magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Nguyễn Hiền Thư
Cấp 7 - 24454 điểm
CHUYỆN THIẾT KẾ
Thiết kế đô thị tại châu Âu: quá khứ, hiện tại và tương lai

     Người châu Âu luôn tự hào về thành phố của họ, bề dày lịch sử, nét phong phú đa dạng trong văn hoá phương tây được phản chiếu trong không gian đặc trưng của mỗi đô thị. Những thành phố như London, Paris, Copenhagen, Berlin, Milan, Athens, Budapest, Vienna… được cấu thành bởi mạng lưới kiến trúc và không gian mang đậm những dấu tích không thể pha trộn của lịch sử và văn hoá địa phương. Xét về quy mô xây dựng hay nhân khẩu, quản lý hành chính hay nguyên tắc thiết kế đô thị, thành phố ở châu Âu tồn tại những điểm khác biệt rõ nét so với các đô thị khác trên thế giới. Do vậy, chúng ta cần nhìn lại chặng đường lịch sử đô thị ở châu Âu để hiểu rõ hơn tiến trình phát triển của ngành thiết kế đô thị tại đây.

     Nhìn lại tiến trình phát triển của thiết kế đô thị tại châu Âu

     Cuối thế kỷ 19, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng và sức ép từ tăng trưởng nóng đem lại diện mạo mất kiểm soát về không gian tại các thành phố ở châu Âu. Trước bối cảnh đó, các nhà quản lý và nghiên cứu đô thị đề xuất sử dụng công cụ quy hoạch và thiết kế đô thị tích hợp với những thành tựu công nghệ tích luỹ được từ ngành xây dựng, môi trường, và kinh tế học nhằm hệ thống hoá không gian công cộng trong thành phố. Lấy mỹ học đô thị làm trọng tâm, các nhà quản lý và học thuật hy vọng giải quyết sự lộn xộn của không gian gây ra bởi quá trình đô thị hoá, nâng cao hình ảnh thành phố, cải thiện hệ thống giao thông, cung cấp không gian xanh, dịch vụ giải trí, thúc đẩy thương mại nội đô phát triển, đồng thời cải thiện chất lượng sống tại những khu đô thị cũ dành cho công nhân. 

     Những năm 1920, chủ nghĩa hiện đại chiếm vị thế chủ đạo trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế đô thị, đề cao nguyên tắc phân khu công năng trong không gian thành phố. Hiến chương Athens đề ra bốn công năng cơ bản của thành phố, bao gồm: cư ngụ, nơi làm việc, giao thông và nghỉ dưỡng. Trong đó, không gian công cộng –vốn là nơi sinh hoạt và giao lưu cộng đồng chỉ được coi là một công năng phụ trợ. Sau Thế chiến thứ nhất, cùng với quá trình tái đô thị hoá (re-urbanisation) và phát triển ồ ạt của phương tiện cơ giới, đô thị trở nên hỗn loạn, cơ sở hạ tầng quá tải, lý thuyết phân vùng công năng ngặt nghèo của chủ nghĩa hiện đại đã đem lại những mặt tiêu cực trong phát triển đô thị. Song song với quá trình suy thoái tại khu trung tâm của những thành phố lớn, xu hướng chuyển dịch ra ngoại ô sinh sống của tầng lớp trung lưu thúc đẩy quá trình ngoại ô hoá, khoét sâu tình trạng suy thoái ở khu vực nội đô. Trước bối cảnh đó, các nhà quy hoạch và thiết kế đô thị tại châu Âu đã có những điều chỉnh về nhận thức và lý luận, phản đối việc phân vùng công năng khô cứng của chủ nghĩa hiện đại.

     Từ năm 1975, phong trào bảo tồn đô thị phát triển, thu hút sự tham gia của hầu hết các thành phố lớn tại châu Âu với khẩu hiệu “Phát triển tương lai vì quá khứ” (A Future for Our Past). Trên nền tảng đó, mọi tầng lớp trong xã hội đều đạt được nhận thức chung, cho rằng không gian đô thị cần được tái phát triển nhằm phục vụ nhu cầu lợi ích của con người. Các nhà quản lý bắt đầu tái thiết khu vực nội đô, cải thiện không gian công cộng, nâng cấp hệ thống giao thông bộ hành, bảo tồn, phục chế di tích lịch sử, xây dựng những khu thương mại kết hợp văn hoá giải trí quần chúng.

