magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ

Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X) mà thành Cổ Loa là một di tích minh chứng còn lại cho đến ngày nay. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. 

 

Thành Cổ Loa

 

Dời đô từ vùng núi đến đây và xây dựng nên một thành trì to lớn. An Dương Vương đã tìm hiểu những thuận lợi về mặt địa lý để kiến tạo nên một ngôi thành lịch sử.

Thời xưa, Cổ Loa nằm ở vị trí đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng. Nơi đây giao thương dễ dàng khi giao tiếp cả đường thủy và đường bộ. Khi nắm giữ nơi đây, người Âu Lạc sẽ bao quát cả vùng đồng bằng và kiểm soát cả vùng núi.

Thành Cổ Loa nằm bên con sông Hoành. Nơi giao thoa nối liền sông Hồng và sông Cầu (Con sông lớn nhất trong hệ thống sông rạch chằng chịt Thái Bình). Việc nắm giữ đường thủy cả hai con sông Hồng và sông Thái Bình mang đến lợi thế thông thương to lớn cho thành Cổ Loa. Hai con sông này gần như chiếm toàn bộ hệ thống đường thủy Bắc bộ thời bấy giờ. Nếu muốn ra biển lớn chỉ cần xuôi theo con sông Hồng. Nếu muốn đi ngược lại vùng đồng bằng Tây Bắc thì xuôi theo con sông Thái Bình.

 

Thành Cổ Loa

 

Mặt còn lại của thành Cổ Loa là vùng đồng bằng rộng lớn. Nơi đây bắt đầu xuất hiện nhiều xóm làng, dân chúng sống đông đúc. Kinh tế phát triển vượt bậc với đủ các loại nghề: Trồng lúa, thủ công nghiệp, đánh bắt cá,… Tuy giai đoạn trị vì của An Dương Vương chỉ khoảng 30-50 năm. Nhưng đây là giai đoạn đánh dấu sự chuyển mình của dân tộc Việt cổ. Địa lý từ vùng núi sang vùng đất đồng bằng trù phú. Không những là kinh tế tăng trưởng vượt bậc mà nền văn hóa Đông Sơn cũng rực rỡ nhất vào giai đoạn này.

1. Xây dựng thành và kiến trúc thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa được xây bằng đất do thời ấy ở Âu Lạc chưa có gạch nung. Thành có 3 vòng. Chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km… Diện tích trung tâm lên tới 2 km².

Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5 m, có chỗ 8-12 m. Chân lũy rộng 20-30 m, mặt lũy rộng 6-12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối. Khu vực Cổ Loa được coi là một nền đất yếu nên việc xây dựng thành Cổ Loa có thể khó khăn và thành bị đổ nhiều lần là dễ hiểu. Khi xẻ dọc thành để nghiên cứu, các nhà khảo cổ học phát hiện kỹ thuật gia cố thành của Thục Phán: chân thành được chẹn một lớp tảng đá. Hòn nhỏ có đường kính 15 cm, hòn lớn 60 cm. Xung quanh Cổ Loa, một mạng lưới thủy văn dầy đặc đã được tạo ra, thành một vùng khép kín, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ thủy binh hùng mạnh. Thuở ấy, sông Thiếp – Ngũ Huyền Khê – Hoàng Giang thông với sông Cầu ở Thổ Hà, Quả Cảm (Hà Bắc) thông với sông Hồng ở Vĩnh Thanh (Đông Anh). Ngay sau khi xây thành, Thục An Dương Vương đã chiêu tập những thợ mộc giỏi, sử dụng gỗ ở địa phương đóng thuyền chiến. Nhân dân cũng được điều tới khai phá rừng đa (Gia Lâm), rừng Mơ (Mai Lâm), rừng dâu da (Du Lâm)… thành ruộng. Những hiệp thợ chuyên rèn vũ khí cũng xuất hiện, chế tạo côn, kiếm, dáo, mác và nỏ liên châu, mỗi phát bắn nhiều mũi tên. Có nhiều bằng chứng khảo cổ về sự tồn tại của hàng chục vạn mũi tên đồng, có thể dùng nỏ liên châu ở đây.

Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”

Khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm. Người xưa lại xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào vừa là đường thủy quan trọng. Chiếc Đầm Cả rộng lớn nằm ở phía Đông cũng được tận dụng biến thành bến cảng làm nơi tụ họp cho đến cả hàng trăm thuyền bè.

 

Đền Thượng (đền Thục Phán An Dương Vương)

 

Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè nhiều đá hơn các đoạn khác. Đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở tới từ các miền khác. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy một số lượng gốm khổng lồ gồm ngói ống, ngói bản, đầu ngói, đinh ngói. Ngói có nhiều loại với độ nung khác nhau. Có cái được nung ở nhiệt độ thấp, có cái được nung rất cao gần như sành. Ngói được trang trí nhiều loại hoa văn ở một mặt hay hai mặt.

Thành Cổ Loa theo tương truyền gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành có 3 vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4 m-5 m, có chỗ cao đến 8 m-12 m. Chân lũy rộng 20 m-30 m, mặt lũy rộng 6 m-12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.

 

Tường Thành Cổ Loa

 

  • Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5 m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6 m-12 m, chân rộng từ 20 m-30 m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy.

  • Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10 m, mặt thành rộng trung bình 10 m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng.

  • Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000 m, cao trung bình 3 m-4 m (có chỗ tới hơn 8 m).

Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành như một mê cung, là một khu quân sự vừa thuận lợi cho tấn công vừa tốt cho phòng thủ.

Sông Hoàng được dùng làm hào thiên nhiên cho thành Ngoại ở về phía Tây Nam và Nam. Phần hào còn lại được đào sát chân tường thành từ gò Cột Cờ đến Đầm Cả. Con hào này nối với hào của thành Trung ở Đầm Cả và Xóm Mít, chảy qua cửa Cống Song nối với năm con lạch có hình dáng như bàn tay xòe, và với một nhánh của con lạch này, nước chảy thông vào vòng hào của thành Nội.

Thuyền bè đi lại dễ dàng trên ba vòng hào để đến trú đậu ở Đầm Cả hoặc ra sông Hoàng và từ đó có thể tỏa đi khắp nơi. Theo truyền thuyết, An Dương Vương thường dùng thuyền đi khắp các hào rồi ra sông Hoàng.

Thành Cổ Loa xưa và nay có sự khác biệt. Thời gian trôi qua, với sự tác động của thiên nhiên và con người đã làm thành Cổ Loa thay đổi.

Theo sử sách xưa, thành được xây quanh co chín lớp, chu vi chín dặm, sâu nghìn trượng, xoáy tròn như hình ốc. Nên được gọi là Loa Thành (“loa” có nghĩa là con ốc). Thành còn có tên nôm là Chạ Chủ và nhiều tên khác như Khả Lũ (“Lũ” có nghĩa là quanh co nhiều lớp), Côn Lôn thành (ý nói thành cao như núi Côn Lôn bên Trung Quốc) hoặc Việt Vương thành (thành của vua xứ Việt), dân địa phương gọi bằng tên tiếng nôm là thành Chủ.

Để có đất xây thành, An Dương Vương phải cho dời dân tại chỗ đi nơi khác. Theo truyền thuyết thì làng Quậy hiện nay nguyên vốn ở tại Cổ Loa đã phải dời xuống vùng đất trũng cuối dòng sông Hoàng để An Dương Vương xây thành.

 

Thành Cổ Loa

 

Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của nước ta”

Vào thời Âu Lạc, con người chỉ mới làm quen với một ít kỹ thuật sơ khai, công cụ lao động còn rất thô thiển, ít hiệu quả, tất cả công việc đều do bàn tay người mà ra. Muốn xây được công trình với “quy mô lớn vào bậc nhất” này, phải có một số lượng khổng lồ đất đào đắp, đá kè và gốm rải. Nhà nước Âu Lạc hẳn đã phải điều động một số nhân công rất lớn để lao động trong một thời gian rất dài mới có thể hoàn thành được. Các nhà khảo cổ học cho rằng đã phải có đến hàng vạn người làm việc hàng năm cho công trình này.

Khi xây thành, người xưa đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm. Người xưa lại xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào vừa là đường thủy quan trọng. Chiếc Đầm Cả rộng lớn nằm ở phía Đông cũng được tận dụng biến thành bến cảng làm nơi tụ họp cho đến cả hàng trăm thuyền bè.

Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè nhiều đá hơn các đoạn khác. Đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở tới từ các miền núi. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy một số lượng gốm khổng lồ gồm ngói ống, ngói bản, đầu ngói, đinh ngói. Ngói có nhiều loại với độ nung khác nhau. Có cái được nung ở nhiệt độ thấp, có cái được nung rất cao gần như sành. Ngói được trang trí nhiều loại hoa văn ở một mặt hay hai mặt.

Tường thành phía ngoài được xây dựng đứng để gây khó khăn cho đối phương, còn mặt trong thì được xây thoai thoải để dễ dàng lên xuống.

 

2. Cao Lỗ - Người thiết kế và chỉ huy xây dựng Thành Cổ Loa và cha đẻ của Nỏ Thần

 

Cao Lỗ (? - 179 trước Công nguyên) (còn gọi là Cao Nỗ, Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần) là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là Nỏ thần. Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa.

Cha đẻ nỏ Thần Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ Liên Châu (nỏ thần), bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần. Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội).

Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ. Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc. Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận, nhưng An Dương Vương không nghe còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi tìm nơi ở ẩn. Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương và về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã tử trận. 

 

3.  Những giá trị thành Cổ Loa mang lại

Trong cấu trúc thành Cổ Loa khi xây dưng, thành Cổ Loa tận dụng lợi thế thiên nhiên khá nhiều. Vì vậy, trên những gò đất cao và dài là những ụ, lũy được xây dựng để canh gác. Một số lũy như vậy được dân đặt tên như Đống Dân, Đống Chuông, Đống Bắn…

Về mặt quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến.

 

Thành Cổ Loa

 

Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa của xã hội thời ấy. Thời kỳ này, vua quan không những đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ, sống gần như cô lập hẳn với cuộc sống bình thường. Xã hội đã có giai cấp rõ ràng và xã hội có sự phân hóa giàu nghèo rõ ràng hơn thời Vua Hùng.

Về mặt văn hóa, là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ. Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa hồi chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo, tất cả những điều làm chứng nghệ thuật và văn hóa thời An Dương Vương. Hàng năm, vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ trang trọng để tưởng nhớ đến những người xưa đã có công xây thành, và nhất là để ghi ơn An Dương Vương.

Hiện nay Cổ Loa là một trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam, và vào ngày 27/9/2012 di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

 

4. Thành Cổ Loa từ đời Ngô Quyền đến hiện nay.

Ngô Quyền cho đóng đô ở thành Cổ Loa. Ngô Quyền đã tiến hành nhiều cải cánh khác nhau. Mà điển hình là việc tu sửa lại thành Cổ Loa thành nơi trung tâm về quân sự, kinh tế và văn hóa của cả nước. Tuy vậy Ngô Quyền chỉ tại vị được 6 năm, một tòa thành Cổ Loa hoàn toàn mới của triều đại nhà Ngô như ý kiến của một số nhà nghiên cứu, thật khó có điều kiện khả thi. Thành Cổ Loa trong thời gian ngắn này có lẽ chỉ được đắp thêm từng phần trên cơ sở tòa thành cũ của An Dương Vương đã được gia cố nhiều lần trong thời kỳ Bắc thuộc.

 

Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa hiện nay và quy hoạch tương lai

 

Trong những năm gần đây thành Cổ Loa bắt đầu khoác lên mình một diện mạo mới hơn. Các dự án quy hoạch và tu sửa thành Cổ Loa đang được phát triển thêm nhiều hơn. Một số dự án tu bổ tôn tạo trong khu vực Cổ Loa như: Am Mỵ Châu, đình Ngự triều di quy, đền An Dương Vương, đình-chùa Mạch Tràng, Giếng Ngọc, khảo cổ học Mắt Rồng, Bãi Mèn, Đồng Vông… cùng một số công trình giao thông đã hoàn thành như đường vào cửa Tây, cầu qua sông Hoàng, bãi để xe và một số hạng mục phụ trợ.

