“KGCC là nơi thuộc sở hữu cộng đồng hoặc do cộng đồng sử dụng, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, thụ hưởng mà không phải trả phí”. Đó là nơi con người thực hiện các hoạt động: Di chuyển từ nơi này sang nơi khác; tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí; đến thăm các điểm tham quan trong thành phố; mua sắm; gặp gỡ người quen, đi dạo. Nếu không có KGCC, hoặc KGCC không đầy đủ, thiết kế không tốt hoặc bị tư nhân hóa, thành phố sẽ rơi vào tình trạng bị chia cắt, xung đột xã hội gia tăng, cơ hội kinh tế bị cản trở.
Sử dụng chiếu sáng đô thị như công cụ để tạo nên sức sống, diện mạo mới cho khu vực vào buổi tối
(Nguồn: Đề xuất của sinh viên Đại học Xây dựng)
Hà Nội là một trong 2 thành phố ở Việt Nam có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước. Trong 20 năm qua, mỗi năm Hà Nội có thêm hàng triệu mét vuông sàn đã được xây dựng mới trong hàng ngàn dự án đầu tư xây dựng mới, hàng trăm km đường giao thông mới mở, hàng chục cây cầu mới bắc (chỉ tính riêng năm 2017 Hà Nội có thêm 11 triệu m2 nhà ở, cao hơn 100 lần kỷ lục xây dựng 0,11 triệu m2 nhà ở Hà Nội năm 1978)(1).
Tuy nhiên, đã có một sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc phát triển KGCC, công viên mới được xây dựng, hàng trăm ngàn héc ta mặt nước sông hồ, diện tích bán ngập bị san lấp, thu hẹp và ô nhiễm, hàng vạn cây xanh bị chặt bỏ tùy tiện. Bên cạnh đó, hàng chục công viên hình thành từ trước 1998 đã bị xâm chiếm, sử dụng sai mục đích và xuống cấp. Hàng vạn khu sinh hoạt công cộng trong các khu dân cư đã bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, bãi đỗ xe, xây nhà ở. Nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tràn lan và chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu. Những KGCC hiếm hoi còn lại không được bảo dưỡng duy tu vận hành tốt, kém hấp dẫn do thiết kế / bố trí thiết bị chất lượng kém. Hoạt động của nhiều nhà văn hóa, sân chơi ở các khu dân cư khá nghèo nàn, đơn điệu, lãng phí.
Chính vì vậy, Hà Nội vốn là một thành phố di sản nhỏ xinh có nhiều cảnh quan đẹp với cây xanh mặt nước, và đường phố bàn cờ đã trở thành một đô thị có quy mô lớn, phát triển nhanh nhưng kém kiểm soát và mất cân đối, dẫn đến vấn nạn ô nhiễm môi trường, tắc đường, thiếu hụt KGCC, và suy giảm về chất lượng sống.
Theo “Báo cáo kết quả rà soát đánh giá thực trạng vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn Thành phố” thì có đến 266 phường xã (trong tổng số 358 phường xã) thiếu số lượng điểm, diện tích sân chơi, vườn hoa. Cần bổ sung hơn 122 ha, trong đó các quận nội thành thiếu gần 40 ha, huyện ngoại thành thiếu hơn 82 ha(2). Trước thực trạng đó, nhiều sáng kiến đã được triển khai, nhất là trong 4 năm trở lại đây (2014-2017), đặc biệt tại quận trung tâm Hoàn Kiếm.
Quận Hoàn Kiếm nằm trung tâm thành phố, vốn được quy hoạch xây dựng tốt với mạng lưới 13 vườn hoa nhỏ, quảng trường các quy mô, có mặt nước hồ Hoàn Kiếm và sông Hồng. Nhưng với mật độ dân số cao và thường xuyên diễn ra những hoạt động công cộng thu hút hàng triệu lượt người tham gia nên diện tích KGCC thiếu hụt, cần bổ sung hơn 70.000 m2(3).
