magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Nguyễn Hiền Thư
Cấp 7 - 22999 điểm
CHUYỆN THIẾT KẾ
Các vấn đề về Nhà "siêu mỏng- siêu méo"

A. Hợp khối công trình với thực tiễn ngăn ngừa nhà "siêu mỏng- siêu méo" tại Hà Nội

Nhà “siêu mỏng - siêu méo” là cách nói dân gian về công trình xây dựng trên các ô đất không đủ điều kiện xây dựng công trình, có hình khối ảnh hưởng xấu đến bộ mặt kiến trúc và mỹ quan đô thị, gây bức xúc dư luận xã hội.

Theo Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì ô đất không đủ điều kiện xây dựng công trình là “ô đất còn lại sau khi giải phóng mặt bằng có diện tích nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m và không được phép xây dựng”.

Những năm qua, dù đã có những biện pháp quản lý từ mọi cấp ngành, chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra song trên thực tế tình trạng nhà “siêu mỏng - siêu méo” vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt là các tuyến đường sau khi hoàn thành việc cải tạo, mở rộng đường như tuyến đường Kim Mã xưa hay tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa mới... thì đều vẫn còn tồn tại các ô đất hay dạng công trình “khó xử” này. Đây cũng là điều khó tránh khỏi khi mà các tuyến đường cải tạo mở rộng đi qua khu vực dân cư cũ của đô thị lịch sử ngàn năm tuổi như Hà Nội. Với hoàn cảnh “đất chật người đông”, cuộc sống mưu sinh phụ thuộc nhiều vào việc “bám" mặt đường nên giá trị đất thực sự là “tấc đất - tấc vàng”.

Trong một tương lai không xa, để xây dựng đô thị văn minh, chấm dứt hoàn toàn tình trạng mà báo chí tốn giấy mực nêu “Đường - Thành phố, Phố - Nhà quê” thì chắc chắn các thành phố sẽ thực hiện phương thức quy hoạch đồng bộ tuyến đường và dải đất hai bên đường đảm bảo “đường ra đường, phố ra phố”, xứng đáng “đồng tiền bát gạo” bỏ ra mở đường như cách làm thành công của thành phố Đà Nẵng. Trước đây, Hà Nội cũng đã quy hoạch theo phương thức này khi nghiên cứu dự án mở đường Trần Khát Chân, nhưng do việc quản lý xây dựng theo quy hoạch lại chưa được kiểm soát chặt chẽ nên cuối cùng mong muốn vẫn chỉ nằm trên bản vẽ.

Trong phạm vi bài viết này xin chỉ bàn đến biện pháp xử lý nhà “siêu mỏng - siêu méo” - hậu quả của việc dự án mở đường không bao gồm dải đất hai bên đường. Đây là một bài toán đô thị tuy khó nhưng cũng không phải là không có lời giải đáp mà trong đó, biện pháp hợp khối công trình xây dựng trên các ô đất không đủ điều kiện xây dựng là một cách làm hợp lý.

Cách đây hơn một thập kỷ, ngày 21/7/1997 UBND Thành phố đã có Quyết định số 276/QĐ-UB quy định tạm thời về cải tạo, chỉnh trang phần công trình còn lại sau khi tháo dỡ, giải phóng mặt bằng mở đường giao thông theo quy hoạch, nêu rõ: “Trường hợp diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng công trình thì dù quy hoạch chi tiết xác định là công trình công cộng hay nhà ở, chủ sử dụng có hay không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, UBND Thành phố cũng sẽ thu hồi để chỉnh trang, xây dựng theo quy hoạch” và giao “UBND quận, huyện nơi có đất bị thu hồi ra quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc tạo điều kiện để cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân chuyển nhượng, chuyển đổi quyền sử dụng đất để hợp khối xây dựng theo quy hoạch” (Điều 9 - Quyết định số 26/2005/QĐ-UB ngày 18/02/2005 của UBND Thành phố) 
Thế nhưng, trên thực tế thì giải pháp hợp khối công trình xây dựng trên các ô đất không đủ điều kiện xây dựng không phải lúc nào cũng thực hiện được.

Những vị trí cần hợp khối công trình

Quan điểm chung bao trùm là tất cả các công trình trên tuyến đường mới mở nếu có điều kiện thì nên hợp khối công trình, đặc biệt ở các vị trí sau:

  • Công trình là chủ thể, điểm nhấn trong không gian hay trên tuyến đường;

  • Công trình có tầm nhìn quan sát tốt;

  • Công trình tại nút giao lộ, trên lối dẫn chính, cửa ngõ đô thị.

