Thách thức
An ninh lương thực được coi là thách thức lớn cho các thành phố lớn trong một thế kỷ của đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Với hơn 3,5 tỷ người sinh sống trong đô thị và một tầng lớp trung lưu có sức mua ngày càng lớn tạo nên nhu cầu khổng lồ cho nền sản xuất nông nghiệp. Không có quốc gia nào mà nền sản xuất nông nghiệp lại bị bỏ lại xa đằng sau tốc độ gia tăng nhu cầu tiêu thụ nông sản như nước Trung Hoa (Wageningen UR 2011). Diện tích đất có thể canh tác bị thu hẹp dần do quá trình bùng nổ dân số và mở rộng đô thị. Cùng với đó là việc thiếu nước tưới tiêu và môi trường ô nhiễm làm cho vấn đề càng trở nên trầm trọng. Trung Quốc cần một giải pháp sáng tạo để nuôi sống các thành phố.
Chính phủ Trung Quốc có một chương trình đảm bảo an ninh lương thực đầy tham vọng thông qua các tập đoàn nhà nước như COFCO[2] nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp này phải mua một lượng nông sản với giá quy định và đưa vào dự trữ đồng thời giúp đầu ra cho người nông dân. Lượng nông sản dự trữ hàng năm lên tới hơn 35% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước, cao hơn nhiều với đề xuất 17%-18% của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) (Golberg et al 2008). Với chính sách này, khả năng tự túc lương thực của Trung Quốc giữ ổn định ở mức 95% (Golberg et al 2008).
Ở cấp độ địa phương, các chính quyền cũng có những chính sách riêng nhằm đảm bảo nguồn lương thực bền vững cho địa phương mình. Thủ đô Bắc Kinh có tham vọng giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu vốn vận chuyển một lượng thực phẩm khổng lồ vào thành phố mỗi đêm để phục vụ bữa ăn của 20 triệu con người vào ngày hôm sau. 90% rau xanh tiêu thụ tại Bắc Kinh phải nhập từ bên ngoài vùng đô thị (HortiBiz 2012). Vào mùa đồng, rau quả từ miền Nam mất 5 ngày để tới được thủ đô và điều này ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng (Caulil 2012). Bên cạnh đó, sau những vụ xì-căng-đan về ngộ độc thực phẩm, người Trung Quốc giờ đây muốn biết nguồn gốc của tất các loại thực phẩm mà họ tiêu thụ (Caulil 2012).
Hưởng ứng chính sách của thị trưởng Quách Kim Long về việc gia tăng sản lượng lương thực tại vùng ngoại ô của thành phố Bắc Kinh, COFCO – một tập đoàn quốc doanh khổng lồ chuyên về thực phẩm – triển khai dự án Eco Valley (Thung lũng Sinh thái) ở ngoại vi thủ đô. Dự án với quy mô 1100 hecta nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao thông qua một quá trình khép kín tại chỗ, thân thiện với môi trường và kết hợp với phát triển bất động sản. Dự án sẽ là thử nghiệm trước khi nhân rộng mô hình ra các thành phố khác của Trung Quốc. Các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới bao gồm công ty kiến trúc và quy hoạch Moore Ruble Yudell (Hoa Kỳ), công ty kỹ thuật Arup, và bộ phận nghiên cứu kinh tế nông nghiệp của trường Đại học California – Davis (Hoa Kỳ) được mời tham gia.
Hình 01: Vị trí dự án nằm ở ngoại vi thành phố Bắc Kinh
Phát triển bền vững
Quy hoạch tổng thể Eco Valley tạo ra một dự án đô thị nông nghiệp sinh thái tiên phong tầm cỡ thế giới về công nghệ, tính bền vững và những sản phẩm giá trị cao bằng cách tận dụng tối đa địa thế sẵn có, vừa đạt được một sự hài hòa giữa các yếu tố nông nghiệp, nghiên cứu và phát triển, chế biến, du lịch và định cư. Dự án được kỳ vọng sẽ là tiền đề cho các trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp bền vững trên khắp thế giới trong tương lai. Bên cạnh việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch và môi trường sống chất lượng, dự án cũng đạt mục tiêu trở thành khu đô thị có lượng khí thải carbon bằng không. Hướng tới mục tiêu này, bản quy hoạch trình bày một phương pháp tiếp cận khép kín về năng lượng, nước, rác thải trong cùng một khu vực, và nhấn mạnh vấn đề quản lý tài nguyên.
