magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Canhquan.net
Cấp 6 - 8384 điểm
CHUYỆN THIẾT KẾ
Không gian công cộng – Những vấn đề chính và biện pháp kiểm soát

Nguồn: ashui

Kiểm soát không gian công cộng (KGCC) là công tác có ý nghĩa quan trọng đến chất lượng phát triển đô thị. Để kiểm soát thành công KGCC, cần có sự hiểu biết đúng đắn về KGCC. Bài viết dưới đây, dựa trên chương trình nghiên cứu sinh bốn năm về KGCC, tác giả cố gắng trình bày một cách ngắn gọn và có hệ thống những vấn đề cơ bản về KGCC(1).

 


Xã hội chi phối KGCC

Các hoạt động trong đô thị là những yếu tố quan trọng nhất chi phối ý nghĩa, vai trò và giá trị của KGCC. Càng có ít hoạt động, KGCC càng mang ít ý nghĩa và có ít vấn đề. Khi cường độ các hoạt động tăng lên, ý nghĩa và vấn đề của KGCC cũng tăng lên. Khi hoạt động trong đô thị thay đổi, vai trò và giá trị của KGCC đối với xã hội có thể cũng thay đổi theo, kéo theo hàng loạt các vấn đề mới.

Không gian vật thể đô thị là cấu trúc chứa đựng các hoạt động. Luôn có nguyên tắc tổ chức quản lý không gian đô thị nhằm kiểm soát các hoạt động – nhưng nguyên tắc, với bản chất là quy ước, chỉ có hiệu lực khi nhiều người cùng chấp thuận và thực thi. Khi các hoạt động, trong sự phát triển theo quy luật, mâu thuẫn với các nguyên tắc tổ chức quản lý, các nguyên tắc này sẽ dễ dàng bị nhu cầu thực tế phá vỡ.

Kiểm soát KGCC vì vậy phải đi song hành với phát triển KGCC theo hướng đáp ứng sự phát triển, thay đổi của các hoạt động trong đô thị. Nhưng đó là điều không đơn giản. Đằng sau các hoạt động trong đô thị là một loạt các tác động, thuộc nhiều lĩnh vực, liên quan mật thiết với nhau.
Sự tiến hóa của KGCC, spatializing theory [tạm dịch: thuyết kiến tạo không gian] của Henri Lefebvre(2)

KGCC liên tục tiến hóa, ngày càng tạo ra nhiều loại hình khác nhau với những chất lượng và nội dung mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Từ những loại hình cơ bản như chợ, đường phố, quảng trường, KGCC dần tiến hóa để có thêm công viên, sân chơi, vườn hoa, trung tâm đi dạo, mua sắm, hệ thống đường đi bộ và vườn trên cao, đường dạo ven sông…

Theo học thuyết spatializing, đời sống xã hội luôn tạo ra các không gian đời thường, chi phối bởi các yếu tố mang tính bản năng, đặc thù của xã hội. Nhưng các không gian đời thường này luôn bị xâm chiếm, thay đổi bằng các không gian mới, sản phẩm của hệ thống cấu trúc thượng tầng của xã hội – tạo ra bởi các nhà chính trị, khoa học, quản lý, và chi phối bởi các tư tưởng nguyên tắc duy lý, hiện đại. Quá trình xâm chiếm thay đổi này được thực hiện thông qua hai quá trình là bureaucratization [hành chính hóa] và commodification [thiết bị hóa]. Hành chính hóa áp đặt các nguyên tắc thay đổi và bộ máy quản lý lên các không gian đời thường; còn thiết bị hóa là quá trình xây dựng, lắp đặt các trang thiết bị vào không gian đời thường. Sự tiến hóa của KGCC (hay sự xâm chiếm không gian đời thường – the colonization of everyday space) vì thế diễn ra liên tục cùng với quá trình hành chính hóa và thiết bị hóa, vừa phụ thuộc vào năng lực xã hội vừa phụ thuộc vào cấu trúc thượng tầng, vừa phụ thuộc vào sức ì và sự phản kháng của các yếu tố mang tính bản năng của xã hội. Sự tiến hóa này được cụ thể hóa bởi tác động liên quan đến quá trình hành chính hóa và thiết bị hóa KGCC (tạm gọi là tác động công cộng) [spatial practices] giữa người dân và bộ máy nhà nước và chuyên môn, trong các hoàn cảnh đô thị cụ thể và bối cảnh kinh tế xã hội.