Những ô đất không thể xây dựng hợp khối công trình 

1. Vị trí ô đất sau khi giải phóng mặt bằng có một phía là đường mới mở và phía sau là giao thông nội bộ. Nếu thực hiện hợp khối công trình với lớp nhà phía trong thì không thể xây dựng công trình “bắc cầu” từ lớp trong qua ngõ và “vươn” tới ô đất phía ngoài được. Việc “quay” sang hợp khối với công trình liền kề không phải lúc nào cũng thực hiện được nếu giải pháp thiết kế của công trình liền kề đã hoàn chỉnh hoặc đã bố trí khu phụ hay chiếu nghỉ cầu thang, không thể liên thông sử dụng.  

Dạng ô đất này nên theo giải pháp: Thu hồi đất, mở rộng đầu nút giao thông nội bộ, tổ chức không gian bố trí bảng tin, bảng chỉ dẫn hay biển hiệu tên ngõ hay ý nghĩa tên phường; biểu tượng, tượng tròn của cụm dân cư khu vực. 



2. Kích thước ô đất nhỏ, kích thước chiều sâu nhỏ hơn 2m; vị trí gần bến xe bus hay các khu nhà tập thể, chung cư. Tại đây không nên hợp khối vì sẽ tạo công trình siêu mỏng cũng không xây tường rào mà nên tổ chức trồng cây bóng mát, trông giữ các phương tiện xe đạp, xe máy cho khách khi trung chuyển sử dụng phương tiện xe bus hoặc khách của chung cư; bố trí vòi nước sạch công cộng (có thể uống), họng cứu hỏa, ghế nghỉ, trạm điện thoại... 



3. Ranh giới ô đất lớp ngoài và lớp nhà phía trong không song song hoặc không trùng nhau. Đối với dạng ô đất này không thể hợp khối công trình vì sẽ tạo nhà siêu mỏng. Nếu là tính chất chung của cả dãy thì nên bố trí thành điểm đỗ xe hoặc kết hợp thành bến xe bus nếu phù hợp. 



Kiểm soát việc thực hiện hợp khối công trình

1. Giải quyết vấn đề xã hội: Việc thoả thuận của các hộ dân liên quan (lớp trong và lớp ngoài) là trở ngại lớn nhất và khó khăn nhất để thống nhất hợp khối công trình. Nếu cứ trông chờ vào sự thoả thuận mà không có sự can thiệp, điều tiết của cấp chính quyền và đơn vị chức năng thì không bao giờ thực hiện được vì:

- Hộ dân phía ngoài (chủ sở hữu ô đất không đủ điều kiện xây dựng) cố tình xây bịt tường đặc hoặc lớp nhà mỏng để ngăn bịt với mục đích tiếp tục tận dụng lợi thế kinh doanh và để “làm giá” với hộ dân lớp trong;

- Hộ dân lớp trong ung dung “kệ” chính quyền can thiệp, giải quyết xác định giá cả ô đất của hộ lớp ngoài với “niềm tin” chắc chắn ô đất sẽ “thuộc” về họ để xây dựng hợp khối với công trình hiện có của mình mà không “tốn” công sức thoả thuận.

Chính vì cái nhìn khác hẳn nhau của các bên liên quan không thực sự vì sự nghiệp chung trật tự đô thị nên mọi sự thỏa thuận luôn giằng dai thời gian, cộng thêm sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở một số nơi nên các công trình “siêu mỏng - siêu méo” vẫn xuất hiện nhanh chóng, đặc biệt là vào những thời điểm khi mà các lực lượng “có trách nhiệm và chịu trách nhiệm” nghỉ làm việc như cuối tuần, lễ tết, buổi đêm...

2. Sự phối hợp kịp thời và đồng bộ của các đơn vị chức năng là vô cùng cần thiết để tháo gỡ các vấn đề liên quan khác, nảy sinh do:

- Dự án mở rộng tuyến đường không bao gồm các ô đất không đủ điều kiện xây dựng công trình nên muốn thu hồi các ô đất này phải lập dự án riêng;

- Giá trị ô đất thời điểm trước và sau khi thực hiện dự án mở đường chênh lệch quá lớn;

- Các hộ có ô đất nhỏ lẻ lại không đủ điều kiện tái định cư tại nơi ở mới nên bắt buộc họ phải bằng mọi giá xây dựng được công trình với quy mô tối đa trên ô đất còn lại sau giải phóng mặt bằng.