Xã Cổ Loa hiện có 14 thôn, xóm trong đó 11 xóm ở trên, trong hoặc giữa các vòng thành. Điều này đã tạo nên sự khác biệt của Cổ Loa so với các khu di tích khác. Khu di tích này vẫn cộng động cho người dân sống xen kẻ bên trong. Cũng từ đây nảy sinh những khó khăn trong công tác bảo tồn. Theo thống kê năm 1997, số hộ dân trên mặt thành và hào là 330 hộ. Theo thống kê năm 2005 của Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao công nghệ xây dựng – trường Đại học Kiến trúc Hà Nội(đơn vị lập báo cáo đầu tư tu bổ tôn tạo khu di tích Cổ Loa) thì tổng số dân trên đất thành là 394 hộ, trong đó khu thành Nội có 119 hộ. Sự tăng hộ này là do dân số tăng tự nhiên trong các xóm, làng (tỉ lệ tăng tự nhiên ở Cổ Loa là 1,33%/năm). Số nhà mới xây dựng vì thế cũng tăng lên, hầu hết là xây dựng trên đất thổ cư đã được cấp giấy phép quyền sử dụng đất.

 

5. Cổ Loa: Liệu có thể cứu vãn?

Có lẽ, hầu hết người Việt Nam đều thuộc nằm lòng truyện An Dương Vương và Mỵ Châu Trọng Thủy, vốn là bài học được nhắc đến nhiều lần trong sách Ngữ Văn và sách Lịch sử phổ thông. Nhưng Thành Cổ Loa, nằm cách Hà Nội chưa đầy 20 km, là nơi khởi nguồn của truyền thuyết từ 2300 năm trước, vẫn còn dấu tích kiến trúc độc đáo của Kinh thành năm xưa lại không nằm trong tâm trí của nhiều người Việt và du khách quốc tế đến Hà Nội.

 


Ảnh Lễ hội  Loa Thành


Mỗi năm, khu di tích Cổ Loa đón khoảng 130 nghìn lượt khách (để tiện so sánh, cố đô Huế đón một triệu lượt khách trong ba tháng) nhưng chỉ tập trung vào những ngày xung quanh thời điểm Lễ hội Cổ Loa diễn ra vào tháng Giêng. Hơn nữa, mang trong mình những huyền sử đầy bi tráng và lãng mạn, đậm chất Phương Đông, nhưng kì lạ là, nếu tìm kiếm trên mạng Internet, Cổ Loa chỉ có một bài review Tiếng Anh duy nhất trên trang blog du lịch Rusty Compass, được lập ra bởi một người Úc yêu Đông Nam Á đang ở Việt Nam, Mark Bowyer. Mark viết rằng, Cổ Loa được ít người biết đến một cách đáng kinh ngạc, và anh là khách du lịch duy nhất trong hai lần đến thăm.

TS. Richard A. Engelhardt, nguyên là chuyên gia tư vấn khu vực về Văn hóa vùng Châu Á Thái Bình Dương của UNESCO cho biết, lần đầu tiên đến Cổ Loa cách đây 20 năm, ông đã bị ấn tượng bởi kiến trúc thành nhiều lớp được tạo nên bằng đất, hệ thống hào và kênh mương, dựa trên hiểu biết về địa thế và sông nước, thể hiện tài năng quy hoạch địa hình đầy tiên tiến và đổi mới sáng tạo thời kì bấy giờ. Theo nhận định của ông, một nhà Nhân học, Khảo cổ và Lịch sử học tốt nghiệp tại Đại học Yale và Harvard, Mỹ, đó là một công trình độc nhất vô nhị, dung hòa được cả mục đích quân sự và dân sinh, mang tính tiên phong và có ảnh hưởng trên khắp các công trình kiến trúc quân sự và quy hoạch của khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và phía Nam Trung Quốc sau đó. Lúc bấy giờ, ông ngạc nhiên về sự nguyên vẹn của ba vòng thành của Cổ Loa và đường nét của nó vẫn có thể thấy rõ trên thực địa, sau hơn 2000 năm. Nhưng vào thời điểm cách đây hai năm khi quay trở lại thăm một lần nữa, ông vô cùng thất vọng bởi những gì mình chứng kiến trước đó đã xuống cấp thê thảm, đến mức không còn nhận ra hình dáng của ba vòng thành nữa trước quá trình hiện đại hóa ở vùng quê này.

