Công viên Địa chất, một khái niệm công viên khá lâu đời nhưng ít được nhiều người chú ý. Công viên địa chất (tên Tiếng Anh: geopark) là một khu vực tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, phân bố trong phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác. Một công viên địa chất quốc gia khi có đủ điều kiện sẽ được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu và thật tự hào khi Việt Nam ta không những có một mà đến hai công viên Địa chất toàn cầu là CVĐC Cao Nguyên đá Đồng Văn và CVĐC Non nước Cao Bằng.
Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam- Cao nguyên đá Đồng Văn
Khi đã khá quen thuộc với CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thì mới đây thôi, vào 12 giờ 56 phút giờ Paris ngày 12-4-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO (CVĐCTC).
Công viên Địa chất (CVĐC) Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, diện tích hơn 3000 km2, bao gồm 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay……
Bản đồ phân bố di sản trong Công viên địa chất non nước Cao Bằng
Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành CVĐC Toàn cầu UNESCO thứ 5 của Đông Nam Á và thứ 2 của Việt Nam (sau Công viên đá Đồng Văn). Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 127 CVĐCTC UNESCO ở 35 quốc gia.
Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp thông qua Nghị quyết công nhận CVĐCTC Non Nước Cao Bằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao
CVĐC Non Nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi bạn có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất. Chúng xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc.
CVĐC Non Nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo – nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. CVĐC Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.
Công viên địa chất Cao Bằng với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế như hang Pác Bó, suối Lê Nin, thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít… Ngoài ra còn nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cùng hàng trăm di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác. Dưới đây là một trong những di sản nổi bật nằm trong quần thể công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: Hachi.
1. Thác Bản Giốc: Nằm trong công viên địa chất Cao Bằng, Bản Giốc - Thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, thuộc địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác có độ cao trên 30 m với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi. Ảnh: Trần Phương.
Thời điểm đẹp nhất để khám phá Cao Bằng là tháng 9 đến tháng 12, khi thác Bản Giốc đầy nước trong xanh. Đầu tháng 12, hoa tam giác mạch, hoa dã quỳ nở khắp núi rừng. Ảnh: Hữu Thông.
2. Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén: Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén có địa hình phức tạp, với chủ yếu là núi cao, thung lũng nhỏ hẹp, độ dốc lớn >38o, nhiều nơi dốc đứng. Có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000 m đến gần 2.000m so với mực nước biển, như Phia Oắc cao 1.935 m, là đỉnh núi cao thứ hai ở Cao Bằng, Phia Đén cao 1.391 m. Ảnh: Caobanggeopark .
Ngay từ đầu thế kỷ XX, dãy núi này đã lọt vào con mắt của người Pháp. Họ đã chọn Phia Oắc-Phia Đén làm nơi nghỉ mát, hưởng thụ các tài nguyên khí hậu và tài nguyên sinh vật độc đáo. Nơi đây hiện vẫn còn các dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ của các công chức thời Pháp. Ảnh: Caobanggeopark.
3. Khu bảo tồn loài-sinh cảnh vượn Cao Vít, Trùng Khánh: Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vượn Cao Vít nằm trên địa bàn ba xã Phong Nậm, Ngọc Côn và Ngọc Khê của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng với tổng diện tích gần 7600 ha, trong đó vùng lõi có 1600 ha. Ảnh: TTXVN.
Vượn Cao Vít không đuôi, tay dài, con trưởng thành nặng khoảng 7-8 kg. Con đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu; con cái trưởng thành lông vàng, có mảng lông đen và không có chỏm; con non lông màu vàng. Ảnh: TTXVN.
4. Hồ Thăng Hen: Hồ Thăng Hen được công nhận là danh thắng quốc gia theo Quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2001 của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, nói đến hồ Thăng Hen thì cần nói đến cả quần thể hồ-hang-sông và hang ngầm ở khu vực này. Quần thể hồ Thăng Hen đã ghi nhận đến nay gồm 36 hồ tự nhiên liên thông với nhau qua hệ thống các hang, sông ngầm, mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét. Tất cả đều nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn tiếp giáp giữa xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh) và xã Ngũ Lão (huyện Hòa An). Ảnh: Caobangtv.
