Nhà thờ cổ Sài Gòn - Kiến trúc Công giáo trong hồn đô thị
Những nhà thờ Công giáo trong không gian đô thị đã góp phần tạo nên hồn đô thị của Sài Gòn nói riêng và các TP khác ở Việt Nam nói chung.
Xây dựng đô thị cần có nhiều bản sắc khác nhau, trong đó bản sắc quy hoạch kiến trúc của từng cộng đồng hợp lại sẽ tạo nên sự gắn kết tạo thành bản sắc đô thị.
Điểm nhấn của toàn khu vực
Nhìn vào kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam, bên cạnh nhà thờ thì có chùa nhưng bố cục và ý nghĩa của chùa Phật giáo khác nhà thờ Công giáo. Cuộc sống sinh hoạt của người dân trong cộng đồng Công giáo hướng ngoại nhiều hơn, vì vậy nhà thờ với kiến trúc cao trở thành điểm nhấn của toàn khu vực và thường gắn kết với không gian trường học, chợ, nhà ở của người dân bao quanh. Chùa không như vậy mà thường tách ra với đời, tránh xa sự náo nhiệt, gần hơn với thiên nhiên và cảnh quan, tạo ra không gian thư giãn.
Trong không gian đô thị, nhà thờ là một kiến trúc rất cao do nhu cầu cần một không gian lớn thật thông thoáng để chứa một số lượng người khá lớn cùng lúc. Sau này khi đô thị ngày càng phát triển, xu hướng cao tầng hóa bùng nổ, nhà thờ không còn là công trình cao nhất. Một số nhà thờ bị lọt thỏm trong nhà cao tầng xung quanh khiến tỉ lệ nhà thờ nhỏ đi, mất đi ảnh hưởng không gian kiến trúc, như không gian xung quanh nhà thờ Đức Bà, nhà thờ khá lâu đời không những của Sài Gòn mà của cả nước. Do đó, chúng ta cần phải bảo vệ không chỉ giá trị di sản của các nhà thờ cổ mà còn cả bản sắc của khu vực xung quanh, trong đó chiều cao của các công trình sẽ xây dựng gần đó phải được khống chế phù hợp để giữ gìn giá trị không gian kiến trúc cảnh quan.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đang bị các công trình xung quanh lấn át chiều cao, làm mất sự hài hòa tổng thể kiến trúc. Ảnh: NINH DOÃN HIẾU
Có những biến tấu pha trộn với bản sắc địa phương
Xu hướng càng về sau này càng có nhiều nhà thờ vượt ra khỏi ảnh hưởng ban đầu của kiến trúc châu Âu, trong đó hoặc là xây theo phong cách cổ điển nhưng không giữ quy luật thiết kế về tỉ lệ và bố trí, hoặc là bắt đầu có những biến tấu pha trộn với các yếu tố mang bản sắc địa phương nhằm giúp người dân gần gũi hơn với kiến trúc, từ thiết kế đến vật liệu, nhân công. Như ở Kon Tum có nhà thờ gỗ với nhiều chi tiết thể hiện bản sắc của người dân cao nguyên, vùng Phát Diệm kiến trúc nhà thờ kết hợp phong cách đình chùa...
Tuy vậy, không nên ủng hộ sự lạm dụng quá mức thành ra pha tạp nhiều thứ. Một nhà thờ mà có Tàu, có ta, có cả Tây Nguyên là không nên, đây không phải xu hướng nên khuyến khích.
Mặt khác, hiện nay khi cần tu sửa cải tạo nhiều nhà thờ cũ, chúng ta nên cố gắng giữ lại bản sắc của thời kỳ xây dựng đó. Hãy nhớ mỗi nhà thờ đều có giai đoạn xây dựng và phát triển, đấy là tâm huyết của các kiến trúc sư (KTS), của các vị lãnh đạo tinh thần thời đó, họ đã tạo nên những tuyệt tác kiến trúc và mỹ thuật, đấy là giá trị lịch sử, là một ký ức đô thị cần gìn giữ.
Khi có cơ hội ở những vùng đất mới, nếu có thể hãy tạo điều kiện cho các KTS thiết kế những nhà thờ với phong cách mới. Tôi cho rằng thiết kế nhà thờ hiện nay nên hướng đến sự sáng tạo mới thể hiện tính thời đại của kiến trúc và của người Công giáo trong thế kỷ mới. Trong đó các yếu tố bản sắc địa phương có thể gây cảm hứng được nâng tầm thể hiện qua các vật liệu và kỹ thuật hiện đại của thế kỷ 21.
KTS Nguyễn Hữu Thái: Cộng đồng Công giáo tồn tại các đặc trưng văn hóa riêng “Linh hồn chính là quá khứ”, một triết gia đã từng viết và khi nhắc về cái hồn của một TP người ta nghĩ lại quá khứ của nó. Như vậy một TP cũng phần nào là ký ức tập thể của một xã hội, là lịch sử gắn kết cư dân một cộng đồng, kinh qua kinh nghiệm một lối sống, nền văn hóa và môi trường chung. Tất cả yếu tố đó gom lại sẽ tạo nên cái di sản văn hóa phi vật thể gọi là hồn đô thị. Sài Gòn sớm xuất hiện ở vị trí mũi nhọn của cuộc Nam tiến tìm đất sống của người Việt, trở thành tụ điểm di dân tứ xứ, nơi gặp gỡ của nhiều luồng giao lưu. Quá khứ đó đã tạo nên diện mạo và bản sắc của Sài Gòn, một TP ngã ba đường, khác hẳn với những đô thị truyền thống Việt Nam. Thật vậy, về mặt cơ cấu văn hóa và nếp sống, Sài Gòn xưa đã tồn tại song song nhiều dạng ở và sinh hoạt. Có mạng lưới ngõ xóm của người Việt, TP vườn cây của người Pháp, phố sá sầm uất của người Hoa, đường phố bazar của người Ấn. TP chưa bao giờ mang tính chất đa văn hóa, đa chủng tộc như thời đó. Cho nên ở Sài Gòn, khác với bất cứ nơi nào ở nước ta, ta có thể nhìn thấy bên cạnh đình chùa Việt là chùa miếu, hội quán của người Hoa, chùa Miên, thánh đường Công giáo bên cạnh chùa Chà, mosque Hồi giáo, đền Chàm… Trước cả khi người Pháp đến Việt Nam, các cộng đồng người Việt theo Công giáo đã tồn tại với nếp sống và các đặc trưng văn hóa riêng. Đặc biệt là về phương diện tín ngưỡng. Đã xuất hiện các nhà thờ, tu viện, cơ sở giáo dục và xã hội mang dáng dấp phương Tây khác lạ bởi đã được kết hợp với phong cách bản địa. Trong rất nhiều nhà thờ như thế ở Sài Gòn, tôi đặc biệt thú vị với nhà thờ Công giáo nhưng