magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ

Nhà lợp mái rơm, mái rạ (Nhà rơm/ nhà tranh) là một “đặc sản” kiến trúc của vùng quê, không chỉ một thời phổ biến ở Việt Nam mà hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn trên khắp thế giới, mái rơm/tranh vẫn được sử dụng như một lối kiến trúc cổ điển đầy lãng mạn. Cho tới nay vẫn còn thịnh hành ở nhiều miền quê trên thế giới  và tạo nên nét duyên dáng đặc trưng cho kiến trúc ở vùng nông thôn.

Xen lẫn những ngôi nhà cao tầng, nhà mái ngói đỏ chót hay mái tôn kiên cố hiện vẫn còn nhiều ngôi nhà mái cói đơn sơ, độc đáo. Đây là kiểu nhà đặc trưng, từng “vang bóng một thời”

1. Nhà lợp mái rơm mái rạ là một ĐẶC SẢN

Sau một vụ mùa thu hoạch, rơm rạ đầy ngập cả đường làng, những người nông dân cần cù, hay lam hay làm đã nghĩ ra đủ hình thức tận dụng, biến những thứ tưởng như là phế thải trở thành những món đồ thủ công đẹp mắt. Trong đó, đáng kể nhất là kiến trúc nhà mái lợp rơm rạ, cho tới nay vẫn còn thịnh hành ở nhiều miền quê phương Tây và tạo nên nét duyên dáng đặc trưng cho kiến trúc ở vùng nông thôn.

Người ta vẫn xây nhà mái ngói, mái bằng bình thường, nhưng trên tầng mái thứ nhất hay còn gọi là mái trong đó là một khung mái thứ hai bao trùm ra ngoài được lợp bằng rơm rạ. Khi mưa xuống, nước sẽ trôi đi rất nhanh. Mùa hè, nó còn có tác dụng chống nắng, chống nóng. Trọng lượng nhẹ của lớp mái ngoài này cùng tính năng bảo vệ của nó giúp nâng cao tuổi thọ công trình và biến những ngôi nhà giản dị trở thành một tác phẩm kiến trúc mềm mại, duyên dáng, đầy tính thẩm mỹ. Chẳng thế mà công việc của những người thợ chuyên lợp mái rơm mái rạ được xếp vào nhóm “craft” – nghề thủ công tại nhiều nước phương Tây bởi tính chất công việc yêu cầu độ khéo léo từ bàn tay người thợ.

Ngày nay, bạn vẫn có thể tìm thấy những ngôi nhà mái gianh ở vùng nông thôn các nước Châu Âu, Châu Á, trong đó nước Anh được biết tới là xứ sở của những mái nhà gianh đẹp mắt nhất. Những ưu thế của mái rơm mái rạ đã được khẳng định qua thời gian, nó vừa hữu dụng, vừa giàu thẩm mỹ và giá thành lại rất rẻ, độ bền rất cao.

Ở những nước phát triển, khi xu hướng kiến trúc hiện đại đã trở nên quá phổ biến, những trang viên ở vùng nông thôn bắt đầu quay lại với lối kiến trúc hoài cổ và tạo nên một vẻ đẹp hài hòa với tổng thể không gian xung quanh. Đồng thời, kỹ thuật tạo hình cho mái gianh đã đạt tới mức có thể biến mỗi mái nhà thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt và không phải mái nhà nào cũng giống nhau, điều đó làm nên sự đa dạng sinh động cho mỗi công trình.

Kiến trúc mái gianh của Anh

Mái rơm mái rạ của Hà Lan

Một nếp nhà xinh của Ireland

 

Mái gianh của Nhật luôn vút cao

Mái gianh ở một vùng quê Hàn Quốc

2. Những ngôi nhà rơm ở Việt Nam

 

Nhà lợp mái bổi thực chất là được lợp từ cây cói, những cây cói đẹp được lựa chọn làm đồ thủ công mỹ nghệ, còn những cây cói xấu hay ngắn được tận dụng lợp mái nhà..

