magazine
Tạp chí kiến trúc cảnh quan
Thẻ
Canhquan.net
Cấp 6 - 7732 điểm
CHUYỆN THIẾT KẾ
Kiến trúc cảnh quan đô thị Đà lạt dưới góc nhìn nghệ thuật và xã hội học

GÓC NHÌN XÃ HỘI HỌC

Tóm tắt
Trải qua hơn một thế kỷ, di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt cùng với lịch sử hình thành và phát triển độc đáo của nó đã trở thành một tài sản vô giá và có ý nghĩa đặc biệt, với hiện tại và cả trong tương lai. Trong bối cảnh kiến trúc và đô thị phát triển, diện mạo Đà Lạt đang thay đổi, không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Do đó, việc nghiên cứu thấu đáo, đánh giá khách quan trên cơ sở khoa học các giá trị di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt; Từ đó nhận diện quy luật và định hướng cho sự phát triển kiến trúc – cảnh quan đô thị cho Thành phố trong tương lai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là việc làm cần thiết. Dưới góc độ xã hội học đô thị, dựa trên khảo sát với 4 nhóm đối tượng, nghiên cứu đã cung cấp những đánh giá khách quan (có tính định lượng) về kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt và một cái nhìn tổng quan về thực trạng của các đối tượng nghiên cứu.

Không gian cảnh quan và các công trình kiến trúc lấy hồ Xuân Hương là trung tâm (nguồn: tư liệu tác giả) 

Không gian cảnh quan và các công trình kiến trúc lấy hồ Xuân Hương là trung tâm (nguồn: tư liệu tác giả)

1. Kiến trúc – Cảnh quan đô thị Đà Lạt
Những giá trị lịch sử, tự nhiên và văn hóa
Đà Lạt có lịch sử hình thành và phát triển khá thú vị, khởi nguồn từ một vùng đất hoang sơ – nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, trong đó, người Lạch (Lat) chiếm đa số. Chính vì vậy, ý nghĩa của tên gọi Đà Lạt bắt nguồn từ cụm từ “suối của người Lạch”, dựa theo phiên âm nguyên gốc là “đạ-Lạch”, trong đó “đạ” theo ngôn ngữ của người Lạch là “nguồn nước”.

Sự phát hiện tình cờ của bác sĩ Alexandre Yersin, trong một chuyến thám hiểm vào ngày 21/6/1893, đã mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển của Thành phố Đà Lạt trong 120 năm qua. Do khai thác tốt các cơ hội do lịch sử mang lại và những giá trị do thiên nhiên ban tặng, Đà Lạt hiện nay là đô thị loại I, trung tâm của tỉnh Lâm Đồng, có nhiều tiềm năng về kinh tế – xã hội và giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị. Với nhiều cảnh quan ngoạn mục và độc đáo, kết hợp với các lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên nhân văn đa dạng, không gian kiến trúc đặc trưng giàu bản sắc, Thành phố đã tạo ra ưu thế nổi trội về phát triển du lịch trong phạm vi khu vực và quốc tế. Thành phố Đà Lạt cũng đang đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa với việc gìn giữ và phát huy các giá trị vốn có: Giá trị của thiên nhiên ban tặng và giá trị của kiến trúc – cảnh quan đô thị mà nhiều thế hệ người dân Đà Lạt mang nhiều quốc tịch khác nhau đã góp sức xây dựng.

Giá trị di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt đã được khẳng định từ giới chuyên môn và nhận được sự quan tâm sâu sắc của xã hội. Đó là đặc thù về hình thái, cấu trúc không gian đô thị dựa trên địa hình cảnh quan, sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự nhiên với văn hóa và phong cách kiến trúc châu Âu, chủ đạo là kiến trúc và quy hoạch đô thị theo kiểu Pháp. Đó là quỹ kiến trúc phong phú và có giá trị nổi trội với hệ thống các công trình ở nhiều thể loại phong phú, ghi dấu ấn về sự tiếp nhận những trào lưu, xu hướng kiến trúc thế giới trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, với những giá trị của tự nhiên và văn hóa bản địa, để hình thành một không gian kiến trúc – cảnh quan đặc sắc cho thành phố cao nguyên.

Quá trình thực nghiệm khảo sát, điều tra xã hội học
Nhằm cung cấp một góc nhìn khách quan, dựa trên ý kiến từ nhiều đối tượng khác nhau, hướng tới những thông số mang tính định lượng khi đánh giá về thực trạng kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm phương pháp khảo sát, điều tra xã hội học về đối tượng nghiên cứu. Tất cả làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt. Khảo sát được thực hiện trong 2 năm 2011 và 2012.

