“Tôi tin rằng kiến trúc không nên nói quá nhiều, nên giữ im lặng và để cho thiên nhiên trong vỏ bọc của ánh sáng mặt trời và gió lên tiếng”.
Chàng thanh niên Tadao Ando từ nhỏ đã ham mê tìm tòi và học hỏi
Từng thắng giải thưởng kiến trúc danh giá Pritzker năm 1995, Tadao Ando là một niềm tự hào của đất nước Mặt trời mọc. Sự phi thường đến từ việc ông không hề được đào tạo qua một trường lớp kiến trúc nào, thay vào đó là ý thức tự học, tinh thần sẵn sàng tiếp thu những chuẩn mực và cái mới, đồng thời là một sự nhạy cảm tuyệt vời với nét đẹp truyền thống, tự nhiên từ Nhật Bản.
Tadao Ando sinh năm 1941 tại Osaka, Nhật Bản. Khi còn trẻ, ông học làm đồ gỗ tại quê nhà. 18 tuổi, ông bắt đầu rong ruổi khắp nơi, tận mắt ngắm nhìn và học hỏi từ những tòa nhà cổ điển chọc trời tại Mỹ, Châu Âu.
Kiến trúc của Tadao Ando là một sự truyền cảm hứng. Và tôi thật may mắn khi được ông dành thời gian để chia sẻ về những suy nghĩ, lý tưởng riêng của mình trong công việc, kiến trúc.
Orhan Ayyüce (PV) : Xin chào Tadao, được biết ông đã từng tới Los Angeles trong quá trình nghiên cứu về kiến trúc nơi đây. Ông có thể chia sẻ một chút về những suy nghĩ của mình cho các độc giả được không ạ?
Tadao Ando : Lần đầu tiên tôi tới Los Angeles là vào năm 1975, kể từ đó tôi đã chứng kiến thế giới thay đổi rất nhanh. Đặc biệt là sự thay đổi tích cực của môi trường. Tuy nhiên thì lối suy nghĩ của các KTS lại không được biến chuyển nhanh như vậy.
PV : Ông có thể giải thích rõ hơn được không? Tôi nghĩ rằng các KTS thời đó họ quan niệm rằng việc mình đang làm là đúng đắn, nhận định của ông về việc này như thế nào thưa ông Tadao?
Tadao Ando : Những gì tôi được thấy trái ngược hoàn toàn với những năm 50. Khi chúng ta nhìn vào các công trình, thì một phần kiến trúc California là lời hứa về một lối sống mới. Kiến trúc ngày càng thích ứng hơn, thay đổi hơn để bắt kịp cách sống của thế hệ mới. Điều này dường như làm thay đổi bản thân chính nó, khiến nó trở nên thương mại hóa bằng cách cố gắng định hình được lối sống của chúng ta trong thiết kế, mà không quan tâm nhiều đến môi trường như ở thời kì 1950.
PV : Ở những năm 1950 thì điều kiện kinh tế của chúng ta khác hoàn toàn với hiện tại, đặc biệt là ở mức thu nhập của người dân. Cũng vì nhiều lý do chính trị nên người KTS phải gắn liền thiết kế của mình với môi trường, quy hoạch đô thị. Vậy ông có lời khuyên nào cho các KTS thời nay có thể tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình mà không quên suy nghĩ đến các vấn đề lớn hơn về môi trường và đô thị?
Tadao Ando : Như tôi đã nói, nên quay lại hướng làm việc như trước đây. Bởi kiến trúc và môi trường luôn gắn liền, không chỉ ở riêng LA, nó là vấn đề toàn cầu. Nhân loại luôn phải chia sẻ môi trường với nhau. Trước đây hành tinh chúng ta có 3 tỷ người, hiện tại là 7.7, và trong tương lai không xa sẽ là 10 tỷ. Vậy, rất khó để lúc nào cũng sử dụng được nguồn lực hiện có. Theo như anh đề cập, thiết kế một công trình dẫn đến nhiều vấn đề cần giải quyết. Dù giàu hay nghèo, là KTS hay người nghiên cứu về kiến trúc, ta cần giải quyết chúng một cách rõ ràng ở vị trí của mỗi cá nhân, hoàn cảnh và vấn đề ta đang phải đối mặt. Đó là vấn đề cần giải trình với mọi người về nguồn tài nguyên – vật liệu tự nhiên, là cách đối phó thông minh khiến cộng đồng hiểu được vấn đề đang gặp phải thay vì quá tập trung vào yếu tố kinh doanh – thương mại của công trình. Và quan trọng hơn, là cách mà người KTS sử dụng vật liệu và năng lượng tự nhiên để tạo được giá trị thiết thực trong thiết kế. Kinh nghiệm về kiến trúc có thể cải thiện tích cực tình hình môi trường.
