magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Trương Thanh
Cấp 6 - 7128 điểm
HƯỚNG DẪN
Kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên tìm ý tưởng thiết kế đồ án quy hoạch

Trong các bước làm đồ án môn học Quy hoạch, Thiết kế đô thị có thể chia ra 3 bước: 1) Đánh giá hiện trạng; 2) Thiết kế ý tưởng; 3) Thiết kế phương án. Trong 3 bước này, bước khó nhất đối với việc hướng dẫn là bước Thiết kế concept (Thiết kế ý tưởng), SV vẫn nôm na gọi là “tìm ý”. Nếu các bước 1 và 3 thiên về thực hành các kỹ năng thì bước 2 là thực hành về tư duy sáng tạo, trong đó bao hàm nhiều kỹ năng để tích hợp kiến thức và sáng tạo, cả nghệ thuật, kinh tế xã hội và kỹ thuật. Nếu bước 2 tốt thì mới hy vọng có sản phẩm đồ án tốt.

Trước hết, cần giải thích cho SV rõ khái niệm thế nào là ý tưởng (concept). Đây có lẽ là mấu chốt khó khăn của nhiều SV dẫn đến việc “bí ý”, không biết sẽ đề xuất gì. Hoặc nhiều SV quan niệm ý tưởng là cái gì đó phải mới, lạ, và lại nằm cơ bản ở khía cạnh hình thái. Ví dụ, khi làm đề bài quy hoạch công viên, nhiều bạn nghĩ ngay đến ý tưởng công viên sẽ có hình con rồng hay công viên hình con chim, con cá, theo hình âm – dương… Cũng như cứ thiết kế kiến trúc ven biển thì công trình phải là hình con thuyền, con cá…

Những ý tưởng xuất phát từ hình thái này cũng là một cách tiếp cận nhưng rất dễ sa vào chủ nghĩa hình thức. Mặt khác, khi ra thực tế, sự cảm nhận về hình thái không gian đó không bao giờ có được như nhìn trên bản vẽ.

Có thể hiểu: “Ý tưởng là các ý đồ thiết kế có tính nguyên tắc đáp ứng các mục tiêu của đồ án”. Có 2 cụm từ khóa quan trọng là “ý đồ có tính nguyên tắc” và “đáp ứng các mục tiêu của đồ án”.

Có thể chia quá trình Thiết kế ý tưởng gồm 3 bước cơ bản:

1. Xác định mục tiêu Chiến lược (Mục tiêu phát triển – Viễn cảnh);
2. Xác định mục tiêu cụ thể;
3. Các ý đồ thiết kế để đạt được mục tiêu (concept).

Cụ thể được hiểu chi tiết dưới đây.

Bước 1: Xác định mục tiêu chiến lược (mục tiêu phát triển)

Xác định mục tiêu chiến lược là hình thành chiến lược dựa trên mục tiêu hiệu quả tổng thể, trên khả năng khai thác tiềm năng hiện có, theo một mô hình hoàn toàn mới, hoặc theo một mô hình phát triển đã có (trong nước – quốc tế).

Chiến lược phải là bản chất, không phải là khẩu hiệu (Slogan) mang tính quảng bá thương mại như: “Đô thị sinh thái”“Đô thị thân thiện”….

Chiến lược phát triển thường không phải do KTS quyết định hoàn toàn (Chủ đầu tư, chính quyền, định hướng phát triển kinh tế xã hội). Các chủ đầu tư có bài bản thường thực hiện bước nghiên cứu phát triển trước khi làm quy hoạch. Chỉ có thể lựa chọn một chiến lược hoặc một kịch bản phát triển cho chiến lược để triển khai.

Với đồ án SV, chiến lược này có thể một phần đã nằm trong nhiệm vụ đồ án được giao. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, nên để SV tập làm để rèn luyện kỹ năng nghiên cứu phát triển, một trong những kỹ năng quan trọng của công tác quy hoạch.

