Trong hơn một trăm năm, phái đẹp đã chứng minh được niềm đam mê và tài năng của họ đối với công việc thiết kế kiến trúc - một nghề mà nam giới được xem là thống trị. Đó là một nghịch lý khi ngay cả trong thế kỷ 21, kiến trúc vẫn có thể là một con đường đầy thử thách đối với phụ nữ, và bất bình đẳng giới trong nghề tiếp tục là một điều thu hút dư luận. Tuy nhiên, đã có những nữ kiến trúc sư có ảnh hưởng sâu sắc đến ngành kiến trúc ngày nay. Danh sách sau đây có thể khá ngắn gọn và sẽ không có nhiều tên tuổi lớn xuất hiện, nhưng 10 nữ Kiến trúc sư này bạn nên biết.
Odile Decq là một kiến trúc sư và học giả người Pháp, bà được trao giải thưởng Jane Drew vào năm 2016 với danh hiệu “nhà sáng tạo, phá vỡ tư duy lối mòn và đấu tranh cho sự bình đẳng.” Bà hiện là giám đốc của Odile Decq Studio (ở Paris - Pháp). Các dự án của bà đều mang một ngôn ngữ thiết kế đậm chất công nghệ cao với gam màu đỏ đậm rất dễ nhận biết.
(Dự án nhà hàng Opera Phantom ở Paris, Pháp)
Dự án nhà hàng Opera Phantom ở Paris là một thiết kế điển hình của bà. Với tông màu đỏ và trắng, bà tạo nên các bề mặt uốn cong và nhấp nhô. Một thảm đỏ chảy xuống các bậc thang của sảnh chính và chạy dưới bàn cho đến rìa của mặt tiền bằng kính. Thiết kế này tạo nên sự chuyển động vô hình trong không gian tĩnh.
Dona Lina làm việc vì một tôn chỉ: khám phá những tiềm năng của xã hội để thiết kế và kiến tạo nên một cuộc sống mới. Bà đã tìm được các triết lý thiết kế mạnh mẽ trong một ngôn ngữ đơn giản. Với việc sử dụng các vật liệu tạo cảm giác đối lập đã làm nổi bật cá tính của bà. Đối với Dona Lina, kiến trúc "không phải một công việc thuộc ngành xây dựng, nhưng phải đối mặt với điều đó".
(Trung tâm giải trí SESC Pompeia ở Sao Paolo, Brazil)
Một trong những dự án tiêu biểu cho phong cách thiết kế của bà là trung tâm giải trí SESC Pompeia, được xây dựng vào năm 1982, tại Sao Paolo, Brazil. Đây là một công trình ba tòa tháp bê tông khổng lồ, có lối đi trên không và các cửa sổ có vị trí bất đối xứng. Với thiết kế cấp tiến và cách tiếp cận vấn đề táo bạo, Dona Lina đã cho cả thế giới thấy được tầm nhìn của bà, cái mà bà gọi là “thí nghiệm vì xã hội”.
Maya Lin là một kiến trúc sư, nhà điêu khắc và nghệ sỹ làm gốm. Trong gần 30 năm cống hiến, bà đã hoàn thành một loạt các dự án bao gồm các công trình nghệ thuật quy mô lớn, đài tưởng niệm dân cư ở nhiều quốc gia có thể chế chính trị khác nhau. Công việc của bà nhấn mạnh về tính thực tế và tính bền vững. Bà tìm thấy nguồn cảm hứng cho các tác phẩm điêu khắc và công trình kiến trúc của mình từ các nguồn văn hóa đa dạng, bao gồm cả khu vườn Nhật Bản, gò đất Ấn Độ Hopewell, và các tác phẩm của các nghệ sĩ làm gốm Mỹ Latinh.
(Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam ở Washington DC, Hoa Kỳ)
Ở tuổi 21, bà đã thiết kế một đài tưởng niệm trên National Mall - Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam với diện tích khoảng 8000 mét vuông được giới hạn bởi một bức tường khắc tên của tất cả những người lính Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam. Thiết kế của bà đã gây tranh cãi nhiều năm sau đó, "như một vết sẹo đen" - một cựu chiến binh Mỹ tại chiến tranh Việt Nam đã mô tả. Và sau nhiều sự trì hoãn, công trình đã được hoàn thành vào năm 1982. Ngày nay nó được công nhận là định nghĩa trực quan nhất về chiến tranh hiện đại - một khái niệm trung thực và rõ ràng.
Amale Andraos là Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc, Quy hoạch và Bảo tồn Đại học Columbia (GSAPP) và là người đồng sáng lập WORKAC - một cơ sở kiến trúc và đô thị có trụ sở tại New York với tầm vóc quốc tế. WORKAC tập trung vào việc tái hiện các hình thái kiến trúc ở các vùng giao thoa đô thị, nông thôn và cả thiên nhiên.
(Trường học thông minh Irkutsk)
Trong dự án Smart School, WORKAC khám phá khả năng của một cộng đồng một cách độc đáo, phát triển những khái niệm học thuật bằng cách đan xen phong cảnh thực tế vào bài học. Công viên trong trường cung cấp thực phẩm cho cộng đồng và đồng thời tái chế chất thải thành phân bón cho cây trồng. Khi trẻ em có phương pháp học tập mới, nhận thức của họ với cảnh quan cũng thay đổi. Dự án tạo ra một loạt các trải nghiệm đa dạng, kết hợp giữa kiến trúc và cảnh quan, giữa không gian công cộng và không gian riêng,... đều hướng đến chiến lược phát triển bền vững.
Momoyo Kaijima là đồng sáng lập của văn phòng kiến trúc Atelier Bow-Wow có trụ sở tại Tokyo. Đây là một trong những công ty kiến trúc hàng đầu ở Nhật Bản. Công ty nổi tiếng với kiến trúc mang dấu ấn văn hóa bản địa và những nghiên cứu về khám phá các điều kiện đô thị với kiến trúc vi mô. Họ đã giới thiệu một số ngôn ngữ thiết kế mới cho các nhà nghiên cứu đô thị và các khái niệm mới cho không gian công cộng. Các dự án của Atelier Bow-Wow bao gồm từ nhà ở dân dụng cho đến các tòa nhà công cộng và thương mại, các tác phẩm nghệ thuật công cộng, ở Nhật Bản cũng như ở châu Âu và Hoa Kỳ.
(Ngôi nhà Split Machiya ở Tokyo)
Split Machiya là một ngôi nhà riêng của Atelier Bow-Wow đã thiết kế ở Tokyo cho một cặp vợ chồng và một người phụ nữ độc thân, bao gồm hai cấu trúc được nhân đôi kết nối với một sân trung tâm. Ngôi nhà chịu ảnh hưởng bởi tính thẩm mỹ của phong cách Machiya, một kiểu xây dựng truyền thống của Nhật Bản từ thời Edo, và sử dụng cách tiếp cận tối thiểu để tạo ra một ngôi nhà đầy đủ chức năng trong một không gian rất hạn chế.
Là người sáng lập Sharon Davis Design. Bà tin rằng sự thành công của các thiết kế được đo lường bằng mức độ không gian mở rộng sự dung hòa về những quyền cơ bản của con người, giảm bất công xã hội và một môi trường bền vững lành mạnh. Tầm nhìn của bà về kiến trúc được thể hiện qua những công trình có thể thay đổi tương lai của cộng đồng.
(Trung tâm môi giới việc làm cho phụ nữ ở Rwanda)
Triết lý thiết kế của bà được thể hiện qua dự án Trung tâm môi giới việc làm cho phụ nữ ở Rwanda. Mục đích công trình này là để tạo ra một trung tâm giáo dục và phát triển tư duy cộng đồng để đào tạo những người phụ nữ địa phương thông qua nông nghiệp. Ý tưởng chính là sử dụng hình thức tổ chức công năng của một ngôi làng Rwandan bản xứ: một loạt các gian hàng được nhân rộng để đảm bảo an ninh cộng đồng khoảng 300 phụ nữ. Dự án cũng bao gồm một không gian tổ chức hội chợ giúp những phụ nữ này tiếp thị hàng hóa do chính mình sản xuất.