Nội dung khảo sát gồm 3 phần:
Phần I: Giá trị di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt: Đánh giá các yếu tố hình thành giá trị, những đặc trưng nổi trội của kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt, những phương thức, quy luật vận động hình thành giá trị của đối tượng nghiên cứu.

Phần II: Thực trạng và kỳ vọng: Đánh giá về thực trạng, xác định nguyên nhân tác động, ảnh hưởng đến kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt; Những kỳ vọng, mong muốn của công chúng, nhà chuyên môn và khả năng vận dụng các phương thức thích hợp để bảo tồn giá trị kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt.
Phần III: Phát triển bền vững các giá trị kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt: Đánh giá những tác động, ảnh hưởng của quá trình phát triển đô thị và biến đổi khí hậu đến kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt, xây dựng giải pháp để phát triển bền vững đối tượng nghiên cứu.

Khảo sát nhận được 244 phiếu trả lời – một số lượng không lớn và do vậy các kết quả điều tra chưa đủ sức thuyết phục cũng như độ tin cậy, song dù sao qua đó phần nào cũng có thể giúp các nhà quản lý, chuyên môn định hướng tốt hơn cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị Di sản kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Lạt.

2. Những kết quả từ cuộc khảo sát, điều tra xã hội học
Thực trạng kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt
Khái quát về thực trạng kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt
Tỷ lệ lớn các ý kiến khảo sát cho rằng: Các công trình kiến trúc có giá trị, không gian cảnh quan đô thị và khí hậu, cảnh quan tự nhiên của Đà Lạt có những biểu hiện bị xuống cấp / phá hủy. Trong đó, 68,2 % cho rằng các công trình kiến trúc có giá trị tại Đà Lạt đang trong tình trạng này và có đến 12,5% cho rằng đã xuất hiện những biểu hiện đáng ở mức đáng báo động. Với không gian, cảnh quan đô thị và khí hậu, cảnh quan tự nhiên của Đà Lạt, mức cảnh báo đáng báo động về hiện trạng lần lượt là 28,7% và 29,9%. Các chỉ số đánh giá ở mức “tồn tại và hoạt động bình thường” là thấp nhất – Đó chính là điều đáng quan tâm với công tác bảo tồn và phát triển bền vững di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt.
Nguyên nhân của thực trạng trên
Phần lớn ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu của thực trạng nêu trên là Hậu quả tất yếu của quá trình phát triển đô thị, những Bất cập trong quản lý, bảo tồn, sử dụng và Định hướng quy hoạch xây dựng phát triển đô thị chưa phù hợp, với các tỷ lệ đồng ý lần lượt là 66,7% – 81,5% và 76,7%. Hai nguyên nhân tiếp theo: do quá trình Phát triển kinh tế, xã hội mất cân đối và Sự biến đổi của môi trường tự nhiên được xem là nguyên nhân thứ yếu với mức độ tán thành lần lượt 65,1% và 74,1%.
Đánh giá tác động của quá trình phát triển đô thị hiện nay đến di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt
Về mức độ ảnh hưởng của quá trình phát triển đô thị nhanh chóng đến di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt, tỷ lệ đồng thuận cao nhất cho rằng rất đáng phải quan tâm với 62,5% và thực sự nghiêm trọng là 34,1%.
Trong đó, những tác động đến kiến trúc công trình được nhận định trong bảng sau:
Đồng thời, những tác động ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan đô thị thể hiện ở sự thu hẹp, hạn chế không gian và biến dạng, lấn át được xác định ở mức nghiêm trọng với tỷ lệ lần lượt là 56,0% và 54,7%. Tình trạng không gian, cảnh quan đô thị bị biến dạng, lấn át ở mức rất nghiêm trọng chiếm 26,7% đồng thuận.

Kỳ vọng của công chúng về đô thị Đà Lạt trong tương lai
Một đô thị hiện đại nhưng vẫn hài hòa và khai thác tốt các giá trị di sản cho sự phát triển kinh tế, xã hội là kỳ vọng mạnh mẽ nhất của công chúng, với tỷ lệ đến 76,1%; Trong khi đó, mong muốn đô thị mang phong cách kiểu phương Tây, bảo tồn nguyên trạng các giá trị di sản vốn có chỉ chiếm 37,5% đồng thuận (lưu ý: được lựa chọn nhiều phương án khảo sát). Đây cũng chính là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt.
Các yếu tố hình thành, giá trị và đặc trưng nổi trội của di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt
Các thành tố hình thành di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt
Hai yếu tố cơ bản tạo nên di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt: Kiến trúc công trình và Không gian, cảnh quan đô thị đã được nhận diện bằng các giá trị định lượng Trong đó, một số thông số định lượng đáng chú ý:
– Có 77,5% người được khảo sát cho rằng Kiến trúc công trình tham gia hình thành di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt, có 44,8% trong số đó đánh giá yếu tố này ở mức độ “hấp dẫn”.
– Tỷ lệ 84,4% phiếu trả lời cho rằng thành tố Không gian, cảnh quan đô thị tham gia hình thành di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt và có 47,9% trong số đó đánh giá yếu tố này ở mức độ “có phong cách riêng đặc sắc”.
– Đánh giá chung: có 50,3% phiếu khảo sát cho rằng cả hai yếu tố trên cùng tham gia hình thành di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt.

