magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Nguyễn Hiền Thư
Cấp 7 - 24454 điểm
TIN TỨC
Sau 30 năm toàn bộ cống Tp Hồ Chí Minh nằm dưới mực nước biển

Sau 30 năm, chênh giữa mặt đất và nước biển lên tới 45 cm. Lúc đó tất cả cống ở thành phố sẽ không chảy được nữa’, đó là cảnh báo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Tại hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10, nhiệm kỳ 2015 – 2020 (diễn ra ngày 18 – 19.8.2017), ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ TN-MT đang tiến hành quan trắc điều kiện thổ nhưỡng, nền đất tại 17 điểm trên địa bàn TP.HCM. Dù các trạm quan trắc chưa phủ hết diện tích TP nhưng số liệu thu thập về thì điểm nào cũng sụt lún liên tục. Đáng chú ý có 2 điểm lún sâu nhất là hơn 30 cm trong 10 năm.

“Nếu ở những vùng lún 1 cm/năm và nước biển dâng 0,5 cm/năm, cộng lại 1,5 cm/năm, như vậy sau 30 năm chênh giữa mặt đất và nước biển lên tới 45 cm thì vấn đề hết sức cấp bách. Lúc đó tất cả các cống ở TP sẽ không chảy được nữa và đều nằm dưới mực nước biển. Đây là thách thức vô cùng lớn của TP trong 50 – 60 năm tới”, ông Nhân lo lắng.

TP.HCM xây đê như Hà Lan ?

Trong số những phương án chống ngập, lãnh đạo TP cho hay cần đầu tư rất lớn để xây dựng hệ thống đê bao tổng thể toàn TP và từng vùng ven sông. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống đê bao là rất tốn kém trong bối cảnh TP đang cần vốn để đầu tư nhiều công trình hạ tầng khác.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết: Từ năm 2001, TP đã thực hiện xây dựng đê chống triều cường. Bộ NN-PTNT đề xuất việc xây dựng đê kéo dài từ TP tới tận Long An. Nhưng các đơn vị tư vấn quốc tế cho rằng việc xây dựng đê bao cần có sự tính toán kỹ và không nên vội xây dựng hệ thống đê bao toàn bộ phía khu nam TP (Q.7, Nhà Bè) bởi đây là khu chứa triều. Nếu xây bít luôn thì khi triều lên nước sẽ không có chỗ phân tán và sẽ khiến nước ở sông Sài Gòn dâng lên. Hiện TP đã xây dựng được gần 70 km đê trên tổng số 179 km từ cống Mương Chuối kéo dài đến Bến Dược.

“Kinh phí có giới hạn nên hiện TP chỉ tập trung xây dựng đê ở khu vực trọng điểm và theo kiểu nhà nước và nhân dân cùng làm. Những khu vực sông có cảng thì doanh nghiệp tự xây theo hướng dẫn của trung tâm chống ngập, còn chỗ nào người dân ở thì nhà nước sẽ xây dựng. Việc xây dựng đê là rất khả thi trong việc ngăn triều cường và chống ngập, dù tốn kém nhưng vẫn phải làm. Xây dựng đê giống như Hà Lan đang làm”, ông Công nói.
Cũng theo ông Công, TP đang thực hiện dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” với tổng kinh phí hơn 10.000 tỉ đồng, trong đó có xây tuyến đê xung yếu bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh. Ước tính TP cần 20.000 tỉ đồng nữa để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống đê bao. Song song đó, TP quy hoạch xây dựng gần 100 hồ điều tiết ngầm, nổi và khơi thông các dòng chảy.

Loay hoay vì “quy hoạch ngược”

Nhiều chuyên gia được hỏi lại cho rằng việc xây đê bao để chống ngập rất tốn kém và không mang lại nhiều hiệu quả vì vấn đề cốt lõi của TP là sụt lún mặt đất. Gần đây, Hà Lan cũng đang xem xét lại cái gọi là thành tựu, nền văn minh của họ để tìm một giải pháp khác khả thi hơn. Thực tế, lún do đô thị hóa là tình trạng chung của nhiều TP trên thế giới. Với TP.HCM lại càng đáng lo là đô thị ven sông, ven biển. TP.HCM lại nằm trong vùng Nam bộ, đặc trưng là nền đất yếu. Chính vì vậy trong vấn đề quy hoạch phát triển cần hạn chế ở những khu vực gần sông, biển vì sẽ vô tình tạo thêm áp lực về lún và chống lún trong đó có ngập do triều cường. Đây là vòng luẩn quẩn trong quy hoạch và phát triển của chúng ta khi nhiều dự án hạ tầng hiện được phát triển ở khu vực ven sông rồi lại đi lo chống ngập.


