Quảng trường là một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc không gian các đô thị từ xưa đến nay. Về bản chất, quảng trường là một không gian công cộng, đảm nhiệm những chức năng công cộng và chung sống của dân cư đô thị, như là nơi tổ chức hoạt động sự kiện xã hội, những sinh hoạt văn hóa - lễ hội, buôn bán và, đơn giản, là nơi để thị dân sum họp hoặc dạo chơi. Đồng thời đóng vai trò tạo thị và tạo tính chất thành thị cho mỗi đô thị, tổ chức và gắn kết cộng đồng dân cư đô thị với đặc trưng nổi trội là sự cân bằng giữa cái “riêng” và cái “chung”.
Phối cảnh quảng trường Campo thành phố Siena (nguồn : aeroflot-vn.com)
1. Quảng trường là gì?
"Quảng trường" hay còn gọi là "công trường" là "không gian hoạt động công cộng của đô thị", được tạo nên bởi các sự kết hợp hoặc hạn định của kiến trúc thích hợp xung quanh, gắn kết với mạng lưới giao thông, kết nối những thành tố độc lập thành một tổng thể.
Yếu tố cấu thành quảng trường là không gian. Không gian được cấu thành từ các thành phần: Bình diện ngang (mặt nền, đường. Bình diện đứng (công trình xây dựng, hàng cây hay vật giới hạn nào đó. Bình diện đỉnh (mái công trình, kết thúc đỉnh của vật giới hạn.
- Các cách giới hạn không gian quảng trường:
Vây bọc: dùng tường, cây xanh, kiến trúc vây bọc một không gian cần thiết.
Che đậy: sử dụng cấu kiện nào đó như vải bạt, giàn hoa để hình thành một không gian yếu và ảo.
Nâng nền: Không gian nâng cao so với không gian chung quanh.
Nền công lõm: không gian lõm với các không gian nâng cao xung quanh hình thành nên những không gian tuỳ thuộc.
Nền chìm: mặt nền chìm tự giới hạn một không gian.
Nền nghiêng: Bề mặt nghiêng cũng xác định một không gian.
Nền biến đổi: bậc dốc của mặt nền hay sự thay đổi của chất đất cũng góp phần thay đổi không gian quảng trường.
Mặt bằng agora trong đô thị Hy Lạp cổ đại (nguồn: greeceathensaegeaninfo.com)
2. Phân loại quảng trường
Có rất nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị, trong các công trình nghiên cứu của mình đã cố gắng phân loại quảng trường, chủ yếu qua chức năng và hình thái của chúng. Theo Paul Zucker, quảng trường có thể chia thành 5 loại: quảng trường đóng (enclosure square): quảng trường được bao quanh bởi những công trình kiến trúc và dịch vụ; quảng trường gắn với một công trình quan trọng của đô thị (dominated square); quảng trường được hình thành xung quanh trung tâm đô thị (quảng trường hạt nhân - nuclear square); quảng trường được tạo nên bằng sự liên kết của những thành tố không gian khác nhau (grouped square); quảng trường vô định hình (amorphous square).
Còn theo Shalftoe (2008, p76), chỉ có 2 loại quảng trường là quảng trường mở (open square) và quảng trường đóng (enclosed square). Tuy nhiên, dù phân loại theo cách nào thì quảng trường vẫn đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là thu hút và kích thích hoạt động xã hội của con người. Những cố gắng phân loại quảng trường đều nhằm đề cao tầm quan trọng và thái độ nghiêm túc trong việc tiếp cận và nghiên cứu một cách khoa học về không gian công cộng này.
Forum trong đô thị La Mã cổ đại
Về mặt hình thái, mối liên hệ giữa quảng trường với các tuyến phố lân cận và các công trình kiến trúc xung quanh sẽ quyết định tính chất của nó. Theo Cliff Moughtin, có 5 hình thái quảng trường là:
Quảng trường đóng: Là một không gian độc lập, giống như một căn phòng ngoài trời. Nó được bao bọc bởi mặt tiền các tòa nhà xung quanh và được mở ra ở các góc hẹp nối với các con phố nhỏ. Cảm giác của quảng trường này là sự gần gũi, nhỏ nhắn, an toàn, nội tâm nhưng tinh tế. Hình thức này phù hợp với cấp độ địa điểm. Ví dụ cho quảng trường đóng là Piazza Annunziata ở Florence, quảng trường Royal City ở Hà Nội.
Quảng trường chủ đạo: Không gian của quảng trường dẫn dắt các công trình xung quanh hướng về công trình chính. Kích thước của quảng trường phải đủ lớn (độ sâu và độ rộng) để tầm nhìn thị giác hướng tới công trình chính trong quảng trường được trọn vẹn. Ví dụ cho quảng trường chủ đạo là Piazza Santa Croce ở Florence, quảng trường trước Nhà Thờ Đức Bà ở TP HCM.
Quảng trường tuyến: Không gian của quảng trường được kéo dài và hẹp chiều ngang, gần giống như một tuyến phố hay một hành lang. Ở đầu và cuối quảng trường thường có một công trình điểm nhấn như cổng hoặc tượng đài để chuyển tiếp sang các không gian đô thị khác. Ví dụ cho quảng trường tuyến là Piazza Navona ở Roma, phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP HCM cũng có thể coi như là quảng trường trước UBND TP.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể coi là một quảng trường tuyến
Quảng trường hạt nhân: Không gian quảng trường vây xung quanh một công trình trung tâm (thường là tượng đài), các tuyến nhìn đều hướng về công trình đó thông qua khoảng không gian quảng trường bao quanh nó. Ví dụ cho quảng trường hạt nhân là Piazza Del Popolo ở Roma với cột Pharaon Ramesses II ở giữa, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội với Đài phun nước ở giữa (có lẽ cần thiết kế thêm một cột tưởng niệm phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở vị trí đó để định hướng các tuyến nhìn cho các tuyến phố xung quanh).