 

 

Hình 1: Bản đồ đường sắt ngầm tại London năm 1908 

 

     Đầu thế kỷ 20, thiết kế đô thị tại châu Âu chủ yếu nhằm đối phó những thách thức mà xã hội công nghiệp mang lại cho thành phố. Xuất phát từ nhu cầu phát triển bền vững, thiết kế đô thị đương đại cần kết hợp yếu tố kinh tế, xã hội, văn hoá và môi trường cùng tạo dựng không gian thành phố và vùng đô thị trong xã hội hậu công nghiệp. Năm 1994, Hiến chương Aalborg (Đan Mạch) được các nước châu Âu cùng thông qua. Những năm 1987 và 1992, lần lượt Báo cáo Brundtland, “Tuyên bố về môi trường sống và phát triển” và “Chương trình nghị sự cho thế kỷ 21” được thông qua tại hội nghị của Liên hiệp quốc họp tại Rio de Janeiro. Năm 2003, Hội quy hoạch Liên minh châu Âu ban hành “Tân hiến chương Athens”, đề xuất phương hướng thiết kế đô thị chủ nghĩa hiện đại theo xu thế phát triển bền vững. Năm 2007, nước Đức trong lần chủ trì phiên họp của Liên minh châu Âu đề xuất chính thức đưa ý tưởng phát triển bền vững tại các thành phố châu Âu vào Hiến chương Leipzig.

     Cùng với xu thế toàn cầu hoá và chuyển biến cơ cấu kinh tế, các thành phố ở châu Âu chuyển dần từ mở rộng khu vực ven đô sang tái cấu trúc không gian nội đô, nâng cao chất lượng sống nhằm tăng cường sức cạnh tranh, thu hút nguồn đầu tư và chất xám. Các thành phố thi hành chiến lược tái thiết đô thị để thích ứng với thành phần xã hội ngày càng đa dạng hoá, không gian đô thị theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế và những phương thức sinh hoạt mới.

     Những năm gần đây giới học thuật thảo luận sôi nổi xung quanh chủ đề phát triển đô thị bền vững, đề ra những tư tưởng chủ đạo: phát triển thành phố mật độ cao, giảm thiểu cảnh quan nhỏ lẻ vỡ vụn, phát triển không gian xanh, sử dụng những thiết bị tái sinh nguồn năng lượng, đa dạng hoá công năng sử dụng đất, hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng và không gian bộ hành. Bên cạnh đó là việc tự do hoá đầu tư và giảm thiểu quản chế, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tích cực tham gia xây dựng đô thị.

 

     Tăng trưởng dân số

     Ở thế kỷ 18, tăng trưởng dân số tại các đô thị châu Âu tương đối chậm, bước sang thế kỷ 19, quá trình công nghiệp hoá khiến dân số đô thị tăng trưởng vượt bậc, xu thế này bắt đầu từ Anh quốc sau lan rộng ra toàn châu lục, đạt đến tột đỉnh trước khi diễn ra thế chiến thứ nhất. Giai đoạn tăng trưởng của các thành phố tại châu Âu tập trung từ năm 1880 đến 1910. Khi đó, Âu châu chiếm tới bốn trong sáu thành phố lớn nhất thế giới, gồm London, Paris, Vienna và Berlin.

     Cuối thế kỷ 19, một số thành phố vốn dĩ quy mô trung bình đã phát triển thành đại đô thị, trong đó phải kể đến Berlin, Moscow và Budapest. Chiến tranh đã tàn phá những tài sản mà các đô thị lớn nhỏ ở châu Âu tích luỹ trong khoảng thời gian dài, khiến tăng trưởng dân số đình trệ, tốc độ mở rộng không gian đô thị giảm sút. Đến nay chỉ còn số ít thành phố ở châu Âu như Istanbul, London hay Moscow có dân số đô thị tiếp tục tăng trưởng, còn với những thành phố khác quá trình này đã chững lại. Những năm qua, các đô thị tại châu Âu đối diện với vấn đề già hoá dân số, tỷ lệ người già gia tăng trong khi lượng thanh niên giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu lực lượng lao động.