Yêu cầu với SV khi thực hịên: Chuẩn bị kiến thức về các mô hình phát triển tương tự, nhìn nhận trên các góc nhìn về kinh tế, đầu tư. Kỹ năng phân tích, nhận diện tiềm năng khu đất, vị thế khu đất…

Một số ví dụ về đề xuất chiến lược:

1. Đồ án Quy hoạch đơn vị ở hoặc một khu dân cư đô thị mới: Đề bài cần đặt yêu cầu cho SV phải tự xác định chiến lược phát triển cho khu đất, trên góc độ đầu tư, thị trường. Ví dụ những chiến lược theo đối tượng phục vụ, theo phân khúc thị trường mà nhà ở hướng tới, theo các mô hình phát triển mẫu nào đó sẵn có, chú ý yếu tố hiệu quả. Ví dụ:
+ Chiến lược 1: Khu đô thị mới phục vụ Việt kiều và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, là khu đô thị cho đối tượng thu nhập cao, khu đô thị có bản sắc văn hóa rõ rệt;
+ Chiến lược 2: Khu đô thị mới hướng tới phân khúc thu nhập trung bình. Tăng cường các loại đất hỗn hợp ở – dịch vụ để có thể linh hoạt trong quá trình đầu tư xây dựng.
Điều quan trọng là SV phải tập đưa ra lập luận để lựa chọn chiến lược này.

2. Đồ án Quy hoạch khu vui chơi giải trí chuyên đề: SV có thể đề xuất lựa chọn chiến lược theo mô hình Disneyland hoặc mô hình Công viên nước / Công viên Khủng long…

SV đề xuất lựa chọn chiến lược dựa trên lập luận về tính cạnh tranh trong khu vực, sản phẩm du lịch, phù hợp với điều kiện khí hậu, tâm lý thị hiếu…

Để việc tìm ý về Chiến lược có hiệu quả, giai đoạn này tốt nhất là làm việc nhóm, chưa cần các sáng tạo cá nhân mà cần một tư duy phân tích lôgic. Giảng viên sẽ giúp các SV lọc các vấn đề hiện trạng nổi bật, đánh giá các tiềm năng phát triển trên quan hệ vùng. Nhóm SV cùng đóng góp các ý đồ chiến lược trên các quan điểm phát triển khác nhau.

Qua đây, cũng cho SV hiểu rõ không phải cứ tìm ý là bắt tay vào vẽ ngay. Phải tâm niệm: Những mục tiêu lớn sai lầm có thể làm cho tất cả các giải pháp cụ thể trở thành vô nghĩa.

Bước 2: Xác định mục tiêu cụ thể

Mỗi loại hình đồ án sẽ có những mục tiêu cụ thể phải giải quyết khác nhau. Ví dụ: Khi Quy hoạch khu nhà ở xã hội thì mục tiêu cân bằng được hiệu quả đầu tư, hạ giá thành với hiệu quả xã hội, phù hợp với điều kiện thu nhập phải được đặt ra. Với Thiết kế đô thị các tuyến đi bộ thương mại thì các yếu tố hiệu quả kinh tế, thẩm mỹ và sức hút xã hội phải là trọng tâm.

Phần này nếu không được hướng dẫn đầy đủ cũng sẽ tạo ra các ý tưởng mang tính phiến diện, giải quyết xa rời thực tiễn. Có nhiều SV say sưa với các ý tưởng tổ chức không gian mà lại bỏ qua các ý tưởng xuất phát từ các vấn đề xã hội. Đây cũng là nguyên nhân tại sao SV thường gặp khó khi gặp các khu vực cải tạo với khả năng thay đổi không gian hạn chế.

Để gợi ý cho SV có cái nhìn toàn diện hơn về các mục tiêu trong các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, các giảng viên có thể đưa ra một bảng như dưới đây để giúp các SV tập xác định các mục tiêu phải giải quyết. Năm nhóm mục tiêu và 3 cấp độ này chỉ mang tính gợi ý, các giảng viên có thể lập bảng với nhiều nhóm mục tiêu hơn tùy theo loại hình đồ án và Chiến lược đã lựa chọn.