lại mang dáng dấp Việt ở Thị Nghè. Tác giả thiết kế - KTS Nguyễn Hữu Thiện là một Phật tử thuần thành và chuyên thiết kế chùa. Vậy mà ông đã thành công cùng vị linh mục khi sáng tạo ra một công trình tôn giáo vừa mang phong cách Roman (Pháp) với dáng dấp tháp Việt cổ. Tháp chuông mái cong lợp ngói ống, hoa gió làm theo mô-típ trang trí truyền thống Việt xưa… KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội KTS TP.HCM: Nhà thờ là một quỹ kiến trúc trong những dòng kiến trúc đương đại của đô thị Đất nước Việt Nam đã từng có một thời kỳ xây dựng đô thị với số lượng công trình kiến trúc cực lớn trong lịch sử, trong đó kiến trúc nhà thờ nở rộ, đó là thời Pháp thuộc. Nguyên nhân tự thân Công giáo vốn đã là một tôn giáo có lịch sử lâu đời, được tổ chức truyền giáo, thực hiện giáo luật một cách khoa học và hiệu quả nhất. Vì vậy mà nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới không riêng Việt Nam cũng được quản lý một cách chặt chẽ về chất lượng cũng như có vị thế kiến trúc trong bất kỳ không gian đô thị nào. Tại sao trong di sản của Việt Nam các công trình tôn giáo luôn có một chỗ đứng hết sức quan trọng về nghệ thuật kiến trúc? Bởi vì nó có giá trị nghệ thuật kiến trúc thật sự. Những dòng kiến trúc để lại nhiều thang bậc giá trị lớn trong lịch sử luôn luôn chứa đựng một nội hàm về nghệ thuật. Công giáo đưa rất nhiều tinh hoa nghệ thuật vào các nhà thờ. Nhìn một ngôi nhà thờ đó là sự tổng hợp “kinh khủng” của các loại hình nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc, trong đó có cả sự nghiên cứu để đạt hiệu quả và hiệu ứng cao về ánh sáng, âm nhạc, âm thanh… Như ở Việt Nam, kiến trúc đình chùa thời thịnh trị rồi sau này là nhà thờ đã để lại dấu ấn lớn và nhìn chung những công trình mà tất cả người tham gia từ người đầu tư đến nhà tạo tác (riêng danh hiệu KTS sau này mới có mà thôi), từ người thợ tham gia vào công trình nếu với lòng kính trọng, nhiệt tình sẽ không thể cho phép mình có hành vi gian dối nào ở đây. Ở thời kỳ đó, chính nhờ sự tập hợp của những con người như vậy đã tạo ra những công trình tôn giáo hoành tráng, có giá trị và thực sự tôn giáo hội đủ điều kiện để đạt được điều đó. Những công trình đó vẫn còn giá trị tới hôm nay là nhờ những niêm luật của tôn giáo, đấy cũng là hành lang kiểm soát cực kỳ hiệu quả vì chính bản thân đối tượng bị kiểm soát họ cũng là người kiểm soát. Tôi hơi tiếc là có những giai đoạn trong quá khứ không hiểu vì lý do gì mà có vẻ như một số vị chức sắc lại có sự can thiệp cá nhân vào tiến trình hình thành kiến trúc của nhà thờ này hay nhà thờ khác… Điều này là không nên và cần để trả lại giá trị đích thực của kiến trúc, trong đó KTS được toàn quyền làm nghề. Nhà thờ là một trong những công trình tạo ra thách thức rất lớn, đồng thời là những cơ hội quý để các KTS thể hiện mình. Là một người theo đạo Phật nhưng tôi phải thực tâm nói rằng: Nhà thờ là một quỹ kiến trúc và văn hóa nghệ thuật trong những dòng kiến trúc đương đại của các đô thị. |
Chợ Quán - thánh đường cổ xưa nhất Sài Gòn
Từ những năm 1670, rất nhiều người di dân từ các miền đổ về khu vực Đồng Nai, một số lớn đã quy tụ về khu vực quận 5 của Sài Gòn lập ra một xóm gọi là xóm Bột bên cạnh tên hành chính là thôn Nhơn Giang.
Do ngày càng đông người đến, bà con đã dựng chợ với nhiều lều, quán sầm uất, chợ búa diễn ra suốt cả ba buổi trong ngày nên cái tên Chợ Quán ra đời thay thế cho những tên gọi trước đó. Nhà thờ Chợ Quán cũng song hành cùng lịch sử phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định hơn 300 năm qua và trở thành nhà thờ cổ nhất của Sài Gòn…
Nhiều tin đồn lưu truyền cho rằng nhà thờ được xây dựng từ năm 1672 nhưng không có tư liệu cụ thể nào cả, chỉ có thể xác nhận chính thức từ năm 1720 bởi lúc đó họ đạo Chợ Quán mời cha Quintaon từ Đồng Nai lên giúp và ngôi nhà thờ đầu tiên đã được dựng lên.
Tám bận xây nhà thờ
Trong vòng 100 năm sau đó nhà thờ liên tục phải xây lại từ đống tro tàn do bị phá hủy bởi chiến tranh (như bị quân Chân Lạp phá trong cuộc tấn công vào Sài Gòn năm 1731, cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn năm 1782) hoặc theo lệnh của vua nhà Nguyễn (lệnh cấm đạo của Võ Vương năm 1750, của vua Minh Mạng sau khi đàn áp Lê Văn Khôi nổi dậy thành Phiên An năm 1835 khiến mọi thứ lại trở thành bình địa mặc dù ngôi nhà thờ này trước đó đã được vua Gia Long gửi tặng gỗ và cho voi đến đầm mặt bằng).
Đến năm 1882, cha Hamm quyết định cho xây nhà thờ mới là ngôi nhà thờ tồn tại đến bây giờ. Để xây nhà thờ này, đất làm nền được xe bò chở đến từ Bàu Sen gần đó - nay ở đường Nguyễn Trãi (những thông tin trước đây về việc chở cát từ Bàu Trắng về xây nhà thờ là không chính xác vì Bàu Trắng cách Sài Gòn tới mấy trăm cây số). Nhà thờ xây mất đến 14 năm, qua sáu đời cha sở mới xong cơ bản và vẫn tiếp tục được bổ sung sau này. Trong số các cha sở tham gia xây dựng có cha Errar Y là người đã từng xây các nhà thờ Tha La, Tân Triều, Bến Gỗ, Bãi Xanh và Bà Rịa nên có khá nhiều kinh nghiệm, tiếc là sau đó cha bị bệnh nặng phải về Pháp, không thể tiếp tục công việc.
