S-Space là công trình mới nhất của H&P Architects được giới thiệu vào cuối năm 2018. Chữ S khiến người ta nghĩ ngay đến một không gian uốn cong mềm mại phía sau những bức tường đá vuông vức – nhưng vì không thấy nó ở đâu trong các hình ảnh đã công bố, nên tạo ra một sự tò mò để tìm hiểu. Những không gian rộng / hẹp, ngắn / dài nối tiếp nhau và không lặp lại trong công trình, kích thích người xem khám phá để rồi ngạc nhiên nhận ra là đường cong ấy không hề tồn tại (Stimulation & Sruprise)…
Gây tò mò không kém là cách đặt tên S-Space không theo kiểu thông thường (lấy chữ đầu tên chủ nhân), cũng không theo kiểu mà H&P vẫn dùng (bằng chữ đầu của các vật liệu chính – như BES Pavilion ở Hà Tĩnh = Bamboo / tre + Earth / đất + Steel / thép). Ở đây, “S” trước hết chỉ một hành động, rồi mới đến đối tượng là các vật liệu, và được diễn giải một cách cũng không bình thường: S = Save the Stones & Scaffoldings (Giải cứu đá và giàn giáo).
Cách viết kiểu Tây này thật khó mà chuyển nghĩa sang tiếng Việt cho trôi chảy. Không biết liệu có ai cho rằng Save ở đây là “tiết kiệm” hay là “bảo quản” không? (nghe chừng có vẻ cũng phù hợp khi các vật liệu chính được sử dụng trong công trình đều là đồ tận dụng). Còn “giải cứu đá và giàn giáo” là cách dịch rất “thật thà” (word by word – như kiểu “Giải cứu binh nhì Ryan” của Steven Spielberg, 1998) – nhưng tại sao lại phải “giải cứu” những thứ sắt đá vô tri vô giác? Mà đối với chúng thì điều đó có ý nghĩa như thế nào? Thực chất, việc tái sử dụng đá phế liệu và ống thép giàn giáo ở đây không phải là để tiết kiệm hay nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường – mà là tạo điều kiện cho những thứ vốn sinh ra không được lành lặn và đẹp đẽ có cơ hội được hiện diện, được tham gia vào việc kiến tạo không gian và có tiếng nói chính danh trong kiến trúc. “Giải cứu” – tức là giải thoát những thứ xấu xí “đầu thừa đuôi thẹo” khỏi thân phận là “phế thải” – “rác thải”, từ chỗ là đồ bỏ đi trở thành hữu ích, được kết hợp lại bên nhau một cách trân trọng, không kể đến nguồn gốc “cao quý” (từ danh lam thắng cảnh quốc gia) hay “tầm thường” (từ công trường xây dựng). Điều đó thực sự cũng có ý nghĩa như là một sự cứu rỗi vậy.
Nhưng S-Space không phải chỉ là Stimulation & Surprise và Save the Scraps, mà còn phản ánh / liên hệ tới nhiều yếu tố, nhiều vấn đề “S” khác của kiến trúc.
