magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Trương Thanh
Cấp 6 - 6689 điểm
TIN TỨC
Tìm kiếm giải pháp xây dựng “Làng đô thị xanh” tại thành phố Đà Lạt

Ngày 23/4/2016, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo khoa học “Làng đô thị xanh tại TP Đà Lạt”. Với gần 20 bài tham luận của các đại biểu là những nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và một số chuyên gia nước ngoài, nhiều vấn đề đã được đặt ra tại Hội thảo. Xin giới thiệu bạn đọc cùng quan tâm và chia sẻ.

Mô hình kết nối đô thị trung tâm và các đô thị vườn (của Ebennezer Howard)

Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đề xuất Chính phủ xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh”, theo định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt, trong xu thế phát triển Đà Lạt trở thành “đô thị xanh – đô thị sinh thái”, với hình ảnh đặc trưng là “Thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh thì: “Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, văn hóa, đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương, việc thực hiện thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh” còn nhiều thách thức”. Vì khái niệm tăng trưởng xanh nói chung và phát triển đô thị tăng trưởng xanh nói riêng còn rất mới mẻ. Hiện chúng ta chưa có nhiều bài học, kinh nghiệm phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Phát biểu của ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “Hội thảo hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp, đúc kết thành những luận cứ khoa học, thực tiễn và mang tính khả thi cao. Đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển TP Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch – văn hóa – khoa học, xanh và hiện đại, mang tầm đẳng cấp quốc tế”. Đó cũng chính là tinh thần chung của các Chuyên gia – đại biểu tham dự hội thảo.

XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ “LÀNG ĐÔ THỊ XANH”

Theo Báo cáo đề dẫn của ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, Sở đã biên soạn bộ tiêu chí tạm thời về “Làng đô thị xanh” gồm 06 tiêu chí sau:

 

Mô hình “Làng đô thị xanh” – mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp, môi trường ở theo nguyên tắc cân bằng môi trường duy trì mực nước ngầm, đảm bảo đa dạng sinh học, hấp thụ khí CO2, cung cấp O2, sử dụng năng lượng tái tạo…phát triển bền vững

Địa điểm quy hoạch, xây dựng đảm bảo bền vững: Hướng phát triển “Làng đô thị xanh” phù hợp với địa hình, cảnh quan, các khu vực tập trung công trình cư trú, công cộng, dịch vụ được bố cục một cách khoa học hợp lý.

2. Sử dụng tài nguyên, năng lượng và công nghệ xanh: Tổ chức hệ thống sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị, quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với đề xuất các mô hình canh tác mới tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, công nghệ cao; trở thành vùng chuyên canh sản xuất nông sản phục vụ trực tiếp cho bản thân làng đô thị và thị trường thông qua hệ thống phân phối.

3. Chất lượng môi trường kiến trúc, môi trường sống: Tiện nghi công cộng, chất lượng cuộc sống ở các “Làng đô thị xanh” vùng nông thôn sẽ không thua kém gì các khu vực nội đô (các phường trung tâm TP Đà Lạt).

4. Hạ tầng đồng bộ và kết nối thông suốt với khu vực nội đô: Quy hoạch đảm bảo đồng bộ công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng xã hội và công trình hạ tầng kỹ thuật.

5. Tác động môi trường tự nhiên: Phát triển hạ tầng phục vụ ở và sản xuất đảm bảo hài hòa với môi trường tự nhiên.

6. Gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa bản địa gắn với phát triển du lịch: Thiết lập quan hệ sinh thái nhân văn. Các giá trị văn hóa truyền thống ở đây có những chính sách phát huy để đây sẽ trở thành những giá trị phi vật thể, là cái hồn và giá trị riêng cho mỗi cộng đồng. Chính điều này làm một cách thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu cũng như mở rộng thị trường cho phát triển kinh tế.