Như vậy, các tác động công cộng liên tục là yếu tố tạo nên và thay đổi không gian công cộng. Muốn kiểm soát tốt sự phát triển của KGCC phải kiểm soát tốt các tác động công cộng theo hướng cân bằng lợi ích các bên đồng thời hướng tới tạo lập các giá trị mang tính tiến bộ(3).

   
Space Invaders – Triển lãm công cộng đầu tiên của nghệ thuật đường phố tại Thư viện Quốc gia của Úc.


Ba mức tác động công cộng:

Các tác động công cộng vừa mang tính ảnh hưởng dây chuyền vừa chịu ảnh hưởng lẫn nhau nên thường rất khó kiểm soát và giải quyết.

Qua nghiên cứu nhiều tư liệu sách vở về đề tài KGCC, tôi nhận thấy tác động công cộng thể hiện trong thực tế theo ba cấp độ(4), có liên hệ đến phạm vi ảnh hưởng:

• Ở mức độ cao nhất, phạm vi ảnh hưởng toàn quốc gia, là các tác động mang tính vĩ mô /điều kiện (condition specific), liên quan đến việc hình thành môi trường và các xu hướng phát triển cho KGCC. Các tác động này – ví dụ như tranh luận về vai trò KGCC, xây dựng bộ khung pháp lý quản lý phát triển KGCC, chiến lược về KGCC, hay chính sách phát triển giao thông – đề tạo ra các ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các KGCC trong nước, dù không phải lúc nào cũng dễ nhận ra.

• Ở mức độ thấp hơn, phạm vi ảnh hưởng trong đơn vị đô thị, là các tác động tới hệ thống (system specific) KGCC, có ý nghĩa thay đổi nội dung/ chất lượng hệ thống KGCC. Quy hoạch hệ thống KGCC, hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, bến xe, phân bố dân cư, kế hoạch quản lý đầu tư… là các tác động mang tính hệ thống, có thể gây ảnh hưởng lớn đến các KGCC đô thị dù không trực tiếp gây ra thay đổi tại các KGCC này.

• Ở mức độ thấp nhất, phạm vi ảnh hưởng giới hạn gói gọn trong một hoặc một vài KGCC có liên hệ (site specific), là các tác động công cộng liên quan đến mối quan hệ giữa KGCC và người sử dụng xoay quanh các vấn đề về quản lý, thiết kế, và sử dụng.

Thông thường, mỗi một chuyên ngành nghiên cứu (phương Tây) có xu hướng tập trung vào một số các tác động công cộng nhất định ở một trong ba mức độ. Tuy vậy, để có thể phát triển thành công KGCC, nhất thiết phải kiểm soát tốt các tác động công cộng ở cả ba mức độ.


Tóm lược một số tranh luận về KGCC tại 3 mức:

Mức vĩ mô /điều kiện (condition specific): Tại mức độ này tranh luận xoay quanh các thay đổi thực tiễn, nhu cầu nảy sinh và các tư tưởng về vai trò và cách ứng xử với KGCC. Nổi bật lên là các tranh luận sau:

• Sự “chết dần” của KGCC: cho rằng tinh thần KGCC, là nơi người dân giao tiếp, tranh luận để cùng giải quyết vấn đề và hoạch định tương lai, đang chết dần bởi lối sống cá nhân, tiêu thụ, sự tư hữu hóa KGCC và việc sử dụng đại trà xe hơi.

• Sự tư hữu hóa KGCC: cho rằng KGCC đang ngày càng bị tư hữu hóa dưới nhiều hình thức, bị kiểm soát bởi các tập đoàn chứ không còn là không gian chung của mọi người dân.

