magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
An Urban
Cấp 6 - 5155 điểm
TIN TỨC
Workshop: “Lấp khoảng cách – Hướng sự tích hợp giữa khu đô thị mới và các làng xã nông thôn cũ trong quá trình đô thị hóa”

Diễn ra từ ngày 07/05 đến 22/05/2018, Xưởng thiết kế và tọa đàm “Lấp khoảng cách – Hướng tới sự tích hợp giữa khu đô thị mới và các làng xã nông thôn cũ trong quá trình đô thị hóa” nằm trong chương trình hợp tác giữa Bộ môn Kiến trúc Dân dụng (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng) và Khoa Quy hoạch (Đại học Tổng hợp Montréal – Canada). PGS. TS. Danielle Labbé, giảng viên và nghiên cứu viên Khoa Quy hoạch của Đại học Montréal đã đóng góp rất nhiều và tích cực cho việc xây dựng mối quan hệ hợp tác này từ những ngày đầu tiên.

 

Chương trình tháng 05/2018 bao gồm ba hoạt động chính: Xưởng thiết kế (từ ngày 07/05 đến ngày 19/05), Triển lãm phương án thiết kế của các nhóm sinh viên (SV) (từ ngày 20/05 đến ngày 21/05) và Tọa đàm kết thúc (ngày 22/05).

 

 

Bài giảng chuyên đề của TS. Tạ Quỳnh Hoa cho SV tham dự Xưởng thiết kế

 

Khu đô thị mới là một mô hình cư trú được phát triển hơn 20 năm qua ở Hà Nội. Bên cạnh một số thành công thì có không ít vấn đề bất cập phát sinh và tồn tại mà vẫn chưa được giải quyết về cơ bản do thiếu hụt những nguồn lực cần thiết cùng với sự hạn chế về năng lực điều hành và quản lý… Làm thế nào để các khu đô thị mới phát triển nội tại bền vững hơn và hài hòa hơn với các khu vực xung quanh đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giảng viên đến từ hai trường. Văn Quán, một dự án tiêu biểu cho thế hệ khu đô thị mới thứ hai ở Hà Nội và có sự tương tác với bốn làng xung quanh là Văn Quán, Yên Phúc, Yên Xá và Triều Khúc, được chọn là trường hợp nghiên cứu cho Xưởng thiết kế Việt Nam – Canada. Từ khi khu đô thị mới Văn Quán được đưa vào sử dụng cho đến nay cũng đã được 10 năm – đủ để nhìn lại, phân tích cũng như làm rõ từng mặt thành công cũng như chưa thành công của dự án, từ đó rút ra một số bài học cần thiết. Đề bài ra theo hướng khá mở cho SV có thể sáng tạo: Hoặc cải tạo hoặc quy hoạch – xây dựng mới. Ứng với mỗi khả năng, nhóm SV có thể chọn một vấn đề thực tiễn bất kỳ để nghiên cứu và tìm kiếm một giải pháp khả thi.