Trong năm 2015-2017, Thành phố đã giao quận Hoàn Kiếm liên tục mở rộng hoạt động đi bộ trong khu phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Sáng kiến này được cộng đồng cư dân HN, bà con cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao do cung cấp nhanh chóng KGCC cuối tuần tại một khu vực rộng ngay trên địa bàn chật hẹp của TP. Nhằm gia tăng chất lượng hoạt động trong KGCC tại đây, Quận Hoàn Kiếm đã tạo điều kiện các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng dân cư tổ chức các hoạt động như: sân chơi công cộng trên phố Đào Duy Từ (tổ chức HealthBridge hỗ trợ cho Nhóm Sân chơi trong phố thực hiện), các trò chơi dân gian quanh khu vực Hồ Gươm do các tình nguyện viên nhóm My Hanoi, Sen Trong Phố, L&L, và phòng văn hóa quận Hoàn Kiếm duy trì hoạt động…
Các tổ chức trong nước và quốc tế như UN-Habitat, UNESCO, HealthBridge, Quỹ văn hóa Hàn Quốc, các đại sứ quán tại Hà Nội, các trường đại học, Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị đã tổ chức các cuộc hội thảo nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm đóng góp thêm những sáng kiến để duy trì, phát triển, gia tăng giá trị cho các KGCC Hà Nội.
Năm 2017, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của UBND TP Hà Nội, nằm trong khuôn khổ của chương trình “Đưa Nghệ thuật vào không gian sống”, UN-Habitat, Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND Quận Hoàn Kiếm đã xây dựng thành công “Dự án Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc: Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn”. Dự án này với tên gọi vắn tắt là Dự án “Bích họa Phùng Hưng” (đoạn từ ngã ba Phùng Hưng -Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót) đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt (theo Thông báo số 930/TB-UBND ngày 14/8/2017) với mục tiêu tạo ra một sân chơi mở, mang đến cho người dân Thủ đô một không gian văn hóa nghệ thuật mang hơi thở đương đại. Đây là nơi mà các nghệ sỹ của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thể giới thiệu, chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật thể nghiệm của mình tới công chúng.
Khuyến khích sử dụng Ban công thành các không gian nới giãn cho uống cà phê, nói chuyện về sách theo nhóm nhỏ, đọc sách thư giãn
(Nguồn: Đề xuất của sinh viên Đại học Xây dựng)
Bức tường đá dẫn lên cầu Long Biên đã chứng kiến lịch sử thăng trầm hơn 100 năm qua của Hà Nội được chọn làm nơi thể hiện các tác phẩm. Bên cạnh mục đích đem nghệ thuật tới gần hơn với công chúng, nâng cao thẩm mỹ KGCC, hướng tới gắn kết mọi người trong cộng đồng, cải thiện ý thức và hưởng ứng lối sống lành mạnh, nâng cao thái độ ứng xử với văn hóa và giá trị chung của cộng đồng; và xa hơn, đó là những chuỗi hoạt động thúc đẩy khai thác về kinh tế dựa trên du lịch văn hóa.
Quận Hoàn Kiếm đã giải tỏa toàn bộ bãi đỗ xe, cửa hàng ăn uống tự phát trên vỉa hè, dưới lòng đường đoạn phố này. Các vòm cầu được lắp đặt các tấm pa nô cho việc thể hiện các tác phẩm mỹ thuật đương đại, vỉa hè được lát đá, tất cả các đường dây, đường ống được đi ngầm, bố trí hệ thống chiếu sáng đường phố và chiếu sáng nghệ thuật, lắp đặt wifi và các đường dây tín hiệu hỗ trợ sinh hoạt công cộng.