Trong phần thảo luận, ThS.KTS Ngô Trung Hải – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, làm rõ khái niệm “Làng đô thị xanh”. Đó là “một thuật ngữ dùng để mô tả một nơi trong đô thị có tất cả đặc điểm của một ngôi làng. Sản phẩm nông nghiệp là chủ yếu, cư dân đa phần là nông dân, hoạt động như công nhân, có dịch vụ tương đương, và có xu hướng chuyển dịch các sản phẩm nhằm phục vụ cho đô thị. Làng Đô thị xanh có hạ tầng của làng như đô thị”. Ông cũng đưa ra 6 tiêu chí cho một “Làng đô thị xanh” tại Việt Nam là:

1. Địa điểm quy hoạch, xây dựng đảm bảo bền vững

2. Sử dụng tài nguyên, năng lượng và công nghệ xanh

3. Chất lượng môi trường kiến trúc, môi trường sống:

4. Hạ tầng đồng bộ và kết nối thông suốt với khu vực nội đô

5. Tác động môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn

6. Gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa bản địa gắn với phát triển du lịch.

 

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho rằng, để có một đô thị xanh ở Việt Nam cần có 7 tiêu chí sau: (1) Không gian xanh; (2) Công trình xanh; (3) Giao thông xanh; (4) Công nghiệp xanh; (5) Chất lượng môi trường đô thị xanh; (6) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; (7) Cộng đồng dân cư sống thận thiện với môi trường và thiên nhiên.

Còn TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất 5 tiêu chí cho một “Làng đô thị xanh” , theo nguyên tắc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện là: (1) Quy mô diện tích khoảng 200 ha; (2) Sự đồng đều về kiến trúc trên 70%; (3) Mật độ xây dựng công trình mái che và không mái che không quá 30%; (4) Hệ thống hạ tầng đồng bộ, các hoạt động kinh tế, dịch vụ và giải trí của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường; (5) An sinh xã hội tiến bộ, đạo đức công dân luôn giữ bản sắc văn hóa con người Việt Nam.

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP

Theo Bà Christine Larrouse, chuyên gia thiết kế cảnh quan (đại diện Công ty Interscene – đến từ nước Công hòa Pháp, là đơn vị lập ý tưởng cho đồ án quy hoạch chung TP Đà Lạt, giai đoạn 2030 – 2050): “Nét đặc thù của quy hoạch chung xây dựng TP Đà Lạt là duy trì lâu dài nông nghiệp trong trung tâm thành phố. Các làng xóm nằm dọc theo các thung lũng nông nghiệp và tạo sự tiếp nối không gian đô thị, sẽ có xu hướng mở rộng trong những năm tới. Những khu vực này (được thể hiện bằng các mảng màu vàng trên bản đồ quy hoạch) sẽ tạo ra nhiều động lực phát triển mạnh nhất trong giai đoạn từ nay đến năm 2030”.

Nghiên cứu phát triển đô thị theo tư duy phân tích hình thái

Bà Larrouse cũng nêu rõ: “Thách thức đặt ra đối với TP Đà Lạt là phải “sáng tạo” một hình thức phát triển đô thị đặc thù, kết hợp không gian đô thị với nông thôn, phát huy sự tiện nghi với sáng tạo không gian đô thị; song vẫn phải gìn giữ được mối liên hệ mật thiết với các thung lũng nông nghiệp, với một nền nông nghiệp đô thị cần được phát huy theo hướng thân thiện với môi trường hơn. Những “Làng đô thị xanh” này sẽ có nhiệm vụ “mở rộng” TP Đà Lạt ra đều theo các hướng, tạo nên bức tranh cảnh quan mới của một thành phố vườn có quy mô lớn, làm mới hình ảnh và tên tuổi của một địa danh du lịch, kết hợp 2 yếu tố Thiên nhiên và Văn hóa…”. Do vậy, Bà coi trọng yếu tố cảnh quan của những làng xóm này có vai trò hết sức cơ bản, kể cả trên quy mô cảnh quan theo diện rộng.