Để tưởng nhớ công ơn người đặt nền móng cho ngôi nhà thờ, thi hài của cha Hamm được mai táng trong nền thánh đường, ngay trước bàn thờ Đức Mẹ.
Nhà thờ Chợ Quán nhìn chính diện.
Bên trong nhà thờ.
Mộ cha Hamm trên hàng ghế đầu.
Một tượng nhỏ trong nhà thờ.
Cho voi kéo chuông lên tháp
Kiến trúc cửa chính và tháp chuông nhô ra nên thoạt nhìn bề ngoài có cảm giác nhà thờ Chợ Quán không quá to lớn nhưng bước vào trong người ta phải ngỡ ngàng với độ rộng của nó. Bề ngang đặt bốn dãy ghế dài và hai dãy ghế nhỏ đủ chỗ cho 1.500 giáo dân dự lễ. Nhà thờ được xem là quy mô nhất của khu vực Chợ Lớn, được xây theo phong cách Gothic phổ biến với các mái vòm nhọn, với nhiều mái vòm kết nối liên tục tạo cảm giác thánh đường rất dài.
Nội thất được thiết kế màu sắc đơn giản, thậm chí các cửa sổ không lắp tranh kính màu như nhiều nhà thờ khác mà chỉ lắp kính trắng bình thường (lý do những tranh kính màu cũ đã bị hư hỏng mà chưa tìm được người có khả năng phục chế nên cha sở đã thay tạm kính trắng chờ có dịp phục chế sau này). Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng các đường chỉ xám tinh tế trên nền trắng của mái vòm và tường, chúng tôi đều cảm nhận được vẻ đẹp trang nhã mà không kém phần trang trọng trong không gian nội thất nhà thờ Chợ Quán.
Khi khánh thành năm 1896, nhà thờ vẫn chưa có đầy đủ chuông như bây giờ mà tiếp tục bổ sung nhiều hạng mục khác dần sau đó. Những quả chuông được đặt đúc từ Pháp và vận chuyển về Việt Nam bằng tàu thủy. Do thời điểm đó điều kiện kỹ thuật còn khó khăn nên để kéo chuông lên tháp, người ta không dùng phương tiện máy móc hay sức người mà chọn cách sử dụng tới năm con voi buộc dây lần lượt kéo từng quả chuông lên.
Tháp chuông tại nhà thờ Chợ Quán có ba tầng, gồm tầng kéo chuông, tầng đặt chuông và tầng áp mái. Năm quả chuông chỉ được gióng cùng lúc khi có sự kiện đặc biệt quan trọng, còn ngày thường chỉ gióng hai chuông, hai chuông khác cho ngày lễ và chiếc chuông cuối cùng để báo tử. Đến nay chiếc chuông lớn nhất theo thời gian đã bị nứt nên dù trải qua nhiều lần tu sửa tháp chuông vẫn không có cách khắc phục sự cố này, sau này chỉ còn bốn quả chuông được sử dụng.
Do tháp chuông khá cao, đứng trên tháp có thể nhìn thấy bao quát khu vực quận 5 nên mỗi khi tiếng chuông gióng lên đều ngân vang rất xa và rõ trong không gian.
Rất nhiều người nổi tiếng đã chọn nhà thờ Chợ Quán làm nơi cử hành thánh lễ hôn phối vì khuôn viên đẹp rộng lớn, có cây xanh bóng mát tỏa ra.
Cuộc chỉnh trang gần nhất
Dự án kéo dài đường Phan Văn Trị, quận 5 sẽ cắt qua tòa nhà mục vụ cũ và phòng hài cốt. Dù không được nhận bồi thường nhưng nhà thờ vẫn chuẩn bị phương án giải tỏa mặt bằng và xây lại tòa nhà mục vụ mới để chuyển toàn bộ hơn 2.800 bộ hài cốt về cùng các lớp học tình thương và phòng phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Hai năm chờ giấy phép xây dựng và mới đây cha Nhạc đã báo tin cho chúng tôi biết hồ sơ đã được phòng thẩm tra Sở Xây dựng duyệt và sẽ sớm được cấp phép, như vậy thêm một công trình có phong cách kiến trúc hài hòa với nhà thờ chính sẽ sớm được xây dựng và phục vụ cho những giáo dân Chợ Quán.
Nhà thờ cổ Sài Gòn - Ngôi nhà thờ nằm trên ‘đất vàng’
Nhà thờ Ngã Sáu như nằm trong cả một quần thể đường phố giao nhau và mảng cây xanh phủ dày vây quanh, khiến nơi đây trở thành nhà thờ có địa thế đẹp nhất vùng Chợ Lớn-Sài Gòn. Nhưng ít ai biết trước kia vị trí này là... đồng mả.
Giai đoạn cuối thế kỷ 19, cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn đã phát triển rất mạnh, họ có hội quán riêng, bệnh viện riêng như BV Phúc Kiến, BV Triều Châu, nghĩa địa riêng… Ở vùng này, ngoài nhà thờ Cha Tam dành cho người Hoa còn có một ngôi nhà thờ khác dành cho người Việt. Đó là nhà thờ Tổng Lãnh Thiên thần Micae. Năm 1919, cha Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng về làm cha sở tại nhà thờ Micae. Sau 50 năm xây dựng, nhà thờ đã xuống cấp và hư hỏng rất nhiều, mặt khác lúc này lượng giáo dân người Việt trong khu vực Chợ Lớn đã tăng nhanh. Cha Hướng quyết định xây một ngôi nhà thờ mới to lớn hơn ở một vị trí khác.
Nhà thờ xây trên “cánh đồng mả”
Lô đất dự định mua nằm trong khu vực nghĩa địa của người Hoa, mà người Pháp gọi là Plaine Des Tombeaux Saigon (cánh đồng mả Sài Gòn). Cha Hướng mua khu đất này có thể vì địa thế đẹp nhưng có lẽ lý do lớn nhất là giá rẻ vì là đất nghĩa địa và lúc đó các giáo xứ vốn không có nhiều tiền.
Sau này khi nghĩa địa được giải tỏa, toàn bộ khu đất phủ màu xanh của công viên và những hàng cây xanh tuyệt đẹp, ba con đường Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh đan chéo nhau vây xung quanh như một hoa thị sáu cánh, cho nên người dân quen miệng gọi đây là nhà thờ Ngã Sáu, dù tên gốc là nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc.