Lấy Indonesia, quốc gia có vùng bị lún sụt tương tự TP.HCM, TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, cho biết nước này đã nghiên cứu xác định nguyên nhân gây lún sụt là do đô thị hóa, trong đó có đến 70% là do tải trọng hạ tầng cơ sở, còn do khai thác nước ngầm chỉ chiếm 30%. TP.HCM lâu nay vẫn loay hoay với 3 phương án gồm làm đê ngăn triều bao ngoài như Hà Lan; cống kiểm soát triều như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và bao trong như Công ty Trung Nam đang thực hiện. Các giải pháp đắp đê, nâng đường chỉ có tác dụng giảm ngập mặt đường, không có tác dụng giảm ngập cho nhà dân vì không tăng khả năng thoát nước. Trong điều kiện khó khăn về vốn hiện nay, nên tập trung vào làm cống thoát nước, chỗ nào khó khăn thì kết hợp bơm là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhất. Cũng theo TS Trường, quy hoạch hơn 100 hồ điều tiết không khả thi vì ở TP “tấc đất, tấc vàng”. Hồ điều tiết ngầm theo công nghệ của Nhật Bản đang làm thí điểm có nhiều triển vọng hỗ trợ cho bài toán chống ngập. Phải nâng cấp, đấu nối các hệ thống cống ngầm cũ và mới để tạo thành bài toán tổng thể cống ngăn triều, chứa nước (hồ điều tiết) và thoát nước theo hệ thống.

TP.HCM xây đê như Hà Lan ? Đồ họa: Du Sơn

Trong quy hoạch đô thị, theo TS Trường, lẽ ra phải thực hiện việc quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa rồi mới chọn cốt xây dựng cho phù hợp. Thế nhưng tại TP.HCM, cốt xây dựng được chọn trước rồi quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa phải thiết kế phù hợp theo. Đó là làm theo quy trình ngược. Nếu làm đúng thì người ta sẽ chọn cốt xây dựng khác nhau cho các vùng địa hình khác nhau và sẽ tránh được mâu thuẫn gây lãng phí. Tình trạng ngập nước ở TP.HCM là do quy hoạch đô thị thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa thống nhất được cốt nền, điển hình là tình trạng nâng đường bắt nhà dân phải nâng theo. Chính cách chống ngập này gây tác động tiêu cực đến quá trình tiêu thoát nước.

Tại hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10, nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng chỉ ra ngay từ bây giờ TP chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có việc sụt lún nền đất và đây là thách thức mà TP phải đối mặt.

Dự thảo định hướng cơ chế, chính sách đặc thù để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững cho hay TP có địa hình bằng phẳng và tương đối thấp: 876,3 km2 (chiếm 41,8% diện tích) có cao độ dưới 1 m, 445 km2 (chiếm 21,72%) có cao độ từ 1 – 1,5 m, 783,44 km2 (chiếm 37,39%) có cao độ lớn hơn 1,5 m. Diện tích đất có độ cao dưới 2 m và là mặt nước sông chiếm 61% diện tích TP. Vì vậy, việc thoát nước tự nhiên của TP yếu, dễ bị úng ngập khi mưa.

Ngoài ra, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, số ngày mưa lớn trong một năm tăng nhanh, lượng mưa tối đa trong 1 giờ cũng tăng mạnh. Do đó, việc ngập úng có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn. Mặt khác, theo số liệu của Bộ TN-MT, TP chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng (bình quân 0,5 – 1 cm/năm) và hiện tượng sụt lún (bình quân 1 cm/năm). Do đó đến năm 2045, chênh lệch mực nước biển và mặt đất ở TP sẽ tăng thêm 45 – 60 cm gây ra nguy cơ ngập úng thường xuyên phần lớn diện tích TP nếu không có giải pháp ngăn triều, xây dựng và thoát nước chủ động qua hệ thống bơm.

Trung Hiếu – Chí Nhân |Thanh Niên

 

 

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