Như vậy, có thể khẳng định di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt hình thành từ hai thành tố cơ bản: Kiến trúc công trình và Không gian, cảnh quan đô thị, trong đó, yếu tố thứ hai được đánh giá quan trọng, có phong cách riêng. Điều này hoàn toàn thống nhất với các đánh giá “định tính” trong các nghiên cứu trước đây.

Đặc trưng nổi trội của di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt
Ở vấn đề này, tất cả các phiếu trả lời đều thống nhất đặc trưng nổi trội của di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt đạt mức độ “hài hòa, hợp lý” từ từng đặc trưng riêng lẻ đến tổng thể. Đáng chú ý, đặc trưng Kiến trúc khai thác hiệu quả yếu tố tự nhiên, có 29,4% phiếu cho rằng đặc trưng này “đạt đến sự thống nhất cao”.

Các yếu tố trong lịch sử làm nên giá trị kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt
Đây là nội dung khảo sát đã nhận được sự thống nhất cao: Ý tưởng quy hoạch độc đáo cho Đà Lạt ở các giai đoạn trước đây, đạt tỷ lệ 85,1%. Đặc biệt, yếu tố địa hình, khí hậu tự nhiên đạt tỷ lệ 93,7%; đồng thời cũng được nhận định là yếu tố “rất quan trọng” với kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt, với 65,2% người đồng ý nêu trên lựa chọn.

Kết quả đánh giá định lượng trong vấn đề này khẳng định và củng cố các kết quả nghiên cứu lý thuyết của các phương pháp nghiên cứu “định tính” trước đây, là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng lý luận để phát huy, tiếp nối các giá trị vốn có của di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt.
Các quy luật tiếp biến văn hóa và kiến trúc có ý nghĩa và chi phối tiến trình phát triển của kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt
Đây là một trong những vấn đề quan trọng vì nếu nắm bắt được các quy luật trong tiến trình phát triển của sự vật hiện tượng, sẽ có thể điều chỉnh, dự báo được diễn biến và những xu hướng phát triển trong tương lai. Người viết nhận diện các giá trị kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt hình thành dựa trên 3 quy luật chủ yếu, căn cứ vào những yếu tố khác nhau của văn hóa và kiến trúc Đà Lạt.
Kết quả khảo sát phản ánh sự quan tâm và đồng thuận ở mức cao với 3 quy luật trên, cụ thể:
– Quy luật bất biến (kiến trúc tuân thủ địa hình, tự nhiên là yếu tố cốt lõi của kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt): đạt tỷ lệ 89%
– Quy luật giao thoa (thể hiện ở sự giao thoa, kết hợp các yếu tố văn hóa, nhiều phong cách kiến trúc tại Đà Lạt): đạt tỷ lệ 87,8%
– Quy luật tiếp biến (tiếp nhận các giá trị văn hóa, phong cách kiến trúc và biến đổi phù hợp với tự nhiên và văn hóa bản địa): cũng có tỷ lệ 87,8%.
Trong đó, Quy luật bất biến nhận được 53,4% trong số phiếu đồng thuận cho rằng đã được thể hiện “rõ nét” trong lịch sử hình thành – phát triển Đà Lạt.

Công trình kiến trúc làm nên giá trị kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt
Với danh sách đề xuất gồm 12 công trình / nhóm công trình tiêu biểu trong lịch sử hình thành – phát triển Đà Lạt, kết quả khảo sát cho thấy: hệ thống các biệt thự Đà Lạt được nhận định là quan trọng, đặc sắc nhất (tỷ lệ 83,4%), đóng góp cho sự đa dạng về thể loại và phong phú về hình thức biểu hiện của kiến trúc Đà Lạt. Công trình công cộng đáng chú ý nhất là Ga xe lửa Đà Lạt, tỷ lệ 73,4%. Đây cũng là những cơ sở quan trọng cho các nhà chuyên môn tham khảo nhằm hoạch định các giải pháp bảo tồn, khai thác các di tích kiến trúc quan trọng của Đà Lạt.
Kết luận