Câu chuyện về Kẽm Trống bị xâm hại (“nóng” trên mạng xã hội khoảng 2-3 năm nay) thực ra không liên quan tới địa điểm xây dựng nằm trong khu đô thị mới của thị trấn Đồng Văn – chỉ là cùng thuộc tỉnh Hà Nam. Khu đất có hình chữ L, diện tích 720 m2 và có tới 3 hướng tiếp cận khác nhau do được ghép lại từ 4 lô đất 180 m2. Trong đó lô phía sau ở hướng Nam được để trống đón gió mát (chỉ làm sân vườn cho trẻ em chơi), và phần lớn lô đầu tiên ở góc đường được tổ chức thành không gian cảnh quan (cây xanh mọc trên mặt nước). Tại vị trí quan trọng này – ở góc chuyển giữa trục giao thông chính và tuyến cảnh quan, có tầm nhìn rất đẹp và rộng mở (với ~60m mặt tiền) nhưng hình dạng lại không vuông vắn – nếu chỉ làm nhà ở thấp tầng (kể cả là biệt thự sang trọng) sẽ không tránh khỏi bị vụn vặt về hình khối và tiểu tiết. Vì vậy, sự hiện diện của S-Space với kích thước 25m x 12m tại vị trí này có thể đã phá vỡ “bức tranh quy hoạch” trên giấy – nhưng trên thực tế thì hoàn toàn có lý và có thể chấp nhận được, bởi công trình có khối tích đủ lớn và hình thức đủ mạnh nhưng chiều cao chỉ bằng ngôi nhà 2 tầng và mật độ xây dựng chỉ ~40%. Trong tương lai, khi khu nhà ở liền kề được xây dựng “hoàn chỉnh” – với chiều dài hàng trăm mét và mật độ xây dựng lên tới 70-80%, với một cộng đồng dân cư gồm 2-3 thế hệ – thì một không gian dịch vụ công cộng thoáng như vậy sẽ ngày càng phát huy hiệu quả và sẽ là một nhân tố làm nên cảm nhận về “hồn nơi chốn”/ tinh thần của địa điểm. Còn hiện tại, khi địa điểm này mới đang được hình thành, bối cảnh vẫn chưa ổn định – thì S-Space đã chứa đựng yếu tố tinh thần ấy trong không gian của chính nó.
Ở bên ngoài, S-Space như một ngôi nhà lớn đơn giản và liên thông, nhưng khi vào bên trong thì lại phức tạp như một mê cung – do có sự hỗn hợp của 2 hình thái không gian khác nhau. Ở phần thân nhà là những bức tường đá gấp khúc nhiều lớp (tượng trưng cho các dãy núi), tạo thành một chuỗi những không gian rộng – hẹp nối tiếp nhau ngoằn nghoèo như con rắn (Snake Shape) – nơi lẽ ra có một dòng sông. Trong không gian của phần mái thông suốt từ đầu đến cuối công trình, là một vệt sàn lửng chạy dài song song với sống mái, vắt ngang qua các bờ tường và xuyên giữa rừng giàn giáo đâm chéo lên làm kết cấu đỡ mái. Tuy nhiên, sự khác biệt đến mức tương phản (về màu sắc, hình dạng, tính chất, cấu trúc, chiều hướng,..) giữa các bức tường đá bên dưới và các thanh tre/ giàn giáo trên cao làm cho phần thân và phần mái như tách khỏi nhau, chỉ đặt lên nhau một cách lỏng lẻo / ngẫu nhiên. Để cho các không gian này là của nhau một cách hữu cơ hơn – thì các bức tường trong nhà nên làm cao thêm (~1m, ở những chỗ không có sàn lửng), và các thanh thép mọc ra từ mặt tường đá (không chỉ ở trên đỉnh – Vì Thổ sinh Kim). Mặt khác, các thanh này cũng cần được nhấn mạnh để tập trung thực hiện tốt vai trò là hệ thống kết cấu chuyển tiếp giữa cấu trúc mạng ca rô của mái và cấu trúc tuyến zíc zắc của tường, nên có thể sơn một màu khác để không bị lẫn với tre trúc (Vì Kim khắc Mộc), cũng không nên quá tự do mà thành rối mắt.
Khi mà đá được thu gom từ những khai trường/ làng nghề còn giàn giáo được tận dụng từ những công trường xây dựng – nhất là với thông điệp “kiến trúc có trách nhiệm với môi trường tự nhiên” – thì có lý để cho là H&P đang theo đuổi xu hướng kiến trúc “xanh”. Nếu thêm thông tin là ngoài đá và giàn giáo ra công trình còn có thể dùng tre nứa rất sẵn có ở các làng quê (để làm sàn, làm mái) và tận dụng cả gỗ cốp pha (để làm bàn ghế), rồi dùng nước tuần hoàn để làm mát cả trên mái và dưới nhà,.. thì S-Space có lẽ sẽ là một kiến trúc “xanh” thật sự hoàn hảo. Nhưng H&P đã rất thẳng thắn, không “sáng tác” thêm như vậy – vì đó không phải là ý tưởng chủ đạo của họ. Và dù vậy thì S-Space vẫn xứng đáng là một kiến trúc có tính bền vững – từ nghĩa đen là khả năng chịu lực cơ học (Strong – với những bức tường đá dày chắc và kiên cố, chỉ để đỡ một vệt sàn lửng và mái nhẹ), đến khả năng thích ứng với những khía cạnh của môi cảnh để tồn tại lâu dài (Sustainable – như các giải pháp thiết kế thụ động, thích ứng với điều kiện khí hậu, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, tận dụng vật liệu sẵn có ở địa phương, sử dụng nguồn nhân lực và kỹ thuật tại chỗ,..). Thích ứng để trường tồn – không chỉ trong quan hệ với môi trường tự nhiên, mả với cả thế giới vật chất và tinh thần của con người – là định hướng dẫn dắt từ ý đồ đến chỗ hình thành những giải pháp “xanh” đúng lúc, đúng chỗ, một cách tự nhiên nhất. Được như thế thì kiến trúc mới thực sự là bền vững.