 

     Quyền lực của hệ thống hành chính công

     Từ thời kì cổ điển (Hy Lạp và La Mã cổ) tới nay, thiết kế đô thị tại châu Âu được vận hành dưới sự quản chế của bộ phận công quyền hành chính và chính phủ. Bất luận trong thời kỳ La Mã hay Trung cổ, chế độ cộng hoà tự trị của chính quyền chiếm chủ đạo tại các thành phố ở châu Âu. Từ sau thế kỷ 18, quốc vương và những nhà thống trị bắt đầu xây dựng chế độ trung ương chuyên quyền cùng với hệ thống hành chính công hiệu quả. Người ta thông qua những bản kế hoạch quản lý sự tăng trưởng và phát triển thành phố, đây cũng là thời kỳ thiết kế đô thị phong cách Baroque được đẩy mạnh ở châu Âu, đạt được những thành tự to lớn ở các thành phố như Roma, Paris, Turin, Vienna, đó đều là thành phố thủ đô-trung tâm chính trị của các quốc gia.

     Sau Thế chiến thứ nhất, hệ thống kinh tế xã hội tại châu Âu đối diện với khủng hoảng và thách thức. Bộ máy công quyền hành chính của đô thị nhận đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tái xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giao thông, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nâng cấp không gian tại các khu dân cư. Giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, hệ thống hành chính công chiếm địa vị chủ đạo trong chính thể tại châu Âu, ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của các đô thị, đặc biệt ở Đông Âu, xu thế này kéo dài đến sau những năm 1990.

     Thập niên đầu sau Thế chiến thứ hai, người châu Âu một lần nữa dựa vào hệ thống công quyền vững mạnh nhằm thúc đẩy công cuộc tái thiết đô thị, cải tạo khu vực dân cư, hệ thống hạ tầng và xây mới nhà ở xã hội. Đến những năm 1990, cùng với chính sách phục vụ chủ nghĩa tự do tân thời, bộ phận công quyền tại các thành phố châu Âu co hẹp dần về nguồn nhân lực và tài chính, tuy vậy xét trên bình diện thế giới, bộ phận hành chính công tại các thành phố ở châu Âu đã phát huy được vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình tái thiết và phát triển đô thị.

 

     Sự hình thành của chuyên ngành thiết kế đô thị đương đại

     Chuyên ngành thiết kế đô thị đương đại được hình thành thông qua quá trình giao lưu mật thiết trong giới quản lý và học thuật tại châu Âu và Mỹ ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ở châu Âu, thông qua những buổi hội thảo và triển lãm, các giáo sư cùng nỗ lực thúc đẩy sự ra đời của các hiệp hội, tạp chí khoa học, bắt đầu từ Đức, Pháp và Anh quốc, từng bước hình thành chuyên ngành thiết kế đô thị. Như đã phân tích ở trên, bối cảnh và động lực thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ngành thiết kế đô thị là để giải quyết những thách thức phát triển trong quá trình đô thị hoá gấp gáp từ trước Thế chiến thứ nhất. Trong những năm 1860, những nhân vật ảnh hưởng mạnh mẽ lên ngành thiết kế đô thị là những kỹ sư công trình và quan chức hành chính, như Ildefonso Cerdá - người phụ trách quy hoạch Barcelona, James Hobrecht - người phụ trách quy hoạch Berlin, và Eugène Haussmann - phụ trách quy hoạch Paris.

     Từ cuối thế kỷ 19, vai trò chủ đạo trong công tác thiết kế đô thị chuyển giao dần cho giới kiến trúc sư phụ trách. Những năm 1910, chuyên ngành thiết kế đô thị chính thức ra đời, giới học thuật đạt được những nhận thức chung về nội hàm và ý nghĩa của thiết kế đô thị: tuy hình thái không gian là nội dung trọng tâm, tuy nhiên thiết kế đô thị không chỉ gói gọn thảo luận về hình thái không gian. Thiết kế đô thị là sự kết hợp hài hoà của nghệ thuật, khoa học và thiết kế công trình, nhiệm vụ chủ yếu nhằm đưa ra phương án giải quyết những vấn đề tồn tại trong không gian đô thị, giao thông, văn hoá, kinh tế xã hội ở một thời kỳ phát triển nhất định. Do đó, nội dung hành động của thiết kế đô thị được mở rộng từ tổ hợp hình thái kiến trúc của các cụm công trình đến phạm vi thành phố, vùng đô thị. Ngoài ra, thiết kế đô thị không chỉ là thành quả chuyên ngành của giới kỹ thuật, đồng thời còn là sản phẩm chung của bộ máy công quyền hành chính, liên quan đến lĩnh vực kinh tế, dân sinh xã hội và chính sách công.