• Giám sát trong KGCC: cho rằng KGCC cần phải là không gian của mọi người dân, không bị bất cứ tổ chức chính quyền nào giám sát, bởi giám sát không làm thay đổi, không cải thiện vấn đề đô thị, mà chỉ đáp ứng nhu cầu giới thống trị, với cái giá là cảm giác mất tự do, gia tăng phân hóa và sự loại trừ (exclusion).

 

Mức đô thị /hệ thống (system specific): Tại mức độ này, tranh luận xoay quanh những tác động cụ thể có liên quan hưởng đến các hệ thống KGCC. Những tác động chính bao gồm:

• Quy hoạch xây dựng/cải tạo đô thị thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa: tác động này kéo theo việc hình thành nhiều KGCC mới theo quy chuẩn cũng như sự mất đi nhiều KGCC cũ. Vấn đề nằm ở chỗ không phải KGCC mới nào cũng có ý nghĩa và phù hợp với đời sống người dân, đồng thời nhiều KGCC bị xóa bỏ thực sự có giá trị. Ngoài ra nhiều kế hoạch xây dựng đô thị xuất phát từ tham vọng của những nhân vật chủ chốt hay lợi ích kinh tế của chủ đầu tư.

• Xe hơi: sử dụng xe hơi đại trà làm biến đổi các không gian đô thị, kéo theo việc xây dựng hệ thống hạ tầng đồ sộ cho xe, biến đô thị, từ nơi ở của người thành nơi xe chạy, làm nghèo nàn đời sống giao tiếp xã hội. Các tranh luận xoay quanh phân tích tác hại của xe hơi và hiệu quả các nỗ lực loại bỏ, hạn chế xe hơi trong đô thị, thiết lập các không gian đi bộ, cải thiện chất lượng KGCC.

• Nỗi lo sợ mất an toàn: là nguyên nhân khiến người ta giảm sử dụng KGCC và tránh giao tiếp trong KGCC. Các biện pháp làm tăng trật tự an toàn KGCC (đường cụt, cho tư nhân tham gia kiểm soát KGCC, hạn chế xe hơi, lắp hệ thống camera giám sát, xây hàng rào, tạo các khu sinh hoạt chung có kiểm soát, cải tạo một số KGCC) bị chỉ trích là góp phần khiến XH thêm phân hóa mà không giải quyết gốc rễ vấn đề: cái xấu chỉ bị xua đuổi, dồn đến những nơi ít (hoặc không có khả năng) kiểm soát.

• Thương mại hóa tập trung: sự hình thành các tổ hợp trung tâm mua sắm, vui chơi lớn ở rìa đô thị càng ngày càng làm trung tâm thành phố và đường phố trở nên ít hấp dẫn khiến các sinh hoạt tấp nập ở đây suy thoái dần: đường phố chỉ còn là nơi đi lại, trung tâm chỉ còn là nơi một số người đi làm. Làm cho đường phố sống động, trung tâm đô thị có ý nghĩa trở thành nhiệm vụ quan trọng của nhiều thành phố.

• Tái cấu trúc đô thị, cải tạo hệ thống KGCC, phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích đi bộ, xe đạp: là các nỗ lực nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, tăng hiệu quả và ý nghĩa nhân văn của một số đô thị, thời hậu công nghiệp.

 

 

Mức địa điểm cụ thể (site specific): Tại mức độ này, các tranh luận hết sức đa dạng, xoay quanh những vấn đề cụ thể diễn ra trong KGCC, từ vấn đề cảm nhận đánh giá KGCC, các vấn đề sử dụng, quản lý, đến ý nghĩa nội dung các các thiết kế hay hoạt động trong KGCC. Chủ để các tranh luận chính có thể liệt kê như sau:

• Cảm nhận về môi trường kiến trúc, KGCC
• Hành vi, tâm lý, ứng xử trong KGCC
• Ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội KGCC
• Placemaking [tạo dựng nơi chốn] • Vai trò KGCC ngoài trời đối với sức khỏe tinh thần vật chất xã hội
• Nhu cầu sử dụng trong KGCC
• Nguyên tắc thiết kế các công trình và KGCC
• Tính an toàn trong thiết kế quản lý KGCC
• Vấn đề sử dụng KGCC của người nghèo làm nơi sinh hoạt, buôn bán
• Sáng tạo trong thiết kế quản lý từng loại hình KGCC