3. Quy định các bước thực hiện việc để hợp khối công trình: Đã có nhiều ý kiến đề xuất theo trình tự sau:

- Bước 1: Khuyến khích các hộ dân tự nguyện thoả thuận việc chuyển nhượng, chuyển đổi quyền sử dụng đất để hợp khối xây dựng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt và điều lệ quản lý kiến trúc kèm theo (thời hạn thỏa thuận xong trước khi hoàn thành dự án mở đường);

- Bước 2: Trong trường hợp không tự thoả thuận và không thực hiện đúng các quy định  pháp luật của Nhà nước và Thành phố thì UBND các quận huyện tổ chức thu hồi các ô đất này theo Điều 9 - Quyết định số 26/2005/QĐ-UB ngày 18/2/2005 của UBND thành phố Hà Nội với mức giá đền bù bằng mức giá đền bù các ô đất tương tự áp dụng chung cho cả Dự án;

- Bước 3: Sau khi thu hồi các ô đất này, UBND quận huyện lên phương án sử dụng, ưu tiên chuyển nhượng cho hộ dân phía trong hoặc liền kề (nếu có nhu cầu để hợp khối) theo giá trị đất của tuyến đường mới mở. Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất có trách nhiệm xác định giá trị của ô đất sau khi mở đường.   

Nếu hộ dân phía trong (hoặc liền kề) không có nhu cầu sử dụng ô đất này, UBND quận huyện có trách nhiệm tổ chức quản lý ô đất sử dụng vào mục đích công cộng theo đúng quy định về quy hoạch kiến trúc, đảm bảo văn minh và đạt hiệu quả thẩm mỹ đô thị.

Những lưu ý khi hợp khối công trình

- Khi xem xét cấp phép xây dựng, các quận huyện tính toán kích thước tổng thể công trình hợp khối để đảm bảo tỷ lệ khối không gian 3 chiều: rộng, dài và cao của công trình, nhằm ngăn chặn khối công trình dạng “siêu mỏng - siêu méo”;

- Mặt tiền của từng chủ sở hữu riêng trong một công trình hợp khối phải thống nhất về kiểu dáng, ngôn ngữ kiến trúc chung (cốt cao độ, phân vị ngang, phân vị đứng, màu sắc, chiều rộng và độ vươn của ban công...);

- Tùy vào độ sâu ô đất (từ mỏng đến dày) mà xây dựng công trình giật cấp cao dần lên. Như vậy sẽ tránh được hiện tượng công trình siêu mỏng (hiện nay tình trạng công trình hợp khối có độ cao đều nhau bất kể chỗ đất mỏng hay dày).  



Cơ chế thực hiện việc hợp khối công trình 

- Chính quyền địa phương phường xã, thị trấn là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong việc quản lý ngăn chặn và xử lý kịp thời dạng công trình này;

- Chế tài xử lý vi phạm trật tự xây dựng phải được các đơn vị có trách nhiệm thực thi nghiêm túc như đã được quy định cụ thể: Đối với các công trình cố tình xây dựng trên đất không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, trong thời gian chuẩn bị tiến hành thực hiện thu hồi hoặc cưỡng chế phá dỡ sẽ không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và sở hữu nhà, không được chấp thuận mua bán, chuyển dịch nhà và đất. UBND phường, xã, thị trấn phải kịp thời lập hồ sơ hành vi vi phạm báo cáo và đề xuất UBND quận, huyện quyết định xử lý theo thẩm quyền; đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện, nươớc, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác đối với những công trình này;

- Các chủ sở hữu ô đất phải cam kết bằng văn bản trước khi cấp giấy phép xây dựng công trình trong việc hợp khối và thi công đồng thời. Trong trường hợp không khởi công đúng thời hạn cam kết hoặc thi công sai thiết kế được cấp phép phải thu hồi ngay giấy phép xây dựng và xử lý công trình sai phạm kịp thời và triệt để;

- Chính quyền quận huyện quy định một đơn vị thi công toàn bộ công trình hợp khối để đảm bảo kiểm soát việc thi công đồng thời và kiến trúc thống nhất;

- Tổ chức thi sáng tác ý tưởng về chức năng sử dụng và tổ chức không gian các ô đất không đủ điều kiện xây dựng; đề xuất hình thức công trình hợp khối ở các vị trí quan trọng trên tuyến đường, nút giao thông...