Cổ Loa có số phận khá long đong, lận đận cả về mặt được công nhận giá trị, công tác quản lý cho đến quy hoạch. Được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận là Di tích Quốc gia từ năm 1962 nhưng đến mãi gần đây, năm 2012, Cổ Loa mới được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị về Lịch sử, Kiến trúc nghệ thuật và Khảo cổ. Trước năm 1995, Cổ Loa được quản lý bởi chính quyền địa phương. Sau đó, được chuyển qua nhiều đơn vị quản lý, từ Ban Quản lý Di tích - Danh thắng thuộc Sở Văn hóa đến Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội (hiện là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) nhưng phụ trách trực tiếp chỉ là một tổ trong một phòng với quyền hạn vô cùng khiêm tốn. Đến năm 2014, Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa mới được thành lập, là đơn vị hành chính cấp hai trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Sau hai năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên Lịch sử - Sinh thái – Nhân văn với tỉ lệ 1/2000. Để thực hiện qui hoạch này thì công việc tiếp theo  là phải triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở cắm mốc bảo vệ di tích. Ban đầu, Trung tâm được giao lập qui hoạch “Vùng lõi” (tức vùng trung tâm di tích) nhưng đến năm 2017, nhiệm vụ lập qui hoạch chi tiết cho toàn bộ Khu di tích đã được Thành phố giao cho tập đoàn Bất động sản Sun Group thực hiện.

a. Khi ban quản lý không thể bảo vệ di tích



Một đoạn thành Nội đang bị san phẳng chỉ vài ngày trước khi chúng tôi đi Cổ Loa thực địa. Trước thực trạng này, TS Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị: “Cần tiến hành bảo vệ và khai quật khẩn cấp với những đoạn thành đang bị phá”. Ảnh: Hảo Linh.

 

Điều gì là giá trị lớn nhất của Cổ Loa mà từ trước đến nay đều bị đánh giá một cách sai lầm trong các quy hoạch?

Đến thăm Cổ Loa, đa số du khách thường chỉ tập trung tham quan ở “vùng lõi”, thuộc khu vực Thành Nội, với các địa điểm nổi bật như Đền Thượng thờ An Dương Vương, Hồ Giếng Ngọc, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu, … Và, không ngạc nhiên, quy hoạch chi tiết cũng ưu tiên khu vực này và Ban quản lý khu di tích chỉ được phép phụ trách các địa điểm trên, cùng vài khu đất gần trụ sở làm việc với tổng diện tích khoảng 04 ha. Trong khi đó, toàn bộ khu di tích Cổ Loa rộng gần 900 ha và ba vòng thành đất mà ông Lê Viết Dũng, Phó ban Quản lý (phụ trách) khu di tích Cổ Loa khẳng định rằng “đó mới là giá trị cốt lõi, là cái quý nhất ở đây” thì lại do chính quyền địa phương và người dân quản lý, (khai thác) không phải như với đối tượng là đất di tích mà như là đất đai thông thường. Vì thế, vì nhu cầu dân sinh, người dân canh tác trên thành, nuôi cá dưới hào, những hộ dân ở sát chân thành đã được cấp sổ đỏ, một số đoạn trên mặt thành được xẻ, làm thành đường nhựa cho xe cơ giới qua lại... Giờ đây, vòng thành nội đã gần như mất đi toàn bộ hình dáng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất rải rác. Hào trong Thành Nội thì đã được lấp để xây nhà và đường hoặc không thì cây và cỏ dại mọc um tùm. Còn hai vòng Thành Trung và Thành Ngoại, mặc dù vẫn còn nguyên đường nét nhưng không còn giữ được độ cao như trước (chiều cao gốc của thành là từ 7-8m, có nơi có thể lên tới 10m, nhưng giờ đây chỉ còn là 3m trở xuống, có nơi chưa đầy 1m) còn hào thì được trưng dụng để làm diện tích trồng lúa. Đó còn chưa kể, các di tích khảo cổ học (chẳng hạn như di chỉ Đồng Vông ở trên doi đất bên sông Hoàng hết sức quan trọng, thể hiện các giai đoạn khảo cổ học phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn) đều đang trên bờ vực xóa sổ vì các công trình dân sinh.

Cổ Loa có số phận khá long đong, lận đận cả về mặt được công nhận, quản lý cho đến quy hoạch. Được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1962 nhưng đến mãi gần đây, năm 2013, Cổ Loa mới được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng.