Một phần quan trọng nữa trong thông điệp của H&P là “Kiến trúc có trách nhiệm với môi trường văn hóa – xã hội”, với tính chất là một không gian mở phục vụ cộng đồng, nội dung thường nhật là quán cà phê và định kỳ có hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nếu chỉ như vậy thì có gì khác các quán cà phê ca nhạc? “Trách nhiệm xã hội” ở đây không đơn giản chỉ là sự đánh động – cảnh báo mà đề cập đến các chức năng xã hội của kiến trúc – bao gồm các khía cạnh: Giáo dục/thẩm mỹ, thông tin/giao tiếp và nhân văn/nhân đạo. Ý tưởng về không gian cộng đồng mở đã được H&P thực nghiệm ở BES Pavilion (Hà Tĩnh, 2013), BE Friendly (Mạo Khê, 2016) và nhận được sự đồng thuận của các chủ nhân/ chủ đầu tư trong việc chia sẻ quyền sử dụng mảnh đất thuộc sở hữu riêng của mình cho đời sống xã hội, chấp nhận bỏ tiền làm một không gian không có cửa để mọi người có thể tiếp cận tự do. Nhà không cần cửa ở nông thôn và miền núi thì dễ hiểu, nhưng ở môi trường đô thị lại là một thách thức không nhỏ về an ninh (thậm chí nhiều ngôi đình làng bây giờ cũng đã phải thường xuyên cửa khóa then cài để bảo vệ tài sản). Có phải thêm chi phí để thuê người bảo vệ – song từ góc độ khác thì lại giúp cho những người hoàn cảnh khó khăn một cơ hội làm việc để có thu nhập, một mái nhà để che mưa nắng – qua đêm. Trước mắt, S-Space là quán cà phê – nhà hàng, nhưng hoàn toàn có thể trở thành một nhà sách – thư viện mở, một phòng trưng bày – cửa hàng, lớp học nhỏ – không gian vui chơi của trẻ em, nơi gặp mặt – sinh hoạt của các nhóm xã hội,.. – ít nhất cũng chia sẻ được khu WC để cải thiện vệ sinh môi trường. Thiết kế của H&P – chuyển từ một không gian đóng kín thành không gian mở – là tiền đề cho việc quản lý và tổ chức sử dụng tiếp tục đưa nó trở thành một không gian cộng đồng. Và ở đây phải ghi nhận sự hỗ trợ rất lớn của các chủ nhân và chủ đầu tư đã tạo điều kiện cho H&P thực hiện được ý tưởng nhân văn của mình.