Hình 2: Bản thiết kế đô thị vùng Hamdstead ngoại ô London thế kỷ 19 

 

     Mục tiêu của thiết kế đô thị

     Trong bối cảnh lịch sử phát triển đặc thù của châu Âu, việc thiết lập mục tiêu của ngành thiết kế đô thị không ngừng thay đổi. Trước Thế chiến thứ nhất, nhiệm vụ của thiết kế đô thị nhằm khống chế sự phát triễn hỗn loạn của đô thị, tái lập trật tự trong môi trường xây dựng và dẫn dắt thành phố phát triển theo hướng hợp lý. Thông qua những cuộc hội thảo, tranh luận của nhiều chuyên ngành khác nhau, người ta đạt được những nhận thức chung về đường lối phát triển của đô thị: dựa trên công tác bảo tồn di tích lịch sử, tạo dựng hình ảnh và sức hút của khu vực trung tâm thành phố, đồng thời phát triển khu vực dân cư theo tiêu chí phát triển nén và đa dạng hoá tầng lớp xã hội; đối với khu vực vành đai ven đô, cần thiết lập những khu công nghiệp tách biệt có đầy đủ dịch vụ và không gian để mở rộng phát triển, đi kèm với đó là khu ở dành cho công nhân cùng với những khu công viên giải trí nghỉ dưỡng dành cho quần chúng.

     Sau Thế chiến thứ nhất, các thành phố tại châu Âu bị huỷ hoại, đặc biệt ở khu vực nội thành. Bộ phận hành chính công nổi lên với vai trò dẫn dắt công cuộc tái thiết đô thị. Cùng với đó, một số trường phái thiết kế đô thị nổi lên với ngày càng nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch theo xu hướng học hỏi kinh nghiệm của nước Mỹ trong phát triển đô thị, ưu tiên phát triển giao thông cơ giới, theo đuổi công năng phân khu, đẩy mạnh phát triển kiến trúc cao tầng. Trong giai đoạn từ 1950 đến 1960, mô hình cải tạo và phát triển đô thị trên được áp dụng tại nhiều thành phố ở châu Âu. Tuy vậy, việc ưu tiên phát triển giao thông cơ giới cũng khiến cho quảng trường và những tuyến phố tại trung tâm thành phố mất đi sức hấp dẫn. Trong khoảng thời gian này, yếu tố lịch sử và bảo tồn di sản văn hoá trong kiến trúc và thiết kế đô thị ít nhận được sự quan tâm, nhiều khu vực nội đô lịch sử bị tháo dỡ và phá hoại. Trong những năm 1970, chủ nghĩa thiết kế đô thị hiện đại ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, quần chúng biểu tình phản kháng hành vi phá huỷ những công trình lịch sử cùng với việc xây dựng đô thị phục vụ cho phát triển xe cơ giới.

     Chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời sau đó với ba đặc tính cơ bản: ngoài việc tôn trọng và bảo vệ những di sản kiến trúc đã minh chứng kiến chặng đường phát triển của thành phố, chủ nghĩa hậu hiện đại nhấn mạnh việc nâng tầm những yếu tố lịch sử trở thành nét cá tính đặc trưng của đô thị; phát huy giá trị xã hội của thiết kế đô thị nhằm phục vụ cộng đồng; phản đối mô hình tháo dỡ - xây mới để cải tạo những khu phố trong nội thành; phản đối xây dựng hàng loạt những khu dân cư với kiến trúc đơn điệu trùng lặp; chú trọng khía cạnh sinh thái trong thiết kế đô thị-thông qua thủ pháp thiết kế giảm thiểu ô nhiễm âm thanh, khí thải, xử lý chất thải và giảm bớt tiêu hao năng lượng trong đô thị.