Hơn nữa, nhìn thấy những “vi phạm” trên, Ban quản lý di tích chỉ có chức năng “kiểm tra, phát hiện và báo cáo” chứ không được xử phạt. Gửi báo cáo và góp ý nhiều lần nhưng ý kiến của Ban quản lý thường không được lắng nghe. Một ví dụ nhỏ, đó là Cửa Trấn Nam – một điểm rất quan trọng của di tích, bị che khuất hoàn toàn bởi hàng quán. “Tôi đã làm việc với lãnh đạo xã nhiều lần, kể cả đã phát biểu trong một số cuộc họp trên huyện, đề nghị ủy ban nhân dân xã lưu ý dẹp hàng quán, giao cho ai đó quản lý, có thể giao cho thôn, mà nếu khó khăn thì giao cho chúng tôi. Thì hiện nay nó vẫn cứ như thế thôi. Lời nói vẫn cứ như là viên gạch ném xuống hồ” – ông Dũng nói.

Có một cách trao thêm quyền cho Ban quản lý di tích mà không chồng chéo lên nhiệm vụ của các cơ quan chức năng khác đó là tham gia giám sát độc lập việc xây dựng, thi công trong khu vực Cổ Loa, theo đó bất cứ công trình nào cũng chỉ được triển khai sau khi xin ý kiến và được Ban quản lý chấp thuận. Đó là gợi ý từ quy chế Quản lý, Bảo tồn Phố cổ Hà Nội, mà ông Lê Viết Dũng là người viết Đề án thành lập Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội vào năm 1997. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi công bố Qui hoạch Tổng thể 1/2000 thì Qui chế Quản lý qui hoạch, trong đó có xác định trách nhiệm của từng cơ quan vẫn chưa được ban hành.

b. “Vừa làm vừa dò dẫm”


Một đoạn thành nội đã bị một nhà dân san lấp và xây nhà ở. Ảnh: Bảo Như.

 

Khi chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, mọi hoạt động bảo tồn di tích cổ Loa đều bị ngưng trệ. Là một người nhiệt tình với việc bảo vệ di sản và “đau xót” với Cổ Loa từ cách đây hơn 20 năm lúc còn làm trong Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, khi đến với Ban quản lý di tích Cổ Loa cách đây hai năm, ông Dũng “ngay trong tuần đầu tiên” đã đề ra một số việc cần làm ngay, trong số đó là làm biển chỉ dẫn cho khách tham quan đi từ các tuyến đường chính vào Khu di tích Cổ Loa và đi khắp các vòng thành. Ngay cả khi huy động được nguồn vốn xã hội hóa, ý tưởng đơn giản này cũng không dễ thực hiện, vì các doanh nghiệp đầu tư, tài trợ sẽ e ngại một khi biết rằng sẽ có một tập đoàn khác tiếp quản khu vực. Ông Dũng kể lại: “Từ khi tôi mới về đây tôi đã phát tín hiệu với rất nhiều người, anh em bạn bè chiến hữu, những người có quan tâm đến di tích, thậm chí là những nhà đầu tư. Nhưng khi đến đây tìm hiểu xong thì họ đều lặng lẽ không thấy quay trở lại bởi vì họ đã biết là khu này rồi sẽ được giao cho ai, rồi làm gì, xu thế như thế nào.”.

“Hiện tại các công việc mà chúng tôi làm vẫn trong tình trạng là vừa làm vừa dò dẫm, vừa nghe ngóng chứ chả dám làm gì lớn” – ông Dũng nói và cho rằng Ban quản lý di tích đang huy động bằng tất cả những gì có thể khai thác được để quảng bá di tích đến với mọi người. Họ cũng đề xuất kế hoạch quản lý di tích đến năm 2020, bản kế hoạch đã hoàn chỉnh qua nhiều lần lấy ý kiến của người dân, của các sở, ngành, chính quyền xã, huyện và cấp lãnh đạo cao nhất của Thành phố nhưng đến nay còn đang chờ Thành phố phê duyệt thì mới có kinh phí. Tuy nhiên, đó chỉ là hoạt động quản lý thường xuyên còn chiến lược phát triển Cổ Loa vẫn là câu chuyện quy hoạch, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên (bao gồm nhà khoa học, doanh nghiệp, các cấp chính quyền) với một sự cam kết lớn. Hiện nay, Ban quản lý di tích cũng chưa được biết Sun Group có “động tĩnh” gì về qui hoạch 1/500 hay chưa.