Đặc điểm KGCC ở Việt Nam

Ở mức độ thấp nhất (địa điểm) có thể thấy phần lớn các KGCC ở Việt Nam (trừ một số nhỏ KGCC chính) chưa phát triển hoàn thiện, rất thiếu so với nhu cầu sinh hoạt nghỉ ngơi giao tiếp hàng ngày. Rất ít KGCC được thiết kế và chăm sóc thường xuyên, đảm bảo yêu cầu vệ sinh và thẩm mỹ. Dù vậy, đời sống sinh hoạt tại đa số các KGCC ở Việt Nam rất phong phú sôi động, hết sức ấn tượng và hấp dẫn với khách du lịch nước ngoài.

Ở mức cao hơn, có thể thấy hệ thống KGCC đô thị chưa có sự liên kết về không gian, chưa phân bố hợp lý, phù hợp với cấu trúc và sự phát triển của đô thị. KGCC chưa được coi là hệ thống các không gian mở được quy hoạch xây dựng thống nhất nhằm phục vụ các hoạt động chung của đô thị.  Ngoài ra, công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, nhất là tại các thành phố lớn, khiến hệ thống KGCC có xu hướng ngày càng trở nên quá tải, ngày càng phát sinh nhiều mâu thuẫn, vấn đề. Có lẽ điều đáng lo ngại hơn cả là rất nhiều vấn đề trong các KGCC ở Việt Nam hiện chưa được nghiên cứu tìm hiểu thấu đáo để xác định và quyết tâm thực hiện những giải pháp đúng đắn. Các cơ quan quản lý nhà nước có xu hướng giải quyết vấn đề theo cảm nhận, cục bộ, trong phạm vi mình quản lý, mà chưa phối hợp được hiệu quả, khiến các vấn đề chưa giải quyết ngày càng tích tụ.

Ở mức trên cùng, có thể thấy năng lực quản lý hạn chế, trình độ hiểu biết thấp, nền kinh tế nhỏ, non nớt là những tác động bao trùm, khống chế toàn bộ sự phát triển và chất lượng KGCC ở Việt Nam. Vì những tác động này, các KGCC ở Việt Nam, nhất là các KGCC hàng ngày, đang được sử dụng với mục đích chủ yếu là tạo thêm thu nhập cho người sử dụng, một mục đích hiện đang có sự đồng thuận lớn. Dù vậy, ngay cả cơ quan quản lý KGCC cũng muốn tạo thu nhập từ KGCC dưới nhiều hình thức như: cắt xén đất dùng riêng, cho thuê mặt bằng, thu phí vào cửa, hay thậm chí chuyển đổi chức năng. Có thể nói, sở dĩ các cơ quan quản lý KGCC làm được những điều như vậy là do chưa có sự phân định rạch ròi về quyền và nghĩa vụ người dân và cơ quan quản lý nhà nước với các KGCC, một phần do trình độ quản lý và nhận thức còn thấp của cả xã hội. Cùng là tìm cách tạo thêm thu nhập từ KGCC nhưng bản chất hai hành động trên (của người dân và cơ quan quản lý nhà nước) rất khác nhau. Khi KGCC có thể tạo thêm thu nhập cho người nhiều dân khác nhau, thì điều đó có nghĩa rằng KGCC đã góp phần bình ổn xã hội, đỡ đần được những người cần sự hỗ trợ nhất. Nhưng khi tận dụng KGCC để tạo thêm một khoản thu nhập (bán vé hay chuyển đổi chức năng), thực ra các cơ quan quản lý nhà nước đã hy sinh quyền lợi những người yếu thế nhất trong xã hội để phục vụ quyền lợi của một nhóm nhỏ người có lợi thế, làm tăng mâu thuẫn và bất công xã hội. Không phải vô cớ mà ở rất nhiều nước, thậm chí những nước phát triển nhất, người ta đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng và duy trì chất lượng KGCC, dành đất để làm chợ, phục vụ miễn phí cho đại chúng nhân dân, nhất là những người còn gặp khó khăn. Đó là cách để mọi người, với trình độ và thu nhập khác nhau duy trì, củng cố nhận thức về xã hội bình đẳng, công bằng, tự hào về nơi mình sinh sống – điều cơ bản tạo nên sự ổn định xã hội.