 

     Năm thách thức lớn đối với thiết kế đô thị tại châu Âu

     Đối với thiết kế đô thị đương đại, chỉ đề ra cương lĩnh “thiết kế đô thị bền vững” là chưa đủ để áp dụng hiệu quả công cụ thiết kế đô thị vào thực tiễn, mà cần chỉ ra những khu vực nào trong không gian đô thị cần nhận sự quan tâm đặc biệt và là trọng tâm tương lai của thiết kế đô thị? Thông qua những hoạt động triển lãm và hội thảo diễn ra tại Berlin, London, Munich, Nice.. kết hợp với thành quả nghiên cứu thảo luận của các chuyên gia về lĩnh vực “thiết kế đô thị và những không gian trọng yếu”, giới học thuật chuyên ngành đã đúc kết ra năm thách thức lớn mà ngành thiết kế đô thị tại châu Âu cần giải quyết ở hiện tại và tương lai:

     1- Nâng cấp, cải tạo đô thị nhằm nâng cao hình ảnh trung tâm thành phố; 
     2- Đem lại sinh khí cho những khu ở cũ dành cho công nhân trong nội thành;
     3- Tái sử dụng hiệu quả những khu đất hoang hoá trong nội thành;
     4- Nâng cao chất lượng không gian tại khu vực ven đô, ngoại ô; 
     5- Cải thiện kết cấu và hình thái không gian trong vùng đô thị lớn. 

     Tuy những thách thức tại các thành phố ở châu Âu có nhiều nét tương đồng, song không đồng nghĩa với việc có thể áp dụng công thức chung để giải quyết vấn đề ở các đô thị khác nhau. Mỗi thành phố có những đặc điểm phát triển và bối cảnh lịch sử riêng biệt, do đó cần nghiên cứu những đối sách phù hợp với từng thành phố. 

 

     - Nâng cấp, cải tạo đô thị nhằm nâng cao hình ảnh trung tâm thành phố

     Ngày nay, tiềm năng phát triển tại các trung tâm đô thị không bị mất đi, ngược lại, khu vực này đang trải qua quá trình phục hưng với những biến đổi sâu sắc. Từ 1980 tới nay, các thành phố ở châu Âu chuyển từ quá trình “ngoại ô hoá” sang giai đoạn “tái trung tâm hoá” - trung tâm thành phố trở thành trọng tâm của tiến trình phục hưng đô thị tại châu Âu. Cùng với quá trình thu hút đầu tư, giới chức quản lý ban hành hàng loạt những chính sách và chiến lược nhằm nâng cao chất lượng không gian của trung tâm thành phố dưới lăng kính của kiến trúc và thiết kế đô thị. Dự án thu hút thảo luận và quan tâm cao độ đến từ các tầng lớp xã hội, đặt ra câu hỏi: làm sao để tận dụng những không gian đặc sắc, phát huy tính đặc trưng từ văn hoá, lịch sử - biến khu vực nội đô trở thành cánh cửa sổ của toàn thành phố, tham gia vào quá trình cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút không chỉ khách du lịch mà còn các tập đoàn , công ty và chất xám trên thế giới. 

 

Hình3: thiết kế tổng thể khu Les Hales –Paris 

 

     Như vậy, thiết kế đô thị trở thành chất xúc tác quan trọng trong quá trình phục hưng trung tâm thành phố. Trong đó, quảng trường, khu phố và các không gian công cộng trở thành tâm điểm của công cuộc tái thiết, nhưng không phải để phục vụ giao thông cơ giới, mà nhằm thích ứng với nhu cầu bộ hành trong đô thị. Tuy vậy, những mặt trái của quá trình cải tạo trung tâm đô thị, tác động tiêu cực đến xã hội đôi khi lại không được quan tâm đúng mức. Những khu thương mại mới xây trong thành phố không nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của đại bộ phận quần chúng, mà ưu tiên phục vụ khách du lịch hoặc tầng lớp giàu có để mua sắm, giải trí. Không gian công cộng trong trung tâm đô thị trở thành nơi trải nghiệm của một bộ phận nhỏ trong xã hội. Do đó, dù đứng trên góc độ hình thái hay công năng, không gian công cộng dần mất đi ý nghĩa vốn có. Một trung tâm đô thị phát triển bền vững không những cần bảo tồn được diện mạo lịch sử, thích hợp bộ hành, duy trì được cảnh quan đặc trưng và văn hoá phong phú, đồng thời cần thể hiện được tính đa dạng và dung hoà nhu cầu của các tầng lớp khác nhau, tránh sự xa lánh, bài xích những bộ phận yếu thế trong xã hội.