Hình 02: Ý tưởng quy hoạch (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
Hình 03: Sơ đồ tiến trình phát triển dự án không các-bon lớn nhất thế giới (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
“Eco Valley về thực chất là một “thành phố giữa cánh đồng”. Thay vì dịch chuyển nhân lực (từ nông thôn) vào đô thị như Trung Quốc đang thực hiện, dự án này đô thị hóa một khu vực nông nghiệp theo một phương cách bền vững và giữ nguyên hoạt động sản xuất lương thực trên mảnh đất nay đã là một thành phố. Bởi vì Trung Quốc còn một chặng đường dài phía trước trên con đường đô thị hóa và đang mất ngày càng nhiều đất nông nghiệp, thực tế này khiến dự án thậm chí còn quan trọng hơn”Colin Carter– Giáo sư Kinh tế Nông nghiệp, Đại học California, Davis”Dự án giúp các nhà đầu tư và chính quyền tìm ra một chiến lược hài hòa trong một Trung Hoa đang đô thị hóa vội vã bằng cách giới thiệu một thử nghiệm đầy tầm nhìn nhằm quy hoạch một mô hình xã hội mới: nông nghiệp trở thành trung tâm của đời sống và công việc… Dự án tìm kiếm sự tham gia của giới doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục bậc cao trong việc tìm giải pháp cho một trong những vấn đề rối rắm nhất của hành tinh chúng ta: sản xuất và tiêu thụ lương thực bền vững trong bối cảnh gia tăng thu nhập, tỷ lệ đô thị hóa và tài nguyên cạn kiệt”James Mary O’Connor, Kiến trúc sư trưởng, Moore Ruble Yudell Architects & Planners |
Eco Valley sẽ đạt được mức thải carbon bằng không thông qua một chương trình đa tầng bậc nhằm giảm nguồn thải và thu carbon, tập trung vào 3 nhà máy điện trong dự án. Chương trình gồm có:
Chiến lược quản lý nguồn nước, vốn khan hiếm ở miền Bắc Trung Quốc, bao gồm hồ chứa nước mưa (retention pond), hệ thống lát nền thấm nước, tái chế nước thải thành nước sạch, kênh sinh thái (bio-swale) và khu ngập nước nhân tạo (constructed wetland).
Về giao thông, dự án được phát triển xung quanh một tuyến giao thông đa phương tiện khép kín mang tên Vòng Khám phá (Ring of Discovery). Vòng Khám phá giành không gian cho người đi bộ, đi xe đạp, xe buýt chạy bằng xăng sinh học và kết nối với những tuyến giao thông công cộng cá nhân (Personal Rapid Transit) nhỏ hơn.
Dự án có 4 khu vực chính: 1/ nghiên cứu và phát triển, 2/ canh tác nông nghiệp; 3/ dân cư; và 4/ khu tái định cư. Bốn khu vực này có các thành phần chính như sau:
Nguyên tắc của dự án là không làm giảm 495 hecta diện tích đất nông nghiệp hiện hữu, thậm chí còn tăng diện tích loại hình sử dụng đất này lên 631 hecta. Diện tích đất công nghiệp hiện hữu cũng được tăng lên từ 93 hecta lên 141 hecta để phục phục công nghiệp chế biến và nghiên cứu. Việc gia tăng diện tích này thực hiện được chủ yếu do việc chuyển một diện tích lớn đất trống và đất trồng cây lấy gỗ sang diện tích sản xuất.
Về đất ở đô thị, do bố trí thêm nhà ở trong dự án, diện tích đất ở (không bao gồm đất tái định cư) tăng từ 166 hecta hiện hữu lên tới 215 hecta, chiếm 19% tổng diện tích. Đất canh tác và chăn thả súc vật tự do được khéo léo sắp xếp trên mặt bằng để tất các các khu vực chức năng và công trình khác nhau đề có thể tiếp cận với đất nông nghiệp về mặt thị giác và không gian, xóa bỏ sự tách biệt giữa phần sản xuất và tiêu thụ nông sản vốn định hình trong xã hội công nghiệp đương đại.