Những căn nhà này cũng thường được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng Bắc Bộ gồm 5 gian.  3 gian giữa thường được gia chủ dùng làm phòng khách, ở giữa kê bàn 2 bên còn lại kê giường, tủ. Hai trái thường được xây "lồi" ra bên ngoài, đây được xem như là phần kín của ngôi nhà để gia chủ dùng làm phòng ngủ hay cất giữ những thứ quan trọng trong gia đình.

Theo chủ những ngôi nhà cho biết, chi phí để lợp một mái nhà bằng bổi thường cao gấp hai lần so với ngói hay tôn. Thông thường cứ khoảng 30 năm mới phải sửa chữa, chi phí để lợp một ngôi nhà bằng bổi 5 gian thường hết khoảng 40 triệu đồng.

Cũng giống như nhà lợp bằng ngói, nhà lợp mái bổi mái cũng được thiết kế kiên cố với hệ thống cột, kèo, rui mè bằng gỗ và tre luồng, có điểm khác biệt là các bức ngăn được làm hoàn toàn bằng gỗ 

Các gian nhà được phân chia bằng các "vì", 3 gian giữa thông nhau, nơi giáp ranh giữa 3 gian chính và 2 trái được ngăn cách bởi bức tường gỗ. Nhà mái cói cũng được xây dựng không khác gì nhà mái ngói, mái cũng được thiết kế kiên cố với hệ thống cột, kèo, rui mè bằng gỗ và tre luồng.

Nhiều hộ gia đình ở Kim Sơn hiện vẫn còn dùng nhà mái cói vách đắp đất kiểu "nhà tranh vách đất". Đất đắp vách là loại đất sét có độ bền cao nên có thể sử dụng nhiều năm mà không bị hư hại. Đắp vách đất hiện giờ rất ít hộ dùng cho nhà lớn mà chủ yếu là các bức tường của công trình phụ như bếp hay nơi chăn nuôi gia súc gia cầm

3. Mái nhà bằng rơm để kinh doanh, tại sao không?

Giữa khu đô thị ồn ào và các tòa nhà cao tầng như những chiếc hộp khổng lồ, tìm cách làm mái nhà bằng rơm để gây ấn tượng mạnh sẽ rất thú vị. Nếu quán của bạn được thiết kế phù hợp hoặc dịch vụ bạn cung cấp có giá trị truyền thống (các món ăn dân tộc, ẩm thực vùng miền) thì làm mái nhà bằng rơm là ý tưởng tuyệt vời.

Giả sử bạn có ý định mở một quán ăn với các món truyền thống Nam Bộ, việc làm một mái lá đậm chất dân dã sẽ là điểm cuốn hút ánh nhìn của nhiều thực khách lẫn các du khách thập phương. Không chỉ có quán ăn, mái nhà bằng rơm hay cỏ tranh tự nhiên/nhân tạo đều thích hợp cho việc làm những chòi nghỉ ở hồ bơi, các khu ăn uống giải trí cạnh biển, các sân tập tennis hoặc những vòm nghỉ trong khuôn viên khu vui chơi giải trí.

Thực ra bạn nên giao công việc này cho một đơn vị thi công có kinh nghiệm trong việc làm các mái rơm. Hãy chọn các đơn vị đã từng thực hiện các dự án có mái rơm vì không phải đơn vị nào cũng nhận thi công phong cách này. Thử tìm trên mạng internet và đến văn phòng nơi tư vấn của họ để tìm hiểu. Yêu cầu công ty cho bạn một bảng báo giá để bạn có thể ước lượng chi phí. Mặc dù cách làm mái nhà bằng rơm tương đối dễ hơn thi công một số vật liệu khác nhưng bạn cũng đừng nên tự ý làm mà thiếu kién thức về nó.