5. Hang Kỳ Rằng: Hang Kỳ Rằng thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, cách hồ Thăng Hen khoảng 1,5 km về phía Tây Bắc, trong lòng núi Kỳ Rằng, cạnh hồ Kỳ Rằng. Đây là hang hóa thạch, cách cơ sở xâm thực địa phương khoảng 30 m. Hang dài 417 m, sâu khoảng 34 m, rộng nhất 30 m, hẹp nhất 0,7m, trần hang cao nhất 42 m, thấp nhất 1 m, thoải dần từ cửa vào đến cửa ra, chủ yếu gồm 2 phòng lớn ngăn cách nhau qua các cửa hẹp và dốc. Hang rất sạch, thoáng, hệ thống nhũ phát triển rất đồ sộ, đẹp và còn đang được bảo tồn tốt. Ảnh: Evan.
6. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó: Di tích Pắc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách TP. Cao Bằng 55 km về phía Bắc. Pắc Bó là di tích cách mạng nổi tiếng, trong đó hang Cốc Bó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (08/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tên Pắc Bó còn có nghĩa đen là “miệng nguồn”. Ảnh: TL.
Nằm trong khu di tích Pác Bó, suối Lê-nin có màu xanh lục lam, bao quanh là rừng cây hoang sơ ở Pác Bó khiến du khách tới đây không khỏi ngỡ ngàng. Suối Lê-nin đầy ắp nước, chảy quanh những tảng đá nơi năm xưa Bác Hồ ngồi câu cá. Ảnh: Tuệ Minh.
Sau đây là ba “tuyến đường trải nghiệm” sẽ cho bạn cơ hội khám phá một phần CVĐC cũng như các đối tác của Công viên và người dân bản địa. Từng tuyến đều có thể đi về trong ngày, hoặc lâu hơn nếu có thời gian, và chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm độc đáo, riêng có và không thể nào quên về Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng!
Tuyến 1: Khám phá Phia Oắc – Vùng núi của Những đổi thay: Tuyến tham quan “Khám phá Phía Oắc – vùng núi của những đổi thay” theo hướng tây, với các điểm dừng chân như: Di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, vonfram Lũng Mười và Bản Ổ, trang trại cá hồi Phía Đến, đồn điền chè Kolia và trọng tâm là Vườn quốc gia Phía Oắc-Phía Đến và Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo, sẽ là một trải nghiệm đặc sắc mà du khách khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác ở CVĐC Non nước Cao Bằng.
Di sản địa chất động Ngườm Ngao, huyện Trùng Khánh
Tuyến 2: Tuyến tham quan “Trở về nguồn cội”: từ Thành phố Cao Bằng ngược lên phía bắc, với các điểm dừng chân như: Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá, cảnh quan karst Kéo Yên, di chỉ hoạt động của đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên và trọng tâm là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn quãng đời hoạt động cách mạng 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyến du lịch “Trở về nguồn cội” được thiết kế với thời lượng một ngày có thể là lựa chọn đầu tiên của du khách khi đến với Cao Bằng.
Tuyến 3: Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên:
Tuyến trải nghiệm ở phía Đông này thực sự sẽ là điểm nhấn đối với du khách. Bên cạnh cảnh quan karst trưởng thành và già, du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian, cũng như những món ăn nổi tiếng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ… Cuộc sống dân giã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây, non nước sẽ khiến du khách muốn trùng lòng xuống, sống chậm lại để thư thả tận hưởng những giây phút thanh thản quý giá, hiếm hoi ở “xứ xở thần tiên”. Ngôi chùa lớn “Phật tích Trúc lâm Bản Giốc” cùng hệ thống nhà hang, khách sản-đối tác của CVĐC sẽ góp phần làm giàu thêm kho trải nghiệm của du khách cả về tâm linh lẫn vật chất. “Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ xở thần tiên”, được thiết kế với thời lượng 1-2 ngày, và có thể còn kéo dài hơn tùy theo nhu cầu, chắc chắn nên là một trong những tuyến tham quan “chốt hạ” của du khách.
Bởi những vẻ đẹp nên thơ và những đặc điểm đặc trưng của một Công viên địa chất, CVĐC Non nước Cao Bằng xứng đáng là một Công viên địa chất toàn cầu!
LIÊN KẾT |