Các SV Canada và Việt Nam chia thành sáu nhóm làm việc, được cung cấp đầy đủ các tài liệu hướng dẫn và tham khảo (được giảng viên hai trường tập hợp và chuẩn bị sẵn). Trước khi đi thực địa, và trong quá trình làm việc, SV đã được nghe ba bài giảng chuyên đề của ba giảng viên Đại học Xây dựng và hai bài trình bày kết quả nghiên cứu của hai trợ giảng/cao học viên Đại học Montréal. TS. Tạ Quỳnh Hoa giới thiệu một cách tổng quan sự hình thành và phát triển của thành phố Hà Nội, với điểm nhấn là giai đoạn từ thế kỷ 19 đến nay, tương ứng với bề dày lịch sử của khu vực nghiên cứu, từ những làng thuần nông và làng nghề xứ Đoài ban đầu cho đến giai đoạn bị đô thị hóa dần dần sau này, đặc biệt trở nên mạnh mẽ và nhanh chóng khi tỉnh Hà Tây được sát nhập vào Thủ đô Hà Nội. Bài giảng của TS. Trần Minh Tùng đi sâu vào các dạng thức khác nhau của nhà ở tại Hà Nội theo dòng lịch sử, từ loại hình nhà ở truyền thống nông thôn ngoại thành và nhà phố thị trong Khu phố Cổ, qua nhà ở kiểu thuộc địa Pháp, kiểu lắp ghép sau giải phóng, kiểu tự xây thiếu kiểm soát thời kỳ sau Đổi mới cho đến nhà ở trong các Khu đô thị mới – thoạt nhìn có vẻ rất hấp dẫn nhưng lại ẩn chứa không ít vấn đề về chất lượng ở – xét một cách toàn diện. Trong khi đó ThS. Trương Ngọc Lân lại hướng sự chú ý đến không gian ngoài nhà ở – tức không gian công cộng – trong các khu ở tại Hà Nội. Đây là một vấn đề không mới song luôn mang tính thời sự, vì cũng như không gian trong nhà, không gian ngoài nhà đang tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống vốn dĩ cần được xem xét trên một bình diện rộng. Hai trợ giảng người Canada – Frédéric Morin Gagnon và Francis Labelle-Giroux – chia sẻ những kết quả nghiên cứu đã thực hiện về sự tương tác giữa khu đô thị mới Văn Quán và bốn làng lân cận trên các khía cạnh kinh tế – xã hội và môi trường, cung cấp cho SV góc nhìn cận cảnh hơn và nhiều chiều hơn.

Sáu nhóm SV – dưới sự hướng dẫn của giảng viên – đã có những sự lựa chọn vấn đề riêng và đưa ra những kịch bản phát triển khác nhau cho khu đô thị mới Văn Quán.

 

 

PGS. TS. Danielle Labbé trao đổi các vấn đề chuyên môn với giảng viên và SV

 

1. Nhóm số 1: Đề xuất ý tưởng cầu nối và con đường văn hóa giữa khu đô thị mới Văn Quán và các làng kế bên do nhận thấy mối liên hệ về mặt xã hội giữa làng và đô thị còn chưa rõ rệt và chưa đủ mạnh. Con đường văn hóa đó được thiết kế bề mặt với gạch lát có trang trí hoa văn cùng các yếu tố dẫn dắt không gian dễ nhận diện, đi qua các không gian công cộng và không gian mở – nơi diễn ra các sự kiện văn hóa/ cộng đồng – của mỗi khu vực (như đình chùa, chợ, sân chơi, vườn cây, hồ nước…) để tạo thành một lộ trình khép kín, giới thiệu cho người dân cũng như du khách những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, tăng cường tính kết nối cộng đồng và hiểu biết lẫn nhau thông qua các hoạt động chung. Tuy mới là những nghiên cứu ban đầu, nhóm SV cho thấy sự nhìn nhận sắc sảo những gì đã có và đang còn thiếu để từ đó hình thành nên ý tưởng rõ ràng và hoàn toàn có tính khả thi.

 

2. Nhóm số 2: Trăn trở với vấn đề đất nông nghiệp còn lại sau quá trình đô thị hóa, mong muốn tích hợp các khoảnh đất này trong khu đô thị mới nhằm đảm bảo sinh kế cho một bộ phận dân cư và quyết định phát triển mô hình canh tác đô thị (một xu thế đang rất thịnh hành trên thế giới và dần phổ biến trở lại trong các đô thị lớn của Việt Nam sau thời kỳ bao cấp), nhóm đã hệ thống hóa và phân tích đặc điểm cũng như vị trí của từng khoảnh đất nông nghiệp còn lại như vườn, các khu đất trống chưa có chức năng sử dụng cụ thể và cả dải phân cách giao thông để lồng ghép vào đó các khu vực trồng rau, thảo dược, hoa,… gắn kết với chợ nông sản ngay bên cạnh. Ngoài canh tác theo chiều ngang, nhóm còn mạnh dạn đề xuất phát triển nông nghiệp đô thị theo chiều dọc, chưa cụ thể nhưng hứa hẹn rất nhiều tiềm năng, không chỉ tăng nguồn cung tại chỗ mà còn giúp gắn kết cộng đồng qua các hoạt động canh tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham quan học hỏi,…