H&P khá kiệm lời nên chỉ dùng một vài hình ảnh sơ bộ để diễn giải quá trình tư duy của mình sao cho dễ hiểu nhất. Vì thế sự liên hệ từ cảm hứng đến ý tưởng sáng tạo đang được hồn nhiên hóa – đơn giản hóa (Simplify) về cả đường nét và logic kiến tạo không gian. Hầu như những gì có trong phác thảo ban đầu (núi, cây, mây, nước) đều được đưa vào công trình, gắn với một thành phần kiến trúc cụ thể (núi -> tường đá, sông -> lối đi, mây -> mái nhẹ,..). Nhưng thực tế thì từ phác thảo đến hiện thực là cả một hành trình tư duy không hề đơn giản. Cảm hứng chỉ gợi mở những ý nhỏ, từ đó KTS phải xây dựng thành ý tưởng chủ đạo và KTS phải cụ thể hóa thành giải pháp thiết kế, đồng thời phát triển để nâng cấp thành tư tưởng kiến trúc, khái quát hóa thành triết lý sáng tác (quá trình này có thể tiếp diễn kể cả sau khi dự án đã hoàn thành và tiếp nối sang dự án khác). S-Space đã là công trình thứ 3 trong vòng 5 năm của chuỗi các kiến trúc dạng này – nên đã đến lúc H&P phải làm được điều đó để nâng cấp chính mình. Mặt khác, sáng tạo với tính chất một hoạt động khám phá thì không thể đi mãi theo một lộ trình an toàn nhất, mà là đi ở ranh giới giữa cái đã biết và chưa biết, ở ngưỡng tới hạn của năng lực và nhu cầu. H&P có tư duy trực diện và thẳng thắn, cách biểu đạt mộc mạc và có chừng mực nên kiến trúc cũng giản dị và chân thật (Straight forward) – nhưng cũng vì thế mà vẫn còn thô ráp, chưa được gọt giũa gia công nên còn hiền lành và chưa thật mãn nhãn/ bắt mắt. Nếu có thể “vặn” cho sống mái “lệch” thêm chút nữa, nếu làm cho sàn lửng “bay” hẳn ra phía trước thành một điểm nhấn ở đầu hồi, nếu làm cho tấm mái dày hơn, khỏe hơn, “vươn” ra xa hơn và “sà” xuống thấp hơn – thì hiệu quả tạo hình sẽ mạnh mẽ và cảm nhận thị giác cũng trọn vẹn hơn.
Hình ảnh những sông – núi – cỏ – cây hồn nhiên trong cảm hứng ban đầu chỉ gợi lên sự hoài niệm nhẹ nhàng về một thắng cảnh thiên nhiên đang bị xâm hại. Nhưng hình ảnh kiến trúc trong thực tế lại có thể khơi dậy những cảm nhận (Sensibility) trực diện rất mạnh mẽ. Đó là một nỗi buồn (Sorrow) thấm thía – trước tình trạng giá trị di sản của cha ông để lại đang bị chính con cháu mình tàn phá. Đó còn là một cảm giác trào phúng (Satire/ Sarcasm) sâu cay – với những liên tưởng có thể gây sốc (Shocking): Dãy núi tự nhiên chỉ còn là những bức tường đá đều chằn chặn, vuông vức, màu đen, không sự sống; những giàn giáo thép mọc ra từ đó như rừng cây khô trụi lá; dòng sông Đáy uốn khúc giữa các khe núi cũng đã cạn trơ đáy,.. Rồi một sự quan ngại – hoài nghi (Solicitude/ Sceptisism) sâu sắc – từ mối liên hệ giữa cấu trúc hạ tầng đặc chắc và kiên cố (Strong và Solid) với kiến trúc thượng tầng mỏng mảnh và xiên xẹo (Slim/ Slight): Sức mạnh nào có thể tách rời và xô lệch những vách đá kiên cố như vậy? Và đã như thế rồi thì còn sức mạnh nào có thể ràng buộc và liên kết chúng lại với nhau nữa? Rõ ràng tinh thần chủ đạo của kiến trúc ở đây không phải là tái hiện sự thơ mộng của quá khứ – mà là gợi lên sự khốc liệt của hiện thực, trong những tương quan có phần trớ trêu/ trái khoáy. Chính điều đó có ý nghĩa cảnh báo – thức tỉnh nhận thức chung của XH nhiều hơn là những ám chỉ trực tiếp hay gián tiếp về một Kẽm Trống “ở đâu đó”/ về một khu công nghiệp mà ở đâu cũng có. Và cũng từ đó mà hình thành cảm nhận về ý nghĩa của không gian – là sự biểu hiện cụ thể hơn, ở cấp độ vi mô hơn của khái niệm “hồn nơi chốn” – “tinh thần của địa điểm”.
