Ngày nay, không quá khó khăn để tìm một cơ sở bán mai chưng tết nhưng để tìm được một người hiểu tường tận có thể giải đáp đầy đủ ý nghĩa mai tết, quả thực không phải chuyện dễ. Hãy cùng canhquan.net tìm hiểu ý nghĩa, cách chọn hoa mai cũng như cách chăm sóc mai vàng trong ngày tết nhé!
1. Ý nghĩa về cây mai ngày tết
Không phải ngẫu nhiên hoa mai được chọn là biểu tượng của mùa xuân, đặc biệt hơn đối với người dân Nam và Trung Bộ. Từ hàng nghìn năm nay, sắc vàng là biểu tượng của nòi giống Việt, là thể hiện cho sự cao thượng, hiển vinh. Ngay từ thời xa xưa, trang phục của vua chúa, những người đứng đầu dân tộc luôn lấy màu vàng làm trọng tâm. Màu vàng còn thuộc hành Thổ trong thuyết ngũ hành- là trung tâm của vũ trụ, chính vì lẽ đó, mai vàng chưng tết được ưa chuộng hơn cả so với nhiều loài hoa khác cùng nở khi mùa xuân về.
Một chậu mai đẹp trong mắt người chơi mai tinh tế còn phải thể hiện được ý nghĩa “Nhụy Âm dương, Cành Tứ quý”. Nhụy âm dương là biểu hiện cho đạo vợ chồng chung thủy, sắt son, bền lòng -bền chí sát cánh bên nhau vượt qua mọi dông bão, gìn giữ hạnh phúc đến đầu bạc, răng long. Cành Tứ quý mang ý nghĩa thể hiện bốn mùa Xuân- Hạ- Thu- Đông, thể hiện cho quỹ đạo một năm đầy tài lộc, may mắn, thịnh vượng, là sự cân bằng, hoàn hảo giống như những gì mẹ tạo hóa đã ban tặng.
Hoa mai là một trong 4 loài cây được xếp vào hàng tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Người Việt xưa cho rằng tùng, cúc, trúc, mai có tính chất đặc biệt nổi bật, tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của con người: tùng vững chãi, chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết; trúc thanh mảnh, nhưng dẻo dai bền chắc; cúc đẹp bình dị, hương thơm nhẹ nhàng, thanh tao; mai tươi đẹp rực rỡ, hương hoa tinh khiết với màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển và sang quý, là màu của vua chúa ngày xưa.
Hoa mai nở rực rỡ vào mùa xuân còn là biểu tượng của cái đẹp bừng nở, sự hưng vượng, sự khởi phát trong năm mới. Đối với người miền Nam, nếu hoa mai nở đúng vào đêm Giao Thừa hay sáng sớm ngày mùng 1 Tết thì điều này có nghĩa là sự may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ đến với cả gia đình trong năm đó. Xưa kia, nhiều nhà Nho học chơi mai rất công phu, những chậu mai chưng tết có hoa nở sớm hoặc nở muộn, hoa mai rụng và héo vào những ngày đầu năm được xem là đại kỵ. Họ cho rằng, đó chính là dấu hiệu của một năm không suôn sẻ, nhiều điềm dữ đang chờ đợi phía trước.
Có một truyền thuyết về cây mai vàng ít ai biết được, chuyện kể rằng cách đây rất lâu, tại một ngôi làng nhỏ có gia đình người đốn củi sinh được hai cô con gái. Điểm đặc biệt chính ở người con gái cả, tuy là nữ nhưng rất giỏi săn bắn, nhanh nhẹn và dũng cảm. Ngay khi còn nhỏ cô bé đã chứng tỏ khả năng nổi trội của mình, cô bé thường theo cha vào rừng sâu săn thú về làm thức ăn cho cả gia đình. Khi cô gái lên mười sáu tuổi, ở trong vùng xuất hiện một con thú dữ đầu người mình sư tử.