 

3. Nhóm số 3: Hướng đến việc tái cấu trúc khu đô thị mới Văn Quán trên cơ sở tạo lập mối liên hệ cộng đồng chặt chẽ hơn với bốn làng xung quanh, thông qua các điểm kết nối giữa đường làng và đường đô thị, hiện đang bị “lệch” ở nhiều điểm, khiến việc liên hệ không gian khó khăn và qua đó liên kết xã hội cũng bị giảm sút. Làng (và đường làng) là yếu tố có trước, còn đô thị (và đường đô thị) xuất hiện sau, không phân tích kỹ hiện trạng nên có phương án quy hoạch hệ thống đường chưa thực sự hợp lý. Nhóm đã chỉ rõ 18 vị trí được coi là “cổng giao tiếp” giữa khu đô thị mới và bốn làng kế cận, từ đó xác định lại hệ thống đường trong khu đô thị và bố trí hệ thống không gian mở cũng như các công trình công cộng – dịch vụ để tối đa hóa mối quan hệ về mặt xã hội giữa cư dân đô thị và cư dân làng. Nhóm SV đã cụ thể hóa một vị trí như vậy – rìa khu đô thị mới Văn Quán và làng Văn Quán – biến địa điểm này thành một sân chơi cho trẻ em với nhiều trò chơi phong phú trên nền một thiết kế cảnh quan giản dị nhưng đẹp mắt. Còn đối với làng Yên Xá, nhóm đã kiến nghị chuyển dịch một tuyến đường nội bộ, vừa tránh đường dẫn thẳng ra nút giao thông, hạn chế ách tắc đồng thời tránh ảnh hưởng đến chùa làng và hạn chế tác động của phương tiện giao thông lên nghĩa trang.

 

4. Nhóm số 4: Có góc nhìn khác biệt về đất khi coi đất đai là công cụ chuyển đổi từ nông thôn đến đô thị, kiến nghị điều chỉnh ranh giới trên cơ sở phân tích sự biến đổi không gian và hình thái giữa hai thời điểm cách nhau 16 năm (2002 và 2018). Chung quan điểm coi vùng giáp ranh đô thị và làng là khu vực có tiềm năng phát triển và xem xét không gian giáp ranh này dưới lăng kính đa chiều về hình thái, vị trí và cách thức quản lý, nhóm SV đã đề xuất ba kịch bản tương ứng với ba vị trí: Nhà cao tầng đa chức năng (trong đô thị và gần các tuyến đường chính của đô thị); nhà liền kề (cho khu vực giáp ranh đô thị và làng xóm) và nhà vườn canh tác hoặc phân xưởng thủ công nhỏ (cho khu vực trong làng), để tạo nét nhận diện đô thị / nông thôn rõ rệt hơn nếu nhìn về hai phía và đường giáp ranh mềm mại hơn, tính chuyển tiếp sẽ thành công hơn xét trên cả hình thái kiến trúc lẫn hoạt động kinh tế.

 

5. Nhóm số 5: Cùng chọn canh tác đô thị như nhóm số 2, song cách tiếp cận và giải pháp khác biệt. Nhóm SV chia không gian mở trong khu đô thị thành ba lớp: Lớp ngoài cùng – giáp ranh với làng xóm – là không gian hợp tác xã nông nghiệp, nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt và cung cấp các loại hạt giống, cây giống và công cụ sản xuất nông nghiệp; lớp trong cùng – ở lõi khu đô thị mới – là chợ nông sản, nơi người dân khu đô thị mới và người làng giao lưu gặp gỡ nhau và mua bán nông phẩm; lớp trung gian là nơi canh tác kết hợp vui chơi giải trí. Kết quả là sự gắn kết của cư dân hai phía sẽ được tăng cường, người dân đô thị được cung ứng rau củ quả tươi ngon tại chỗ còn người dân làng vẫn duy trì được nghề trồng trọt và có thu nhập ổn định.