Neri Oxman là một nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ người Mỹ gốc Israel. Bà là người sáng lập nhóm Mediated Matter tại Media Lab của MIT. Công việc của bà là hiện thân của thiết kế vì môi trường cùng các hình dạng và đặc tính được xác định bởi bối cảnh thực tế. Bà đã đặt ra cụm từ "sinh thái vật chất" để mô tả công việc của mình, áp dụng các phát kiến từ sinh học và khoa học máy tính, sử dụng kỹ thuật in ấn và chế tạo 3D cho thiết kế kiến trúc. Oxman thường nhìn nhận thế giới và môi trường ở góc nhìn của các loài sinh vật: thường xuyên thay đổi và đáp ứng nhu cầu sử dụng, đó là lý do tại sao thiết kế của bà chủ yếu lấy cảm hứng từ các hình dạng và kết cấu sinh học.
(Dự án Silk Pavillion)
Trong dự án Silk Pavillion của mình, bà sử dụng cánh tay robot để bắt chước cách tằm tạo kén, từ đó tạo ra 26 tấm lụa hình thành nên một mái vòm đặc biệt treo trên trần nhà.
Fahmy là một kiến trúc sư với triết lý thiết kế: tạo sự cân bằng giữa các khái niệm không gian mới và bối cảnh hiện tại: văn hóa, truyền thống, hình thái đô thị,... Bà sáng lập một công ty kiến trúc có trụ sở tại Cairo. Đây là công ty hàng đầu Ai Cập với thiết kế kiến trúc ở lĩnh vực công cộng.
(Block 36 ở Cairo, Ai Cập)
Block 36 là một khối các căn hộ dân cư lấy cảm hứng từ các mô hình và hình thức các ô nhà nông nghiệp bị đô thị hóa. An ninh và sự tách biệt giữa khu vực công cộng và tư nhân là những vấn đề xã hội và văn hóa quan trọng đã được xem xét để bố trí phân khu chức trong công trình.
Amanda Levete là một kiến trúc sư từng đoạt giải thưởng RIBA Stirling, bà là người sáng lập và điều hành AL_A - một studio thiết kế kiến trúc từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Phương pháp tiếp cận thiết kế của AL_A là cân bằng giữa chiến lược, nghiên cứu, đổi mới, cộng tác và chú ý đến từng chi tiết. Họ liên tục việc áp dụng các tài liệu và kỹ thuật mới vào thiết kế kiến trúc và tìm kiếm những cách thức mới để tạo ra các tác động tích cực cho tòa nhà trong bối cảnh cộng đồng, đô thị.
(Trung tâm văn hóa EDP ở Lisbon, Bồ Đào Nha)
Bảo tàng Nghệ thuật, Kiến trúc & Công nghệ EDP do AL_A thiết kế tại Lisbon, là sự hội tụ của kiến trúc, công nghệ và nghệ thuật đương đại như một lĩnh vực thuộc văn hóa.
Sejima được biết đến với những thiết kế mang các yếu tố hiện đại có bề mặt trơn, sạch và sáng bóng làm bằng thủy tinh, đá cẩm thạch và kim loại. Bà quan tâm đến việc khám phá những khả năng nhận thức kiến trúc, có thể tác động đến cách chúng ta cảm nhận thế giới xung quanh và bản thân chúng ta. Bà cũng quan tâm đến việc khám phá mối quan hệ giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài của một công trình kiến trúc.
(Bảo tàng nghệ thuật đương đại ở New York, Hoa Kỳ)
Trong thiết kế của mình cho bảo tàng nghệ thuật đương đại ở New York, bà đã sử dụng ngôn ngữ thiết kế là một loạt các khối xếp chồng lên nhau một cách năng động và thu hút, khác biệt những cũng tương đồng với các công trình xung quanh.
Võ Lê Lâm Bảo
(Biên dịch từ Arch2O)
LIÊN KẾT |