Bạn hãy hỏi đơn vị tư vấn rằng vật liệu rơm sẽ do họ cung cấp hay bạn tự mua. Nếu là tự mua, bạn nên kiểm tra xem rơm có bị mốc hay bị côn trùng phá hoại hay không. Rơm được xử lý tốt sẽ không gặp phải vấn đề này. Tốt hơn hết, bạn có thể mua rơm nhựa nhân tạo thì sẽ không sợ các vấn đề trên. Ngoài ra rơm nhựa cũng rất bền, thời gian có thể đến 50 năm và không dễ bắt cháy (đối với loại chống cháy).

4. Cách lợp mái nhà rơm nhân tạo

Cách làm mái nhà bằng rơm cũng không quá khó nhưng yêu cầu độ tỉ mỉ. Mái rơm thường được làm 2 lớp với những thanh tre hoặc sắt. Các lớp chồng lên nhau có độ dày 20cm. Tùy theo thiết kế, bạn có thể làm mái rơm hình dấu “^”, dài với độ dốc cao. Hoặc bạn có thể chọn loại nhà rơm lợp theo hình tròn như một chiếc nấm.Nhiều chủ quán không lợp mái rơm cho toàn bộ không gian của họ mà chỉ lợp mặt tiền hoặc một số phụ cảnh bên trong quán cho đẹp mắt, tuy bên trong vẫn mang nét hiện đại. Lựa chọn này cũng khá thú vị nhưng có thể không đơn giản trong thi công (vì không đồng nhất).  Ngoài việc lợp mái rơm, bạn có thể sử dụng các tiểu cảnh bằng rơm cũng rất bắt mắt, những đôi quan gánh, bó rơm khô…là vật trang trí dễ thương cho quán của bạn.

a. Cách lợp mái rơm theo kiểu truyền thống 

Nhà mái là là một kiểu kiến trúc rất độc đáo ở một số nước Á Đông. Ngày nay, tuy chúng không còn quá phổ biến trong việc xây nhà ở, song mái nhà rơm vẫn được ứng dụng rộng rãi trong trang trí các kiểu kiến trúc đặc biệt, các công trình thẩm mỹ, giải trí hoặc các quán ăn. Kiểu thi công của nhà mái lá trông đơn giản nhưng thực chất rất tỉ mỉ và nghiêm cẩn.

- Tìm nhân công

Không phải thợ xây nào cũng có thể lợp nhà bằng rơm. Đa phần hiện nay người ta chỉ biết xây nhà bằng gạch, tôn, xi măng vì nhà rơm không còn phổ biến nữa. Tuy nhiên với những đơn vị thi công chuyên nghiệp từng thực hiện các công trình cho những quán xá, những khu công viên giải trí hay các công trình công cộng, thì họ sẽ có khả năng đảm đương việc này.

Cách lợp mái nhà bằng rơm không quá khó, chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Bạn hãy tìm ở các đơn vị chuyên về kiến trúc để được họ tư vấn toàn diện.

- Chọn mua rơm đã qua xử lý

Rơm trước khi lợp được phơi khô tuy nhiên cũng không quá khô. Sau đó, người ta dùng dây để buộc rơm thành từng tép dính liền nhau rồi gắn chúng vào 1 khung cây cố định. Hằng ngày phải chú ý bảo quản để rơm không bị mối mọt hay ẩm mốc. Bạn hãy chọn mua rơm ở nhữg nơi uy tín và kiểm tra xem rơm có bị ẩm mốc hay không.

Tuy nhiên, có một lựa chọn khác là bạn có thể sử dụng rơm nhân tạo thì sẽ không phải lo lắng. Bởi rơm nhựa nhân tạo không bao giờ bị mối mọt hay mốc meo. Nó chống chịu rất bền và có tuổi thọ lâu dài có thể lên đến 50 năm. Nếu quyết định sử dụng loại rơm nhân tạo này, bạn chỉ cần tìm trên mạng internet các đơn vị cung cấp và đến xem. Nên chọn loại rơm chống cháy cho an toàn.