Chiếu sáng công cộng trên cầu Trường Tiền – thành phố Huế


Giải pháp kiểm soát KGCC phù hợp điều kiện VN

Về mặt bản chất, KGCC thể hiện ý thức của xã hội về môi trường chung đô thị; về những gì có thể coi là KGCC; về những gì có thể được chấp nhận được; về quyền lợi và trách nhiệm với không gian chung; về những giá trị phải gìn giữ và những mục tiêu cần đạt được. Như vậy, xung đột, bất đồng quan điểm, ở cả ba mức độ (vĩ mô, hệ thống, địa điểm), về cách sử dụng, quản lý, thiết kết, phát triển KGCC là điều tự nhiên. Nhưng các xung đột bất đồng đó thể hiện sự tiến bộ của xã hội. Thông qua việc nhìn nhận và nỗ lực giải quyết các xung đột, bất đồng chúng ta đồng thời cũng làm hệ thống KGCC tiến hóa, nâng cao chất lượng và ý nghĩa nhân văn môi trường sống xung quanh. Đó thực sự cũng đang là những mối quan tâm chính của các nước phát triển đối với hệ thống KGCC của họ.

Tuy vậy, điều rất đáng nhấn mạnh là Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn kiến thiết đô thị và hình thành hệ thống KGCC. Đối với Việt Nam giai đoạn này, hoạch định và bảo vệ hệ thống không gian mở đô thị(5)  là nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm tạo nền tảng hình thành hệ thống KGCC(6). Chỉ khi có hệ thống không gian mở đô thị hợp lý và đủ lớn, hệ thống KGCC mới có thể phát triển và có thể thay đổi linh hoạt đáp ứng nhu cầu từng giai đoạn của xã hội(7).

Thực tế phát triển đô thị Việt Nam vài chục năm trở lại đây đã cho thấy hầu hết các vấn đề nghiêm trọng hiện nay trong đô thị (thiếu đường xá, bãi đỗ xe, cây xanh, không gian nghỉ ngơi, sân chơi) đều xuất phát từ những thiếu sót trong quy hoạch, quản lý và bảo vệ hệ thống không gian mở đô thị.

Chúng ta hiện rất cần có một cơ quan nhà nước có năng lực để xác định hệ thống không gian mở cho từng đô thị, có đủ quyền hành để mở rộng, duy trì và bảo vệ hệ thống không gian mở đô thị trước các sức ép, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị và hệ thống KGCC.

Hiểu về hệ thống không gian mở đô thị:

Hệ thống không gian mở đô thị cần được hiểu là phần dự trù để bảo vệ, phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quanh, di tích văn hóa lịch sử đô thị. Đó là nơi được bảo vệ, chống lấn chiếm, để hệ thống KGCC có thể được xây dựng và phát triển bền vững đáp ứng các thay đổi của đô thị, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt ngày càng đa dạng. Không nhất thiết phải sử dụng hết không gian mở để phát triển ngay các KGCC như công viên, đường xá, sân chơi, khu bảo tồn… Nhưng cần phải xác định càng sớm càng tốt đâu là những không gian cần phải dự trù để phát triển hệ thống KGCC, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả để bảo vệ không gian đã dự trù. Càng chậm trễ thì công tác trên càng bị động, tốn kém, và gặp nhiều khó khăn phát sinh.

Yêu cầu với hệ thống không gian mở đô thị:

Dựa trên các nghiên cứu khác nhau về KGCC, có thể thấy hệ thống không gian mở đô thị cần phải đảm bảo những yêu cầu sau:

• Phân bố tương đối đều theo mật độ dân số: Những nơi dân cư tập trung với mật độ càng cao, càng cần có nhiều không gian mở đô thị hơn, bởi dân số càng nhiều càng có nhiều nhu cầu đi lại, sinh hoạt ngoài trời; càng có nhiều đòi hỏi với hệ thống hạ tầng và KGCC.