Xây dựng đô thị đẹp phải bắt đầu từ từng tuyến phố văn minh, trong đó có việc xóa bỏ, xử lý hiện tượng nhà “siêu mỏng - siêu méo” đã gây nên tình trạng lộn xộn, thiếu thẩm mỹ trong kiến trúc và xây dựng. Đây vừa là chủ trương của Nhà nước và Thành phố, vừa là mong muốn và mối quan tâm thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô. Tuy nhiên, để thực hiện mong muốn này trong điều kiện thực tiễn khi trình độ phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội, kinh nghiệm và tri thức quản lý còn chưa cao là một việc khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo thường xuyên và lâu dài của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và toàn xã hội. Nhưng để hướng tới một đô thị văn minh, trật tự, có kiểm soát đặc biệt là đối với đô thị với tính chất đặc thù của Thủ đô thì việc quản lý các công trình này là vấn đề khó, nhưng không thể không làm và không phải là không làm được nếu tất cả mọi người đều quyết tâm vì việc chung của đô thị.

Thời gian qua, việc lớn như kiên quyết xử lý các công trình cao tầng xây dựng sai phạm tuy khó khăn nhưng Hà Nội đã quyết tâm và việc triển khai đã đem đến những dấu hiệu tích cực, làm chuyển biến nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân thì việc xử lý triệt để nhà “siêu mỏng - siêu méo” nếu quyết tâm chắc chắn cũng thành công, góp phần lập lại kỷ cương trật tự xây dựng./. 

Theo KTS Nguyễn Phú Đức

B. Nhà siêu mỏng: trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương

Với dạng nhà siêu mỏng, siêu méo, theo báo cáo của 14 /29 quận, huyện ở Hà Nội  đã có tới 172 trường hợp; TP Cần Thơ cũng có tới 128 trường hợp và TPHCM tuy chưa có con số thống kê nhưng chắc chắn con số cũng không nhỏ.  

Dư luận  bức xúc trước sự lúng túng, bất lực và không loại trừ khả năng bao che của chính quyền địa phương. 

Địa phương nào cũng có chế tài 

 

Ngoài các quyết định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, thì TP nào hầu như cũng có những chỉ thị rất cụ thể để đảm bảo về trật tự xây dựng. Thí dụ, UBND TP Hà Nội có chỉ thị 02 (2/2009) về tăng cường công tác quản lý xây dựng, trong đó nêu rõ trách nhiệm của chính quyền phường: Phải có trách nhiệm kiểm tra, quản lý sau cấp phép xây dựng, kiểm tra điều kiện khởi công công trình và đặc biệt là ngăn tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng. Trong chỉ thị 24 (tháng 8/2009) của UBND TP Hà Nội cũng có chế tài rất rõ: Nếu chính quyền địa phương, cá nhân, tập thể mà dung túng trong vấn đề xây dựng không phép, sai phép thì đều phải xử lý. Còn UBND TPHCM ban hành Quyết định 04 ngày 17/1/2006, theo đó nếu diện tích đất không đủ chuẩn (tức nhỏ hơn 36m2) thì công trình sẽ bị khống chế tầng cao và quy mô xây dựng.

  • Ảnh bên : Theo thời gian, nhà siêu mỏng, siêu méo không những không giảm bớt mà có xu hướng tăng lên theo các con đường mới mở. 

Còn theo điều 6, Quyết định 135 ngày 8/12/2007 của UBND TPHCM, nếu lô đất tại mặt tiền đường có diện tích từ 15m2 đến dưới 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép xây dựng mới tối đa 2 tầng... Tuy nhiên trên thực tế, những nhà siêu mỏng vẫn vô tư nghiêng ngả giữa mặt phố lớn của cả hai TP lớn nhất nước. Dù rằng, riêng Hà Nội và TPHCM có lực lượng thanh tra xây dựng xuống tới tận cấp phường, xã. Vậy đâu là lý do? 

Còn tại TP Cần Thơ, tại kỳ họp lần thứ 20 HĐND mới đây, trả lời chất vấn, ông Mai Như Toàn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: “Tình trạng nhà siêu mỏng phát sinh do thời gian qua thành phố tiến hành chỉnh trang đô thị, cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới các tuyến đường”.  Vậy, phải chăng các quyết định, cơ chế, chính sách của Nhà nước về trật tự xây dựng chưa chặt chẽ hay chính các cấp chính quyền buông xuôi? 