- Dựng nhà và làm khung mái nhà

Lớp mái thứ nhất (giống phần la phông trong nhà xây) là những cây tre già ngâm nước hơn 1 năm để khỏi mối mọt, chẻ trải rồi ép phẳng thành tấm, bên trên đắp đất bùn trộn nhuyễn với rơm. Sau đó người ta lợp rơm lên.

Lớp mái thứ 2 được chống cao phần đỉnh với độ dốc lớn để đến mùa mưa thóat nước nhanh. Mái tranh của loại nhà này dày đến 20, 30cm. Cách lợp mái rơm theo kiểu này dành cho các chủ nhân muốn làm một khu riêng biệt bằng rơm để tạo khung cảnh đẹp cho khuôn viên nhà mình hoặc cho các hộ dân ở vùng quê lợp nhà ở.

So sánh nhà mái rơm truyền thống và mái rơm nhân tạoNhà rơm, mái rơm một trong những sản phẩm chống nắng nóng tuyệt vời, đặc biệt với những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Nhưng có rất nhiều khó khăn, và tốn kém cho mái rơm truyền thống. Do đó, các sản phẩm mái rơm nhân tạo là sự lựa chọn tối ưu nhất.

b. Cách lợp nhà mái rơm nhân tạo

Bàn về cách lợp mái lá nhân tạo, chúng ta có thể lợp trực tiếp hoặc sử dụng thêm lớp mái lót bằng nhiều loại vật liệu khác nhau tuỳ theo điều kiện và mục đích sử dụng như: tôn, panel, bê tông, gỗ, xốp…

Nhiều công trình có phần mái được đổ bê tông và phủ ngoài bằng mái lá nhân tạo. Đây là sự kết hợp phổ biến cho các công trình cần sự bền vững, trường tồn cùng thời gian.

Phần mái bê tông với ưu điểm chống thấm, cách nhiệt, chịu được mọi khắc nghiệt của thời tiết, kết cấu bền vững. Lớp mái lá nhân tạo phủ bên ngoài không chỉ có tác dụng trang trí mà còn chống nóng, nâng cao tính năng chống thấm của mái bê tông. Ngoài ra, trần bê tông được làm giả vân gỗ, mang lại vẻ đẹp độc đáo cho công trình.

Bạn lo lắng điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa gió bão khiến mái lá nhanh hỏng? Đừng lo, mái lá nhân tạo với tuổi thọ lên đến 50 năm, khả năng kháng cháy, kháng gió, kháng ẩm mốc vượt trội sẽ giúp công trình mãi bền đẹp với thời gian.

Với rất nhiều ưu điểm vượt trội và tuổi thọ lên đến 50 năm, mái lá nhân tạo trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư thông thái.

5. Ưu điểm của mái rơm nhân tạo so với mái rơm thông thường

Nhiều khách hàng thắc mắc với chúng tôi về sự chênh lệch giá giữa mái lá truyền thống và sản phẩm rơm nhân tạo. Vậy có gì khác biệt giữa nhà mái lá truyền thống và mái lá nhân tạo?

Với mái lá truyền thống bạn sẽ phải thay mới sau 1-2 năm sử dụng. Nhưng với rơm nhân tạo, độ bền kéo dài đến 50 năm và bảo hành lên đến 10 năm.

Nắng nóng khắc nghiệt làm mái lá truyền thống phai màu, mưa dầm hoặc độ ẩm cao làm mái lá nhanh mục rữa và gây mùi khó chịu. Tất cả những điều ấy không xảy ra với mái lá nhân tạo do chất liệu nhựa thân thiện với môi trường có độ bền cao, chống thấm nước, không mục nát.

Gió bão sẽ khiến mái lá truyền thống bay tan tác, bạn lại mất thêm khoản tiền trùng tu và dọn vệ sinh. Nhưng mái lá nhân tạo với công nghệ kháng sức gió lên đến 180kph sẽ giúp công trình của bạn luôn bền đẹp trong thời tiết khắc nghiệt.

Nắng nóng khô hanh khiến mái lá truyền thống dễ bén lửa. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra với công nghệ chống cháy của mái lá nhân tạo.