• Đảm bảo khoảng cách đi bộ đến các khu chức năng: Hệ thống không gian mở đô thị chia cắt đô thị thành các khu chức năng khác nhau. Để có thể sử dụng tối đa lợi thế mà không gian mở đô thị đem lại, cần phải đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận các không gian này thông qua 5 phút đi bộ. Các ô chức năng mà hệ thống không gian mở đô thị tạo ra do đó cần nằm trong bán kính 5 phút đi bộ (hay 400-500m).

• Kết hợp được đặc điểm văn hóa, cảnh quanh: Hệ thống không gian mở đô thị là nơi, mà sau khi phát triển để trở thành các KGCC, sẽ là nơi tập trung các hoạt động chung đô thị. Vì thế, hệ thống không gian mở đô thị cần được hoạch định theo hướng kết hợp với cảnh quan đặc thù của địa phương và những điểm văn hóa du lịch mà chúng ta muốn đem đến công chúng và sử dụng để tạo bản sắc riêng cho đô thị.

• Có liên kết và đạt kích thước tối thiểu: không gian mở đô thị cần phải kết nối với nhau bởi đó là cách tốt nhất để tăng khả năng tiếp cận, tăng hiệu quả sử dụng. Ngoài ra, tùy thuộc vào chức năng KGCC dự tính phát triển (đường đi, lối đi bộ, sân chơi hay vườn hoa), không gian mở đô thị cần đạt diện tích tối thiểu để có đáp ứng các chức năng dự tính.

• Độ lớn: Tổng diện tích không gian mở đô thị cần đạt tối thiểu 30% tổng diện tích đô thị (trong đó bao gồm 20% diện tích giao thông và 10% diện tích cây xanh thể dục thể thao, nghỉ ngơi). Đối với những đô thị có cảnh quan đặc biệt như Đà Lạt, tổng diện tích không gian đô thị mở sẽ cần nhiều hơn. Ngoài ra, không gian mở không cần quá lớn (trừ trường hợp là các khu bảo tồn sinh thái), mà cần nhất là có khoảng cách gần nơi người dân sinh sống hay nơi tập trung đông người, bởi khoảng cách là một yếu tố mang tính quyết định đến mức độ sử dụng KGCC.


Kết luận và kiến nghị

Các cơ quan quản lý nhà nước cần nhận thấy rằng: tranh luận xung quanh vấn đề KGCC là việc bình thường, góp phần tạo ra các giải pháp thiết thực, khả thi, tạo sự ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển của KGCC.

Tuy nhiên trong bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm cần làm là hoạch định và bảo vệ hệ thống không gian mở đô thị, một cách hiệu quả và hợp lý, nhằm tạo tiền đề bền vững để phát triển hệ thống KGCC sau này. Hoạch định và bảo vệ hệ thống không gian mở đô thị thế nào cho hợp lý và hiệu quả là nội dung trọng tâm cần giải quyết.

Ngoài ra, với các KGCC hiện có trong đô thị, xác định các yêu cầu cần có để bảo vệ giá trị đặc trưng KGCC có thể trở thành chỉ dẫn hiệu quả cho công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị đô thị. Khi nhìn nhận ra và đảm bảo được sự tồn tại của các giá trị đặc trưng KGCC, các can thiệp vào KGCC (thông qua quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng) sẽ gây ít tác hại nhất đến KGCC.