Thú dữ hành hoành đòi mạng hàng trăm người dân trong vùng mà không ai có cách trị. Khi hay tin người dân bị gặp nạn, cô gái nọ đã xung phong đi chinh phục con thú dữ. Cha mẹ và em gái của cô vô cùng sợ hãi, đã ngăn cô lại. Tuy nhiên, với lòng quyết tâm cao độ, không thể thay đổi của con gái, họ đành phải chấp thuận mong muốn của cô. Bằng khả năng đặc biệt, tài mưu lược và sự dũng cảm, cuối cùng cô gái cũng chinh phục được con mãnh thú, trả lại sự bình yên cho dân làng.
Tuy vậy, sự việc nào cũng có cái giá của nó. Vì chiến đấu nhiều ngày không ngừng nghỉ, cô gái nọ đã kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng ngay sau khi chặt được đầu con quái thú. Sau khi từ giã trần gian, cô gái được bay lên thiên đình trở thành một vị thần tiên. Biết cha mẹ và em gái còn đang chờ đợi ở nhà, cô gái bèn xin bề trên mỗi năm được cho về ăn tết với gia đình ba ngày, để an ủi và làm vơi bớt nỗi nhớ thương của người thân. Thấy được sự hiếu thảo của cô gái, các vị thần đồng ý.
Từ đó, mỗi năm cứ vào 3 ngày tết, cô gái lại trở về trần gian sum họp cùng gia đình mình. Năm tháng dần trôi qua, đến lúc cha mẹ khuất núi, cô gái vì quá tiếc thương đã quyết định hóa thành một cây mai vàng trước nhà chứ không trở về thiên giới. Hằng năm, cứ vào ba ngày tết, cây mai đó lại nở rực rỡ, khoe sắc như một sự tưởng nhớ đến cha mẹ của mình. Từ đó, người ta tin rằng, dùng mai vàng trang trí trong dịp đầu năm mới là cách để xua đuổi tà khí, ma quỷ, là các bảo vệ người thân của mình có được sức khỏe, may mắn, hạnh phúc.
2. Cách Chọn Mai Ngày Tết Theo Phong Thủy
Cách Chọn Mai Ngày Tết Theo Phong Thủy trong dịp tết không khó, nhưng nếu muốn lựa chọn cây mai hợp phong thủy thì chúng ta cần tìm hiểu một chút kiến thức.
Một chậu mai chưng tết đẹp ngoài việc đảm bảo các yếu tố như: nhìn tổng thể, chậu mai chưng tết hài hòa, cân đối với phòng khách, nụ mập, phân bố đều, hoa nở rực rỡ, khỏe khoắn, cành bài trí theo từng lớp, dáng mai uốn lượn, “có hồn”,… còn được xem xét tỉ mỉ dưới góc nhìn của những người “sành chơi mai”.
Mai đẹp không chỉ ở hoa mà quý ở dáng cây. Nên chọn những cây nhánh đẹp cân đối. Vỏ đen tự nhiên, không đốm vảy nấm mốc. Không nên chọn cây quá nhiều nhánh, các nhánh to nhỏ chênh nhau quá nhiều. Những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng…
Nhìn chung có các điểm cần chú ý khi lựa chọn một nhành mai: các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ mập, lá non vừa nhú.
- Không nên chọn cây nhiều nụ:
Tất nhiên là hoa càng nhiều thì cành mai trông càng đẹp, nhưng hãy nhớ rằng hoa có nở đẹp và lâu bền hay không còn tùy vào khả năng nuôi dưỡng của cành, cây, nhất là trong điều kiện chưng bình. Hãy chọn cành hoặc cây mai có nụ vừa phải và phân bố đẹp trên cả cành. Các nụ hoa phải đủ “bụ bẫm” để nở kịp ba ngày Tết là tuyệt vời nhất.