Côn trùng, nấm mốc, chim,chuột rất thích trú ngụ trên mái lá truyền thống. Không những vậy chúng còn gặm nhấm và thải phân khắp nơi. Nhưng mái lá nhân tạo sẽ luôn đảm bảo sức khoẻ của bạn khỏi nấm mốc côn trùng gây hại.
Mái lá nhân tạo thi công nhanh gấp 3 lần mái lá truyền thống, mẫu mã màu sắc đa dạng mang đến cho bạn nhiều sự lựa chọn.

6. Nhà rơm – Ngôi nhà tương lai

Bạn nghĩ rằng nhà rơm dễ cháy, tạm bợ và mau hỏng?

Thực tế đang chứng minh điều ngược lại.

 Nếu trong câu chuyện cổ tích quen thuộc về ba chú heo con, ngôi nhà làm bằng rơm nhanh chóng bị thổi sập bởi con sói xấu xa, thì trong thực tế, rơm được nén thành từng kiện lại trở thành loại vật liệu xây dựng lý tưởng – kiên cố, bền, đẹp và rất tiết kiệm năng lượng.

Bảy ngôi nhà rơm tại Bristol đã chính thức được chào bán trên thị trường bất động sản Anh từ đầu tháng 2/2015. Những ngôi nhà có khung gỗ với tường đúc từ rơm, được ốp ngoài bằng gỗ hoặc gạch để tạo thẩm mỹ. Đây không phải những ngôi nhà rơm đầu tiên ở Anh, nhưng là những ngôi nhà đầu tiên được thương mại hóa – kết quả của một dự án nghiên cứu do EU tài trợ, thực hiện bởi Đại học Bath phối hợp với Công ty Kiến trúc Modcell.

Phát biểu trên BBC News, Giáo sư Pete Walker – người đứng đầu nhóm dự án cho biết, từng tồn tại không ít quan niệm sai lầm về việc sử dụng rơm, ngoài tính bền vững còn có những e ngại về nguy cơ dễ cháy. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ông đã tiến hành nhiều thử nghiệm và chứng minh: rơm là vật liệu xây dựng an toàn và vững chắc. Theo ông, rơm hấp thụ khí thải carbon, do đó dùng rơm xây nhà còn là cách “nhốt khí thải vào tường” hết sức hiệu quả. Ước tính, tốn khoảng 7 tấn rơm để xây một căn nhà 3 phòng ngủ tiêu chuẩn. Như vậy, khoảng 4 triệu tấn rơm được làm ra mỗi năm tại Anh đủ sức cung cấp nguyên liệu cho hơn nửa triệu ngôi nhà mới. Việc dùng rơm trong xây dựng không chỉ tận dụng hiệu quả lượng chất thải khổng lồ trong nông nghiệp mà còn bớt sinh khí thải, góp phần làm giảm tác động biến đổi khí hậu. Từ một phụ phẩm nông nghiệp bình thường, rơm đang dần trút bỏ cái mác “chân quê” để trở thành nguồn nguyên liệu tái tạo hiện đại, thân thiện với môi trường và sẵn có ở mọi nơi trên thế giới.

Nhà rơm chính thức chào bán tại Bristol (Anh).

Giáo sư Pete Walker và đồng sự đang thử nghiệm một kiện rơm trát vữa.

Xây nhà bằng rơm

Không phải ý tưởng mới, những ngôi nhà rơm đầu tiên có mặt rất sớm trên vùng đồng bằng châu Phi từ thời tiền sử. Rơm cũng được sử dụng trong xây dựng ở châu Á và Bắc Âu, chủ yếu dùng lợp mái nhà. Nhà mái rơm vách đất rất phổ biến ở vùng quê Việt Nam thời xưa. Vào cuối thế kỷ 19, những người định cư tại Sandhills, vùng Tây Bắc Nebraska (Mỹ) phải đối mặt với vấn đề khan hiếm gỗ xây dựng. Khu vực chỉ toàn cát và cỏ rậm này cũng không gần tuyến đường sắt để vận chuyển gỗ về. Ai đó đã nghĩ ra giải pháp dùng đến rơm. So với cỏ khô, rơm ít gây dị ứng do không lẫn phấn hoa và rất bền vững (trong rơm chứa lignocellulose nên khó phân hủy sinh học, muốn phân hủy cần thêm nitrat). Từ đó những ngôi nhà ở, trường học, nhà thờ với tường rơm đơn giản bắt đầu xuất hiện.