Hình 04: Chương trình canh tác xen kẽ (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
Hình 05: Mặt bằng tổng thể (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
Hình 06: Dự án Thực nghiệm Nông nghiệp (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
Hình 07 Bốn cụm biệt thự theo chủ đề (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
Sử dụng đất | Diện tích (hecta) | Tổng | Tỷ lệ | Ghi chú |
Đất thổ cư | 166 | 166 | 23% | Đất ở |
Đất canh tác | 466 | 495 | 43% | Đất nông nghiệp |
Vườn | 29 | |||
Đất công nghiệp | 93 | 93 | 8% | Đất công nghiệp |
Đất cây xanh | 273 | 393 | 34% | Các loại đất khác |
Đất trống | 29 | |||
Các loại khác | 91 | |||
Tổng | 1147 |
Bảng 1: Hiện trạng sử dụng đất trong dự án. Nguồn: COFCO & MRY
Sử dụng đất | Diện tích(hecta) | Tổng | Tỷ lệ |
Đất tái định cư | 34 | 375 | 33% |
Đất dịch vụ và nhà ở | 181 | ||
Đất công và hạ tầng | 160 | ||
Đất nông nghiệp | 631 | 631 | 55% |
Đất công nghiệp chế biến | 141 | 141 | 12% |
Tổng | 1147 |
Bảng 2: Sử dụng đất theo quy hoạch. Nguồn: COFCO & MRY
Giải pháp xã hội
Khu vực thực hiện dự án là một vùng đất nông nghiệp có sản lượng thấp ở quận Phòng Sơn, gần đường vành đai số 7 của Bắc Kinh. Có 5 làng nông nghiệp và một cơ sở chế biến lương thực của COFCO đang tồn tại ngay trong ranh giới dự án. Diện tích đất thổ cư vào khoảng 166 hecta. Sau khi quy hoạch, dự tích bố trí tái định cư chỉ còn 34 hecta.
Theo MRY, việc kết hợp các hoạt động sản xuất và sinh sống hiện hữu của nông dân vào bản quy hoạch chung cho dự án được thực hiện thông qua các buổi tham vấn cộng đồng. Nhóm thiết kế trực tiếp tham gia một số buổi như vậy và thuyết trình về dự án cho người dân. Giai đoạn I của dự án sẽ tập trung nâng cấp nhà máy hiện hữu của COFCO và các cơ sở phục vụ nghiên cứu và thương mại nông nghiệp, đồng thời nhằm tránh xáo trộn đời sống và sản xuất của các làng nông nghiệp. Các hộ gia đình đang sinh sống trong khu vực dự án sẽ được bố trí tái định cư ngay trong dự án và tạo cơ hội việc làm trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp có giá trị cao hơn. Khu vực tái định cư được bố trí ở góc Tây-Nam dự án, gần với khu vực chế biến nông sản và đường cao tốc để người dân có thể có các hoạt động sản xuất – kinh doanh của riêng họ. Một cơ chế hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các làng xung quanh dự án cũng sẽ được thiết lập. Tuy nhiên, rất ít thông tin về các chương trình này cũng như quá trình tham vấn với người dân có thể được tìm thấy từ các nguồn khác.
Một thành phần khác của chương trình phát triển bền vững là việc tạo ra việc làm tại chỗ trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, nghiên cứu, giáo dục, y tế, thương mại và du lịch/khách sạn. Với quy mô dân số dự trù là 70.000 người, việc tạo ra 30.000 việc làm là cơ sở căn bản cho một môi trường sống bên vững, giảm tối đa các hoạt động vận tải vốn tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tạo cơ hội cho tất cả mọi người cùng hưởng thụ cơ hội việc làm và sinh sống tại thung lũng sinh thái này.
Hình 08 Vườn Nông nghiệp-Thực vật (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
Hình 10 Khu nhà kính phức hợp nhà kính (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
Hình 11 Sơ đồ mặt bằng khu vực Nghiên cứu và Phát triển (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
Hiệu quả kinh tế
Tập đoàn COFCO, chủ đầu tư của dự án, hy vọng giai đoạn một của dự án (hoàn thành 2014), bao gồm Trung tâm Triển lãm, hội thảo, nghiên cứu và các khu nhà kính, sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn. Chủ đầu tư dự kiến hơn một triệu người sẽ tham quan dự án trong một năm đầu mở cửa. Nguồn thu từ bán vé, dịch vụ ẩm thực, giải trí và các sản phẩm nông nghiệp sẽ đạt 31,5 triệu dollar Mỹ vào năm 2015. Toàn bộ dự án được dự kiến hoàn thành năm 2020 với chi phí xây dựng hạ tầng khoảng 300 triệu dollar Mỹ.
Chủ đầu tư cam kết thiết lập một chương trình xã hội và kinh tế để hòa nhập cư dân mới và nông dân hiện hữu. Những người nông dân sẽ tiếp tục làm việc trên những cánh đồng của cha ông họ, bên cạnh sự ra đời của những trung tâm nghiên cứu công nghệ nông nghiệp đẳng cấp thế giới. Bên cạnh đó, dự án tham vọng thu hút nhân lực bậc cao và định nghĩa lại khái niệm đô thị và nông nghiệp trên toàn thế giới.