Quảng trường nhóm: Các quảng trường và tuyến phố đi bộ liên kết với nhau tạo thành một bố cục các khoảng trống; không gian mở và không gian đóng được sắp xếp xen kẽ nhau tạo ra sự thay đổi tầm nhìn thú vị. Ví dụ cho quảng trường nhóm là Piazza Della Signoria ở Florence. Khu vực xung quanh Nhà hát lớn Hà Nội với các vườn hoa và các phố Tràng Tiền, Cổ Tân có thể cải tạo thành quảng trường nhóm hấp dẫn hơn.
Một số cách phân loại khác:
Quảng trường thị chính: Quảng trường thị chính có công năng hội họp chính trị, văn hoá, đại lễ, diễu hành, duyệt binh và các sinh hoạt lễ hội dân gian truyền thống. Ví dụ: Quảng trường Ba Đình Việt Nam.
Quảng trường kỷ niệm: Quảng trường kỷ niệm dùng để kỷ niệm một sự kiện quan trọng nào đó, hay nhân vật nào đó có công với đất nước, quê hương. Thông thường ở trung tâm hay ở một bên quảng trường đặt đài hay tháp hay một công trình kiến trúc mang tính kỷ niệm. Ví dụ: Quảng trường Petersburg kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga.
Quảng trường giao thông: Quảng trường giao thông là một bộ phận của hệ thống giao thông đô thị. Nó có tác dụng phân luồng giao thông hợp lý, có thể là nơi đỗ xe công cộng, đảm bảo lưu thông thuận tiện, thoáng, thông suốt, an toàn. Ví dụ: Quảng trường Taksim, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
Quảng trường thương nghiệp: Quảng trường thương nghiệp phục vụ cho yêu cầu giao dịch, buôn bán thương mại, là phương thức kết hợp không gian nội thất của khu trung tâm thương nghiệp với không gian bên ngoài và không gian bán lộ thiên. Quảng trường thương nghiệp thường kết hợp với việc bố trí đường đi bộ, tạo ra các tiện nghi để nghỉ ngơi, giao du, ăn uống, là một trong những trung tâm sinh hoạt chủ yếu của đô thị.
Quảng trường tôn giáo: Quảng trường tôn giáo là không gian đặt trước giáo đường, đình chùa, từ đường để tổ chức những lễ hội tôn giáo. Ví dụ: Quảng trường trước Đại giáo đường ở Ý hay Đức.
Quảng trường nghỉ ngơi, biểu diễn văn hoá: Loại quảng trường này là không gian xanh trong đô thị để mọi người có thể nghỉ ngơi, biểu diễn, góp phần tái sản xuất sức lao động. Trong quảng trường có thể có những bệ, đài, ghế ngồi, bồn hoa, chậu cây cảnh, bể nước, đài phun nước, các tiểu phẩm đô thị. Ví dụ: Quảng trường Piazza Duomo ở Milano, Ý.
Quảng trường St Peter thành phố Roma
Vào thế kỷ 19, cuộc cách mạng công nghiệp đã mở màn cho một loạt thay đổi lớn trong thiết kế và quy hoạch đô thị. Sự xuất hiện của xe lửa và đầu máy hơi nước đã thúc đẩy sự giao thương giữa các thành phố, tạo nên những đại đô thị (megacities) với mật độ dân số lớn và nền kinh tế sôi động. Sự phát triển về kinh tế xã hội này đã gây những ảnh hưởng không nhỏ đến hình thái các đô thị. Việc dân cư đổ dồn về các thành phố lớn tạo nên hiện tượng bong bóng cho sự phát triển dân số của các thành phố. Sự phát triển này tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, dịch vụ, gây tác động lớn đến môi trường và tính liên kết cộng đồng. Như một hệ quả tất yếu, nửa đầu thế kỷ 20, sự tiếp diễn của các quá trình phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ cộng với sự ra đời của các phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, mô tô đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong việc sử dụng quảng trường trong các thành phố, tác động tiêu cực đến sự tương tác giữa cư dân đô thị trong các không gian công cộng. Một ví dụ điển hình chứng minh sự thay đổi tiêu cực này: nhiều quảng trường đã bị biến đổi chức năng từ một không gian công cộng, nơi diễn ra các hoạt động giải trí, nghỉ ngơi của dân cư trở thành một đảo giao thông thuần túy, mất đi nhiệm vụ và chức năng to lớn của nó trong đô thị. Những quảng trường ở Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước thuộc địa châu Á là những ví dụ điển hình.
Chỉ đến khi những vấn đề môi trường và chất lượng sống của con người trở nên đáng lo ngại tại các thành phố lớn, chức năng của quảng trường mới được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Bằng những cuộc cải cách trong tư tưởng quy hoạch chú trọng hơn đến môi trường và sự tương tác giữa con người và hình thái đô thị, quảng trường đã được định nghĩa lại và luôn được coi như hạt nhân của những đồ án quy hoạch đô thị từ quy hoạch chung tới quy hoạch chi tiết đơn vị ở hay nhóm ở.