Có hai cách dựng nhà rơm. Cách thứ nhất xếp chồng các kiện rơm như những viên gạch lớn thành kết cấu chịu lực cho cả tòa nhà, mái nhà đặt lên sau cùng. Cách thứ hai chỉ cần độn rơm vào bộ khung nhà dựng sẵn. Để bảo vệ nhà rơm khỏi côn trùng, lũ bò háu ăn và không khí ẩm thấp, người ta trát lên tường rơm lớp thạch cao, bùn, hoặc vữa. Lớp trát này giúp nhà rơm thêm vững chắc, đủ sức chống chọi những cơn lốc dữ trên các đồng cỏ Nebraska. Đây chính là tiền thân của nhà rơm hiện đại. Ngày nay, người ta tìm được những ngôi nhà rơm bền vững trên 75 năm tuổi ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, từ nóng sang lạnh, từ khô đến ẩm.

Rơm và lợi thế cạnh tranh

Từ năm 2010, nhóm nghiên cứu của Đại học Bath đã tiến hành nhiều thử nghiệm trên các kiện rơm. Họ khám phá ra hàng loạt đặc tính tuyệt vời của rơm trong xây dựng. Kết quả mọi thử nghiệm đều cho thấy rơm là giải pháp xây dựng bền vững.

Một ngôi nhà nhỏ không cần kết cấu chịu lực gì nhiều ngoài các bức tường rơm có thể chịu được sức gió trên 193 km/giờ, luồng nước trọng lượng hơn 4 tấn và nhiệt độ khắc nghiệt từ -20oC đến 50oC. Trái với quan niệm cho rằng nhà rơm dễ cháy, thử nghiệm cho thấy tường rơm chống cháy gấp 2-3 lần so với tường truyền thống. Rơm thực sự dễ bắt lửa, nhưng nếu nén chặt thành từng kiện sẽ hạn chế oxy lọt vào, giảm nguy cơ cháy đáng kể. Lớp phủ vữa hoặc thạch cao cũng bổ sung khả năng chống cháy cho tường rơm. Theo kết quả kiểm tra của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada, tường rơm trát vữa có thể chịu được nhiệt độ lên đến 1.850oF (khoảng 1.010oC) trong 2 giờ, đạt tiêu chuẩn chống lửa cấp độ A dành cho các tòa nhà công cộng.

Ngoài độ thoáng khí tự nhiên, không chứa hóa chất độc hại như vật liệu xây dựng nhân tạo, khả năng hấp thu khí thải carbon còn giúp rơm đạt được lợi thế cạnh tranh độc nhất vô nhị so với các vật liệu xây dựng “xanh” khác. Theo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, mỗi năm Mỹ đốt bỏ hơn 200 triệu tấn rơm, sinh lượng lớn khí thải. Thay vì đốt, số rơm này có thể dùng xây 2-3 triệu ngôi nhà. Rơm có sẵn ở nhiều nơi nên còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Ước tính lượng khí thải sinh ra từ xây dựng và giao thông chiếm đến 50% tổng lượng khí thải, do đó tái sử dụng rơm là biện pháp lý tưởng cho môi trường, vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm khí thải hiệu quả.

Trong khi các nhà môi trường đánh giá cao ưu điểm giảm thải carbon, giới xây dựng lại chuộng nhà rơm ở khả năng vận chuyển và tháo lắp linh hoạt. Các kiện rơm to nhưng nhẹ, dễ tạo hình và di chuyển nên quá trình dựng nhà khá nhanh chóng, đơn giản, không cần đến lao động tay nghề cao. Nhà rơm dễ dàng được dựng nên với đủ loại kiến trúc đa dạng.

