳ biến đổi và suy tàn (1885-1945), tương ứng với thời kỳ vua Đồng Khánh trở về sau. Đây là thời kỳ triều Nguyễn đã mất quyền tự chủ, tiềm lực kinh tế yếu kém và bị phụ thuộc, đồng thời cũng là giai đoạn tiếp thu ảnh hưởng của văn minh phương Tây ngày càng sâu sắc. Các khu vườn cung đình đều lần lượt bị triệt giải.

Sau năm 1945, Huế không còn giữ vị thế kinh đô, các công trình kiến trúc bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nghiêm trọng, các dấu tích về hệ thống vườn cung đình ngày càng mờ nhạt và khó nhận diện hơn. Từ năm 1982 đến nay, công cuộc bảo tồn di sản tại Huế đã ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh và đạt được những thành tựu quan trọng; vấn đề nghiên cứu và phục hồi những khu vườn cung đình đã được đặt ra và bước đầu triển khai2. Đây là cơ hội thuận lợi để tìm hiểu và nghiên cứu đầy đủ về dòng kiến trúc đặc biệt này.

 

Loại hình, đặc điểm của vườn cung đình Huế

Về mặt loại hình, Vườn cung đình Huế có thể chia làm 3 loại chính sau:

– Cung uyển: Là loại vườn nằm ngay trong hoàng cung. Trong thời Nguyễn, hoàng cung Huế từng có 5 khu vườn thuộc dạng này là: vườn Thiệu Phương, Ngự Viên, Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh. Các khu vườn này đều có quy mô tương đối nhỏ nhưng lại có vai trò rất quan trọng, vì nằm ngay trong cung cấm, là nơi nghỉ ngơi thư giãn của hoàng đế và các thành viên hoàng gia.

Tranh gương vẽ cảnh một góc Hậu Hồ

– Biệt cung, ly cung: Là các trang viên nằm tách biệt khỏi hoàng cung, có thể nằm trong hay ngoài kinh thành, số vườn loại này không nhiều nhưng đều là những khu vườn được xây dựng công phu, cầu kỳ. Loại hình này có khi là biệt cung của một vị hoàng đế (như cung Khánh Ninh của vua Minh Mạng, cung Bảo Định của vua Thiệu Trị, vườn Dữ Dã của vua Tự Đức), hoặc là ly cung của nhiều triều vua (hồ Tịnh Tâm, vườn Thư Quang, vườn Thường Mậu, vườn Thường Thanh).

Cảnh hồ Tịnh Tâm

– Vườn hoàng gia: Là loại hình vườn có số lượng khá phong phú (khoảng 15 khu vườn, như vườn Xuân Viên, Chí Khánh, Phong Trạch, Diễm Lục…), chủ yếu nằm ở phía Tây bên ngoài Kinh thành, thuộc vùng Kim Long, Vạn Xuân ngày nay. Đa số chúng là những vườn trồng cây ăn quả, cây hoa lớn, ít có công trình kiến trúc. Đây là những khu vườn được xây dựng đồng loạt cuối thời Minh Mạng để dành cho nhà vua cùng gia đình thỉnh thoảng về nghỉ ngơi thư giãn.

– Vườn lăng: Thực chất đây là những khu lăng tẩm hoàng đế với quy mô rất lớn được quy hoạch theo phong cách vườn sinh thái, phong thủy. Tiêu biểu nhất là 4 khu lăng của các vị hoàng đế đầu triều: Thiên Thọ Lăng (lăng vua Gia Long), Hiếu Lăng (lăng vua Minh Mạng), Xương Lăng (lăng vua Thiệu Trị) và Khiêm Lăng (lăng vua Tự Đức). Có thể xem đây là một loại hình vườn đặc biệt, một thành tựu đặc sắc của kiến trúc cung đình Huế mà chúng tôi sẽ đề cập sâu hơn trong bài viết sau.

Lăng Minh Mạng

Khiêm Cung- lăng vua Tự Đức

Nghiên cứu về hệ thống vườn cung đình Huế, dù ở các loại hình khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều có một số đặc điểm nổi bật sau:

– Yếu tố mặt nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và cấu trúc các Ngự viên. Hầu như tất cả các ngự viên của triều Nguyễn đều gắn với mặt nước rộng lớn, tiêu biểu như Doanh Châu, Cơ Hạ viên, Tịnh Tâm hồ… kể cả các khu lăng tẩm của triều Nguyễn cũng có diện tích mặt nước rất lớn. Bên cạnh đó, nghệ thuật kết hợp giữa kiến trúc với yếu tố mặt nước theo thủ pháp “Thần tiên tam đảo” đã đạt đến trình độ rất cao4.