 

     - Đem lại sinh khí cho những khu ở cũ dành cho công nhân trong nội thành

Những khu ở dành cho công nhân được hình thành từ trước Thế chiến thứ nhất, thường toạ lạc ven trung tâm thành phố. Những khu ở này có mật độ kiến trúc dày đặc, môi trường sinh hoạt và công năng hỗn loạn, thường trở thành mục tiêu bị phê phán và tháo dỡ trong chủ nghĩa kiến trúc hiện đại. Trong quá khứ, đây là những khu ở dành cho công nhân, tuy vậy, trong quá trình phát triển đô thị, nhiều cư dân bị mất việc làm, chuyển tới nơi ở mới. Hiện tại cư dân ở khu vực này được cấu thành bởi nhiều tầng lớp khác nhau với kết cấu xã hội phức tạp, chủ yếu là dân di cư với thu nhập kinh tế tương đối thấp. Một bộ phận tầng lớp trung lưu, thanh niên chuyển tới khu vực này sinh sống khiến giá bất động sản trong khu vực ấm lên. Tuy phần lớn cư dân hiện tại không phải là tầng lớp công nhân khi xưa, nhưng trong kí ức của của người dân đô thị nơi đây vẫn là khu ở của công nhân. Sinh sống trong khu vực này, người ta vẫn cảm nhận được dấu tích của sự chuyển đổi từ xã hội công nghiệp sang hậu công nghiệp ở châu Âu.

 

     Hình 4a,b: khu ở dành cho công nhân Ahrensfelder Terrassen-Berlin trước và sau khi cải tạo  

 

     Hiện nay, những khu ở như vậy là đối tượng hàng đầu được chính phủ quan tâm đầu tư cải tạo, không chỉ thông qua thiết kế đô thị mà còn bao gồm chính sách xã hội và giáo dục. Không gian công cộng như hè phố, quảng trường, công viên, thiết bị dịch vụ xã hội, trường học cũ đều được cải thiện nâng cấp. Ngoài ra, người dân trong khu vực còn được cung cấp những dịch vụ mới như nhà trẻ, thư viện khu và những không gian giao lưu ngoài trời cho người già, phụ nữ và trẻ em. Nếu như trước đây những khu vực nhà ở công nhân đã từng bị giải phóng, phá dỡ trên quy mô lớn, bị thay thế bởi những dự án bất động sản mới, thì ngày nay, chính những dự án cải tạo khu ở cũ của công nhân mang lại giá trị lịch sử và tính đa dạng cho trung tâm thành phố, từng bước trở thành những không gian đặc trưng của đô thị.

 

     - Tái sử dụng hiệu quả những khu đất hoang hoá trong nội thành

     Từ góc độ của thiết kế đô thị, những mảnh đất hoang hoá nội thành từng là biểu tượng phản ánh sự quá độ của xã hội công nghiệp, minh chứng cho sự chuyển biến của đô thị trong lĩnh vực quân sự, giao thông hay thương mại. Trước đây, những mảnh đất đó từng là khu công nghiệp, cảng khẩu, sân bay, đất thương nghiệp hay quân sự... Những năm gần đây, số lượng đất hoang hoá nội đô ngày càng gia tăng, đất công nghiệp, xưởng sản xuất bỏ hoang cùng với lượng lớn công trình kiến trúc văn phòng và dịch vụ không được sử dụng. Tuy những khu đất này nằm rải rác trong nội đô, có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, song bị hoang phế, cách li với cuộc sống đô thị xung quanh, trở thành những ốc đảo cô lập trong kết cấu không gian thành phố.