c. Lợi thế chưa thể đánh thức

Cổ Loa bây giờ vẫn giữ được không khí thanh bình của làng quê Việt Nam với hàng chục ngôi nhà cổ, mỗi xóm đều có điếm, trong số đó nhiều nơi có kiến trúc và không gian đẹp và nếp sinh hoạt truyền thống gắn với nghề trồng lúa. Tuy nhiên, người dân nơi đây chưa có ý định biến những đặc trưng này thành lợi thế du lịch. Ban đầu, họ còn không dành nhiều thiện cảm cho Ban quản lý di tích. Khi Ban quản lý di tích tạo lập Không gian Việt – một chỗ vui chơi cho người tham quan, giới thiệu về văn hóa Việt và tổ chức các trò chơi dân gian trên nền của khu trường cấp II cũ (do Ban đang quản lý) đã chịu sự phản đối kịch liệt của người dân mà đại diện là Hội người cao tuổi xã Cổ Loa, họ cho là “xẻ thịt di tích”. Đối với chính quyền địa phương cũng vậy, lúc đầu cũng tưởng Ban quản lý khu di tích sử dụng vào mục đích kinh doanh thu lợi. Phải mất nhiều thời gian mới có thể thuyết phục được họ.

Toàn bộ khu di tích Cổ Loa rộng gần 900 ha và ba vòng thành đất mà ông Lê Viết Dũng, Phó ban Quản lý (phụ trách) khu di tích Cổ Loa khẳng định rằng “đó mới là giá trị cốt lõi, là cái quý nhất ở đây” thì lại do chính quyền địa phương và người dân quản lý, khai thác không phải như với đối tượng là đất di tích mà như là đất đai thông thường.

Đánh thức tiềm năng của Cổ Loa đòi hỏi việc xây dựng ý thức của cộng đồng, để người dân tham gia vào làm du lịch là điều không hề đơn giản đối với ban quản lý. Ông Dũng mong ước có thể tổ chức những buổi nói chuyện hằng tuần về phát huy giá trị di sản, về du lịch cộng đồng cho những người dân trong xã Cổ Loa nhưng ý định này chưa nhận được được sự quan tâm của các cấp quản lý. Từng có kinh nghiệm bảo tồn phố cổ Hà Nội, ông Dũng cho biết, một tác động lớn mà khu phố cổ này trở nên nổi tiếng và sôi động trong một thời gian ngắn là nhờ một loạt các dự án nghiên cứu và truyền thông của các tổ chức nước ngoài (từ Thụy Điển, Úc, Pháp, Bỉ và Nhật Bản) trong nhiều năm liền đã làm thay đổi nhận thức người dân qua việc treo paneau, áp phích khắp các đường phố cho đến trao đổi trong các cuộc họp tổ dân phố. Làm về quản lý di sản hơn 20 năm, ông Dũng quá rõ quá trình từ ý tưởng đến thực tế trong lĩnh vực này đòi hỏi sự kiên nhẫn như thế nào (ông đã chứng kiến việc nhỏ như chỉnh trang mặt phố và lát gạch trên đoạn ngắn phố cổ Tạ Hiện ở Hà Nội theo nghiên cứu bảo tồn của chuyên gia người Pháp phải mất gần mười năm mới có thể hoàn thành) nhưng hiện nay số phận của khu di tích Cổ Loa đang hết sức mong manh: “tốc độ di tích bị hủy hoại càng ngày càng lớn và điển hình trong mấy tháng trước, chỉ cần một ca máy xúc là đã đi một đoạn thành rồi” – ông Lê Viết Dũng nói.

Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa không chỉ là việc của Ban quản lý khu di tích, của người dân, của chính quyền mà còn là của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng như các doanh nghiệp, các nhà Khoa học, … và của tất cả những người yêu nước Việt, yêu văn hoá Việt và có trách nhiệm với truyền thống lịch sử của Tổ tiên người Việt. - ông Lê Viết Dũng.

 

(Tổng hợp)

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