magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Canhquan.net
Cấp 6 - 8385 điểm
CHUYỆN THIẾT KẾ
Thiết kế cảnh quan, thiết kế phong cảnh hay thiết kế quang cảnh ?

Bài viết sau trích dẫn từ Thầy Hà Nhật Tân

Link bài viết gốc: https://www.facebook.com/ha.nhattan/posts/1396170733765423


KTS. Hà Nhật Tân (bên trái) và PGS.TS. NGƯT. Phạm Đức Nguyên (bên phải)

 

Bữa, ngồi nói chuyện với thầy trưởng khoa Kiến trúc của trường K. Chuyện xoay quanh cuốn sách mà Phễu tui sắp xuất bản. Câu chuyện có đề cập đến thuật ngữ "kiến trúc cảnh quan" vì cuốn sách của Phễu tui có đề cập lướt qua.

Do thấy thầy quan tâm đến thuật ngữ này cho nên Phễu tui có đề cập vắn tắt về khái niệm, từ đó xác định nội hàm, điểm sơ ngoại diên và so sánh giữa hai thuật ngữ "landscape" và "cảnh quan".

Tất nhiên tôi sẽ không đưa vào cuốn sách như gợi ý của thầy, vì sự e ngại sẽ làm rườm rà thêm cho cuốn sách. Mặt khác tôi đã viết rất đầy đủ trong một quyển khác (về cảnh quan) rồi.

Bữa nay thứ Bảy, khá rảnh để viết về vụ này, quăng lên cho bà con tham khảo chơi. Trong gần 2000 friends mà phần lớn trong đó là kiến trúc sư hoặc dân làm cảnh quan, ai lụm gì thì lụm.

Té ra đã từng có một cuộc tranh cãi nảy lửa trên tạp chí Kiến trúc Việt Nam vào những năm 1995-1997 xung quanh thuật ngữ này. Với 3 "ứng viên" tương ứng với "landscape architecture" lúc đó là "kiến trúc phong cảnh", "kiến trúc quang cảnh", và "kiến trúc cảnh quan", đã tốn bao giấy mực của giới chuyên môn.

Bây giờ nhắc lại thì chỉ nhớ là giáo sư Trương Quang Thao ở ĐH Kiến Trúc TPHCM là người chống tới cùng chữ "cảnh quan".

Trương giáo sư đưa ra một loạt thuật ngữ của các nước Châu Âu, và cuối cùng ủng hộ thuật ngữ "kiến trúc phong cảnh" (hay "quang cảnh" gì đó).

Tất nhiên, lúc đó Phễu tui mới học năm thứ 2, cũng không quan tâm lắm, mặc dù bắt đầu làm quen với "landscape architecture" và đang lui cui dịch quyển "From Concept to Form in Landscape Design" (Sau này là cuốn "Từ ý đến hình...).

Mãi khi dịch xong vào cuối năm 1997, thì Phễu tui mới phải nghiêm túc tìm hiểu, rốt cục, "landscape architecture" thì dịch là gì? Nhưng phải đến năm 2000, sau khi tham khảo rất nhiều tài liệu, thì mới chốt được nội hàm của nó.

Hoá ra, có đến 3 quan niệm lớn về "landscape architecture".

Một là coi nó xuất thân từ nghề... làm vườn. Đây là quan niệm chung của các nước thuộc lục địa cũ. Thành ra hệ thống giáo trình của ngành ở các nước này HẦU HẾT rất gần các ngành trồng trọt. Đây là quan niệm đã lỗi thời. Nên dẹp. Làm vườn thì là làm vườn thôi.

Quan niệm thứ hai coi "landscape architecture" thuộc một mảng của "thiết kế kiến trúc" và "thiết kế đô thị". Quan niệm này phổ biến trong các trường đào tạo kiến trúc trên thế giới.

Quan niệm thứ ba coi "landscape architecture" là một phần của hệ thống sinh thái (ecology). Do vậy lấy sinh thái môi trường làm nền tảng. Phễu tui cho rằng đây là xu hướng tiến bộ của loài người, khi các hoạt động của con người gây các tác động huỷ diệt môi trường sinh thái. Nếu có điều kiện sẽ quay lại chủ đề này.

NHƯ VẬY, từ 3 quan niệm chung nhất, có thể thấy, "landscape" nào phục vụ cho MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA CON NGƯỜI, thì mới là đối tượng nghiên cứu của con người. Còn ko phục vụ lợi ích cho con người thì đó là vô nghĩa.