Về mặt hình thái, đô thị hiện đại được coi là sự kết hợp của những khoảng đặc (công trình kiến trúc) và rỗng (đường giao thông, quảng trường, vườn hoa cây xanh,...). Số lượng và tỷ lệ của những khoảng đặc rỗng này quyết định hình thái và cấu trúc đô thị. Quảng trường, do đó, đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng là tạo nên sự cân bằng cho hình thái đô thị với những khoảng hở cần thiết dành cho hoạt động xã hội của con người. Quảng trường trong đô thị hiện đại được định nghĩa là một không gian công cộng được bao quanh bởi những công trình kiến trúc đa chức năng, từ hành chính xã hội đến giải trí, thương mại, dịch vụ, được thiết kế hợp lý phục vụ cho việc nghỉ ngơi của con người và khuyến khích các hoạt động nghệ thuật đô thị.
Tàn tích của quảng trường Trajan còn lại đến ngày nay (nguồn: Wikipedia)
a. Nơi lưu giữ những sự kiện lịch sử
Quảng trường là địa điểm có khoảng không gian trống lớn nên phù hợp với sự tập trung đông người, dễ tạo ra mối gắn kết cộng đồng cũng như thể hiện sức mạnh của cộng đồng nên nó mang trong mình những ý nghĩa chính trị, xã hội. Quảng trường là nơi diễn ra các cuộc diễn thuyết, mít tinh, biểu diễn văn nghệ như ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (thời Pháp thuộc), vườn hoa Lý Thái Tổ (ngày nay); là nơi tổ chức các cuộc biểu dương lực lượng, duyệt binh như ở quảng trường Ba Đình, quảng trường Đỏ; là nơi diễn ra các cuộc nổi dậy, cách mạng như quảng trường Cách Mạng Tháng Tám (trước Nhà Hát Lớn), quảng trường Concorde (quảng trường Cách Mạng)…
Nếu cần một hình ảnh biểu tượng cho cuộc cách mạng làm rung chuyển châu Âu thế kỷ 18, cuộc cách mạng Pháp, thì đó chính là quảng trường Cách Mạng ở Paris (nay là quảng trường Concorde). Nơi đây, máy chém đã giết biết bao nhiêu những người nổi dậy tìm quyền sống và tự do của mình. Nơi đây, nước Pháp đã phải chứng kiến cảnh xử tử đức vua và hoàng hậu của mình. Nơi đây đã diễn ra những cuộc đụng độ đẫm máu giữa nhân dân lao động với quân lính hoàng gia. Một trong những giai đoạn tang thương nhất trong lịch sử của một quốc gia được khắc ghi trong một quảng trường. Ý nghĩa của một quảng trường lớn hơn rất nhiều những gì mà con người có thể đánh giá được về nó. Khi chúng ta đứng trên một quảng trường và hồi tưởng rằng: chính tại nơi ta đứng đây, qua hàng thế kỷ có hàng nghìn sự kiện đã diễn ra, có hàng nghìn người đã hi sinh. Chính lúc đó, tinh thần nơi chốn của quảng trường sẽ hòa nhập với tinh thần của ta.
Quảng trường Đỏ, Nga
Nếu nhắc đến Moskva thì chúng ta không thể không nhắc đến quảng trường Đỏ, nơi khắc ghi những cuộc duyệt binh lịch sử bi tráng, nơi tưởng nhớ những liệt sĩ vô danh, những anh hùng nhân dân đã ngã xuống bảo vệ đất nước. Năm 1941, khi thành phố bị quân đội Đức bao vây, vận nước như chuông treo sợi chỉ, hồng quân Liên Xô đã diễu binh từ quảng trường Đỏ đi thẳng ra mặt trận, quyết tử bảo vệ Moskva. Năm 1945, cũng chính tại quảng trường Đỏ, Liên Xô đã tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt nhất của lịch sử nhân loại. Sự linh thiêng, tự hào và tri ân là những cảm xúc mà mỗi người dân Nga đứng trên quảng trường Đỏ đều có thể cảm nhận thấy. Tinh thần nơi chốn của quảng trường không chỉ được tạo ra bởi kiến trúc các công trình mà còn bởi những câu chuyện lịch sử bi tráng, những sự kiện không thể nào quên, và có thể cả hồn thiêng của những người đã khuất.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2-9 của nước ta, mọi người dân đất Việt đều hướng về quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, khẳng định sự ra đời của nước Việt Nam mới, độc lập tự chủ. Sau 80 năm làm nô lệ cho thực dân Pháp, người dân Việt Nam tự tin đi lên làm chủ đất nước mình. Quảng trường Ba Đình, chỉ là một khoảng không gian đô thị lại là nơi khắc ghi một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc. Sự kiện đặc biệt đó, sự thiêng liêng đó, sự tự hào đó, chính là cái tạo ra tinh thần và bản sắc của quảng trường Ba Đình mà không có một địa điểm nào khác trong cả nước có thể có.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
b. Nơi hun đúc tinh thần yêu nước
Về ý nghĩa lịch sử, quảng trường không chỉ là nơi lưu giữ những sự kiện chính trị quan trọng của quốc gia và của thành phố, nó cũng là nơi phù hợp để đặt những đài tưởng niệm cho những nhân vật và sự kiện lịch sử. Khi con người đô thị nhỏ bé đứng trước khoảng không rộng lớn của quảng trường trước mắt mình, những cảm giác về tinh thần sẽ mạnh hơn cảm giác về vật chất. Không gian mở nói chung và không gian quảng trường nói riêng là một trong những điều kiện để đánh thức những cảm xúc sâu lắng trong mỗi con người. Và cũng chính khoảng trống của quảng trường sẽ góp phần làm tôn cái vị thế của những tượng đài. Thực tế, chúng ta cũng dễ nhận thấy rằng, các quảng trường ở châu Âu thường được tô điểm và nhấn mạnh bởi những tượng đài. Cột Nelson ở quảng trường Trafalgar (London), Khải hoàn môn ở quảng trường Ngôi sao (Paris), cột tưởng niệm các anh hùng tử thủ Leningrad ở quảng trường Chiến thắng (Saint Petersburg)… là những cuốn sách lịch sử sống động của các đô thị. Khi đến quảng trường và ngắm nhìn những tượng đài lịch sử, mỗi cư dân lại thêm tự hào và yêu mến đất nước mình, thành phố mình, thêm biết ơn và trân trọng những công lao của các thế hệ đi trước.
