"Hôm qua tát nước đầu đình Để quên chiếc áo trên cành hoa sen..." - Ca dao Việt Nam.
Xưa nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến mọi sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Kiến trúc đình làng vì vậy mang đậm dấu ấn văn hóa, độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc Việt truyền thống.
Thế kỷ XVIII, Việt Nam có khoảng 11.800 làng xã. Mỗi làng có một cụm kiến trúc nghệ thuật tôn giáo đình đền chùa với hàng trăm pho tượng và nhiều đồ trang trí thờ cúng khác nhau.
Đình Bảng
Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam vẫn thường gọi chung đình chùa, nhưng trên thực tế, đình và chùa không cùng một ý thức văn hóa. Chùa là nơi thờ Phật, ít nhiều có ảnh hưởng văn hóa Phật giáo đến từ Ấn Độ, Trung Hoa. Còn đình là của cộng đồng làng xã Việt Nam. Đình là biểu hiện sinh hoạt của người Việt Nam, nơi "cân bằng" phép tắc của cuộc sống cộng đồng, nơi khai diễn những nét tài năng, tư duy của dân làng, nhất là về tín ngưỡng, nơi để thờ thần Thành Hoàng làng, người có công với dân, cứu nước, giữ nước hoặc giúp dân nghề nghiệp sinh sống.
Đình Tây Đằng
Nhìn qua đình làng, ta sẽ thấy ở đó lòng tri ân, trọng nghĩa, trọng tài, ''uống nước nhớ nguồn'' của người Việt Nam. Tuy đình là của dân làng, nhưng thần không hẳn là người của làng. Hơn nữa, người Việt Nam thừa hưởng nhiều tín ngưỡng cổ sơ, nguyên thủy, nên thờ và tôn kính rất nhiều vị thần như: thần núi, thần biển, thần nước (thần Tản Viên)... ở Phù Ninh (Phú Thọ) thờ thần Đá Trắng, vùng đồng bằng thờ thần cá, thần rắn... Tất cả những tín ngưỡng ấy, các thế hệ dân Việt Nam tiếp nối nhau tạo thành một nền vǎn hoá đình, một nền vǎn hóa hỗn hợp, đa dạng, có mặt nhiều thành phần tôn giáo khiến cho đình trở thành một tập thể siêu thần, tạo một niềm tin, một niềm hy vọng, một sức mạnh vô hình của làng xã cộng đồng Việt Nam.
Có lẽ, những đình cổ nhất nước ta vẫn là những ngôi đình mang kiến trúc theo hình chữ Nhất như: đình Tây Đằng, đình Lỗ Hạnh. Riêng đình Lỗ Hạnh, nguyên xưa là chữ nhất, nhưng qua các đời sau tu bổ đã thêm hậu cung nên đình thành chữ Đinh. Theo quan niệm kiến trúc, đình là một kiến trúc công cộng, rộng mở để chờ đón bất cứ người con nào của đất Việt. Với ý nghĩa như thế, đình làng Việt Nam chính là nơi không phân biệt giàu sang nghèo hèn, là nơi thể hiện rõ nhất vǎn hóa hiện thực của đời sống nhân dân.
Mái cong của đình không giống với bất cứ một mái cong nào của vùng Đông Nam Á, kể cả Nhật, Trung Hoa và Thái Lan, vì góc đao của đình uốn cong và vút cao do một hệ thống cấu trúc đặc biệt có tên gọi riêng là "tàu đao lá mái", không do vôi vữa đắp thành.
Chạm khắc trong Đình Tây Đằng
Nhìn lại các đình Tây Đằng, Lỗ Hạnh, Cao Thương (Hà Bắc), Phù Lão, Chu Nguyên, đình Hương Lộc, Phùng Thượng, đình Thổ Tang, Ngọc Canh để thấy rằng, đình là một khối điêu khắc trong không gian, đầy chi tiết tinh tế, nhưng cũng đầy tính khoa học kiến trúc. Nói về đường nét, đình là nơi hội tụ những mô típ trang trí tuyệt hảo, gồm nhiều xu hướng: hiện thực, cách điệu và đồ họa. Ví dụ như: ở đình Phù Lão (Bắc Giang) có hình điêu khắc phụ nữ khỏa thân đùa với rồng, gối đầu lên mình rồng; một hình trang trí đầy sáng tạo nữa là mây bay. Để đưa mây vào trang trí cho đình, người thợ Việt Nam đã cố gắng diễn đạt được cái nhẹ nhàng phù vân của mây vào các bẩy hiên cổn và mây đã thành hình khối di động, uyển chuyển, chỗ dày, chỗ mỏng như có gì lay động.
Diễn hèm
Hội làng thường được tổ chức ở sân đình, trong hội làng, dân làng thường diễn Hèm. Theo tự điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Hèm có nghĩa là trò diễn lại sinh hoạt sự tích của vị thần thờ trong làng, những điều kiêng kỵ của thần... Việc Việt hóa, dân dã hóa vị ''Thành Hoàng'' bằng cách triều đình ''tấn phong'' cho các thần linh của thôn xã chức Thành Hoàng làng đã góp phần thúc đẩy ngôi đình dần chiếm địa vị trung tâm sinh hoạt trong xã hội nông thôn Việt Nam để tới nay đình được coi là biểu tượng quê hương.
Nguồn: Tổng hợp
LIÊN KẾT |