Hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều dành sự quan tâm cho mỹ thuật trong kiến trúc đô thị bằng những chính sách cụ thể. Các chính sách này định hướng và phát triển không gian văn hóa đô thị bằng những chế tài và sự kết hợp giữa chính quyền và tư nhân.
Năm 2000, với nỗ lực của chính phủ Anh, một chương trình tài trợ nhằm xây dựng một không gian văn hóa mới cho hai thành phố Newcastle và Gateshead được tiến hành. Hàng loạt công trình văn hóa lớn được xây dựng, các chi tiết kiến trúc và cảnh quan đô thị được chăm chút đã đem đến cho hai thành phố này một diện mạo kiến trúc mới. Khoảng 2.000 tác phẩm điêu khắc được bố cục trên không gian rộng lớn, đã trở thành điểm đến cho du khách làm hồi sinh hoạt động văn hóa du lịch của hai thành phố này. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà hội nghị về Văn hóa và Nghệ thuật Thế giới năm 2006 đã được tổ chức ở Newcastle và Gateshead.
Nhà hát Gateshead (internet)
Ở châu Á, chính quyền Hàn Quốc cũng đã khởi xướng sự kiện “Nghệ thuật trong thành phố”(Art in city), một dự án mỹ thuật công cộng với mục tiêu làm thay đổi diện mạo những đô thị cũ của Hàn Quốc, đem lại nguồn sinh khí mới cho những con người đang sống trong xã hội hiện tại. Từ năm 2000 , nhiều chủ điểm trong hoạt động thẩm mỹ đô thị tại Hàn Quốc như Luật trang trí Cao ốc (The Building Decoration Law) ra đời, kế đến là sự xuất hiện các dự án nghệ thuật công cộng khổng lồ được điều hành bởi chính quyền địa phương.Và sau hết là sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật công cộng mà đặc điểm của nó là hướng tới một ý tưởng mang màu sắc cộng đồng với tinh thần dấn thân xã hội.
Làng nghệ thuật Hàn Quốc (internet)
Tại Mỹ, Canada và nhiều nước tiên tiến, những qui định về thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị cũng rất được quan tâm: tỷ lệ 1% trên tổng kinh phí xây dựng công trình kiến trúc dành cho mỹ thuật là điều bắt buộc…
Những thay đổi về kinh tế, văn hóa những năm gần đây thúc đẩy tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Cảnh quan đô thị và kiến trúc ở các khu vực phát triển mới của các thành phố đặt ra yêu cầu cấp thiết về một định hướng thẩm mỹ cho không gian đô thị; song song đó sự phát triển mất cân đối ở những khu đô thị cũ tạo nên một bức tranh thẩm mỹ kém từ không gian sống đến cảnh quan công cộng của thành phố.
Trước những thay đổi của đô thị, thẩm mỹ trong không gian kiến trúc dần trở nên một nhu cầu cấp bách và thiết yếu. Từ việc cải tạo hoặc xây mới một không gian nhỏ có tính riêng tư như nhà ở, biệt thự. Cho đến những công trình kiến trúc công cộng phục vụ cộng đồng cũng cần nhiều hơn hàm lượng nghệ thuật trong mỗi công trình.
Trong bối cảnh đó một cái nhìn lạc quan về tương lai của mỹ thuật ứng dụng trong không gian kiến trúc luôn được đặt ra trong những hội thảo, dự án… Các buổi tọa đàm về mỹ thuật trong kiến trúc đô thị do Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vài năm trước đây đã có chung nhận định: “Cần thiết phải có chương trình đồng bộ từ cấp chính quyền để giải quyết nhu cầu về không gian văn hóa trong kiến trúc đô thị hiện nay”.
Tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã cho phép triển khai ý tưởng “Con đường gốm sứ” trên dải đê sông Hồng nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dự án trên thực tế đã tạo được nét thẩm mỹ nhất định xóa đi các khối bê tông vô cảm, mặc dù quá trình thực hiện vẫn còn những điểm chưa đạt mục đích đề ra.