Ý tưởng không gian triển lãm giữa các vòm cầu
(Nguồn: Các phương án tham gia Workshop Tái thiết không gian bị chuyển đổi trong đô thị)
Đồng hành với các hoạt động thực tiễn, UN-Habitat phối hợp với Quận Hoàn Kiếm, trung tâm Live and Learn, tổ chức các hoạt động “Huy động nguồn lực cộng đồng và sự tham gia của giới trẻ trong kiến tạo KGCC xanh, an toàn tại Quận Hoàn Kiếm” (Dự án KGCC xanh). Đây là các hoạt động liên quan đến KGCC với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trẻ em, thanh niên và các nhóm yếu thế trong xã hội trong đó có cuộc thi “Thiết kế KGCC, vì một Hà Nội vui sống” với sự tham gia của các trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cùng các tổ chức xã hội và cá nhân khác yêu Hà Nội. Hai địa điểm được lựa chọn thi thiết kế KGCC là Phố Sách (Đinh Lễ – Nguyễn Xí ) và Phố Tranh ( dự án Nghệ thuật tại các vòm cầu đường Phùng Hưng, từ ngã ba Lê Văn Linh đến ngã năm Hàng Cót). Các phương án thiết kế KGCC dự thi theo các tiêu chí: (i) Cải thiện tiện nghi đường phố (amenity); (ii) Tạo dựng đặc trưng khu vực (identity); (iii) Tạo cơ hội tham gia cho các nhóm yếu thế (affordability); (iv)Tăng cường tính sống động (vitality); (v) Tạo không gian đột phá (serenpidity). Điều khác biệt của cuộc thi này là sự tham gia của cộng đồng ngay từ giai đoạn khảo sát, hình thành và thể hiện ý tưởng tập thể bằng công cụ thiết kế “Minecraft”. Kết quả cuộc thi được trưng bày và tiếp nhận ý kiến góp ý của cộng đồng dân cư tại chỗ cũng như thành phố. Hy vọng rằng các ý tưởng sáng kiến của cuộc thi sẽ đóng góp hình thành những dự án cụ thể từng bước chuyển đổi không gian khu phố cổ Hà Nội thành không gian sinh hoạt cộng đồng thân thiện, an toàn và phát triển thương mại, dịch vụ.
Cuộc thi cũng đã được lồng ghép trong các chiến dịch “Tôi Yêu Hà Nội” do Thành phố Hà Nội phát động, “Tôi là một người thay đổi thành phố” và “Thành phố mà chúng ta cần” do UN-Habitat phát động ở cấp độ toàn cầu. Công cụ thiết kế KGCC Minecraft thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, của trẻ em, phụ nữ, để mọi người đã hiểu rõ hơn quyền được kiến tạo không gian sống của mình, biết dám thể hiện mong muốn, ước mơ về một cuộc sống mình cần có. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia phát triển KGCC đến từ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Health Bridge Canada, các giảng viên đến từ các Trường Đại Học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây Dựng Hà Nội, Ban tổ chức đã lựa chọn được 11 đội xuất sắc, có khả năng sáng tạo, ý tưởng giàu tính nhân văn trên tổng số 51 bài dự thi để tham dự vòng chung kết. Giải nhất đã thuộc về nhóm Làng + (đọc là Làng cộng) với ý tưởng tái hiện các làng nghề trên các khu phố nhằm tăng sự tương tác của cộng đồng với các làng nghề truyền thống của Việt Nam.
Tạo ra hệ mái che cho toàn phố Đinh Lễ với hình thức giống như những trang sách gập vào – mở ra một cách linh hoạt và sinh động.
(Nguồn: Đề xuất của Sinh viên Đại học Xây dựng)
Để một KGCC có sức sống bền bỉ, có sự lan tỏa và hấp dẫn thì cần phải có người dân tham gia vào trong không gian ấy, có sự ấm áp của con người sống trong khu vực ấy và sự sôi động trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư với những sáng kiến và giải pháp sáng tạo, đột phá.
TS Nguyễn Quang/ UN-Habitat Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018)
LIÊN KẾT |