Ngự viên

Bên cạnh đó, sự kết hợp sơn – thủy thông qua sự phối trí giữa dòng nước với các non bộ, giả sơn cũng hết sức phổ biến và đạt đến trình độ tinh tế.

– Quy mô các vườn Ngự thời Nguyễn đều khá khiêm tốn, (trừ các khu lăng tẩm), nhưng các loại hình kiến trúc rất đa dạng. Ở các triều đại trước thời Nguyễn, do thiếu tư liệu nên hầu như chúng ta chỉ biết được phần nào hình ảnh của những cung uyển (vườn xây ngay trong cung cấm). Nhưng dưới thời Nguyễn thì loại hình vườn cung đình rất đa dạng.

Bảng thống kê các vườn ngự thời Nguyễn

Các vườn Ngự triều Nguyễn thường chỉ có quy mô vài ba mẫu, Tịnh Tâm hồ thuộc hàng lớn nhất cũng chỉ đạt đến 20 mẫu (10ha), tuy nhiên các công trình kiến trúc trong vườn lại rất phong phú về thể loại và đa dạng về hình thức. Về thể loại thì có điện, đường, lâu, các, tạ, quán, tự, trai, đình, hiên, lang, kiều, cống… . Về hình thức, thì có loại 1 gian, 3 gian, 5 gian, một tầng, 2 tầng, 3 tầng..; bình diện hình vuông, tròn, lục giác, bát giác..; mái lợp ngói ống, ngói âm dương, ngói liệt, men vàng, men xanh..; hành lang thì có trường lang, dực lang, vạn tự hồi lang… Các công trình này hầu hết đều có quy mô nhỏ, kết cấu có thể đơn giản nhưng rất tinh xảo và trang nhã, được bố trí hài hòa với cảnh trí chung. Nổi bật trong các loại hình kiến trúc trong các Ngự viên thời Nguyễn là kiểu kiến trúc hành lang. Đây là một dạng kiến trúc đơn giản, nhưng khá đa dạng về kiểu thức: Hành lang, trường lang, hồi lang, dực lang, thủy lang… chủ yếu đóng vai trò nối kết giữa các công trình chính. Nhờ sự ứng dụng linh hoạt mà loại hình kiến trúc tưởng như phụ này lại tạo nên một vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển rất riêng của các Ngự viên. Kiến trúc hành lang đã tạo nên kết cấu “Vương Tự Điện” đặc sắc ở Trường Ninh Cung, tạo nên “Vạn Tự Hồi Lang” độc đáo ở Thiệu Phương Viên; ở Cơ Hạ Viên thì có “Tứ Phương Ninh Mật Hồi Lang”; tại Tịnh Tâm Hồ thì nhờ hệ thống hồi lang dài đến 144 gian mà 3 hòn đảo thần tiên được nối liền thông suốt với nhau…

– Đối với các hình thức đắp núi, xây non bộ, vườn cung đình Huế cũng coi trọng và xem như thành tố không thể thiếu trong cấu trúc vườn. Tuy nhiên, cả trong tư liệu và trên thực tế hiện còn đều không thấy những non bộ có quy mô lớn như ở vườn ngự Trung Quốc. Việc đắp núi và tạo các hang động cũng ít phổ biến như ở vườn Trung Quốc. Người Việt cũng ít dùng các viên đá lớn có hình thù kỳ quái xếp đơn lẻ mà chủ yếu là xây đắp các non bộ từ gạch hoặc đá nhỏ. Đây có lẽ là đặc điểm của người phương Nam, ít sùng bái đá mà chú trọng hơn yếu tố nước?

– Đối với các loại động thực vật được nuôi trồng trong vườn cung đình, nhìn chung đều là những sưu tập của các loại thực vật, động vật quý của cả nước. Thực vật thì gồm các loại kỳ hoa dị thảo đưa về từ muôn nơi; động vật thì có đủ cả chim, thú, cá cảnh quý hiếm…Nhưng đó là đối với loại hình cung uyển. Còn với các loại hình vườn cung đình khác thì chú trọng đến yếu tố tự nhiên hơn. Ở các biệt cung, li cung thời Nguyễn, cây cối phần nhiều là loài cây bản địa tự nhiên (gồm cả cây ăn quả, cây hoa, cây lấy gỗ…), cá nuôi cũng là cá tự nhiên chứ hầu như không nuôi cá cảnh nhiều màu sắc. Đặc biệt, thời Nguyễn còn có khu vườn Dữ Dã của vua Tự Đức trên đảo Dã Viên được thiết kế hết sức gần gũi với các khu vườn dân dã của xứ Huế.