Quảng trường Ba Đình cũng là một nơi như thế. Ngoài Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tượng niệm liệt sĩ Bắc Sơn ra, lễ thượng cờ và hạ cờ hàng ngày ở đây cũng góp phần tạo ra cảm giác linh thiêng, tự hào và yêu nước cho mỗi người dân. Khi người dân đến quảng trường Ba Đình xem lễ kéo quốc kì trong tiếng nhạc quốc ca, chắc hẳn không phải vì họ hiếu kì, mà bởi họ muốn tinh thần của họ sẽ hòa cùng vào tinh thần của Ba Đình, của Hà Nội và của cả nước Việt Nam.
c. Nơi giao lưu, kết nối cộng đồng
Trong đô thị, nơi nào có thể tổ chức các cuộc mít tinh, biểu diễn nghệ thuật ngoài trời? Câu trả lời chỉ có thể là quảng trường bởi diện tích lớn cũng như khả năng liên kết với các tuyến phố của nó mới có thể đáp ứng cho sự tập trung đông người cũng như thoát người nhanh khi có sự cố. Trong khu vực dân cư, nơi nào có thể cho người dân tụ tập, gặp gỡ, tập thể dục, trao đổi thông tin? Đó là những không gian mở như vườn hoa, khoảng sân, và quảng trường nhỏ.
Xét trong lịch sử đô thị, các nền văn minh tương đối dân chủ và có ảnh hưởng lớn đến xã hội hiện đại như Hy Lạp và La Mã cổ đại lại luôn có quảng trường trong các đô thị của họ. Ngược lại những nền văn minh chuyên chế như Ai Cập cổ đại và nền văn minh Á Đông lại không coi trọng quảng trường. Đó là vì quảng trường là nơi người dân có thể tụ họp và liên kết với nhau, chia sẻ các giá trị vật chất và tinh thần cho nhau. Những quảng trường hấp dẫn, có người dân đến khám phá và sáng tạo các hoạt động cho chúng ta cảm giác rằng người dân đang làm chủ đô thị đó.
Đường đi bộ nhỏ thú vị dẫn hướng vào quảng trường Campo (nguồn: Commons.wikimedia.org)
5. Những yếu tố quyết định thành công của quảng trường:
Ngày nay, sự thành công của một quảng trường có thể quyết định bằng những yếu tố sau:
- Khả năng tiếp cận (Yếu tố giao thông): Yếu tố giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của quảng trường: một quảng trường chỉ có thể thu hút tối đa sự tiếp cận và lưu lại của người sử dụng một khi nó tọa lạc tại một vị trí dễ tiếp cận về mặt giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng. Mặt khác, quảng trường cũng phải là điểm trung chuyển của các trục giao thông chính của thành phố, nơi mà từ đó người sử dụng có thể dễ dàng di chuyển đến các khu vực trung tâm khác trong thành phố. Quảng trường Bellecour (thành phố Lyon) có thể coi là một ví dụ điển hình cho thành công trong việc quy hoạch giao thông: Quảng trường Bellecour nằm ở vị trí trung tâm, là điểm trung chuyển lớn của thành phố, có thể dễ dàng tiếp cận bằng các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm hay tàu điện. Mặt khác, từ Bellecour có thể di chuyển dễ dàng tới nhiều quảng trường khác, hai trung tâm khác của thành phố là khu phố cổ Lyon và quảng trường Tòa thị chính Lyon cũng không gian công cộng đặc sắc ven hai con sông Rhône và Saône trong khoảng chỉ 10 phút đi bộ. Quảng trường Bellecour do đó có thể coi là quảng trường hạt nhân, vừa đóng vai trò là không gian công cộng trung tâm, vừa đóng vai trò là điểm trung chuyển giao thông quan trọng kết nối các không gian đô thị.