Với bảng ma trận quan hệ mục tiêu và cấp độ mục tiêu này, SV sẽ hiểu được không phải các mục tiêu nào cũng cần đạt tối đa mà có sự cân nhắc. Ví dụ nếu mục tiêu đầu tư thấp (cấp độ 3) thì cũng không đặt các mục tiêu thẩm mỹ rất cao, không gian công trình cần chi phí lớn (cấp độ 1).

 

Ví dụ: Bảng Phân tích xác định các mục tiêu thiết kế

Sau khi phân tích lựa chọn, cần: Tổng hợp lại những mục tiêu, xếp thứ tự các mục tiêu cần đạt được theo sự quan trọng của nó. Tiếp theo vẽ đường kết nối các mục tiêu đã lựa chọn để thấy sự liên quan giữa các mục tiêu, việc lựa chọn phải đảm bảo tránh xung đột. Hoặc nếu các xung đột này không thể tránh khỏi thì chính sự giải quyết được các xung đột này cũng sẽ là một ý tưởng quan trọng.

Có đồ án phân tích SWOT rồi dựa trên các đánh giá này để đưa ra định hướng giải quyết. Đây cũng là một phương pháp để đề xuất các mục tiêu. Tuy nhiên những khái niệm: Điểm mạnh, Yếu, Cơ hội, Thách thức… cũng phải nhìn nhận trên góc độ mục tiêu, chưa có mục tiêu thì những phân tích này cũng thiếu cơ sở.

Bước 3: Các giải pháp ý tưởng theo các mục tiêu đã lựa chọn

Đây là bước đề ra các giải pháp có tính chất nguyên tắc trên cơ sở các mục tiêu đã đề ra – Đòi hỏi SV phải ôn lại những kiến thức lý thuyết đã học để vận dụng và tăng cường sự tham khảo. Sự tham khảo không có nghĩa khuyến khích sao chép mà là sự gợi ý về cách thức giải quyết một vấn đề trên cơ sở mục tiêu đã chọn.

Dưới đây chỉ là một số nội dung cụ thể mà giảng viên có thể yêu cầu SV phải giải quyết. Giảng viên chỉ cần đưa ra một số ví dụ về ý tưởng trong đó như là sự “gợi mở” cho các ý tưởng của SV.

1.Giải pháp chức năng: Ý tưởng khai thác chức năng của không gian/ Ý tưởng điều tiết chức năng theo hoạt động sự kiện; Sử dụng không gian theo tầng cao, ngầm…

2. Giải pháp không gian, thẩm mỹ không gian:

+Về quy hoạch chi tiết: Ý đồ về cấu trúc không gian, điểm nhấn, trục tuyến chính, trục cảnh quan chủ đạo.
+Về Thiết kế đô thị: Các ý tưởng có thể thiết lập: Xác định các trục không gian, các điểm nhìn quan trọng, các công trình có vị thế quan trọng, là điểm nhấn trong không gian; Xây dựng ý tưởng về hình thái, tỷ lệ, về trục/ Bổ sung điểm nhấn/ Điều chỉnh công trình kiến trúc xung quanh; Ý tưởng dùng màu sắc; Ý tưởng dùng nghệ thuật công cộng; Ý tưởng dùng quảng cáo từ kiến trúc công trình; Ý tưởng về hình thái nền; Về cảnh quan địa hình, cây xanh mặt nước.

3.Ý tưởng về tạo lập đặc tính xã hội, văn hóa cho không gian: Tạo sự hấp dẫn cộng đồng, tạo tinh thần nơi chốn, yếu tố thời gian, bản sắc văn hóa thông qua dấu ấn; Chú ý tâm lý lứa tuổi, giới. Các không gian đặc thù nào để đáp ứng mục tiêu xã hội. Ví dụ: Tái hiện công trình cổ, vừa tạo tinh thần nơi chốn vừa tạo điểm nhấn, thẩm mỹ không gian.