Kiến trúc sư Nguyễn Minh Hoàng, cho biết: “Quy hoạch châu Âu trước thời hiện đại, giáo đường không có ranh giới tách bạch bằng rào dậu cụ thể, mà chỉ hình dung được nó nằm giữa những con đường bao quanh. Các vùng nông thôn châu Âu, ví dụ nước Pháp, giáo đường là trung tâm của khu vực, tọa lạc giữa đường và quảng trường, không hàng rào hay vật thể khác phân định ranh giới. Các hàng quán, công trình dịch vụ công cộng, công trình giải trí bao quanh, rồi thì xa hơn mới là nhà của cư dân địa phương”.
Không biết vô tình hay hữu ý theo nguyên tắc kiến trúc nói ở trên mà sự không có ranh giới tách bạch khiến nhà thờ Ngã Sáu như nằm trong cả một quần thể đường phố giao nhau và mảng cây xanh phủ dày vây quanh khiến nơi đây trở thành nhà thờ có địa thế đẹp nhất vùng Chợ Lớn và là một trong vài nhà thờ có địa thế đẹp nhất Sài Gòn.
Nhà thờ Ngã Sáu trong khuôn viên cây xanh
Một góc Nhà thờ Ngã Sáu
Thánh đường nhìn từ cửa chính
Toàn cảnh thánh đường nhìn từ tầng lửng
Tượng nữ thánh Jeanne d'Arc
Vị linh mục tự học kiến trúc
Cha Huỳnh Tịnh Hướng là một người rất đa tài. Chính cha cùng với nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của và một số học giả, linh mục khác đã ra được tờ báo Công giáo đầu tiên là Nam Kỳ Địa phận hồi đầu thế kỷ trước. Trong đó cha Hướng đóng vai trò trị sự tờ báo (tư liệu của PGS-TS Đỗ Quang Hưng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam). Ngoài ra, cha Hướng còn tự học kiến trúc và tự tay cha đã thiết kế nhà thờ Cha Tam với nhiều ẩn chứa triết học Trung Hoa bên trong kiến trúc Tây phương. Mặc dù nhà thờ Ngã Sáu không lưu lại thông tin về kiến trúc sư thiết kế nhưng chúng tôi tin rằng người thiết kế nhà thờ chính là cha Hướng dựa trên những tư liệu về cuộc đời của cha. Sau khi mất, thi hài của cha Hướng không đặt tại nhà thờ Cha Tam hay nhà thờ Ngã Sáu mà đặt ở nhà thờ Chí Hòa và hiện giờ đã cải táng, đặt tại nhà nguyện thuộc Đại chủng viện thánh Giuse trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1.
Nhà thờ Ngã Sáu có tháp chuông lớn ngay chính giữa, hai bên hai tháp nhỏ bên trong trống không, có lẽ chỉ nhằm mục đích trang trí phụ trợ cho tháp chính, cả ba tháp đều có mái ngói nhọn sơn màu xanh chĩa lên trời theo hình mũi tên. Chân tháp nơi cửa chính vào được ốp đá đen với những gờ răng cưa lớn ở góc tạo cảm giác rất mạnh mẽ. Mặt chính cân bằng giữa phương vị thẳng đứng của cột và cửa sổ cao là lam thông gió phương vị ngang. Hai bên hông có các cửa sổ vòm và lam gió tạo sự thông thoáng, điều này cho thấy sự nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới tới công trình.
Phần cuối cung thánh nhô ra tạo hình kiến trúc chữ thập nhìn từ trên cao. Bên trong có một tầng lửng chạy thành hình chữ U dọc theo giáo đường, nơi đây ngày xưa dành cho ca đoàn và giáo dân khi lễ quá đông, ngày nay chỉ dùng làm nơi đặt hài cốt và cất giữ bàn ghế hoặc các đèn lồng dịp lễ.
Nhà thờ có năm quả chuông, được đúc năm 1930, tức là được lắp lên sau khi khánh thành năm 1928. Mỗi quả chuông đều có tên khác nhau như Paul Vận, I.B. Phòng… Có lẽ là được đặt theo tên các linh mục đương nhiệm hoặc người đã đóng góp tiền làm chuông.
Một số tư liệu cũ ghi rằng nhà thờ được thiết kế theo nghệ thuật Gothic nhưng KTS Nguyễn Minh Hoàng cho rằng nhà thờ là kiến trúc Roman vì căn cứ vào các cửa và mái vòm, hai nửa bán kính vòm cong bằng 1/2 kích thước giữa hai cột tạo ra vòm cong đều, trong khi thức Gothic bán kính hai nửa vòng tròn lớn hơn 1/2 bước cột; lúc đó sẽ tạo ra chóp nhọn, không tròn. Theo KTS Hoàng, “trên trần các đường kẻ chỉ có tính cách trang trí, không giống thực tế của kết cấu”.
Có lẽ việc tạo các đường chỉ đan nhau khiến người ta nhìn có cảm giác vòm nhọn và nhầm lẫn với nghệ thuật Gothic?
Cửa sổ kính màu trên Cung thánh
Nơi kéo chuông trên tháp chuông
Giàn 3 chuông lớn
Những hoa văn chạm khắc và chũ rất đẹp và sắc nét trên quả chuông
Mái lớp ngói vuôngnhìn xuống khuôn viên phía dưới
Hàng loạt xe đậu che kín cả nhà thờ
Bí ẩn việc không có tượng thánh bổn mạng trong nhà thờ
Không có nhiều nhà thờ ở Sài Gòn có thánh bổn mạng là thánh nữ. Giáo hội Công giáo có khá nhiều thánh nữ nhưng việc cha Hướng chọn thánh Jeanne d’Arc (người Việt gọi là thánh Giăng-Đa) làm thánh bổn mạng nhà thờ có lẽ cũng không khó hiểu, vì Jeanne d’Arc là nữ thánh anh hùng người Pháp, bà lãnh đạo quân Pháp chống lại sự xâm lược của người Anh trong cuộc chiến 100 năm giữa hai nước, bà bị bắt và hỏa thiêu vì bị kết tội dị giáo khi mới 19 tuổi. 24 năm sau khi mất, bà được Giáo hoàng tuyên vô tội và đến năm 1920 được Giáo hội phong thánh, tức là chỉ hai năm trước khi khởi công xây dựng nhà thờ. Cũng có người cho rằng việc cha Hướng chọn thánh Jeanne d’Arc có thể ẩn ý bên trong vì Việt Nam lúc đó cũng đang bị người Pháp đô hộ. Hình tượng nữ thánh Jeanne d’Arc cũng là hình tượng bất khuất chống lại ngoại bang xâm chiếm…
Năm 1989, cha sở Giuse Bùi Văn Nho mất, cha sở Antôn Huỳnh Thủ Hơn về kế nhiệm, cha rất ngạc nhiên khi thấy nhà thờ không có tượng thánh bổn mạng và càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện ra pho tượng thánh Jeanne d’Arc khi bị hỏa thiêu được cất trong nhà kho. Dù đã dò hỏi nhưng vẫn không rõ lý do, cha Hơn quyết định mang pho tượng lên đặt ở cung thánh. Do pho tượng trắng hết nên cha cho sơn màu đỏ nơi hình tượng ngọn lửa cháy dưới chân thánh Jeanne d’Arc để nhìn rõ hơn về khoảnh khắc anh hùng cuối cùng của bà.