Vị trí hạt nhân của quảng trường Bellecour trong trung tâm thành phố Lyon (nguồn: Openstreetmap)
- Khả năng hấp dẫn và kích thích hoạt động và sự lưu lại của con người thông qua các biện pháp thiết kế đô thị, thiết kế và sắp đặt các công trình kiến trúc xung quanh quảng trường và hệ thống thương mại dịch vụ: Một cách cụ thể, từ những yếu tố lớn như vị trí tương quan của quảng trường với thành phố, bán kính phục vụ lớn, đối tượng sử dụng quảng trường đa dạng, đến những yếu tố nhỏ cấu thành không gian cụ thể như cách thiết kế lối tiếp cận, ghế đá, đài phun nước, cách thiết kế và bài trí cây xanh,... đều góp phần tạo nên sự thành công của một quảng trường. Nếu như những yếu tố lớn thu hút người sử dụng đến với quảng trường thì những yếu tố nhỏ vừa nêu đóng góp hiệu quả vào việc níu giữ người sử dụng ở lại. Ngoài ra, một quảng trường thành công còn cần phải là nơi diễn ra những hoạt đông đa dạng, từ nghỉ ngơi thuần túy đến những hoạt động có tính tương tác cao như biểu diễn âm nhạc, thể thao, nghệ thuật đường phố,… Xét những yếu tố này, quảng trường Campo [Piazza del Campo] (thành phố Siena, Italy) là một ví dụ điển hình cho việc thiết kế tinh tế và hợp lý nhằm thu hút số lượng tối đa người sử dụng. Quảng trường thời kỳ Phục hưng này đã được trang web Projects for public Spaces bình chọn là một trong số những quảng trường đẹp nhất thế giới. Quảng trường có mặt bằng hình rẻ quạt, được tạo một độ dốc hợp lý từ tây bắc đến đông nam với tác dụng hướng người sử dụng vào trung tâm là công trình Palazzo Pubblico. Những con đường đi bộ ngắn kết nối quảng trường với con đường song song phía tây bắc được tạo độ dốc lớn hơn độ dốc quảng trường với điểm thấp nhất là cốt sàn của quảng trường nhằm với mục đích định hướng người đi bộ vào trung tâm quảng trường. Mặt khác, cách sử dụng vật liệu và lát nền của khu vực trung tâm làm người sử dụng có cảm giác thân thiện và có thể ngồi ở mọi nơi. Các bục ngồi hình trụ đặt dọc theo chu vi của quảng trường có thể vừa làm ghế ngồi, vừa làm chỗ dựa lưng đồng thời có tác dụng về mặt định hướng và phân chia không gian. Không gian dịch vụ được bố trí hợp lý xunh quanh quảng trường đóng góp không nhỏ vào việc níu giữ du khách ở lại đây.
Mặt bằng quảng trường Campo thành phố Siena (nguồn: Outside the square, tr.12, Duncan Corrigal)
- Tỷ lệ tương quan của các yếu tố cấu thành quảng trường với con người: Một quảng trường đảm bảo được những tỷ lệ hài hòa giữa các kích thước quảng trường, chiều cao và chiều rộng của các công trình xung quanh,… có thể tạo cho người sử dụng ấn tượng gần gũi và sự thoải mái khi lưu lại. Theo Shaftoe (2008, p.73), những quảng trường với diện tích quá lớn có thể gây cảm giác không thân thiện với con người, ngược lại, những quảng trường quá nhỏ có thể tạo nên cảm giác claustrophobic (tạm dịch: cảm giác sợ không gian chật) cho người sử dụng và hơn nữa chúng không đủ diện tích cho những hoạt động xã hội. Trên thực tế, có rất nhiều ý kiến của các kiến trúc sư và các nhà thiết kế đô thị về tỷ lệ lý tưởng cho một quảng trường. Ví dụ, nếu như kích thước trung bình của một quảng trường thời kỳ Phục hưng là 57x140m thì Jan Gehl, trong cuốn Life between buildings (Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc – 1987) lại cho rằng kích thước lý tưởng cho một quảng trường trung bình là 70-100m, và khoảng cách tối đa để nhận biết các chi tiết kiến trúc trên mặt đứng của các công trình kiến trúc xung quanh quảng trường là 24m.
Bảng tổng hợp những tỷ lệ đề xuất cho quảng trường (nguồn: The human meaning of urban squares, tr.44, Basak Zeka)
Qua những nét khái quát về nguồn gốc và quá trình phát triển cũng như những yếu tố cấu thành quảng trường, chúng ta có thể định hình rõ vai trò và chức năng của quảng trường trong không gian đô thị: Nếu coi một thành phố là một thực thể sống, thì những công viên cây xanh hay vườn hoa được nhìn nhận như là những lá phổi của cơ thể ấy còn quảng trường có thể coi là trái tim, củng cố và duy trì sức sống cho cơ thể đô thị.
Quảng trường Ducale (nguồn: www.henri-iv.culture.fr)
Trong đô thị cổ điển của Việt Nam, quảng trường rất ít khi xuất hiện và không có vai trò nhiều đối với cuộc sống người dân. Thay vào đó, đường phố mới là nơi diễn ra các hoạt động chính của đô thị. Từ khi người Pháp đô hộ nước ta, và sau này là quá trình giao lưu văn hóa mạnh mẽ với phương Tây, quảng trường mới được chú ý thiết kế và xây dựng nhiều hơn. Dù vậy, cho đến ngày nay, vai trò của quảng trường trong đô thị Việt Nam vẫn không thể nào bằng vai trò của nó trong các đô thị phương Tây, và nó vẫn chưa thật sự gắn bó với đời sống thường nhật của người dân Việt Nam. Nó thường chỉ là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của thành phố với tần suất vài lần trong một năm, hoặc biến thành một nút giao thông cơ giới hoàn toàn (không có diện tích đi bộ).
Vẫn biết bản sắc của đô thị Việt Nam là ở đường phố, nhưng những giá trị lớn lao của quảng trường đối với đô thị nói chung khiến chúng ta phải suy ngẫm về sự kiến tạo không gian quảng trường trong điều kiện văn hóa, lịch sử ở Việt Nam.