Bông hoa mai đẹp, to, tròn
Cánh hoa mịn, đều nhau, không có cánh hoa bị tật. Màu sắc và độ to của hoa rất đa dạng, tùy vào sở thích mỗi người mà chọn lựa cho phù hợp, chứ đó không phải là tiêu chí chọn hoa mai đẹp.
- Chú ý về lá mai:
Một cành mai đẹp không thể là cành mai trụi lá hoặc lá xanh um nhiều như hoa. Tốt nhất nên chọn cành mai nhiều hoa và nụ, điểm những chiếc lá non xanh mềm hoặc đỏ tía.
- Chọn cây mai chắc gốc:
Khi chọn mua mai, bạn nên lấy tay lắc nhẹ thấy cây và đất ở gốc vững chắc là được. Lựa cây có nụ không bị héo, rũ cuống, vì bị héo chứng tỏ cây đang kiệt sức do thiếu nước, đứt rễ hoặc bị bệnh. Nếu trên cành còn sót lại một vài chiếc lá cũ hoặc có thêm vài chiếc lá đã già xanh, hãy ngắt bỏ chúng, điều này sẽ giúp giảm sự thoát hơi nước của cành mai.
Khi có hiện tượng hoa héo, không còn cách cứu chữa, cần phải vứt hoa đi trước khi hoa héo và rơi rụng đầy nhà ngay trong chính nhà bạn đầu năm mới vào sáng ngày mùng 1 Tết.
Trong phong thủy, nếu đầu năm mà chứng kiến hoa héo và rơi rụng, thì trong nhà có sự chia cách, hoặc nhiều sự cố không tốt xảy ra trong năm mới.
Sau khi mua cành mai về, phải đốt gốc, đốt cành hay nhúng ngay vào chậu nước nóng già 70-80 độ C để nhựa của cành mai không chảy và các chất dinh dưỡng dự trữ nuôi hoa trong cành không thẩm thấu được ra ngoài… Thông thường sau khi các nụ hoa đã to bằng hạt đậu tương rồi, cành mới cạn kiệt chất và chết.
Còn với mai thế, trước hết, phải chú ý khâu đánh cây, tránh làm cây bị đứt nhiều rễ và vỡ bầu. Khi cần mang đi xa, nên đánh cây và trồng cây vào chậu ngay từ trước đó 1-2 tháng, sẽ đảm bảo cây sống 100%.
Đối với mai được trồng trong chậu, điều quan trọng nhất là phải tưới thường xuyên, giữ cây sạch, mát thì hoa sẽ bền, tươi lâu. Nếu không khí nóng, hoa nở rộ, thì nên làm ngược lại để hãm hoa.
Khi mua mai về, chúng ta cũng có thể tự điều chỉnh mai nở nhanh hay chậm tùy theo ý thích với những đồ dùng đơn giản như dao nam, vôi,…Nếu cành mai cắm trong nhà nở quá nhanh, ta có thể dùng dao sắc cứa một vòng quanh thân, cách gốc cành mai 1 gang tay để hạn chế chất dinh dưỡng lên thân nuôi hoa. Một cách khác thường được người dân sử dụng là cho sỏi vào trong bình giữ lạnh, mai sẽ nở chậm.
Ngược lại, với thời tiết giá rét như năm nay, muốn kích mai nở nhanh, người chơi có thể dùng một nắm vôi đắp quanh gốc, làm như vậy thì chỉ sau một đêm mai sẽ nở tung. Ta cũng có thể tưới nước ấm, nếu thấy nụ còn nhỏ thì ta nên tưới sớm hơn. Để mai được tươi lâu, chúng ta nên thay nước khoảng 2-3 ngày/lần.
Với một số chia sẻ ở trên, chúng tôi tin rằng các bạn sẽ chọn được cho gia đình mình một chậu mai/ cành mai vàng đẹp tô điểm vào không khí Tết của mỗi gia đình để thêm phần ấm cúng, tươi đẹp sắc xuân.
LIÊN KẾT |