Hình 09 Cảnh quan giai đoạn 1 (nội dung hình được dịch và chú giải ở cuối bài)
Quế Võ & Nguyễn Thanh Việt[1]
Bài đã đăng trên tạp chí Quy hoạch Đô thị số 11, tháng 8 năm 2012
Tham khảo
Caulil, G. (2012). Going up overnight. Resource (Wageningen UR). Retrieved in May 20th 2012 from http://resource.wur.nl/en/wetenschap/detail/going_up_overnight/; COFCO (). China Beijing Agro-eco Valley project brief. Goldberg, R. and Yang, K. (2008). Transformation of COFCO in a Changing Envinronment. Unpublished Case study. Havard Business School. HortiBiz (2012). Plan for sustainable food production in Beijing. Retrieved from http://www.hortibiz.com/detail/article/plan-for-sustainable-food-production-in-beijing Wageningen UR (2011). Wageningen UR contributes to ‘Metropolitan Food Security’ in China. Retrieved in May 20th 2012 from http://www.wur.nl/uk/newsagenda/archive/news/2011/Wageningen_UR_contributes_to_Metropolitan_Food_Security_in_China.htm;
Đất trồng trọt chiếm một diện tích lớn và tập trung ngay chính giữa dự án, tỏa rộng về phía nam và cách xa làng xóm hiện hữu.
Nước
Quy hoạch tổng thể tận dụng tối đa nguồn nước sẵn có. Dải đất tiếp giáp với sông Đại Thạch sẽ được đầu tư làm khu vực đất ngập nước sinh thái hấp dẫn dành cho cư dân và du khách. Các con kênh đào nối với sông theo hướng đông tây vừa có chức năng thủy lợi vừa tạo cảnh quan cho khu vực.
Phân khu chức năng
Các thành phần dự án được sắp xếp theo một cấu trúc rõ ràng chung quanh khu vực trồng trọt trung tâm: khu Nghiên cứu và Phát triển ở phía bắc, khu chế biến sản phẩm nông nghiệp ở phía tây, khu biệt thự ở phía đông và khu nhà ở xã hội nằm ở phía nam.
Tổ chức
Thiết kế của quy hoạch tuân theobiểu tượng “Vòng Sinh Mệnh” mạnh mẽ mang đến một “Hành trình khám phá” cho khách tham quan trải nghiệm.
Tầm nhìn và điểm nhấn xanh
Điểm nhấn chủ đạo về cảnh quan nằm nổi bật ở phần phía bắc của dự án, nơi có các tiện ích Hội thảo/Triển lãm/Nghiên cứu và Phát triển cùng một sân gôn. Điểm nhấn thứ hai nằm ở góc tây nam nơi các con đường cao tốc giao nhau là một nhà kính và khu nuôi trồng tảo (để xử lý chất thải, sản xuất nhiên liệu sinh học và thức ăn gia súc). Các vùng cảnh quan mở nằm đều đặn ở rìa phía tây và phía nam dự án mở ra những tầm nhìn vào các tòa nhà và khu trồng trọt.
Vành đai
Hệ thống giao thông công cộng đột phá được tổ chức theo hai tuyến vành đai. Với ý tưởng xây tạo ra một hành trình giáo dục đi qua tất cả những thành phần của dự án, mỗi tuyến sẽ được trang bị các thiết bị trình chiếu thường xuyên cập nhật tình trạng tiêu thụ năng lượng trên khu vực dự án nhằm mục đích giáo dục khách tham quan.
Khám phá
Hai vành đai sẽ kết nối một loạt các Nhà Khám phá. Khách tham quan có thể dừng lại để đi bộ và trải nghiệm từng Nhà Khám phá mà mỗi nơi có một chủ đề thông tin hoặc giáo dục khác nhau liên quan đến những công nghệ mới trong nông nghiệp, trồng trọt hay nhà ở.
Mở rộng về phía Tây
Việc mở rộng khu vực nhà ở được tiến hành về phía tây của dự án, bên kia bờ sông Đại Thạch.
Hình 03: Sơ đồ tiến trình phát triển dự án không các-bon lớn nhất thế giới
Sơ đồ cho thấy những giải pháp được đề xuất để có một cộng đồng có tổng lượng khí thải các-bon (gây hiệu ứng nhà kính) bằng không tại Thung lũng Sinh thái với một quy mô và trình độ chưa từng thấy trên thế giới. Các tính toán cho thấy trong trường hợp phương thức phát triển theo cách truyền thống, tức những biện pháp bền vững không được thực thi, lượng các-bon được sản sinh là 1,4 triệu triệu tấn. Sơ đồ cho thấy các biện pháp để hạ mức các-bon xuống trung tính. Những biện pháp quan trọng nhất là sử dụng các loại hình giao thông các-bon thấp cũng như tận dụng các phế phẩm nông nghiệp địa phương để sản xuất năng lượng sinh khối (biomass energy).
