magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Quý Sơn
Cấp 6 - 10084 điểm
CHUYỆN THIẾT KẾ
Thuật ngữ riêng trong trường Kiến trúc

"Bỗng một ngày… có một đàn em nhờ tui viết lại những từ mà dân Kiến trúc chúng tui thường xài trong trường, những mật khẩu mà chúng tui được kế thừa truyền miệng lại từ thế hệ sinh viên này đến thế hệ khác và liên tục được sáng tác thêm… Để rồi thiệt ngộ nghĩnh, thiệt riêng khi khoái trá nói với nhau tâm đắc trong sự ngơ ngác của các bạn bè bà con… ngoại đạo.

Và dĩ nhiên hành trình tiến hóa của ngôn ngữ Kiến luôn luôn thay đổi theo thị hiếu và các giai đoạn của Kiến sinh các thời kỳ. Trước đó các KTS đàn anh như anh Minh Bò, anh Đạm Vều, anh Sơn Ốm… đã đề cập và kể lại cho đàn em khóa sau khá nhiều. Các thuật ngữ Kiến trúc phổ biến lúc đó là: cạc-nê sì-tê (stéréotomie) môn thiết thể vật liệu, cạc-nê-cồng (carnet de construction) dày như quyển tự điển làm nhanh cũng phải mất từ 3 tới 6 tháng, làm analo, làm esquisse, làm concours, làm projet, đớp valeur, ăn bài, phua bài, a-văng-xê, sa-rết, răng-đu… trong trường, các đàn anh vẫn giữ thói quen nói chuyện với nhau chen vào một số từ tiếng Pháp.

 

 

 

Từ thông dụng nhứt được lưu truyền đến ngày nay cần phải kể tới đầu tiên là từ Sa rết, Sa rớt (Charrette) có nguồn gốc từ École des Beaux-ArtsParis trong thế kỷ 19 có nghĩa thường xài: bài làm bị trễ, nhưng ẩn ngữ là nghiên cứu sáng tác cho tới tận cùng thời hạn được giao. Từ này nổi tiếng đến nỗi từ điển Wikipedia tiếng Anh phải đề cập tới.

Kế nữa, việc nghiên cứu, việc thể hiện đồ án kiến trúc được nói vắn tắt là binh bài và lên đồ án. Đối với sinh viên kiến trúc, mỗi kỳ lên đồ án luôn tập trung toàn bộ sức lực ngày đêm binh bài. Sa rết là bịnh muôn đời của dân kiến trúc, trong mọi công việc, làm bài, làm truyền thống, làm ap phe, cả trong việc hẹn hò cũng vậy. Đồ án đậu gọi là bài ăn, bị rớt gọi là bài thua là những từ lóng mà dân Kiến đời sau Việt hóa thành công từ chữ Phua (Four) là cái lò sưởi, ý chỉ bài bị rớt thì liệng vào lò sưởi. Ai đia (idea) thời các Kiến sính xài tiếng Anh thay vì ý tưởng. Ram, rốp là chôm ý, “tham khảo” thiết kế bài bạn về vẽ vô… bài mình! át-suya-rê (Hachuré), răng du (Rendu) hoặc Hắt (Hatch) song song, Ren đơ (render) được trộn chung lại mà nói ra nhưng sinh viên Kiến nào cũng hiểu thay vì nói kẻ các đường song song hay diễn họa. Nói như vậy mới đã, mới khoái, mới ra dân Kiến chứ nói như thông thường thì mất Sướng. Những từ ngữ rất riêng đó, được sinh viên Kiến trúc chấp nhận, lưu truyền và phát triển, lập tức, nó trở thành truyền thống.