Đến năm 2005, linh mục Philippe Trần Tấn Binh ở Tây Ninh đến thăm nhà thờ Ngã Sáu và ngỏ ý muốn tặng một pho tượng thánh Jeanne d’Arc. Đây là một pho tượng rất đẹp, mô tả Jeanne d’Arc mặc áo giáp, một tay cầm cờ, một tay ôm kiếm. Cha Hơn đã quyết định đặt pho tượng mới ở cung thánh và đưa pho tượng cũ về đặt tại nhà xứ.
Từ năm 1989 đến nay, nhà thờ Ngã Sáu cũng nhiều lần được sửa chữa, sơn màu vàng rực thay cho màu trắng cũ, mở lại một số cửa sổ cũ bị bít trước đây để sáng và thoáng hơn. Cung thánh được nâng lên xây gạch men, còn nền nhà thờ được thay bằng gạch hoàng hậu (loại gạch men màu vàng có họa tiết hoa văn đẹp) khá cứng để tránh bị mài mòn hay trầy xước khi dịch chuyển bàn ghế.
Được bao quanh bởi công viên đẹp nhưng kèm theo là sự bất an do các đối tượng tệ nạn xã hội thường tụ tập quanh công viên và phóng uế vào góc khuất nhà thờ, cuối cùng nhà thờ phải dựng một hàng rào thấp bao xung quanh để hạn chế. Để chụp ảnh nhà thờ cho đẹp, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian đi lại vì quá nhiều xe hơi lớn nhỏ đã xem nhà thờ như điểm đậu xe tiện lợi, che kín hết cả lối đi. Thỉnh thoảng công an đến phạt hay đuổi xe đi rồi sau đó mọi chuyện lại như cũ.
Có nhiều tranh cãi về màu sắc ngôi nhà thờ. Người nói màu sơn vàng đẹp hơn, có người cho rằng màu trắng cũ dễ thương hơn… Dù khác nhau vậy về một số chi tiết nhưng người ta không thể không thống nhất về địa thế tuyệt đẹp mà nhà thờ Ngã Sáu có được.
Kiến trúc hai mái chênh lệch độ cao tạo sự thông thoáng hiệu quả cho không gian rất đông người bên trong. Nếu để ý, dễ nhận ra trên các mặt tường, chỗ nào làm lam thông gió hoặc họa tiết thông thoáng được thì người thiết kế đã tận dụng tất cả. Những đường nét ngang của lam thông gió cân bằng với các chi tiết “ốm mà cao” của cửa sổ và cửa đi. |
Con đường Quang Trung, Gò Vấp đi ngang nhà thờ Hạnh Thông Tây xưa vắng tanh nay đã thành con đường huyết mạch đông đúc. Mỗi khi dừng đèn đỏ, người đi đường không thể không ngoái nhìn vào nhà thờ, nơi một khoảng không gian thanh bình, xanh mát với kiến trúc đẹp lạ nổi bật.
Ngay sau khi đặt chân đến Sài Gòn năm 1859, người Pháp đã cho xây một nhà thờ nhỏ đầu tiên (tại đường Ngô Đức Kế hiện nay) để phục vụ cho đời sống thiêng liêng của họ. Kể từ khi nhà thờ đầu tiên được xây dựng đến nay, trải qua 150 năm Sài Gòn đã có thêm rất nhiều nhà thờ khác nữa, mỗi tòa một vẻ đẹp với đủ kiến trúc. Kiến trúc nhà thờ Công giáo là một thành tố góp phần làm nên “phần hồn” của kiến trúc đô thị.
Xứ đạo Hạnh Thông Tây có từ năm 1861 do Giám mục Puginier gầy dựng. Lúc ấy nơi đây là khu vực ngoại thành khá xa TP, dân cư thưa thớt, gần với nghĩa địa nên rất vắng vẻ, giáo dân thưa thớt, phần đông là người nghèo. Vì vậy trải qua mấy chục năm mà nhà thờ chỉ được xây đơn giản, nhỏ hẹp vì không có kinh phí.
Chiếc túi bí ẩn đeo trên tượng thánh Giuse
Đến năm 1921, linh mục Matthêu Hồ Tấn Đức đến làm cha sở ở đây, cám cảnh trước việc nhà thờ xuống cấp, ông đã trình với hội đồng và viết vào một tờ giấy với đại ý mong thánh Giuse giúp xây dựng lại nhà thờ, rồi bỏ tờ giấy vào chiếc túi đeo lên tượng thánh Giuse.
Vào tháng sau, có một chiếc xe hơi sang trọng chạy ngang qua, người đàn ông ngồi trong xe thấy có nhà thờ ở nơi heo hút này nên lệnh cho tài xế cho xe quay lại để ông vào dự lễ. Nhìn thấy tượng thánh Giuse đeo chiếc túi rất lạ nên ông hỏi chuyện cha sở, xin phép được đọc nội dung bên trong rồi ra về.
Ít ngày sau, người đàn ông ấy quay lại thưa chuyện với cha sở, xin phép được bỏ một số tiền lớn ra không phải tu sửa lại nhà thờ mà xây hẳn một ngôi nhà thờ mới, to và đẹp hơn. Người đàn ông ấy là Denis Lê Phát An, cậu của Nam Phương hoàng hậu, con trai ông Lê Phát Đạt (tức Huyện Sĩ, tương truyền là người giàu nhất Việt Nam lúc đó, đứng đầu nhóm bốn người “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Cương, tứ Bưởi”). Ông An được ông Huyện Sĩ giao cho cai quản một khu đất rộng lớn ở khu vực Gò Vấp và nhờ vậy ông mới biết đến nhà thờ Hạnh Thông Tây.