Thay lời kết

Dưới thời Nguyễn, vườn cung đình đã từng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống và sinh hoạt của nhà vua, hoàng gia và cảz triều đình. Không chỉ là nơi dành cho hoàng đế và các thành viên của hoàng gia thư giãn, nghỉ ngơi, mà một số khu vườn còn được sử dụng để tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình, như vườn Cơ Hạ từng được dùng làm nơi chấm thi của kỳ thi đình (thi tiến sĩ), vườn Thư Quang để tổ chức lễ ban yến cho các tiến sĩ tân khoa, vườn Thường Mậu dành cho hoàng đế và tùy tùng nghỉ ngơi trước khi tổ chức lễ Tịch điền (cày ruộng đầu xuân)… Lại có những khu vườn – biệt cung như cung Khánh Ninh, cung Bảo Định, Khiêm Cung là nơi nhà vua đến nghỉ ngơi những vẫn kiêm bàn việc chính sự, vì thế bố trí các công trình vẫn theo kiểu cung điện, rất bề thế, đăng đối và hoành tráng.

Về mặt kiến trúc, vườn cung đình là nơi tập hợp các loại hình kiến trúc phong phú và rất tinh xảo, xứng đáng là tinh hoa của kiến trúc truyền thống Việt Nam trong giai đoạn cuối cùng của chế độ quân chủ. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là nghệ thuật tạo cảnh và kết hợp với các yếu tố phong thủy, yếu tố tự nhiên đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Chính vì vậy, mỗi khu vườn đều là những tác phẩm kiến trúc phong cảnh tiêu biểu. Vì vậy, vườn cung đình thời Nguyễn xứng đáng được đầu tư nghiên cứu và có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị như những di sản quý giá nhất của nền kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

– Hồ Tấn Phan (1999), “Một số hình ảnh vườn ngự xưa qua Cung Viên thập cảnh” in trong Nghiên cứu Huế, tập 1, Huế.
– Hoàng Đạo Kính ( 2003),”Nhận ra và giữ lấy những cái duy nhất của di sản kiến trúc Huế”, Tạp chí Kiến Trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 3 (101), tr.66-70.
– Ngô Huy Quỳnh (1998), Lịch sử kiến trúc Việt Nam, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.
– Lê Quý Đôn (1977), Lê Qúy Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, Hà Nội.
– Nguyễn Hoàng Huy (1997), Vườn cảnh phương Đông, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
– Nguyễn Đình Toàn (2002), Kiến trúc Việt Nam qua các triều đại, Nxb Xây Dựng, Hà Nội.
– Phan Thanh Hải (2006), “Tổng quan về vườn cổ điển Trung Quốc”, Tạp chí Kiến trúc, số 133.
– Phan Thanh Hải (2012), Vườn cung đình Việt Nam, lịch sử, hiện trạng và vấn đề nghiên cứu phục hồi. Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4, Hà Nội.
– Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Viện sử học, Nxb Giáo dục.
– Nguyễn Thị Thanh Thủy (1996), Kiến trúc phong cảnh, NXB KHKT, Hà Nội.
– Hàn Tất Ngạn (2003), Kiến trúc cảnh quan, Nxb Xây Dựng, Hà Nội.

1. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, tập 1, tr.158.
2. “Trong phủ chúa có một khu vườn lớn, đây là một trong các khu vườn đẹp nhất của Kinh thành. Vườn trồng rất nhiều loại hoa, có những loại hoa được đưa từ nước ngoài về cùng nhiều loại cây hoa khác. Người ta trồng chúng không những ngay trên mặt đất phủ cát trắng mà còn trồng trong các chậu bằng đất sét có sơn hoặc trong các chậu sứ được chế tác tinh tế. Tất cả được sắp đặt cực kỳ công phu, tạo nên sự phong phú và quyến rũ đặc biệt của khu vườn”. Giáo sĩ Jean Koffler là người từng sống tại Đàng Trong từ năm 1740-1755. Năm 1747, ông đã được chúa Nguyễn Phúc Khoát phong làm bác sĩ riêng. Các mô tả của Jean Koffler được xuất bản lần đầu năm 1803 (Nhà xuất bản Monath và Kussler) sau đó được dịch ra tiếng Pháp và giới thiệu trên Tạp chí Đông Dương, chương XV (tháng 1-6/1911) và chương XVI (tháng 7-12/1912).
3. Hiện nay, tại cố đô Huế đã triển khai dự án trùng tu phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương và bước đầu triển khai khảo sát nghiên cứu phục hồi vườn Cơ Hạ. Đây là 2 trong số 5 khu vườn quan trọng nằm ngay trong Hoàng cung Huế.
4. Thần tiên tam đảo là thủ pháp đắp 3 hòn đảo giữa mặt nước, tượng trưng cho 3 hòn đảo Bồng lai, Phương Trượng và Doanh Châu, theo truyền thuyết là nơi dành cho tiên giới.

ThS.KTS Đỗ Thị Thanh Mai

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2016)

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