Khai thác các sản phẩm du lịch dựa trên việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống và giá trị “nơi chốn”

Về quy mô “Làng đô thị xanh”, TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Về quy mô, các mô hình thí điểm nên khoảng 200 ha, bởi vì nếu quá lớn thì các điều kiện cần và đủ nguồn lực để thực hiện kết cấu phức hợp sẽ khó thỏa mãn yêu cầu “Làng đô thị xanh”; và ngược lại nếu quy mô quá nhỏ sẽ khó xử lý mối quan hệ giữa kiến trúc, hệ sinh thái đô thị và môi trường đô thị để đạt mục tiêu thân thiện với môi trường”. Ngoài ra, ông còn đề nghị một số nguyên tắc xây dựng thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh” là: (1) Sự đồng đều về kiến trúc; (2) Mật độ xây dựng; (3) Sự đồng bộ về hạ tầng; (4) Hệ thống dịch vụ tiện ích; (5) Đảm bảo không gian vui chơi giải trí và thể dục thể thao; (6) Phát triển kinh tế; (7) Có giải pháp bảo vệ và xử lý môi trường: (8) Làm giàu hệ sinh thái đô thị; (9) An sinh xã hội và đạo đức công dân…

TS Khuất Tân Hưng, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đưa ra những khuyến nghị xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh” cho TP Đà Lạt cần theo hướng bền vững, với những lưu ý sau:

Các “Làng đô thị xanh” cần phải được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với thành phố gốc bởi chúng lệ thuộc lẫn nhau cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường – cảnh quan. Do vậy, điều kiện tiên quyết là chúng phải có mối liên hệ thuận lợi về giao thông với thành phố gốc.

Các “Làng đô thị xanh” cần đóng góp vào việc giữ ổn định nguồn tài nguyên cho thành phố gốc, đặc biệt là tài nguyên khí hậu và cảnh quan. Để thỏa mãn yêu cầu này chúng phải có tiêu chuẩn diện tích xanh lớn và hạn chế tối đa khối xây. Khuyến khích phát triển “Làng đô thị xanh” ra cả những địa điểm mà môi trường đã và đang bị hủy hoại để dần cải tạo lại và tái hòa nhập chúng vào không gian chung của Đà Lạt.

Các “Làng đô thị xanh” nên tiếp tục phương thức khai thác tài nguyên đã được xác lập là du lịch nghỉ dưỡng và trồng rau, hoa. Tuy nhiên cần đánh giá những tác động của nó lên môi trường đất, nước và không khí và nghiên cứu áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm nước sạch và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Các “Làng đô thị xanh” nên kế thừa và phát huy những giá trị đặc trưng của di sản kiến trúc đô thị Đà Lạt theo hướng tôn trọng điều kiện địa hình cảnh quan sẵn có, phát triển nương tựa vào điều kiện tự nhiên, tránh những can thiệp thô bạo. Đối với nhà ở, có thể khai thác những kinh nghiệm trong tổ chức không gian và quan hệ trong – ngoài của các biệt thự Pháp, nhưng tuyệt đối không nên bắt chước phong cách và hình thức kiến trúc của chúng, dù lúc đầu Đà Lạt được xây dựng chủ yếu cho người Pháp nhưng hiện nay nó là thành phố của người Việt Nam và cho người Việt Nam.