Do thánh bổn mạng của nhà thờ vốn là thánh Giuse, còn ông Lê Phát An có thánh bổn mạng là thánh Denis, nên giáo xứ quyết định xây tượng thánh Denis ở ngay trước nhà thờ, phía trên cửa vào, còn tượng thánh Giuse được xây trên đài ở cùng Đức mẹ Maria chếch hai bên phía trước, như vậy nhà thờ có tới hai vị thánh bổn mạng.
Tuy nhiên, điều khó xử nhất là ông An có nguyện vọng được cùng vợ chôn cất trong nhà thờ sau khi chết. Vấn đề ở đây là phép tắc xưa nay chỉ có giám mục mới được mai táng trong nhà thờ, ngay cả linh mục cũng không được phép, huống chi con chiên. Vì vậy cha sở phải trình lên Tòa Giám mục xin ý kiến. Sau khi cân nhắc, Tòa Giám mục đã cho phép, mục đích nhằm khuyến khích những người có tâm bỏ tiền xây dựng nhà thờ. Ông An đã tế nhị cho kiến trúc sư thiết kế hai cái chái trong nhà thờ để mộ hai vợ chồng đặt nơi đó. Do khép mình trong chái nên nếu mới đặt chân vào nhà thờ thì không thể nhìn thấy hai ngôi mộ này.
Nhà thờ Hạnh Thông Tây nhìn từ chính diện. Ảnh: P.T.G
Một công trình kiến trúc đẹp và hiếm
Hai nhà thầu Baader và Lamorte được ông An thuê để thiết kế và xây dựng. Thay vì thiết kế theo phong cách Gothic và Roman khá phổ biến như nhiều nhà thờ khác, họ đã chọn thiết kế theo phong cách Byzantine mô phỏng theo Vương cung thánh đường Vitale ở TP Ravenna của Ý. Chính điều này đã khiến nhà thờ Hạnh Thông Tây trở thành nhà thờ có phong cách kiến trúc cực kỳ hiếm và độc đáo tại Sài Gòn cũng như ở Việt Nam. Phong cách Byzantine là lối kiến trúc có thiết kế mái hình vòm và dùng nhiều ô cửa kính để lấy ánh sáng từ mái vòm. Trang trí nội thất sử dụng tranh ghép từ đá, gạch thay vì chạm trổ điêu khắc thông thường.
Nếu nhìn từ trên cao xuống, nhà thờ hao hao một cây thánh giá do có hai chái nhô ra, bên ngoài thiết kế thanh tú, giản dị nhưng bên trong rất cầu kỳ do thiết kế bằng đá và gỗ quý. Mái vòm cung được ghép từ các phù điêu hoa văn hình vuông, hàng cột họa tiết tinh xảo được kết nối bởi những chiếc quạt trần cổ. Xen lẫn giữa các ô cửa sổ kính màu là những bức phù điêu được thếp vàng kể lại từng chặng đường khổ nạn mà Chúa Giêsu đã trải qua. Ba bàn thờ trên cung thánh đều được điêu khắc tỉ mỉ từ loại đá cẩm thạch vàng. Toàn bộ mảng tường được trang trí bằng tranh ghép đá Mosaic. Trong đó nổi bật là bức tranh ghép trên mái vòm thể hiện Chúa Giêsu đang hấp hối. Cha chánh xứ Giuse Phạm Đức Tuấn kể lại: Những bức tranh ghép này ngày xưa có một thời gian bị xuống cấp, do nhà thờ không có kinh phí nên các ông trùm đã cố gắng tự tu sửa, dẫn đến nhiều chỗ tranh không được như tranh gốc. Sau này nhà thờ phải nhờ Trường ĐH Mỹ thuật giúp phục chế và nhờ vậy trả lại vẻ đẹp như nguyên bản.
Tháp chuông nhà thờ phía dưới được ghép bằng đá tảng trông rất vững chãi, phía trên cao vút lên với tháp nhọn và đặt ba quả chuông tạo thành hợp âm được hãng đúc chuông nổi tiếng Paccard của Pháp đúc vào năm 1925. Ban đầu tháp chuông cao hơn 30 m nhưng vì khu vực này nằm trên đường bay của sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, có nhiều máy bay quân sự cất hay hạ cánh nên cuối năm 1953, Hàng không Đông Dương đã xin Đức Giám Mục J. Cassaigne cho hạ thấp tháp chuông nhà thờ Hạnh Thông Tây để đảm bảo an toàn, tháp chuông vì thế bị phá bỏ phần chóp, trở nên bằng phẳng như ngày nay và chỉ còn cao 20 m.
Tượng chồng bên mộ vợ...
Để chuẩn bị cho việc mai táng trong nhà thờ sau khi mất, ông An đã thuê hai kiến trúc sư và điêu khắc gia người Pháp là A.Contenay và Paul Ducuing thiết kế mộ và tạc tượng, cần nói thêm Ducuing là người đã đúc pho tượng đồng của vua Khải Định, đặt tại lăng Khải Định trước đó.
Điều đặc biệt khác lạ là mộ vợ chồng ông An không nằm cạnh nhau, mà nằm đối diện nhau ở hai chái, mỗi ngôi mộ đều có tượng nhưng tượng ông An được đặt trên mộ vợ và ngược lại, thể hiện sự gắn bó với người phối ngẫu. Mộ làm bằng đá hoa cương còn hai pho tượng làm bằng đá cẩm thạch. Bức tượng mô tả ông An trong áo dài khăn xếp, đeo kính quỳ gối, nét mặt thành kính chắp tay như cầu nguyện và đang trò chuyện với vợ. Trong khi đó tượng bà Trần Thị Thơ mặc áo dài, tóc búi phía sau, đeo dây chuyền cẩm thạch, hai tay cầm hai cành huệ ôm choàng lên ngôi mộ chồng, đầu cúi xuống lộ vẻ tiếc thương vô hạn. Từ những đường nét trên đá, từ nếp áo, bông tai hay chiếc hài, cả những hoa văn thêu trên gối… đều được thiết kế tỉ mỉ và cực kỳ tinh xảo.
Do được tạo ra bởi một nhà điêu khắc tài hoa của Pháp nên dù tạc từ đá song hai pho tượng trông vẫn rất sống động. Mộ và tượng được thực hiện theo phong cách thời Phục hưng, dù vậy hoàn toàn cảm nhận được sự pha trộn khéo léo giữa vẻ đẹp châu Âu với nét Á Đông truyền thống.