 

6. Nhóm số 6: Theo đuổi ý tưởng khá “lạ” là tháp canh, xuất phát từ việc nhìn nhận sự đứt gãy về các mặt không gian và văn hóa của toàn khu kể từ khi có khu đô thị mới Văn Quán xuất hiện, nhiều nơi thay đổi đến chóng mặt sau một thời gian ngắn chỉ vài năm. Nhóm số 6 thiết kế thêm những tháp quan sát gần với những địa điểm công cộng, độ cao thay đổi tùy theo vị trí và hiện trạng xung quanh, sao cho có thể nhận biết tháp quan sát đó ở một cự ly hợp lý. Tổng cộng có 12 vị trí như vậy được bố trí dọc theo một tuyến đường liên thông nối khu đô thị mới với bốn làng xung quanh. Tại mỗi vị trí, khách tham quan có thể theo dõi sự biến đổi của khu vực trong tầm quan sát, so sánh với những bức ảnh tư liệu. Cũng từ trên đỉnh của một tháp, du khách có thể nhìn thấy 11 tháp còn lại, lựa chọn điểm đến tiếp theo và tự định vị hướng tiếp cận. Ở điểm đến mới, họ sẽ có những trải nghiệm hoặc tương tự hoặc khác biệt.

Sau khi hoàn tất bản thiết kế, từng nhóm SV đã thuyết trình ý tưởng trước các giảng viên và SV các nhóm khác, trên tinh thần trao đổi rất cởi mở và thẳng thắn. Những bản thiết kế này cũng được triển lãm, trưng bày trong khuôn viên trường.

 

 

SV làm việc theo nhóm trên xưởng thiết kế

 

Trong buổi tọa đàm diễn ra sáng 22/05, PGS.TS Danielle Labbé đã giới thiệu một cách tổng quan dự án nghiên cứu song phương Canada – Việt Nam về các khu đô thị mới. Tiếp đó TS Trần Minh Tùng tóm lược các hoạt động và báo cáo những kết quả chính đã đạt được trong khuôn khổ Xưởng thiết kế. Buổi tọa đàm có bài trình bày của PGS. TS Phạm Hùng Cường về cách thức kết nối các đô thị mới và các làng xã bị đô thị hóa, cung cấp một góc nhìn ngược chiều – từ phía làng xóm đến khu đô thị mới – làm bức tranh hiện diện đầy đủ hơn. Sau đó các chuyên gia và khách mời trong cũng như ngoài trường Đại học Xây dựng như GS.TS Phạm Đình Việt, TS Đào Ngọc Nghiêm, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, GS. Michael Leaf, TS Phạm Quỳnh Hương… cũng đã có những chia sẻ, nhận định và đánh giá sự phát triển của các khu đô thị mới tại Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung dưới nhiều góc độ khác nhau như kiến trúc, quy hoạch, xã hội học, môi trường, quản lý… có tham chiếu kinh nghiệm phát triển của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Singapore, …

Xưởng thiết kế và tọa đàm “Lấp khoảng cách – Hướng tới sự tích hợp giữa khu đô thị mới và các làng xã nông thôn cũ trong quá trình đô thị hóa” thực sự là một hoạt động chuyên môn bổ ích và thiết thực, giúp SV rèn luyện phương pháp luận, các khả năng phát hiện – phân tích – giải quyết một vấn đề cụ thể và thực tiễn, cùng một số kỹ năng quan trọng khác như làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện… Hoạt động này sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai, phù hợp với định hướng quốc tế hóa chương trình đào tạo không chỉ của Bộ môn Kiến trúc Dân dụng mà còn cả Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, đem lại những cơ hội học tập ngày càng tốt hơn cho SV.

 

 

Triển lãm đồ án tốt nghiệp KTS khóa 57 trường ĐH Xây dựng

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc

| 3928 Lượt xem
Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