Con đường gốm sứ (vtc)
Năm 2010, tại TP. Hồ Chí Minh dự án GAS (Green – Art – Space) của nhóm Họa sĩ, Kiến trúc sư và Nhà điêu khắc với đề xuất tôn tạo một không gian – nghệ thuật – xanh dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Dự án với ý tưởng hình thành một hành lang nghệ thuật ngoài trời, một không gian văn hóa du lịch đường phố sinh động, đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong nhiều ý tưởng nhằm mục đích cải tạo không gian văn hóa thành phố…
Toàn cảnh vấn đề cho thấy vai trò của mỹ thuật trong đô thị không chỉ có tác dụng làm đẹp cho công trình kiến trúc mà còn góp phần thể hiện sự văn minh; đẳng cấp của một không gian công cộng. Chính vì vậy, nhu cầu về nhận thức thẩm mỹ trong không gian kiến trúc là một thực tế cần được đặt nền móng xây dựng và phát triển trong công tác đào tạo để kịp thời đáp ứng sự phát triển của xã hội nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong tương lai.
Nghiên cứu và hình thành chương trình đào tạo Mỹ thuật Đô thị trong môi trường Kiến trúc. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường còn có ý nghĩa đóng góp trong lĩnh vực đào tạo và ứng dụng mỹ thuật vào không gian đô thị. Đề án này mở ra cơ hội tiếp cận với hệ thống đào tạo ở các nước phát triển, kích thích sự cạnh tranh giữa quan điểm đào tạo chuyên ngành hẹp, truyền thống với quan điểm đào tạo mở, liên kết đa ngành.
Trong phạm vi trường Đại học Kiến trúc, kế hoạch đào tạo ngành Mỹ thuật đô thị có tính khả thi. Dựa trên nền tảng hỗ trợ giữa Mỹ thuật – Kiến trúc. Hình thành một phương pháp tiên tiến và phù hợp trong đào tạo. Mỹ thuật Đô thị sẽ là đòn bẩy, là chất xúc tác giúp cho việc đào tạo trong lĩnh vực kiến trúc có những thay đổi về chất trong tương lai.
Dựa trên những nhu cầu thực tế trong môi trường kiến trúc và sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Ý thức rõ vai trò của mỹ thuật trong công tác đào tạo Kiến trúc sư. Từ nhiều năm nay khoa Mỹ thuật đã tiến hành nghiên cứu, trao đổi nhằm xây dựng một chương trình đào tạo Mỹ thuật mang tính ứng dụng trong môi trường kiến trúc. Nghiên cứu những ưu điểm của một số chương trình đào tạo lĩnh vực này tại các nước tiên tiến; kết hợp kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học Kiến trúc; khoa Mỹ thuật đúc kết mục tiêu đào tạo ngành Mỹ thuật Đô thị như sau:
“Mục tiêu tổng thể của chương trình đào tạo bậc đại học ngành Mỹ thuật Đô thị của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM là đào tạo những người có khả năng thiết kế, sáng tạo và thực hiện các công trình mỹ thuật trong không gian kiến trúc đô thị.”
Hạt đậu Chicago (internet)
Nội dung chương trình đào tạo cử nhân Mỹ thuật Đô thị tại Đại học kiến trúc hình thành một môi trường tương tác trong đào tạo giữa: kiến trúc; hội họa; điêu khắc… Với phương châm kết hợp tri thức và kỹ năng thực hành. Chương trình hướng đến việc đào tạo những con người có khả năng đưa vào công trình những giá trị thẩm mỹ phù hợp trong việc tư vấn thiết kế; cải tạo các không gian kiến trúc đô thị; đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay.
Phương châm đào tạo xây dựng trên mối liên kết giữa tri thức thẩm mỹ và kỹ năng thực hành để hình thành các tác phẩm mỹ thuật gắn liền với không gian kiến trúc.
Public art (internet)
Sinh viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về mỹ thuật; kiến thức tổng quát của một số loại hình nghệ thuật liên quan nhằm khơi mở và hình thành tri thức cho người nghệ sĩ tạo hình hiện đại. Trước khi trở thành nghệ sĩ, học viên được trang bị kiến thức của một “chuyên viên”; yếu tố này giúp học viên có thể thẩm định những yếu tố tạo hình với góc nhìn toàn diện.
Sinh viên được trang bị các kỹ năng thực hành các tác phẩm mỹ thuật với các phương án; chất liệu khác nhau; thẩm thấu kiến thức thông qua thực hành; thực địa… Có khả năng sáng tạo và thực hiện ý tưởng sáng tạo thẩm mỹ phù hợp với thực tế. Phục vụ trực tiếp cho các phương án kiến trúc.
Việc tích hợp hài hòa giữa sáng tạo mỹ thuật và ngôn ngữ kiến trúc. Nâng cao tính thẩm mỹ trong thiết kế kiến trúc; đồng thời sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tạo hình có tính cộng đồng cao. Đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cho không gian đô thị.
LIÊN KẾT |