Trách nhiệm của địa phương 

Trao đổi với PV về vấn đề này, TS Phạm Gia Yên - Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, Quyết định số 39/2005 về hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng đã quy định rất rõ: Sau quy hoạch nếu diện tích nhỏ hơn 15m2 hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3 mét thì không được xây dựng. Như vậy nếu chúng ta quản lý tốt thì chắc chắn sẽ không có nhà siêu mỏng kể từ khi QĐ số 39/2005 có hiệu lực thi hành. Nhưng sau đó tình trạng này vẫn diễn ra thì nguyên nhân có nhiều, nhưng trước tiên là do khâu quản lý bị cắt khúc. Ông Yên nhấn mạnh: Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do buông lỏng hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền trong quản lý xây dựng đô thị. 

TS Phạm Gia Yên cho rằng, dựa trên tiêu chí tại QĐ số 39 của Chính phủ, nếu UBND các tỉnh, TP yêu cầu các cấp chính quyền cơ sở tổng hợp có bao nhiêu nhà siêu mỏng trước và sau thời điểm tháng 3/2005 (ngày QĐ số 39 có hiệu lực) thì sẽ hình dung được mỗi tỉnh và cả nước có bao nhiêu nhà siêu mỏng. Chánh thanh tra Bộ Xây dựng nhận xét: “Những con số này là cơ sở để xử lý những vị có trách nhiệm, thẩm quyền, có trách nhiệm mà không thể chối cãi được. Và có như vậy, chắc chắn nhà siêu mỏng không dám mọc lên nữa”. 

(Theo Lao Động

C. Từ nhà siêu mỏng đến bài toán thiết kế đô thị 

Dư luận hiện nay đang quan tâm đến việc chỉnh trang đô thị, trong đó vấn đề nhà siêu mỏng trên các trục đường mới mở gây nhiều phản cảm, bức xúc về thẩm mỹ đô thị. Nhưng bài viết này xin được nhìn vấn đề “nhà siêu mỏng” dưới một vài góc độ khác, để bài toán thiết kế đô thị không dừng lại ở chuyện nhà mỏng hay dày, to hay nhỏ, nên hay không nên. 
 

Theo nghiên cứu về chính sách đô thị của TS Võ Kim Cương, chính quyền đô thị cần chú trọng bốn giải pháp trọng yếu, gọi tắt là 4I, đó là infratructure: cơ sở hạ tầng;incentives: kích thích, khuyến khích; interdiction: ngăn cấm hạn chế; và information: thông tin. Xét về bản chất thì Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đóng vai trò kích thích và tạo hành lang pháp lý thông suốt, chứ không nên gây ra tình trạng thiếu chủ động, thiếu thông tin trong chỉnh trang đô thị, dẫn đến cơ chế xin – cho rất phổ biến như hiện nay. Nhiều người đang tự hỏi: những ngôi nhà siêu mỏng kia phải có tính hợp pháp nào đó mới có thể được xây lên như thế chứ! Có xin, có cho thì ắt có xây, có tồn tại và có bất cập.

  • Ảnh bên : Nhiều ngôi nhà riêng lẻ dù cố gắng thế nào để “trang điểm” cho mình cũng không thể tạo nên một dãy phố có thẩm mỹ hoàn chỉnh

 

Sự tồn tại của những căn nhà siêu mỏng hiện nay vừa là hiện thực khách quan vừa là kết quả chủ quan, vừa kiểm soát được (trong một mức độ nào đó, ví dụ như giấy tờ sở hữu, thực tế hiện hữu) nhưng cũng vừa không kiểm soát được. Vì đây là vấn đề tương quan với chung quanh, chứ không phải lỗi nằm ở mấy căn nhà đơn lẻ đó. Khi cả tuyến phố cỡ toàn nhà rộng 5m mà nhà anh chỉ rộng dưới 2m thì gọi là nhà mỏng. Nhưng khi cả tuyến phố toàn nhà nhỏ cỡ ngang 2m đến 3m và sâu chưa đến 6m nằm san sát nhau thì sẽ chẳng tìm thấy nhà nào thuộc diện siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu méo cả! Và nhìn rộng ra, vô vàn những ngôi nhà khác siêu dày, siêu dài, siêu hoành tráng… cũng đều chung một kiểu: vừa kiểm soát được lại vừa không kiểm soát nổi về thẩm mỹ. Ai dám bảo là một ngôi nhà to lớn được đầu tư kỹ lưỡng không “cắn xé” thẩm mỹ đô thị, hãy nhìn toà nhà “hàm cá mập” bên hồ Hoàn Kiếm xem nào!


Chỉ nhìn riêng đến chủng loại vật liệu và cách thức làm mái nhà cũng đủ hoa mắt chóng mặt rồi. 