 

Trích QHC xây dựng TP Đà Lạt đến 2030

TS.KTS Lê Văn Thương và ThS, KTS Trương Thị Thanh Trúc – Trường Đại học Kiến trúc TP HCM, có một cách nhìn mới khi cho rằng “Sẽ là thiếu sót trong phương pháp khi nghiên cứu mô hình “Làng đô thị xanh” tại TP Đà Lạt mà không thực hiện theo góc độ nghiên cứu về hình thái không gian đô thị vì: “Đô thị luôn được xem là thực thể sống được Sinh ra – Tồn tại – Phát triển, thì hình thức đô thị sẽ luôn thay đổi và mối quan hệ của các lớp cấu trúc phải được xem xét trong trạng thái dịch chuyển. Nói cách khác, phân tích hình thái là cách nghiên cứu tiếp cận đô thị theo dạng cắt lớp nhằm hạ bậc phức tạp của bức tranh đô thị rộng lớn, hướng việc đánh giá về đô thị từ định tính sang định lượng chuẩn xác hơn” (xem Sơ đồ 1)

THAY LỜI KẾT

Qua tổng kết gần 20 bài tham luận trình bày tại Hội thảo, Sở Xây dựng Lâm Đồng nhận định: Hầu hết các ý kiến đều thống nhất việc nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh” là quyết định chiến lược mang tính dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong khái niệm, nhìn nhận vấn đề cũng như nội dung đề xuất, còn một vài khác biệt.

 

Nghiên cứu hình thái không gian đô thị xanh với vấn đề hài hòa về quyền lợi trong đô thị

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng ghi nhận “Có nhiều góc độ nhìn nhận tiêu chí của “Làng đô thị xanh”, song có thể khái quát một số tiêu chí cơ bản cần phải có là:

 

(1) Kinh tế phát triển theo hướng bền vững với cơ cấu hợp lý dựa trên một nền nông nghiệp hiện đại, dịch vụ du lịch độc đáo và làng nghề truyền thống đặc trưng; hệ thống dịch vụ – thương mại, y tế, giáo dục… đáp ứng phù hợp nhu cầu của xã hội.

(2) Kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh: giao thông, điện, nước, hạ tầng kinh tế – xã hội, dịch vụ tốt nhất cho con người và xã hội; là một bộ phận của thành phố thông minh.

(3) Môi trường xanh, cảnh quan đẹp – dù nhân tạo hay thiên nhiên đều gần gũi, thân thiện với môi trường; không can thiệp “thô bạo” vào địa hình của thiên nhiên (nếu đó là công trình do con người thực hiện), có phương án tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển”.

(4) Kiến trúc khác biệt từ mật độ xây dựng, tầng cao và quy mô công trình… phải đảm bảo hài hòa, không giống như các đô thị hiện đại hiện hữu.

(5) Nền văn hóa độc đáo đầy bản sắc với sự hài hòa văn hóa của dân tộc các vùng miền và sẵn sàng hội nhập được du khách và người dân chấp nhận là không lạc hậu và lai căng.

(6) Một bộ máy chính quyền gần dân và hiệu quả, vừa giữ vững kỷ cương vừa phát huy dân chủ, được người dân tin tưởng. Bộ máy đó phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và đời sống, cải cách hành chính mạnh mẽ, công khai, minh bạch, không nhũng nhiễu”…

 

Trong một bài viết ngắn không thể nêu hết ý kiến tham luận của các diễn giả; vấn đề đặt ra của tỉnh Lâm Đồng về việc hình thành một “Làng đô thị xanh” là cần thiết và mang tính đặc thù của một vùng đất trên cao nguyên xanh. Câu chuyện về mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” lần đầu tiên của nước ta tại TP Đà Lạt, chắc chắn sẽ được các nhà hoạch định chiến lược của Lâm Đồng tiếp tục và kiên trì tìm kiếm giải pháp để xây dựng thành công mô hình này, trước hết vì cuộc sống của người dân, vì sự phát triển bền vững của TP Đà Lạt trong định hướng quy hoạch chung của thành phố. Một lần nữa, Đà Lạt càng khẳng định là một đô thị độc đáo với những bản đồ án quy hoạch chung, tiên phong trong xu hướng hội nhập với thời đại, mang tầm Quốc gia và đẳng cấp quốc tế…

 Nguồn: Tạp chí Kiến trúc

| 6174 Lượt xem
Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