Chú thích: 

  • (1) Có nhiều khái niệm khác nhau về KGCC. Trong bài này, KGCC được hiểu theo nghĩa tổng hợp nhất là những không gian ngoài trời nơi diễn ra các hoạt động mang tính công cộng như đi lại, mua bán, nghỉ ngơi, giao tiếp;
  • (2) Học thuyết spatialising của Henri Lefebvre, một nhà triết học Mác-xít người Pháp, ngày được đánh giá cao như là học thuyết không thể thiếu để lý giải quá trình tiến hóa (mở rộng và thay đổi) của KGCC và sự tương tác giữa xã hội và KGCC. Có thể xem Johnston, R. J. (ed.) 1994, The Dictionary of Human Geography, Cambridge, Massachusetts: Basil Blackwell Inc, pp. 481, 482, 582-584.
  • (3) Một điều cần chú ý trong học thuyết spatializing của Lefebvre là sự tác động ngược của các yếu tố mang tính bản năng xã hội lên thượng tầng kiến trúc. Lefebrve nhấn mạnh rằng có sự “vênh” giữa các áp đặt mang tính chủ quan duy lý trí của thượng tầng kiến trúc với thực tế cuộc sống (hay lối sống tư duy hàng ngày). Do đó, tác động ngược của các yếu tố mang tính bản năng xã hội lên thượng tầng kiến trúc có ý nghĩa quan trọng, mang tính điều chỉnh, khiến KGCC phát triển hài hòa hợp lý hơn.
  • (4) Đây là sự phân loại dựa trên nghiên cứu nội dung tư liệu sách vở rất phong phú bằng tiếng Anh về đề tài KGCC, theo nhiều chuyên ngành khác nhau như: chính trị, luật, địa lý đô thị, xã hội đô thị, hành vi đô thị, tâm lý học, quy hoạch, thiết kế đô thị, kiến trúc.
  • (5) Trong bài viết này, hệ thống không gian mở đô thị được hiểu là phần “không xây dựng công trình” của đô thị. “Không xây dựng công trình” được hiểu là ngoại trừ các công trình hạ tầng, cảnh quan, dịch vụ công cộng quy mô nhỏ, không được xây dựng các công trình sử dụng thông thường trong đô thị như nhà ở, cửa hàng, khách sạn, cơ quan, văn phòng, nhà máy,…
  • (6) Các tranh luận và nỗ lực phát triển cải thiện KGCC luôn có giá trị, nhưng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, điều cần thiết hơn cả là tạo dựng nền tảng cơ bản về mặt không gian để KGCC có thể tồn tại và phát triển (thiết lập và bảo vệ hệ thống không gian mở đô thị). Điều này càng trở nên quan trọng hơn với Việt Nam khi chúng ta có một xã hội với các bản năng thực dụng mạnh mẽ và một cơ chế chính quyền rất tập trung. Nếu không xác định một cách rõ ràng hệ thống không gian mở đô thị, không có các giải pháp có hiệu quả để bảo vệ, không sớm thì muộn, các không gian có thể trở thành không gian mở sẽ bị lấn chiếm sử dụng hết, một cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Cuối cùng sẽ chỉ còn lại những khoảng không gian mở không thể nào có thể thu hẹp được hơn nữa, chỉ phục vụ duy nhất nhu cầu đi lại. Một đô thị với những không gian mở như vậy không chỉ là cực hình với đời sống hàng ngày, mà còn chứa đựng đầy bất ổn bởi không còn chỗ cho các hoạt động phát sinh, khi có biến cố.
  • (7) Có quan điểm cho rằng KGCC trong nhà (bố trí trong các công trình) thích hợp với vùng khí hậu nóng ẩm, an toàn, đẹp, và dễ kiểm soát hơn KGCC ngoài trời. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng KGCC ngoài trời có vai trò không thể thay thế với đô thị. Ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, KGCC ngoài trời bổ xung yếu tố tự nhiên cho đô thị, làm cân bằng tâm sinh lý con người; KGCC ngoài trời phân tách các khu đô thị, tạo ra hình ảnh đô thị, gắn kết con người với nhau và với đô thị. Trái với KGCC trong nhà, vốn hay bị kiểm soát bởi các tổ chức cá nhân và sử dụng chủ yếu vì mục đích thương mại, KGCC ngoài trời là KGCC thực sự. Hệ thống KGCC ngoài trời thực sự phục vụ nhu cầu phát triển của đô thị và có những khả năng thay đổi nhất định để đáp ứng các nhu cầu phát sinh.

 


Nguồn tin: Theo TS.KTS. Nguyễn Thanh Bình – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