Một ngôi nhà rơm xây dựng ở Somerset (Anh).

Các kiện rơm được nén vào khung gỗ.

Sau khi trát thạch cao và ốp gỗ, nhà rơm đẹp không kém nhà gạch truyền thống.

Ngôi nhà mơ ước

Khi gỗ xây dựng ngày càng đắt và hiếm thì nhà rơm càng được quan tâm. Bởi rơm sẵn có khắp nơi nên nhiều người cho rằng xây nhà rơm rất rẻ. Điều này tưởng đúng mà lại không. Xây nhà rơm đúng là tốn ít chi phí nguyên liệu và nhân công hơn nhà truyền thống thật, nhưng rơm chủ yếu dùng làm tường, trong khi chi phí tường chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng chi phí xây dựng. Do đó chi phí xây nhà rơm thực ra không chênh lệch mấy so với nhà truyền thống, thậm chí nhỉnh hơn đôi chút nếu cộng vào một số khoản chi khác cho cửa, mái, nền…

Thực chất, lợi ích gặt hái lớn nhất từ một ngôi nhà rơm là “hiệu quả năng lượng”. Khoản tiết kiệm hấp dẫn nhất của ngôi nhà nằm ở chi phí thông gió và điều hòa không khí. Theo các chuyên gia, tường rơm trát vữa vừa thông thoáng vừa có chỉ số cách điện R cao, cách nhiệt tốt, và dễ điều chỉnh nhiệt độ. Một ngôi nhà rơm mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông có thể giúp chủ nhà tiết kiệm từ 75-90% chi phí hàng năm cho sưởi ấm và làm mát. Tường rơm dày dặn còn chống thấm và cách âm tuyệt vời nên thường được dùng trong các phòng thu âm và cho những ngôi nhà ở khu vực ồn ào gần đường cao tốc. “Ấm cúng”, “yên tĩnh”,và “không khí tuyệt vời” là những gì mà mọi người cảm nhận được khi bước vào một ngôi nhà rơm. Đó thật sự là ngôi nhà đáng mơ ước.

Nhưng liệu nhà rơm có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở? Chắc chắn là được – Barbara Jones, một trong những chuyên gia xây dựng nhà rơm tại Anh khẳng định. Không chỉ vậy, rơm còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang một ngành xây dựng “xanh”. Việc sử dụng rơm sẽ biến các tòa nhà thành những “ngân hàng” lưu trữ khí thải carbon tự nhiên. Tuy chưa có quy định cụ thể nhưng xây nhà bằng rơm đã trở thành ngành công nghiệp hẳn hoi với tên gọi “Straw-bale construction”. Dù vậy, trở ngại lớn nhất hiện nay lại chính là sự miễn cưỡng đáng ngạc nhiên của giới xây dựng trong việc sử dụng vật liệu mới và tình trạng khan hiếm nhà đầu tư. Bởi rơm là vật liệu tự nhiên, không phải loại sản phẩm có thể áp dụng công nghệ sản xuất để hái ra tiền nên nhà đầu tư không mấy mặn mà. Trong khi đó, đa số những người chịu dấn thân vào lĩnh vực xây nhà rơm lại không đủ khả năng chi trả cho các thử nghiệm chứng minh tính an toàn và bền vững. Có thể nói, dự án “7 ngôi nhà rơm” của Đại học Bath và Công ty Modcell chính là bước mở đường để nhà rơm chính thức xuất hiện trên thị trường bất động sản. Cô Manjit Kaur, một đại diện phụ trách bán nhà rơm tại Bristol khẳng định, một khi nhà rơm đã tạo dựng được lòng tin với người mua, vấn đề duy nhất sẽ là… không có đủ nhà để bán.

 

Tổng hợp

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