Hiện nay mọi người đều biết là về mặt thẩm mỹ và cảnh quan thì bản vẽ xin phép xây dựng nhà ở tư nhân (BVXP) là… không có gì cả! Người thiết kế và gia chủ được “bật đèn xanh” theo hướng dẫn: cứ làm đúng các quy định về cao tầng, lộ giới, khoảng bancông đưa ra… còn bên trong và mặt tiền thì tự do bố trí! Tức là BVXP cũng đâu có thể hiện được sự quan tâm đến không gian sống và thẩm mỹ đô thị, mà chỉ là những sơ đồ thể hiện sự “chặt trước lùi sau”. Nhiều người bảo như thế là mềm rồi đó, là dễ cho người dân mà. Nhưng thực tế đã chứng minh người dân xoay xở như thế nào, với đủ kiểu dáng đủ màu sắc. Đa số gia chủ khi xây nhà đều nói: xin phép vậy thôi chứ tôi sẽ lấn, sẽ sửa, sẽ thêm bớt, sẽ làm khác, xung quanh ai cũng vậy cả. 

Nếu mở rộng ra chuyện cảnh quan trục phố thì cần đặt câu hỏi: chẳng lẽ cảnh quan đô thị chỉ là những nhìn ngắm loanh quanh ở các trục phố chính, còn nhà trong hẻm, nhà trong đường nội bộ, khu phố cũ… thì sao? Dẫu biết rằng điều kiện kinh phí luôn nan giải, rằng đẹp mấy ngày tết, đẹp ở trục ngoài là tốt lắm rồi, rằng nên làm kiểm soát thẩm mỹ đô thị thí điểm ở tuyến này tuyến kia… Nếu cứ tư duy theo kiểu tốt khoe xấu che như vậy thì sẽ dẫn đến các luật lệ, hạn chế, cấm đoán cũng theo cách nhìn tương ứng. Ngày 25.5 sắp tới, nghị định về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ chính thức có hiệu lực, với nhiều quy định cụ thể về các tính chất của bộ mặt công trình trên các tuyến phố… Nhưng hiện nay giới chuyên môn cũng như người dân đều phát biểu rằng khá chung chung, không dễ thực thi. Và đã gọi là mỹ quan chung thì có tính đến dây điện lằng nhằng, mái ngói mái tôn mái bằng khấp khểnh lồi ra thụt vào, rồi bệnh nhại cổ – phục cổ – sao chép cổ tràn lan, rồi nhà như cái cột quảng cáo khổng lồ, bít kín hết mặt ngoài… thì tính thế nào? Dẹp nhà siêu mỏng, có thể sẽ dẹp được đấy, nhưng còn những ngôi nhà siêu lãng phí, siêu cóp nhặt, siêu bít bùng khác thì sao?


“Shop thời trang” trong các khu nhà trọ công nhân: tốt khoe mà xấu cũng khoe luôn! 

Suy cho cùng, nhà siêu mỏng chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện bất cập của công tác quản lý đô thị và phát triển đô thị hiện nay, đừng “chụp” lên nó nhiều tội lỗi nữa, mà hãy quan sát vấn đề mang tính rộng hơn. Chừng nào một thiết kế đô thị chuẩn và thiết chế cho thẩm mỹ công cộng còn chưa được quan tâm đúng mức và xem như việc cấp thiết, thì chừng đó vẫn chưa thể giải quyết được gốc rễ vấn nạn bộ mặt đô thị luôn vụn vặt và thiếu bản sắc như hiện nay. 

Tôi lo rằng đến một lúc nào đó, ngôi nhà phố của mình có chiều ngang rộng 6m cũng sẽ bị coi như “nhà siêu mỏng” khi đứng cạnh những cao ốc hoành tráng đang xây chen trong đô thị hiện nay. Lúc đó nhà tôi sẽ ra sao nhỉ?

 
Dãy phố bên Singapore: sự đồng điệu và nhất quán làm nên thẩm mỹ chung mà không quá cầu kỳ tốn kém phức tạp

 
Các dãy phố mặt tiền Đà Lạt cho thấy một tập hợp lô xô nhà ống đang phá hỏng cảnh quan thành phố ngàn thông. Độ mỏng hay dày của từng ngôi nhà ở đây không còn ý nghĩa nữa, mà sự hỗn tạp và khấp khểnh mới là vấn đề cần bàn. 


Theo Asui.com

| 4222 Lượt xem
Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