Hình 04: Chương trình canh tác xen kẽ
Vườn Nông nghiệp-Thực vật có nhiệm vụ tìm hiểu, nghiên cứu và canh tác cây lương thực – gồm cả rau xanh, thảo dược và cây ăn trái.
Hình 05: Mặt bằng tổng thể
Hình 06 Dự án Giới thiệu Nông nghiệp
Mục tiêu chính là để khai thác hiệu quả các công nghệ trồng trọt bền vững bao gồm thủy canh và kết hợp thủy canh-thủy sản (aquaponics). Việc canh tác thực phẩm tự nhiên, hữu cơ được sản xuất theo phương pháp tận dụng sức lao động tạo giá trị cao dựa trên khái niệm “Thực phẩm Chậm” (Slow Food) vốn đòi hỏi sự tham gia sâu sắc từ cộng đồng.
Hình 07 Bốn cụm biệt thự theo chủ đề
Quy hoạch tổng thể xác định bốn khu dân cư gồm các biệt thự đơn lập trên những khu đồi quanh các cánh đồng. Ý tưởng thiết kế đặc biệt so với một khu ở truyền thống của Trung Quốc do cách hòa trộn khu nông nghiệp với khu nhà ở nhằm tạo ra một cộng đồng hấp dẫn và đa dạng hơn. Các khu nhà ở là một thành phần quan trọng của Thung lũng Sinh thái với mục tiêu phát triển cộng đồng và thúc đẩy nhận thức đối với môi trường.
Mỗi căn biệt thự có diện tích trung bình 300 mét vuông, cao 2-4 tầng theo ngôn ngữ thiết kế giản lược cùng các mái nhà xanh.
Các Nhà Cộng đồng được xây cao hơn làm điểm nhấn cho các khu nhà trên đồi với chức năng làm nhà trẻ, dịch vụ giặt ủi, quán ăn… và được trang bị các tiện ích bền vững như tuốc-bin gió, tấm quang năng, sàn sinh thái và vườn rau.
Hình 08 Vườn Nông nghiệp-Thực vật
Là một biểu tượng trung tâm của dự án, Vườn Nông nghiệp-Thực vật và một nhà kính sẽ được thiết kế như một dấu ấn kiến trúc của thế giới để có thể đáp ứng những tham vọng môi trường bền vững cao nhất của dự án.
Hình 09 Cảnh quan giai đoạn 1
Khu Sinh quyển là một điểm nhấn kiến trúc nổi bật nằm ở rìa phía nam của dự án, vói những khối công trình bọc mái kính, các bậc thang và các con dốc tạo cảnh quan.
Hình 10 Khu nhà kính phức hợp nhà kính
Được thiết kế như một hệ kín được kiểm soát tinh vi và mang tính bền vững kiểu mẫu, khu nhà kính có nhiều thành phần khác nhau nhằm phục vụ cho nhiều loại cây trồng liên quan đến nghiên cứu và phát triển công nghệ nông nghiệp trong những điều kiện như rừng nhiệt đới, thảo nguyên và sa mạc.
Hình 11 Sơ đồ mặt bằng khu vực Nghiên cứu và Phát triển
Khu trụ sở Nghiên cứu và Phát triển là một khuôn viên nhỏ với những tiên nghi cao cấp nằm tiếp giáp với Công viên Thể thao và Vườn Sinh thái. Thiết kể công trình tạo ra một môi trường Nghiên cứu và Phát triển mang tầm nhìn chiến lược để thúc đẩy sự ra đời của các ứng dụng sáng tạo. Các phòng thí nghiệm, phòng họp và các không gian hỗ trợ được tổ chức hiệu quả giúp tối ưu hóa công việc. Các sảnh chung, phòng giải trí và không gian gặp gỡ được thiết kế quay về hướng nam để đón ánh sáng và mở tầm nhìn ra các cánh đồng. Các công trình ở đây được tiếp cận bằng nhà ga và tuyến monorail vành đai.
Trung tâm thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển ở góc tây nam được dành để phát triển công nghệ tương lai và vận hành như một đầu mối Nghiên cứu và Phát triển toàn cầu, tổ chức những hội thảo quốc tế thường kỳ. Tòa nhà này có một nhà kính quay mặt về hướng nam chứa một nông trại cỡ nhỏ. Các không gian trao đổi gặp gỡ gồm có phòng trà, căn-tin, bếp, phòng giải trí và phòng họp.
LIÊN KẾT |