Quảng trường Lam Sơn - TP Thanh Hóa
1. Hệ thống quảng trường
Về phương diện quy hoạch, mỗi thành phố cần thiết lập hệ thống quảng trường có tầng bậc để đảm trách vai trò định hướng không gian, góp phần tạo lập cơ thể và diện mạo thành phố, bao gồm các quảng trường chính (quảng trường trung tâm) và các quảng trường khu vực. Trong khi các quy chuẩn và quy phạm của Nhà nước về giao thông, về công trình hạ tầng xã hội và cây xanh sử dụng công cộng đã khá rõ ràng và đầy đủ, thì một thành phần đô thị rất quan trọng là quảng trường lại chưa được đề cập tới. Việc phát triển đô thị hiện nay theo kiểu “vết dầu loang”, thiếu sự kiểm soát, cùng với việc xem nhẹ vai trò quảng trường trong cấu trúc không gian đô thị đã hạn chế sự hình thành hệ thống quảng trường trong các đô thị lớn. Trong khi ở các khu vực mới phát triển, các quảng trường không xuất hiện, thì ở các khu vực cũ, thường là những trung tâm thành phố, các quảng trường sẵn có cũng mất đi vai trò mà chúng từng có.
Việc thiếu một hệ thống quảng trường trong các đô thị lớn ở Việt Nam có thể lý giải bởi: thiếu quảng trường (tỷ lệ diện tích quảng trường/diện tích đất đô thị chỉ chiếm 0,0040%; chỉ tiêu diện tích quảng trường trên đầu người rất thấp: 0,0220m2), đặc biệt là các quảng trường khu vực (trong số 18 thành phố được khảo sát, chỉ có 9 thành phố có quảng trường khu vực, với số lượng là 17/35 quảng trường...) và thiếu sự kết nối.
Quảng trường 1/5- Hà Nội
2. Về vị trí quảng trường
Mặc dù một quảng trường có thể tập hợp quanh nó các tòa nhà có chức năng không tương thích (ví dụ một nhà thờ và quanh nó là các tòa nhà văn phòng, quán cà phê, cửa hàng ăn uống ...), song người ta vẫn có thể xác định được công năng chính của quảng trường. Công năng này, về mặt vị trí, cần phù hợp với chức năng của khu vực đô thị. Ví dụ, trong khu vực hành chính và chính trị của một thành phố, không nên có các quảng trường chợ, quảng trường tôn giáo, hoặc một khu vực nghỉ ngơi gắn với cảnh quan thiên nhiên của thành phố thì chỉ nên bố trí các quảng trường nghỉ ngơi, dành cho các hoạt động văn hóa...
Trong khi đó, ở Long Xuyên, ở Quy Nhơn và ở Nha Trang, các quảng trường với những tượng đài mang ý nghĩa lớn, lại nằm ngay trong khu vực dân cư... Ngoài ra, trong số 35 quảng trường được khảo sát còn có 20 quảng trường khác cũng có những bất cập về vị trí như vậy.
Quảng trường Lâm Viên, TP. Đà Lạt
3. Công năng và tính chất sử dụng
Một quảng trường thích hợp cho các hoạt động cộng đồng phải có sự phân định rõ ràng các không gian dành cho các hoạt động có tính chất khác nhau, đặc biệt là sự phân định giữa giao thông (cho cơ giới) với các hoạt động cộng đồng khác. Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi có đến 23/35 quảng trường bị các phương tiện cơ giới lấn át, trong đó có 18 quảng trường được thiết lập gắn với chức năng giao thông chính của thành phố
Quảng trường ở các đô thị lớn Việt Nam phát triển chú trọng lệch về chức năng chính trị, hành chính với các quảng trường trung tâm, trong khi chúng đang được sử dụng một cách tự phát, đa chức năng, không có sự quản lý (17/35 quảng trường). Theo số liệu từ các cuộc phỏng vấn, người dân đến quảng trường chủ yếu với mục đích thư giãn, dạo chơi, ngắm cảnh đường phố hoặc xem các hoạt động khác (cũng là tự phát) đang diễn ra, chiếm tỷ lệ 41% ở Hà Nội; 35% ở Đà nẵng và 44% ở thành phố HCM. Hơn thế nữa, một số quảng trường thường xuyên có các hoạt động không phù hợp, như sinh hoạt gia đình, đỗ xe bừa bãi, bán hàng rong, quảng cáo thiếu thẩm mỹ (8/35 quảng trường).
4. Yếu tố chủ đạo
Mặc dù không phải tất cả các quảng trường đều buộc phải có yếu tố chủ đạo, nhưng hầu hết, yếu tố chủ đạo vẫn thực sự cần thiết, đặc biệt đối với các cấu trúc không gian có trục. Trong khi hình thái không gian các quảng trường ở đô thị Việt Nam thường là có trục (31/35 quảng trường; trong đó có trục và đối xứng là 13/35; có trục nhưng không đối xứng là 18/35; chỉ có 4/35 quảng trường có cấu trúc không trục), thì yếu tố chủ đạo hầu hết lại chưa có vị trí và tỷ lệ phù hợp, hình thức và giá trị nghệ thuật chưa cao, làm mất đi vai trò chủ đạo mà chúng cần có.
Quảng trường Santissima Annunziata thành phố Florence
5. Yếu tố giới hạn không gian
Một quảng trường được giới hạn chiều ngang bởi mặt nền và theo chiều đứng bởi công trình kiến trúc hay các cấu trúc, vật thể khác. Nghiên cứu về yếu tố giới hạn không gian của quảng trường ở đô thị Việt Nam, có thể thấy bố cục thường thiếu định hướng và không bộc lộ rõ ý đồ chủ đạo (ví dụ như bố cục theo trục, bố cục tạo không gian mở, không gian đóng...). Các mặt giới hạn đứng không có trật tự về chiều cao, khối tích (14/28 quảng trường có giới hạn đứng), hình thức thiếu sự hài hòa, thống nhất giữa các thành phần kiến trúc (21/28 quảng trường), nhiều khi còn không đẹp và xuống cấp.
