magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Võ Lê Lâm Bảo
Cấp 6 - 7798 điểm
NHÂN VẬT
Tadao Ando: “Động lực của tôi là tạo ra kiến trúc vượt qua tầm kiệt tác”

Ở tuổi 77, Tadao Ando vẫn tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong ngành kiến trúc đương đại với tinh thần không ngừng chạm đến thẩm mỹ xứng tầm “tuyệt tác”. Năm 2014 tạp chí Frame đã có bài phỏng vấn với vị kiến trúc sư nổi tiếng này và đến nay, những câu chuyện ông chia sẻ vẫn còn nguyên giá trị. Sau đây là câu chuyện của ông, gửi độc giả đọc để cùng chia sẻ và cảm nhận.

 

 

 

"Tôi lớn lên ở Osaka, một nơi có những phân xưởng hoạt động theo quy mô gia đình với nhiều nghệ nhân. Sau giờ học, tôi thường dành thời gian với nhóm thợ chạm gỗ, những người thổi kính, công nhân luyện kim. Và chính họ đã truyền lại các kỹ năng cho tôi. Bà ngoại đã đơn thân nuôi tôi, sau khi công trình của tôi được xuất hiện trên một tạp chí kiến trúc, bà ra đi thanh thản. Bà tiếp cận mọi thứ một cách thực tế và một trong những quan điểm thể hiện điều đó là không muốn tôi mang sách vở về nhà nhiều nên bà yêu cầu tôi luôn phải hoàn thành mọi bài tập trước khi về nhà. Nhiều người nghĩ đó là một ý tưởng kỳ lạ nhưng cuối cùng tôi thấy việc đó rất thiết thực. Bà dạy tôi biết vững tin vào lý tưởng của mình, miễn là ta tìm thấy logic ở trong đó. Đây là tư tưởng tôi đã luôn áp dụng trong suốt sự nghiệp."

 

 

 

"Ở tuổi 14, một sự kiện nhỏ đã có tác động lớn tới tôi. Khi đó nhà của tôi đang được xây lại, tôi đã thấy một người thợ mộc làm việc mệt mài đến quên ăn. Tôi vô cùng ấn tượng trước sự tận tụy đó với công việc, từ đấy niềm đam mê của tôi với kiến trúc đã được thắp lên. Tôi muốn được học và đào tạo theo cách thật chuyên nghiệp, nhưng tôi phải làm việc kiếm thêm thu nhập sau giờ học để hỗ trợ cho bà. Ngoài ra, điểm của tôi không đủ cao để theo học kiến trúc ở đại học. Tôi phải mượn và xin sách kiến trúc của những người bạn học đại học cùng mình để cố thu nạp nhiều nhất có thể, gói gọn 4 năm học trong 1 năm. Tôi cũng tham gia một khóa học vẽ từ xa. Điều khó khăn nhất là tôi phải học một mình, không có bạn cùng lớp để tham gia tranh luận, không ai khẳng định những gì mình tích lũy là đúng hay không... Lúc nào tôi đã trăn trở rất nhiều."

 

 

 

"Có một vài người lại hứng thú với việc tôi không được đào tạo chuyên sâu, nên họ đã hợp tác với tôi để thiết kế nội thất cho một hộp đêm, năm đó tôi mới 18 tuổi. Từ đó trở đi, văn phòng của tôi đã phát triển dựa trên nền tảng công việc như vậy. Tôi thường nói với sinh viên rằng họ hãy đi du lịch khi còn trẻ, để trải nghiệm lịch sử kiến trúc tận mắt. Với tôi, tinh hoa của việc này là sự sáng tạo không gian nơi mọi người gặp gỡ. Tôi đã chiêm nghiệm qua vô số lần công tác trong và ngoài nước, qua các công trình do những người tiền nhiệm thiết kế cũng như kiến trúc bản địa."

 

 

Bên trong văn phòng của KTS Tadao Ando

 

"Vào những ngày đầu lập nghiệp, tôi nhận ra hiếm khi mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch. Một trong những dự án đầu tiên của tôi là nhà ở cho cặp vợ chồng với một đứa con. Khi công trình sắp hoàn tất họ mới biết mình sắp sinh đôi. Phác thảo ban đầu của tôi quá nhỏ cho ngôi nhà 5 người. Cuối cùng, công trình đó đã được giữ lại làm văn phòng cho đến nay tôi vẫn làm việc. Với kinh nghiệm nhìn nhận kiến trúc của mình dưới góc độ người sử dụng, tôi hiểu rằng kiến trúc sư phải có trách nhiệm với thành phẩm của mình. Khi khối lượng công việc gia tăng, tôi phải mở rộng văn phòng và nay nó đã cao 5 tầng. Tôi không có vấn đề với chiều cao đó nhưng khách hàng phải leo cầu thang để gặp tôi trên lầu 4 vì không có thang máy. Điều này khiến tôi nhận ra rằng, thật khó để làm kiến trúc đáp ứng được như cầu của tất cả mọi người."

"Đôi khi tôi cũng đánh giá thấp tiềm năng tương lai trong những công trình của mình. Thiết kế Bảo tàng Tưởng niệm Shiba Ryotaro của tôi, nơi lưu trữ 20.000 đầu sách của tác giả kiệt xuất Ryotaro Shiba với giá cao 11m. Diện mạo tuy ấn tượng nhưng sức người để xếp giá và làm vệ sinh là yếu tố tôi phải quan tâm từ trước."

 

 

Thư viện Shiba Ryotaro do Tadao Ando thiết kế.

 

"Thật không may khi yếu tố cân nhắc đến người dùng là điều tôi chỉ quan tâm sau khi đã nhìn thấy hiện trạng. Vậy nên ở văn phòng, tôi không chỉ làm mô hình cho những công trình của tôi mà còn làm mô hình những công trình lớn khác do các kiến trúc sư khác thiết kế, như Louis Kahn, Norman Foster, Richard Meier và Arata Isozaki để hiểu và rút kinh nghiệm. Có nhiều cuộc thi kiến trúc tôi tham dự nhưng không thành công, sau đó tôi xem lại những điều tôi thấy mình còn thiếu sót và tìm nguyên nhân những kiến trúc sư khác thắng cuộc. Khi nhìn vào mô hình của họ, tôi đã hiểu ra điều đó. Động lực của tôi là tạo ra những loại hình kiến trúc gần như hoặc thậm chí là vượt qua tầm kiệt tác."

 

Nguồn: Frame

| 4441 Lượt xem
Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