“Lối suy nghĩ của thế hệ KTS cũ vẫn như vậy, rất ít quan tâm đến việc sử dụng năng lượng và nguồn lực tự nhiên. Nhưng giới KTS trẻ hiện nay bắt đầu quan tâm hơn về vấn đề này” – Tadao Ando chia sẻ
PV : Ông có đang thực hiện một dự án cá nhân nào trong đó có giải quyết các vấn để kể trên không, thưa ông?
Tadao Ando : Đối với tôi, những gì tôi đang cố gắng là làm cho mọi người nghĩ về những vấn đề này. Tôi không ở một vị trí để nói cho mọi người biết phải làm gì. Tôi muốn mọi người nhận ra cách giải quyết. Ví dụ, trong công việc của tôi, cho dù đó là một bảo tàng nghệ thuật hay loại dự án khác, tôi cố gắng đặt thiên nhiên làm thông điệp trọng tâm. Khi một người nhìn vào một không gian tôi thiết kế, họ có thể đặt câu hỏi về sự tồn tại của chính họ trong đó, nhưng họ vẫn đang nhìn vào kiến trúc trong mối quan hệ mật thiết với tự nhiên.
Tôi nhìn vào nghệ thuật – cho dù đó là âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc – đều như một cách để tìm cảm hứng trước khi làm một điều gì đó. Vì vậy, tôi khiến mọi người nghĩ về sự truyền cảm trong công việc của mình, tôi cố gắng nhúng một thông điệp mà người dùng có thể tự lấy đi và sử dụng theo cách riêng của họ.
PV : Việc hành nghề kiến trúc hiện đang ở trong tình trạng khó khăn. Có rất nhiều kiến trúc sư và sinh viên trẻ đang đặt câu hỏi về vai trò của họ vì rất khó tìm việc. Ông Tadao có lời khuyên nào cho các kiến trúc sư trẻ đang đấu tranh, tìm ra những hướng đi phù hợp để áp dụng các kỹ năng và kinh nghiệm của họ không?
Tadao Ando : Đối với tôi, nghề kiến đóng vai trò quan trọng cho xã hội. Bởi bạn có thể tìm được niềm vui trong việc sáng tác không gian, được giao lưu học hỏi với những người trong những ngành nghề khác nhau, qua đó mới hình thành được tác phẩm kiến trúc cho riêng mình. Kỹ năng của KTS mang lại lợi ích cho xã hội theo nhiều cách, không chỉ giới hạn ở các tòa nhà chọc trời, mà còn là sự truyền cảm hứng, quản lý và phối hợp có thể ứng dụng được ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong quá trình làm việc nhóm, chúng ta sáng tác và sắp xếp mọi thứ lại với nhau. Việc trao đổi và tương tác giúp mọi thứ trở nên dễ dàng và hứng thú. Nghề kiến không chỉ đơn thuần theo nghĩa đen, nó còn là người thầy dạy cho ta nhiều kỹ năng để có thể tồn tại được kể cả trong thời kỳ suy thoái – khó khăn như hiện nay.
Quan trọng nhất, không được nghĩ rằng hy vọng và ước muốn là thứ có thể nhận được từ người khác. Nó đến khi chúng ta lao động, nó xuất phát từ bên trong công việc chứ không phải từ sự chờ đợi. Hãy tiếp tục làm việc, nuôi mơ ước và nên nhớ rằng tôi đã từng khó khăn hơn các bạn rất nhiều, vì tôi không được học hành bài bản, không được tốt nghiệp đại học.
Một số công trình nổi bật của Tadao Ando:
Nhà thờ Ánh Sáng – Nhật Bản
Viện Nghệ thuật Clark tại Williamstown – Hoa Kỳ
Bảo tàng Nghệ Thuật Nhật Bản
Trường Đại Học Monterrey – Mexico
Bài viết liên quan: KTS Tadao Ando Và Ngọn Đồi Đức Phật
Nguồn: Archinect.com & Kienviet.net
LIÊN KẾT |