Ở hầu hết các quảng trường, các công trình bao quanh thường là nhà ở tư nhân, có diện mạo kiến trúc tự phát, chiều cao lộn xộn, dẫn đến sự giảm tính văn hóa và thẩm mỹ của quảng trường. Mặt khác, các hoạt động thường nhật ở đây còn gây mất mỹ quan. Một thành phần khác góp phần giới hạn và bố cục không gian, đó là các kiến trúc nhỏ và tác phẩm nghệ thuật. Một không gian quảng trường đẹp cần có các yếu tố này nhằm tạo cảnh quan, tạo tính tư tưởng và văn hóa, nhấn mạnh tính riêng biệt của quảng trường, chúng còn tạo bố cục và phân định các khu vực không gian chức năng... Theo khảo sát của chúng tôi, có đến 14/35 quảng trường, thiếu vắng các yếu tố này; 25/35 quảng trường không có các tác phẩm điêu khắc, các thành phần trang trí hay các hình thức tô điểm khác.
Mặt đứng quảng trường Chợ Cần Thơ (ảnh trên) và quảng trường trung tâm thành phố Rạch Giá (ảnh duới): các công trình có chiều cao không đồng đều, hình thức kiến trúc thiếu thống nhất với công năng là nhà ở tư nhân kiểu lô phố
6. Tổ chức lối vào
Việc tổ chức lối vào quảng trường quyết định tầm nhìn, hướng nhìn của người sử dụng, nó cũng quyết định bố cục của quảng trường, tác động đến cảm thụ thị giác. Nhìn chung, có ba dạng cơ bản của lối vào quảng trường: tới quảng trường, xuyên quảng trường và ngang quảng trường. Từ ba dạng cơ bản này, trong thực tế, chúng kết hợp với nhau và còn có thể biến đổi thành nhiều hình thái khác nữa, tùy thuộc vào số lượng lối vào quảng trường, hướng vào quảng trường (hướng thẳng, hướng chéo) và vị trí của lối vào (vào chính tâm, vào lệch tâm, vào ở góc).
Trong khi quảng trường ở các nước phương Tây, thường có lối vào cơ bản, thì các quảng trường ở Việt Nam, thường có lối vào kết hợp nhiều dạng, theo khảo sát của chúng tôi là 23/35 quảng trường. Đặc biệt, các quảng trường được hình thành ở thời hiện đại chiếm tỷ lệ cao trong số đó. Một đặc điểm khác của quảng trường thời này là chúng thường được gắn với những yếu tố tự nhiên, như sông nước, mặt biển... như là một yếu tố giới hạn không gian theo chiều ngang, trong khi lại thiếu, thậm chí không có, các yếu tố giới hạn đứng. Điều đó có thể lý giải tại sao chúng thường có không gian dạng mở, bố cục, hình thái không rõ ràng.
Mặt bằng quảng trường Santissima Annunziata thành phố Florence (nguồn: Street & Square, tr.103, Cliff Moughtin)
7. Tiếp cận quảng trường và một số vấn đề khác
Theo quan sát, có 20/35 quảng trường không thuận lợi khi tiếp cận bằng đi bộ hay xe bus do bị các phương tiện giao thông khác lấn át, hoặc xa các trạm dừng xe, hoặc không có sự liên kết giữa quảng trường với các không gian công cộng khác. Việc tiếp cận này dẫn đến người ta buộc phải chiếm hữu không gian quảng trường để đỗ xe, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Điều này được khẳng định qua kết quả phỏng vấn tại 03 thành phố lớn về cách thức tiếp cận quảng trường của người dân đô thị: tiếp cận chủ yếu bằng xe máy (66% - 88%), tiếp cận bằng đi bộ, xe đạp hay phương tiện giao thông công cộng chỉ chiếm 22% tại Hà Nội và T.P HCM; 7% tại Đà Nẵng.
Để một quảng trường có sức sống, cần thu hút được nhiều hoạt động cộng đồng. Với khí hậu của Việt Nam, việc cải thiện vi khí hậu cho các hoạt động ngoài trời tại quảng trường là một vấn đề lớn. Ngoài ra, các tiện nghi khác phục vụ cho cộng đồng như nhà WC công cộng, ghế ngồi, đèn chiếu sáng... hay các dịch vụ như cà-phê, ăn nhanh, các quán hoa, quán sách... chưa được chú ý. Hầu hết các quảng trường ở Việt Nam đều thiếu các tiện nghi này, hoặc có ở mức độ tối thiểu, thiếu thẩm mỹ...
Quảng trường Mê Linh
Từ những kết quả điều tra và những nhận định trên, xin nêu ra một số vấn đề lớn cần được nghiên cứu và giải quyết nhằm nâng cao giá trị của quảng trường trong các đô thị hiện nay, nâng cao chất lượng tổ chức không gian kiến trúc và chất lượng sử dụng của quảng trường:
- Nhìn về lâu dài và căn bản, chúng ta cần xây dựng được các nguyên tắc, các quy định cụ thể về việc quy hoạch quảng trường đối với các đô thị mới và đối với các khu vực phát triển ở đô thị cũ. Đó là các nguyên tắc về phân cấp hệ thống quảng trường trong đô thị, về vị trí quảng trường, các quy định về tiêu chuẩn sử dụng, chỉ tiêu sử dụng công trình, sử dụng đất xây dựng quảng trường trong cơ cấu đất đô thị...