 

 

 

 

Một điều nữa rất đáng để bàn luận là cặp từ Ne & Ba Trông chỉ có trường Kiến Trúc mới có, rất đặc thù nêu cao tình đàn anh chỉ bảo truyền đạt kinh nghiệm cho đàn em, nghĩa đồng môn Nègre và Patron luôn luôn gắn bó như anh em ruột thịt trong gia đình. Nguyên nghĩa Ne (Nègre) có nghĩa là đầy tớ chỉ là đàn em theo phụ đàn anh, Ba trông (Patron) có nghĩa là Chủ chỉ các đàn anh có trách nhiệm chỉ bảo cho đàn em các tuyệt chiêu. Chữ nghĩa nghe qua có tưởng như là có sự cách biệt Chủ và Tớ, nhưng lại là sự ví von vui và bình dị. Kiến trúc nhờ truyền thống Negre - Patron đã kết nối các thế hệ đàn em xa lắc, mà được sự gần gũi, chở che, bảo ban từ cả một cộng đồng Kiến Trúc không có tuổi tác, không có cô, cậu, chú, bác, dì… chỉ là ai vô trước làm đàn anh, sau 40 năm vẫn là đàn em… không có rào cản, không dị biệt về tất cả mọi chuyện. Điều này thấy rõ nhứt là khi đi tới đâu chỉ cần biết là dân Kiến với nhau thì lập tức có ngay sự nồng nhiệt, ân cần và tương trợ.

 

 

 

Còn nữa, những từ như Trưởng tràng ví von cho chức vụ Đại diện cho tất cả sinh viên của trường trong 1 niên khoá, Thiên lôi cho các sinh viên giữ gìn trật tự trong trường, cách nói này đã hoàn toàn được dịch sang tiếng Việt thay cho từ chef cochon của trường Kiến trúc Bố Già (Beaux-Arts) nghĩa Heo sếp vì dân Kiến trúc thường lấm lem, mặt mũi tay chân dính màu mè tùm lum mỗi khi làm bài đồ án. Do việc một người (Ba Trông)làm bài có 2, 3 người phụ (Ne) rồi đi ăn chung, làm bài chung, mệt quá thì lăn ra ngủ hoặc gục bên bài luôn nên lối học quá đặc biệt đó làm cho bạn bè trở nên rất thân thiết, tình cảm với nhau. Cũng nhờ lối cộng tác làm đồ án quá đặc thù mà có nhiều cặp đã cùng nhau thề nguyền binh bài chung suốt cuộc đời.

 

 

 

Dân Kiến trúc thường tự nhận mình là dân Kiến, tự hào là một phần của một tôn giáo Sáng Tạo, Trường Kiến trúc rèn luyện sinh viên tinh thần cống hiến trí lực Sáng tác không ngừng, thiết kế chẳng dừng để phục vụ nơi ăn chốn ở cho con người, siêng năng, cần mẫn trong công việc, kỷ luật và làm việc nhóm tuyệt vời. Dân Kiến phục vụ cộng đồng, từ thành phố lớn đến vùng sâu vùng xa và cầu mong thế giới đẹp hơn bởi những công trình kiến trúc cho đời sống trong lành tiện ích. Dân Kiến là một từ chung, một thuật ngữ trong Kiến trúc là một kết thúc dễ thương cho bài viết này. Không khó để biết trang web kienviet.net của Hội KTS VN và rất nhiều những công ty thiết kế kiến trúc bắt đầu bằng từ Kiến như một dấu chỉ định danh cho ngành nghề.

 

 

Sinh viên ĐH Kiến trúc những năm 1990

 

Thay lời kết:

Sinh viên nói chung, luôn là hồn nhiên, nhiệt tình, và rất nhiều hoài bão trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ. Riêng sinh viên Kiến trúc với cách học đặc sắc và chơi không giống ai trên tiêu chí “Sáng tác không ngừng, thiết kế chẳng dừng” “HAY, VUI, LẠ, ĐẸP” làm cho ta được tiếp thêm sức trẻ và tin tưởng các đàn em thế hệ sau giữ gìn phát huy những giá trị truyền thống, những thuật ngữ của anh em họ nhà Kiến.

Viết vì lời yêu cầu của Kiến Đất Thủ Lion Arc (biệt danh của Sư Tử Ác Nguyễn Huỳnh Linh Thảo)

 

TCC

Việc xong ai có giờ thong thả
Hẹn chốn Bụi trần uống vài chung
Bạn bè chia sớt điều nghiêng ngả?"

 

Nguồn: trelangkienviet.vn

 

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