 

 

     Hình 5: Làng olympic London và các dự án tái phát triển những khu đất hoang hoá 

 

     Tuy vậy, các chuyên gia đô thị cho rằng, những mảnh đất hoang hoá ở nội đô có thể tạo ra những cơ hội to lớn cho công tác thiết kế đô thị, những mảnh đất này tiềm tàng giá trị phát triển, tuy vậy cũng đem lại những thách thức nhất định. Tại đây, người ta có thể xây dựng những khu công năng tích hợp, tạo dựng những phố xá, vườn hoa công viên hay khu dân cư mới với công năng sử dụng đất đa dạng. Tuy nhiên, tái thiết khu vực này cũng mang lại những thách thức to lớn như việc thu hồi-giải phóng mặt bằng, tái sử dụng đất và các công trình kiến trúc hiện trạng. Chủ yếu những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình cải tạo khu vực này đến từ khía cạnh pháp lý (quyền sử dụng đất và bất động sản), khiến cho việc cải tạo những mảnh đất này khó khăn hơn rất nhiều nếu so sánh với việc đầu tư xây dựng trên đất trống hoặc khu vực ven đô. Mặc dù còn nhiều thách thức, song việc cải tạo những mảnh đất hoang hoá đem lại giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế và môi trường sinh thái trong đô thị bởi vị trí ưu việt và giá trị lịch sử của khu vực trung tâm. Vấn đề là làm sao để bảo tồn những giá trị lịch sử, không gian hay những kết cấu đặc thù của những công trình kiến trúc cũ và hoà nhập vào tiến trình xây dựng không gian đô thị mới đem lại tính cân bằng giữa dấu ấn lịch sử và nhu cầu phát triển của đô thị.

 

     - Nâng cao chất lượng không gian tại khu vực ven đô, ngoại ô

    Tại những đại đô thị ở châu Âu, khu vực ven đô được cấu thành bởi những mảnh ghép không gian lộn xộn thiếu tổ chức, song vẫn không ngừng phát triển dàn trải. Khu vực này chủ yếu tập trung các khu vực dân cư lớn, tách biệt lẫn nhau về mặt hình thái không gian, công năng hay sự liên kết xã hội. Giữa những khu dân cư này chỉ có thể liên kết bởi những tuyến giao thông vành đai dành cho phương tiện cơ giới. Người ta từng hy vọng sự phát triển của khu vực ven đô có thể bù đắp cho sự suy thoái của nội đô, tuy vậy từ cuối thế kỷ 20, các đô thị trên thế giới đã rút ra những bài học từ sự thất bại của quá trình ngoại ô hoá. Việc mở rộng khu vực ven đô cùng với sự phát triển dàn trải của không gian đô thị khiến việc phát triển kinh tế vùng ỷ lại vào giao thông cơ giới, đem lại vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời đe doạ nền tảng liên kết trong xã hội và văn hoá. Đối với khu vực ven đô, nhiệm vụ trọng tâm của thiết kế đô thị bao gồm: khống chế sự phân hoá và phát triển manh mún rời rạc của không gian cảnh quan đô thị; phát triển những thị trấn ở vùng ven, tránh ỷ lại vào xây dựng những khu đô thị bất động sản; nâng cao chất lượng không gian cảnh quan, cải thiện chất lượng sống tại những khu nhà ở xã hội tại vùng ven đô.

 

Hình 6: ý tưởng phát triển thị trấn Val d‘Europe-ngoại ô Paris 

 

     Những nhiệm vụ kể trên cần có sự hỗ trợ của chính sách, đặc biệt về tài chính. Ví dụ miễn giảm thuế đối với tầng lớp lao động hàng ngày di chuyển giữa trung tâm thành phố và vùng ngoại ô, đánh thuế đối với hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đối với những dự án nhà ở mới xây ở vùng ven, chỉ phê duyệt những dự án tích hợp công năng đa dạng, phục vụ nhiều tầng lớp cư dân, tuyệt đối tránh những dự án công năng đơn điệu, chỉ nhắm đến đối tượng tầng lớp cư dân cụ thể. Trên nền tảng đó, đề xuất phát triển mô hình khu phố có kích thước nhỏ, mật độ mạng lưới giao thông dày; tăng cường liên kết giữa các trung tâm trong vùng thành phố thông qua giao thông công cộng, phát triển những tiểu trung tâm có sức hấp dẫn với quần chúng, qua đó khắc phục sự phát triển dàn trải tại khu vực ngoại vi.