- Với các đô thị hiện hữu, chúng ta cần đưa ra những giải pháp thích hợp để tạo lập được một hệ thống quảng trường trong bộ khung cấu trúc của nó. Đó có thể là giải pháp cải tạo các không gian trống trong đô thị thành quảng trường, có thể là cải tạo các trục đường liên kết những không gian công cộng, các quảng trường hiện hữu thành một mạng lưới không gian công cộng...
- Việc nâng cao chất lượng tổ chức không gian kiến trúc quảng trường cũng cần được xem xét trên cả hai mặt, đó là tổ chức không gian kiến trúc các quảng trường mới, sẽ được xây dựng và cải tạo, kiện toàn không gian kiến trúc các quảng trường cũ hiện có.
Quảng trường trung tâm TP. Tiền Giang
Đối với các quảng trường mới, được xây dựng trong tương lai, chúng ta cần có các quy định, nguyên tắc cụ thể cho việc thiết kế, bố trí các công năng phù hợp, tổ chức giao thông, tạo dựng các yếu tố cấu thành quảng trường về diện mạo kiến trúc, tỷ lệ, khối tích hình học... Đối với các quảng trường hiện hữu, vấn đề cải tạo, kiện toàn không gian kiến trúc cần được xem xét thận trọng. Ngoài việc dựa trên các nguyên tắc tổ chức không gian, cần có những nghiên cứu cụ thể để đánh giá mức độ cải tạo, bảo tồn, đưa ra những giải pháp hợp lý.
- Song song với giải quyết các vấn đề trên, cũng cần có sự tổ chức, định hướng cho các hoạt động sử dụng (như tổ chức biểu diễn, triển lãm, tổ chức các gian hàng lưu niệm, bán hoa, sách, báo...). Kết hợp với việc xây dựng quy chế quản lý, quản lý chặt chẽ về mặt kiến trúc, xây dựng cũng như việc sử dụng các công trình trong không gian quảng trường.
Với ý nghĩa mang tính cộng đồng cao, quảng trường có thể là cách thức giúp thay đổi tư duy lối sống của phần đông các cư dân đô thị Việt Nam có xu hướng chú trọng tới cá nhân và gia đình, ít có khả năng hợp tác và xây dựng cộng đồng đô thị. Việc nghiên cứu về quảng trường trong điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam là cần thiết để có thể góp phần xây dựng các cộng đồng cư dân đô thị mạnh hơn, các hoạt động đô thị đa dạng và cuốn hút hơn cho người dân.
Trong tình hình hiện nay, chúng tôi tạm thời đưa ra một số đề xuất trong việc kiến tạo nơi chốn quảng trường cho các đô thị ở Việt Nam:
– Cần có quy hoạch tổng thể về các quảng trường trong mỗi đô thị, xác định các chức năng và hình thức của mỗi quảng trường;
– Cần xây dựng và thực hiện các dự án thiết kế đô thị cho các quảng trường;
– Khi cải tạo các quảng trường cần chú ý tới giao thông đi bộ và các hoạt động cộng đồng;
– Ngoài việc tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa ở quảng trường, cần khơi gợi người dân tham gia sáng tạo các hoạt động ở đó. Các nhà quản lý đô thị cần kết hợp với giới truyền thông để có thể thực hiện tốt điều này;
– Cần tạo dựng tinh thần cho quảng trường với các yếu tố tâm linh, lịch sử.
Quảng trường Ba Đình, Hà Nội
Trong một xã hội phát triển mạnh, đã đến lúc con người ta nhìn nhận lại cuộc sống và hướng đến phát triển bền vững đặc biệt là với đô thị. Xã hội ngày càng đòi hỏi cao hơn những nhu cầu về không gian lành mạnh cho cuộc sống, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe cộng đồng, thái độ tích cực của cư dân đô thị trong những hoạt động tương tác xã hội. Điều này chỉ có thể đạt được một khi chúng ta có thể tạo ra những không gian hấp dẫn, hay nói cách khác, tạo ra môi trường tích cực để kích thích những hoạt động đó. Quảng trường là một trong số những không gian như vậy. Nhìn lại các thành phố Việt Nam, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc thiết kế và quy hoạch quảng trường trong không gian đô thị vẫn chưa được chú trọng và nhìn nhận một cách đúng mức. Những địa điểm được coi là lý tưởng cho các hoạt động của cư dân lại thiếu các công trình dịch vụ, trong khi những khu trung tâm dịch vụ giải trí thì không gian trống lại quá nhỏ về diện tích và manh mún, hời hợt về mặt thiết kế kiến trúc để được coi là quảng trường.
Hơn nữa, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đáng báo động do rất nhiều nguyên nhân cà chủ yếu xuất phát từ con người. Không những thế khi mà tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, khu vực đô thị trung tâm trở nên ngày một nén, mật độ xây dựng tăng, con người cần nhiều hơn những không gian an toàn, hấp dẫn cho những hoạt động xã hội mà những không gian công cộng hiếm hoi hiện hữu không đủ tầm để giải quyết các nhu cầu đó. Thực trạng trước mắt là thế, tại sao chúng ta không bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc quy hoạch và kiến tạo những quảng trường sinh động, hấp dẫn, những khoảng hở quý giá tạo nên sức sống đô thị ngay lúc này?
Tài liệu tham khảo
Шимко В.Т. (2006). Архитектурно-дизайнерское проектирование городской среды. Архитектура-С
Cliff Moughtin (2003). Urban design: Street and square. Architectural Press
LIÊN KẾT |