Quá trình thực hiện và kết quả điều tra xã hội học mà đối tượng nghiên cứu là “di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt” đã làm rõ nhiều nhận định, quan điểm từ các nghiên cứu trước đây về di sản kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt. Điều đáng chú ý là các nhận định, quan điểm có tính lý thuyết đã đạt được sự đồng thuận và được “lượng hóa” ở nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Rõ ràng kỳ vọng về đô thị Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại nhưng vẫn hài hòa và khai thác tốt giá trị di sản cho sự phát triển kinh tế – xã hội là niềm mong mỏi của nhiều người dân yêu mến Đà Lạt. Hy vọng, thông qua kết quả này sẽ làm phong phú, tạo nên sự thống nhất các quan điểm, lý luận từ các nghiên cứu lý thuyết, sẽ là những cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc đánh giá khách quan, khoa học giá trị kiến trúc – cảnh quan đô thị Đà Lạt, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững kiến trúc cảnh quan Đà Lạt trong tương lai.

Nguyễn Huy Văn
Khoa Kiến trúc – Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM

GÓC NHÌN NGHỆ THUẬT

Đà Lạt ngày nay đã trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng với hơn 200 ngàn dân. Đà Lạt là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên. Với sự nhất quán trong việc thực thi ý tưởng xây dựng một thành phố cảnh quan, các kiến trúc sư người Pháp đã tạo nên những đặc điểm nổi trội của kiến trúc đô thị Đà Lạt – như quy hoạch đô thị theo bố cục tự do, hạn chế can thiệp vào địa hình, các con phố uốn lượn theo đồi núi và thung lũng, những phân khu chức năng bố trí linh hoạt…

Với lịch sử hơn 100 năm, Đà Lạt tuy không phải một thành phố cổ kính nhưng cũng đã xây dựng được cho mình không ít những công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo. Hầu hết các công trình nổi tiếng của Đà Lạt đều hòa hợp với thiên nhiên, tạo nên những nét chấm phá trong bức tranh cảnh quan thành phố.

Thành phố Đà Lạt được xây dựng trên một vùng cao nguyên với cảnh quan tươi đẹp và khí hậu ôn hòa.

cong-vien-anh-sang 

 Công viên Ánh sáng 

Địa hình nhấp nhô mềm mại của cao nguyên, không gian mặt nước của các suối, hồ, màu xanh của các rừng thông, thảm cỏ …tất cả tạo nên cảnh quan đặc thù của thành phố. Địa hình Đà Lạt chia cắt không gian một cách mạnh mẽ thành những mảng riêng biệt, rõ nét và tạo nên những lớp cảnh quan đa dạng. Với khuôn viên rộng lớn bao trọn cả ngọn đồi, các công trình kiến trúc này là những quần thể kiến trúc quy mô nằm nép mình vào thiên nhiên, ẩn hiện trong màu xanh của rừng thông. Các trung tâm hành chính, văn hóa và thương mại như khu Hòa Bình, đường Trần Phú, đường Phan Đình Phùng… được bố trí trên những ngọn đồi hoặc các không gian rộng rãi, bằng phẳng, vì thế dễ dàng xây dựng hệ thống giao thông với những đại lộ thẳng và ít dốc.

  

  Một góc Hồ Xuân Hương

Trong những thung lũng xen giữa các ngọn đồi của Đà Lạt, rất nhiều những dòng suối nhỏ chảy qua. Kiến trúc sư Ernest Hébrard đã tạo tiền đề quan trọng cho cảnh quan thành phố khi đề xuất xây dựng một chuỗi hồ nhân tạo trong đồ án quy hoạch năm 1923. Từ thời kỳ đó cho tới ngày nay, việc tạo lập các hồ nước vẫn được tiến hành đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố. Các công trình hồ nhân tạo không chỉ đem lại nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn tô điểm cho cảnh hoang sơ và là những trung tâm bố cục để sắp xếp các phân khu chức năng.

Nhìn toàn cảnh, Đà Lạt hiện nay vẫn là một công viên khổng lồ với rừng thông bạt ngàn bao phủ. Nhưng trong trung tâm thành phố, nhiều không gian xanh dần biến mất, nhường chỗ các công trình xây dựng. Những con phố thương mại như đường Phan Đình Phùng, đường 3 tháng 2, đường Nguyễn Văn Trỗi, khu Hòa Bình… hầu như vắng bóng cây xanh, trong khi đó nhiều khu du lịch lại mất đi nét hoang sơ bởi màu xanh tự nhiên bị thay thế bởi những chậu cây cảnh.

Salavn.

Bài viết liên quan
Được phát triển bởi
CÔNG TY CỔ PHẦN KGM VIỆT NAM
Văn phòng Canhquan.net
  Officce: 284/57 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP HCM
  0969 79 76 19 -   [email protected]
LIÊN KẾT             

 

 

 

 

 

 

Copyright © CanhQuan.Net, a member of KGM Vietnam company.
Hộp thư hỗ trợ