Nỗi lo giáo dân đông Dân số gia tăng, áp lực dân số không chỉ đè nặng lên môi trường, đô thị, đường sá, giáo dục… mà còn áp lực lên cả nhà thờ. So với khởi điểm, khuôn viên nhà thờ Hạnh Thông Tây đã hẹp đi gấp 6-7 lần, nguyên do thời chiến tranh bom đạn ác liệt, giáo dân chạy loạn về nhiều, nhà thờ lấy đất cấp cho họ ở nên diện tích từ 10 mẫu giờ chỉ còn hơn một mẫu. Nhà thờ nhỏ trong khi giáo dân đã tăng lên đến 10.000 người khiến không có đủ chỗ tham dự thánh lễ. Mặc dù giáo xứ đã xây thêm nhà sinh hoạt, tăng các thánh lễ trong tuần và Chủ nhật nhưng nhà thờ vẫn phải dựng thêm nhiều khung bạt để có thêm chỗ. Những vật dụng này mặt nào đó cũng cản trở tầm nhìn, khiến mỹ quan phối cảnh của nhà thờ không còn được thoáng đẹp như xưa. Dù vậy giáo xứ vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục. Giáo xứ Hạnh Thông Tây đã kỷ niệm 150 năm thành lập, sắp đón năm thứ 100 ngày xây dựng nhà thờ trong bối cảnh nỗi lo ngày càng khó đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và đi lễ của giáo dân một cách chu đáo, mà thời buổi này hơi hiếm có lại được những ông Lê Phát An khác. |
Người Hoa có cộng đồng khá đông ở vùng Chợ Lớn tại Sài Gòn. Đã có những nhà thờ từng được dựng lên để phục vụ cho cộng đồng Công giáo người Hoa tại Sài Gòn mà chúng tôi muốn giới thiệu, đó là nhà thờ Cha Tam (25 Học Lạc, quận 5) và nhà thờ Đức Bà Hòa Bình (26A Nguyễn Thái Bình, quận 1).
Xung quanh cuộc sống sôi động của Sài Gòn, ẩn nấp trong những con phố cổ kính là ngôi nhà thờ của cộng đồng người Hoa. Kiến trúc những ngôi nhà thờ này mang một nét riêng biệt, là sự giao thoa giữa kiến trúc Công giáo với người Hoa và Việt Nam.
Giúp cha Tam xây nhà thờ
Năm 1866, thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Đô đốc Lagrandière khi đi qua ngôi nhà thờ đầu tiên của người Hoa ở Chợ Lớn thấy quá nhỏ và cũ kỹ do cải tạo từ nhà bình thường nên đã lệnh cho Sở Công trình công cộng dùng ngân quỹ Sài Gòn xây một nhà thờ mới lớn hơn gần đó ở đường Cây Mai (nay là trụ sở báo SGGP).
Trong mấy chục năm phát triển, số giáo dân Hoa và Việt ở đây luôn biến động. Thông thường khi lễ bằng tiếng Latinh xong, giáo dân người Hoa đọc kinh tiếng Hoa ở nhà thờ, giáo dân Việt đọc kinh tiếng Việt ở nhà hội, rồi đến lúc giáo dân Việt đông hơn nên vào đọc kinh trong nhà thờ, giáo dân Hoa ra đọc kinh ở nhà hội.
Nhận thấy sự bất tiện về mặt ngôn ngữ này, đồng thời thấy giáo dân Hoa suy giảm nên năm 1898, Giám mục Dépierre đã cử linh mục Phanxicô Xaviê Pierre d’ Assou (tên theo phiên âm Quan Thoại là Đàm Á Tố, hay Tam Assou, còn gọi tắt là cha Tam) vốn giỏi tiếng Hoa, vào vùng Chợ Lớn khôi phục lại và xây một nhà thờ mới dành riêng cho người Hoa.
Cha Tam đã tìm được một khu vườn dừa rộng 3 ha rất đẹp ở ngay trung tâm Chợ Lớn, địa thế đẹp nhưng gặp khó khăn là đất này do 10 Hoa kiều hùn lại mua làm nhà hội để nghỉ ngơi, giải trí… và bỏ hoang đã 20 năm, nếu mua thì phải có chữ ký của cả 10 người, mà họ đi làm ăn khắp nơi, có người về lại Trung Quốc, có người qua Singapore… Cha Tam đã cố gắng liên lạc được với chín người, còn người cuối cùng không thể tìm ra. May mắn là cả chín người đều khẳng định với cha Tam là người kia có thể đã chết nên mất liên lạc, cả chín người sẽ đứng ra đảm bảo và chịu trách nhiệm nếu người kia trở về.
Đất mua được nhưng không có tiền xây nhà thờ, do lượng giáo dân Hoa kiều quá ít, cha Tam đi vận động nhiều gia đình người Hoa khác không theo đạo, song vẫn chưa được nhiều. Cuối cùng cha Tam đã đi một nước cờ táo bạo, đó là cha đến gặp những người trụ trì, đứng đầu của toàn bộ 32 ngôi chùa và miếu của người Hoa tại Chợ Lớn lúc đó để đề nghị họ giúp đỡ, với lý do duy nhất: Phật giáo và Khổng giáo có chỗ đứng quá mạnh rồi, giờ nên giúp đỡ cho người Công giáo phát triển. Thật bất ngờ khi cha Tam nhận được sự đồng ý, người ta đã trích tiền bá tánh quyên góp xây chùa, tô tượng, đúc chuông… để giúp cha Tam xây nhà thờ.
Nhà thờ Cha Tam ẩn chứa triết học Trung Hoa trong kiến trúc phương Tây.
Triết học Trung Hoa hòa quyện trong kiến trúc phương Tây
Nhà thờ được xây lấy tên là Phanxicô Xaviê do cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê 3-12-1900. Tuy nhiên, do cha Tam đã gần như “nhẵn mặt” với Hoa kiều Chợ Lớn trong thời gian ông đi vận động quyên góp xây nhà thờ nên không chỉ giáo dân mà người bình thường cũng vẫn gọi đây là nhà thờ Cha Tam dù đến nay hơn 100 năm, trên sổ sách giấy tờ cũng như bảng tên nhà thờ vẫn không thay đổi như lúc khánh thành là nhà thờ Phanxicô Xaviê.
Năm 1934 cha Tam qua đời, thi hài được chôn ngay cạnh cửa chính nhà thờ.
Việc xây dựng nhà thờ được giao cho cha phó xứ là Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng. Chính cha Hướng là người tự nghiên cứu và thiết kế nhà thờ chứ không thuê kiến trúc sư nào. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Gothic nhưng do dành cho người Hoa nên cha Hướng đã lồng ghép nhiều yếu tố văn hóa Trung Hoa vào.