Những liên tưởng mang tính so sánh & ẩn dụ như trên là một mảng nội dung quan trọng của ngôn ngữ biểu đạt thị giác – nó kết nối cái nhìn thấy (Seen – thuộc lĩnh vực Ký hiệu học/ Semiotics) với cái cảm thấy (Sense – thuộc lĩnh vực Ngữ nghĩa học/ Semantics), và nhờ vậy mà góp phần làm phong phú thêm giá trị tinh thần của kiến trúc.
“S” không chỉ là một chữ cái, mà là một ký hiệu mang rất nhiều ý nghĩa – cả cái phổ quát và cái chuyên biệt, cả vật chất và tinh thần, ở cả phương Đông và phương Tây. Một loạt các yếu tố / vấn đề đã đề cập trong bài viết này (bằng tiếng Anh) đều bắt đầu bằng chữ “S” và được phản ánh trong S-Space ở Việt Nam. Nhìn từ góc độ văn hóa Á Đông, “S” là một phần biểu tượng của thuyết Âm – Dương, biểu hiện quy luật thống nhất trong sự đa dạng và chuyển hóa giữa các mặt đối lập. Trong tiếng Anh có rất nhiều cặp “S” đối ứng như vậy (Square >< Sphere, Slow >< Speedy, Strong >< Shy, Sound >< Silence, Sudden >< Sequence, Solidarity / Synthesis >< Separation, Sanctity >< Shame, Serious >< Sarcasm, Smart >< Stupid,..). “S” là một phần ký hiệu của $ (đồng USD = vật chất), nhưng cũng là chữ đầu của Spirit (= tinh thần).
“S” cũng biểu hiện thế ứng xử linh hoạt / uyển chuyển – cho nên nó có thể không trực tiếp hiện diện bằng thị giác, nhưng luôn để lại dấu ấn và được cảm nhận trong kiến trúc. Vì kiến trúc là một nghệ thuật tổ chức, với bản chất là sự “tổng hòa của các mặt đối lập”, nên phải duy trì sự cùng tồn tại hòa bình của các yếu tố khác biệt, đồng thời kiểm soát mâu thuẫn giữa chúng ở thế cân bằng động để đảm bảo sự ổn định lâu dài. Chỉ nên nhấn mạnh – cường điệu hóa ở một số vị trí quan trọng (tạo ra sự tương phản – đối lập trong phạm vi cục bộ) để thúc đẩy sự phát triển tiếp nối và bền vững. Trong quá trình xây dựng và phát triển ý tưởng, tư duy sáng tạo cần phải sắc bén để đạt tới lý tưởng, cần nhìn thật xa để định hướng hành động, cần mạnh mẽ đến cùng để chi phối biểu hiện. Nhưng đến khi thiết kế – thì nên tránh sự cực đoan mà lùi lại một bước, xử lý linh hoạt/ mềm mại để kiến trúc có cơ hội khả thi, bắt rễ vào hiện thực và gần gũi với cuộc sống.
S-Space là một cái tên Tây, nhưng “S” gợi lên những hình ảnh thân thuộc về Việt Nam – đất nước hình chữ S, về dòng sông quanh co uốn khúc ở mỗi vùng quê. Bản thân Không gian S không khai thác nhiều yếu tố truyền thống, nhưng không thấy nó xa lạ mà vẫn mang hơi hướng một mái nhà chung – mái đình. Có điều tôi không thích cách gọi là “không gian Sinh hoạt cộng đồng”/ “Nhà cộng đồng” theo kiểu Tây (đang rất “hot” nhưng vô danh tính và vô cảm) – Rất may là H&P đã có ý ẩn đi. Cấu trúc “ngoài đóng trong mở” với hình thức mộc mạc này hoàn toàn thích hợp để tải những nội dung nhân văn hơn (VD: Studio Sáng tạo/ không gian Sống / chốn Sinh tồn,..), cụ thể và gần gũi hơn, cho phép con người hiện diện nhiều hơn (VD: Hiệu Sách/ quán trà Sen/ shop Sành điệu/ hiệu đèn Sáng – thậm chí là quán Say/ nhà hàng Sướng), bộc lộ những cá tính đa dạng hơn, những cảm xúc chân thực hơn của cuộc sống đời thường.
Theo TS.KTS. Nguyễn Trí Thành
Khoa Kiến trúc ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc 01-2019)
LIÊN KẾT |