Ví dụ: Trồng cây hoa, giàn leo vừa là ý nghĩa môi trường vừa tạo bản sắc riêng, tinh thần nơi chốn (hoa Tigôn, hoa Sữa…)

4.Ý tưởng về Môi trường, sinh thái, xu hướng Xanh: Tiết kiệm năng lượng, nước, đa dạng sinh học, trồng cây xanh, giảm nhiệt.

5.Ý tưởng về tiện nghi, hạ tầng, giao thông (với Thiết kế đô thị): Tiện nghi vừa phục vụ nhu cầu sử dụng, ý nghĩa xã hội vừa có ý nghĩa thẩm mỹ, tạo dấu ấn nơi chốn. Ví dụ đề xuất về các dạng ghế nghỉ, thùng rác có cả ý nghĩa chức năng và thẩm mỹ.

6.Ý tưởng về đầu tư, hiệu quả kinh tế: Mô tả các không gian có thể khai thác đưa lại lợi ích kinh tế, Mô tả một quá trình đầu tư hợp lý nhất; Mô tả một giải pháp kinh tế linh hoạt mà bền vững…

Vai trò của giảng viên: Gợi ý các ý tưởng cho SV lựa chọn, không đưa ngay ra các ý tưởng chốt. Quan trọng là SV hiểu được logic của việc ra quyết định lựa chọn ý tưởng. Logic của việc gắn kết ý tưởng với mục tiêu, tránh các ý tưởng cảm tính (thiên về hình thái) mà SV hay say sưa nhất.

Lưu ý các ý tưởng không hoàn toàn tách rời nhau, một ý tưởng có thể đạt được nhiều mục tiêu. Lựa chọn các ý tưởng thỏa mãn cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

SV cần hiểu được giá trị, ý nghĩa của sự sáng tạo – Các giải pháp đạt được mục tiêu khả thi, một giải pháp đạt được đa mục tiêu. Tính hiệu quả tổng thể phải đạt được.

Cách thể hiện ý tưởng:

Để hiểu rõ ý tưởng thì cách trình bày trực quan nhất là viết đi đôi với vẽ minh họa. Viết để mô tả được ý tưởng. Phần minh họa có thể là tự vẽ, có thể là ảnh, sơ đồ của các mô hình tương tự đã có. Lưu ý phần minh họa phải sát với phần viết.

Mình họa: Sơ đồ ý tưởng Thiết kế đô thị hai bờ sông Sét (Hà Nội) trong đồ án SV Quy hoạch

Phần này SV lỗi khá nhiều khi đưa ra các ví dụ ảnh sưu tầm trên mạng để minh họa cho ý tưởng. Ví dụ như để tạo các không gian nghỉ ven sông thì các bạn lấy một ảnh tả không gian nghỉ ven biển làm ví dụ minh họa. Hay ví dụ tổ chức một không gian cà phê trên phố sách thì đưa ra ảnh một quán cà phê, tuy nhiên ảnh đó không nói lên ý đồ cho thiết kế như khai thác bản sắc văn hóa của địa điểm hay ý đồ khai thác tính “thấm” của không gian…

Lời kết

Hướng dẫn đồ án Kiến trúc, Quy hoạch là một kỹ năng khó, còn có cả yếu tố truyền nghề, truyền bí quyết. Những cuốn sách “Hướng dẫn đồ án” dù tốt đến mấy cũng không thể thay thế được người thầy.

Chính vì vậy bài viết này cũng không thay thế được những sự trao đổi trực tiếp giữa các giảng viên để chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi một thầy cô đã có nhiều năm giảng dạy đều có những cách làm khác nhau. Hy vọng rằng các Hội nghề nghiệp, các trường Đại học có những hoạt động để các KTS – Giảng viên có cơ hội được gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm một cách cởi mở và hiệu quả nhất.

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