     Bước sang thế kỷ 20, giới học thuật châu Âu cùng phê bình, chỉ trích việc xây dựng hàng loạt những khu nhà ở công nhân ở thế kỷ 19, thay vào đó, khuyến khích xây dựng những khu nhà ở xã hội quy mô lớn. Ngày nay, người ta đều nhận ra những khu ở quy mô lớn như vậy phát sinh nhiều vấn đề về dân sinh xã hội, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật cũng như thiết kế đô thị, bao gồm vấn đề chính sách tái định cư, quyền sử dụng đất tập trung trong tay chủ dự án, không gian đô thị thiếu tính linh hoạt, công năng đơn điệu, không gian công cộng thiếu sức hút với quần chúng. Hiện tại, những dự án cải tạo những khu ở trên chủ yếu cải thiện chất lượng không gian công cộng, tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ kiến trúc, thay đổi diện mạo và kết cấu những khu ở đó. 

 

     - Cải thiện kết cấu và hình thái không gian trong vùng đô thị lớn

     Những thành phố lớn ở châu Âu lấy phát triển bền vững làm mục tiêu vĩ mô, đồng nghĩa với việc cần có phương hướng hành động trên bình diện vùng thành phố. Đứng trên góc độ phát triển trong tương lai để xây dựng hệ thống giao thông vùng, thay đổi phương thức đi lại trong đô thị, cải tạo những mảng xanh trong thành phố, tái phát triển các trục tuyến chính trong đô thị. Trong tương lai, vùng thành phố lớn cần phát triển những mô hình giao thông mới, vấn đề biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng sẽ chuyển biến phương thức đi lại của con người. Đối với giới trẻ, xe hơi không còn tượng trưng cho địa vị xã hội; những biện pháp thu phí, đánh thuế đối với ô tô, hay chính sách phát triển phương tiện công cộng khiến con người không còn ỷ lại vào xe hơi, thay vào đó, người ta tiếp nhận những phương tiện khác, đi bộ hay đạp xe. Nhu cầu của thời đại khiến ngành công nghiệp ô tô theo đuổi vật liệu nhẹ và bền vững hơn, giảm thiểu khí thải và tiêu hao ít năng lượng. Không gian của đô thị cũng đổi thay cùng với nhu cầu phát triển giao thông bền vững, cùng với sự xuất hiện của kỹ thuật mới, những mô hình như xe buýt điện năng, tàu điện nội đô hay cáp treo nội đô được đưa vào sử dụng.

     Trong thập niên gần đây, người ta bắt đầu xây dựng những khu công viên quy mô lớn tích hợp với phát triển nông nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu giải trí và thư giãn, đồng thời cải thiện vi khí hậu trong đô thị. Những công viên này được xây dựng ở khu vực ven đô, giúp khống chế sự phát triển lộn xộn và rời rạc của cảnh quan vùng ven đô. Ý tưởng phát triển những công viên quy mô lớn từng vấp phải những phản đối trong quá khứ, song ngày nay là một trong những yếu tố quan trọng đối với thiết kế đô thị châu Âu đương đại.

     Nét đặc trưng trong cấu trúc không gian thành phố của châu Âu được hình thành bởi những trục đường chính, những đại lộ xanh mát và những tuyến đường hướng tâm, những yếu tố đó cấu thành khung xương của thành phố, liên kết những khu vực khác nhau thành một mối tổng thể. Những tuyến đường này thường bao gồm chức năng giao thông công cộng, tập trung khu vực thương mại và dịch vụ. Hai bên đường là những kiến trúc đặc sắc, trở thành biểu tượng của thành phố đồng thời dung hoà những yếu tố lịch sử và văn hoá đa dạng của đô thị. Sau Thế chiến thứ hai, cùng với đà phát triển của xe hơi và quá trình ngoại ô hoá, khu vực trung tâm với những tuyến phố chủ đạo và khu vực thương mại mất đi sức hút vốn có. Đối với mục tiêu phát triển bền vững, việc tái sinh những trục tuyến chính trong đô thị có ý nghĩa to lớn. Thu hút đầu tư vào những tuyến phố này sẽ trở thành chất xúc tác đem lại sức sống cho những khu vực lân cận, đồng thời phát huy tác dụng liên kết nội thành và ngoại vi, củng cố sự phát triển của vùng thành phố./. 

 

Tác giả:
TS Yi Xin, Đại học Đông Nam, Trung Quốc 
GS.TS Harald Bodenschatz, Đại học Công Nghệ Berlin (TU Berlin)
GS.TS Dieter Frick, Đại học Công Nghệ Berlin (TU Berlin)
Aljoscha Hofmann, Đại học Công Nghệ Berlin (TU Berlin)

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