Dễ thấy rằng thuật ngữ "landscape" của phương Tây quá rộng. Nó chỉ mọi hiện tượng, xảy ra BÊN NGOÀI con người. Có thể thấy các dấu vết của họ thuật ngữ "landscape" trong các ngôn ngữ cổ xưa ở Châu Âu. Đến thời hiện đại nó cũng được sử dụng với nội hàm như trên, mà thuật ngữ "fractal landscape" - đuọc sử dụng trong bộ phim "Chiến tranh giữa các vì sao" vào năm 1981 - là một ví dụ.

Và dịch "landscape architecture (/design)" = " kiến trúc (/thiết kê) phong cảnh" là một cách dịch "word by word". Hay nói trắng phớ ra, đó là cách dịch VỠ LÒNG.

Và dù giáo sư Trương có viện dẫn nhiều ngôn ngữ để đưa vào; thì cái gốc chung là chúng thuộc ngữ hệ Latin, và các quốc gia trên cũng nằm trong khối Châu Âu, nơi chia sẻ một hệ thống lịch sử. Đó là "nhìn cây mà không thấy rừng" vậy.

Thế thì những từ như "cảnh quan núi đồi", "cảnh quan đồng ruộng", "cảnh quan sa mạc", "cảnh quan xavan", v.v. Có phải là đối tượng nghiên cứu của "landscape architecture/ (design)" không?

Câu trả lời là không. Vì sao? Hãy thử làm một cái công viên ở bìa rừng, nơi không có con người lui tới mà xem? Nó sẽ trở thành một thể hoang phế không lâu sau đó. Do vậy cái cảnh quan này là cái phải PHỤC VỤ TRỰC TIẾP CHO CON NGƯỜI. Đó là thứ khác hẳn cảnh quan thiên nhiên. (Đây cũng chính là mở đầu cho khái niệm "nơi chốn" trong kiến trúc). Và cũng nên dẹp mấy cái giáo trình nhảm nhí này.

Như vậy, bản thân nghĩa gốc của "landscape" đã rất lỏng lẻo. Nên nhớ nó được ra đời từ rất sớm. Có lẽ chỉ sau các bức tranh trên hang động của người Cromagnon cách đây 40.000 năm. Và châu Âu Phục hưng đã dùng từ "landscape" của các hoạ sĩ vẽ tranh phong cảnh trước đó để chỉ các loại sân vườn được xén tỉa theo một motif nhất định.Đến ngày nay, nội hàm này không tỏ ra phù hợp khi chuyển nghĩa.

Và thật may mắn là chúng ta có chữ "cảnh quan".

Thế cảnh quan là gì?

Phải phân tích nghĩa của từ tố. Cảnh quan (景 觀), trong đó:

"Cảnh" (景): là cảnh vật, quang cảnh, khung cảnh, phong cảnh. Bi nhiêu đây đã đủ nghĩa cho "landscape" rồi.

"Quan" (觀): là ngắm nhìn, thưởng ngoạn; là cách nhìn, quan điểm (giống như "nhân sinh quan"); còn là xét thấu, nghĩ thấu ("quán" trong "Quán thế Âm Bồ tát" cũng là từ này), v.v

Như vậy có thể thấy "cảnh quan" là quan niệm, cách nghĩ của CON NGƯỜI về phong cảnh. Đó là cái phong cảnh nằm trong não bộ của con người, được cơ quan thị giác sao chụp lại. Hay nói cách khác, nó chính là ĐỐI TƯỢNG MÀ CON NGƯỜI TÁC ĐỘNG (từ ý thức đến hành động) thông qua cái vỏ của phong cảnh.

Ghê gớm chưa. Còn đòi hỏi gì hơn cho một thuật ngữ? Nó không những phổ quát hơn, mà còn cụ thể hơn, chính xác hơn nội hàm của thuật ngữ gốc (landscape).

Thế nên "kiến trúc/ thiết kế cảnh quan" có nội hàm rộng và hay hơn "landscape architecture/design.

Đây cũng là lối dùng của China. Không sao, cái gì hay thì ta tham khảo. Miễn sao đừng học cách bố lếu bố láo của chúng là được.

* Từ "kiến trúc phong cảnh" hay "kiến trúc quang cảnh", thì trong đó, phong cảnh = quang cảnh = cảnh. Và đúng là lối dịch "word by word" của "landscape". Cái này thì đừng xét tới.

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