Đầu tiên, ngay khi bước vào, cổng nhà thờ thiết kế theo kiểu tam quan, tên nhà thờ viết bằng chữ Hán, mái có đầu đao, ngói âm dương nhưng thay vì đặt trang trí trên nóc theo kiểu lưỡng long chầu nguyệt… thì thánh giá được đặt ngay giữa và có hai con cá chép ở bên cạnh.
Trên nóc nhà thờ gắn hoa sen, ở cửa ra vào đều có liễn và viết chữ Hán. Trong giáo đường có bốn cột chính điện sơn son theo phong cách kiến trúc Trung Quốc, không có ở kiến trúc châu Âu. Giữa tượng Chúa Giêsu trên thập giá, hai bên là hai bức liễn sơn son thếp vàng, có câu đối:
Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện,
Thiên hương vĩnh phúc phương năng suy thiện tâm.
Tạm dịch ra:
Vinh hoa phù phiếm hư ảo không làm thỏa mãn ham muốn lòng người,
Ơn đức lâu dài thơm thảo của Thiên Chúa mới giúp suy ngẫm cái thiện.
Rất nhiều tài liệu người viết đã đọc trước đây về nhà thờ Cha Tam đều không biết đến một chi tiết đắt giá, đó là cha Hướng đã thiết kế ngoại thất nhà thờ mới nhìn tưởng theo kiểu kiến trúc Tây phương nhưng ẩn chứa trong đó giá trị triết học cổ Trung Hoa: Từ tầng dưới đi lên tầng trên có hai hành lang hai bên, tháp giữa vuông vức cửa sổ quay ra bốn hướng, tầng trên nữa xây bát giác với tám cửa sổ và mái trên cùng cũng chia thành tám mặt ứng với tám cửa sổ, toàn bộ kiến trúc này chính là quy tắc Âm Dương trong Kinh Dịch:
Tám cửa sổ với tám mái kết hợp ra 64 quẻ trong Kinh Dịch mà không phải ai cũng nhận ra.
Ở giữa sân, nơi tượng Đức Mẹ được đặt trong một lầu lục giác nên nếu nhìn từ xa và không để ý kỹ, người ta có thể dễ lầm tưởng đó là tượng… Phật bà Quan âm. Sau lưng tượng đức mẹ là hai bức phù điêu nhũ vàng, mô tả 107 thánh tử đạo người Việt và 110 thánh tử đạo người Hoa.
Linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, người đã giữ chức vụ chánh xứ ở đây trong suốt 40 năm qua (còn lâu hơn cả cha Tam - chỉ 36 năm), cho biết trước đây tượng Đức Mẹ được đặt trong hòn non bộ ở góc sân gần nhà thờ, do khi làm lễ giáo dân bị chật chỗ nên quyết định phá bỏ non bộ và chuyển tượng ra phía trước, xây lớn hơn.
Cha quyết định dùng tượng theo phong cách châu Âu truyền thống chứ không dùng tượng theo phong cách Việt của La Vang (mặc áo dài) hay phong cách Trung Quốc (mặc áo người Hoa) vì trải qua hơn 100 năm, đến nay nhà thờ Cha Tam đã không còn dành riêng cho người Hoa nữa mà cả người Việt, thậm chí có lúc giáo dân người Việt còn đông hơn theo những biến động lịch sử và xã hội ở quận 5.
Nhà thờ Cha Tam còn được biết đến là nơi mà Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai Ngô Đình Nhu đã đến cầu nguyện sau một đêm ẩn náu ở nhà thương gia Hoa kiều Mã Hỉ, trước khi bị lực lượng đảo chính đến đón đi và sát hại trong xe thiết giáp.
Nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình: Sửa lại từ ngôi từ đường của chú Hỏa
Chính diện nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình.
Năm 1952, cha sở Robert Lebat muốn phục vụ giáo dân người Hoa ở quận Nhất nên đã thuê một căn nhà ở đường Nguyễn Thái Bình (hiện nay) để làm nhà nguyện. Giá thuê và sau này đến năm 1958 mua đứt luôn đều rất rẻ vì đây vốn là nhà từ đường của Hoa kiều Hui Bon Hoa (hay còn gọi là chú Hỏa) do từ đường là nơi đặt bài vị, có khi cả hài cốt và thờ cúng người chết nên người kinh doanh hay để ở không ai muốn thuê hay mua cả.
Ngôi nhà được tu sửa lại, có xây cất thêm phía trên nhưng phần cơ bản vẫn giữ nguyên căn từ đường cũ, do xây cất bằng bê tông theo kiểu cũ nên móng khá yếu, công trình lại sát đường chỉ cách một khoảng sân nhỏ nên mỗi khi xe tải chạy qua nền nhà và các cửa đều bị… rung.
Bên trong còn rất nhiều kiến trúc đậm nét văn hóa Hoa, từ các cửa sổ, bình phong… đều giữ nguyên, trên các bức tường có khá nhiều hoa văn bằng sành sứ được khảm chìm trên tường rất quý giá. Linh mục quản sứ Thomas Huỳnh Bửu Dư cho biết hai căn nhà hai bên cũng của gia đình chú Hỏa mà lúc đó không có tiền mua, gần đây chủ nhà phá đi xây nhà mới, họ thuê thợ cả chục triệu đồng tiền công để cắt các tranh khảm tường này cho vào hộp kính đem đi đâu bán không rõ.
Đồ nội thất bên trong bằng đồ cổ vẫn còn khá nhiều vì khi bán nhà từ đường, chủ nhà đề nghị phải mua lại toàn bộ đồ nội thất và sắp xếp sử dụng gần như cũ, không được thay đổi nhiều. Trải qua nhiều năm, đồ nội thất bị hư hỏng, mất mát khá nhiều nhưng nhìn chung nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình vẫn giữ được nét đặc biệt khác lạ so với bất kỳ nhà thờ nào khác ở Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, do được tu sửa từ một căn từ đường cũ.
Nhà thờ đang xin lại tầng trên cùng, vốn được Nhà nước sử dụng làm sáu lớp học Trường Khai Minh. Trước đây chỗ này vốn để dạy giáo lý, nói chung yên ổn, khi phục vụ cho giáo dục thì các em học sinh vốn nghịch ngợm nên hay chạy nhảy, cười nói ầm ĩ khi giờ chơi hay tan học, đôi khi đang diễn ra giờ dâng lễ nên cũng ảnh hưởng khá nhiều.
Cha Dư dự định khi được trả lại sẽ xây một giếng trời để mang nguồn sáng chiếu xuống, còn hiện nay do khoảng sân trống hai bên bị các hộ dân xây nhà cao tầng nên bên trong nhà thờ lúc nào cũng tối mù mịt…
(Tổng hợp từ plo.vn)
LIÊN KẾT |